Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài: NHỮNG TỤC MÊ TÍN DỊ ĐOAN.

Jean-Baptiste Tavernier*

 Người Đàng Ngoài đặc biệt kính trọng hai loại thầy ma thuật và một bà cốt. Thầy ma thuật thứ nhất là Tay-bou (thầy bói). Người này chuyên đoán hậu vận. Khi họ muốn cưới gả, xây nhà, mua đất hay buôn bán gì đó, họ liền đến xem bói để xem điều tốt xấu ra sao. Thầy bói đón tiếp họ một cách ân cần, rồi bằng một giọng khiêm tốn giả mạo, họ hỏi tuổi người đương cuộc để biết hậu vận của người ấy. Thầy bói liền cầm lên một cuốn sách dầy đến ba ngón tay nằm ngang, trong đó chỉ thấy có hình vẽ người, vẽ thần và các loài vật sống trên mặt đất và dưới nước, những vòng tròn, hình tam giác và hình vuông. Thầy bói mở sách ra đồng thời bỏ vào ba đồng tiền đồng, một mặt có chữ, một mặt không, sau khi đã lắc ba đồng tiền kỹ rồi, thầy bói liền đổ tiền xuống đất. Nếu ba đồng cùng sấp cả thì thầy chả thèm nhìn vào sách nữa, đó là điềm rất xấu cho người đương cuộc. Nếu một đồng sấp hai đồng ngửa, thầy nhìn vào sách nói cho người đương cuộc biết hết mọi chuyện. Nếu ba đồng ngửa cả thì thầy hô lên rằng người trong cuộc là người may mắn nhất.
Người làm ma thuật thứ hai là Thay-phou-thouy (thầy phù thủy) để chữa bệnh. Khi có người ốm đến cầu xin, thầy cầm một quyển sách cũng đầy những hình vẽ như sách của thầy bói, chỉ khác về khổ sách. Sách của thầy phù thủy chỉ dày bằng chiều ngang của ngón tay cái, và dài độ bốn ngón tay, trong sách có nhiều chữ số. Sau nhiều thủ thuật (singerie) để lợi dụng người ốm, thầy phù thủy nói rằng bệnh này do ma làm, cần phải đến cúng và rồi thầy cúng cũng nói với người bệnh rằng là do ma làm và cần phải cúng ma.
Lễ cúng gồm nhiều lễ vật, những người thân của người ốm dâng lên ma hay nói đúng hơn là đưa lên thầy phù thủy một mâm đầy xôi thịt. Nhưng nếu sau khi cúng như vậy mà người ốm vẫn chưa khỏi thì bạn bè thân thuộc của người ốm cùng một số lớn quân lính bắn ba phát súng để đuổi tà ma ra khỏi nhà. Đôi khi thầy phù thủy làm cho người ốm và bà con người ấy tin rằng đó là thần hà bá đã làm cho ốm một khi người ốm là người vùng biển hay vùng sông nước và làm những nghề như thủy thủ, lái thuyền, phường chài. Để cho bệnh nhân khỏi bệnh, thần hà bá không nổi giận nữa và trở về với thủy tề, thầy phù thủy ra lệnh phải lấy vải đẹp của tất cả mọi người trong họ trải từ nhà người ốm đến khúc sông gần nhất, dọc đường, từng quãng lại dựng lên những cái lều trong đó bày đầy các thứ thịt trong ba ngày, xin thần hà bá rút về thủy cung và cúng thần cho đến khi thần đi hẳn.
Nhưng để biết rõ nguyên nhân gây ốm, thầy phù thủy bảo họ phải đi hỏi thầy bói, tức là thầy thứ nhất, và nếu thầy bói trả lời rằng những linh hồn người chết (vì họ tin rằng linh hồn từ người này chuyển sang người khác) đã gây nên bệnh này, thì thầy phù thủy dùng mọi ma thuật để gọi những hồn đó về. Khi thầy đã bắt được những hồn đó rồi, thầy giam nó vào một cái chai đựng đầy nước, cho đến khi nào người ốm khỏi bệnh mới đập cái chai, thế là hồn được thoát đi. Khi người ốm đã khỏi, thầy phù thủy nói cho họ biết nếu hồn đó không bị giam cẩn thận thì không bao giờ họ thoát được bệnh ấy và nhất định sẽ chết.
Người Đàng Ngoài còn có bà ma thuật gọi là Bacoti (bà cốt). Bà ta có nhiều đồng cảm với hồn ma. Nếu bà ta có một cô con gái thì bà liền cúng ngay cho ma từ khi nó mới sinh ra để ma phù hộ và để cho bà ta thông thạo nghề này. Khi người nào đó có con mới chết, muốn biết hồn con ở thế giới bên kia ra sao thì người đó đến tìm bà cốt. Bà ta sẽ kể cho biết rằng hồn sung sướng hay khổ sở. Nhưng thường thì bà cốt nói cho những người mẹ đáng thương đó rằng linh hồn con họ được sung sướng nơi hồn ở và người mẹ phải tự an ủi về tình trạng đó, trừ phi người mẹ lại muốn người ta tin là bà ta thấy con sung sướng thì lấy thế làm đau lòng.
Những mê tín dị đoan của dân tộc này nhiều lắm, có thể viết thành một cuốn sách. Nhưng tôi chỉ kể lại vài tục chính mà thôi. Những thầy đồ cổ học nhìn vào một cái gương để đoán tiền định và tự khoe có thể nói cho những người đến xem rằng họ sẽ trở thành ông gì, bà gì, công việc của họ thuận lợi như thế nào.
Cũng có người dâng rượu cho người chết, tưới rượu lên hài cốt; họ chỉ làm vậy đối với tổ tiên để họ phù hộ cho được khỏe mạnh giàu sang.
Có những người hôm mồng một tết lấy vôi vẽ những hình tròn, vuông, tam giác ở trước cửa. Họ bảo rằng những hình đó làm ma quỷ phãi lánh xa, nhất là hình tam giác làm cho chúng sợ nhất.
Có người xem bói chân gà để biết điềm tốt hay xấu. Có những người đi về vùng thôn quê, nếu hắt hơi một lần thì họ phải trở lại nơi bắt đầu ra đi, nói rằng nếu họ đi xa hơn nữa thì nhất định se gập phải những điều không may. Nhưng nếu họ hắt hơi hai lần thì họ tiếp tục đi một cách vui vẻ, chẳng sợ gì nguy hiễm trong ngày hôm đó cả.
Lại có những người mê tín quá mức, nếu ra khỏi nhà mà gập một người đàn bà thì liền trở lại nhà, 2, 3 giờ mới lại đi, vì họ tin rằng nếu đi xa hơn nữa thì họ sẽ gập điều không may. Nếu họ gập một người đàn ông thì lại là một điềm tốt.
Thứ quả đầu tiên mà họ hái buổi đầu năm là quả cam. Nó cũng là thứ quả đầu tiên họ ăn một cách trang trọng trong tuần trăng thượng tuần thánh hai. Có kẻ như bị ma quỷ ám ảnh đem bỏ thuốc độc vào thứ quả đó và làm như thế nào cho một đứa trẻ ăn quả cam đó, họ tin rằng nếu đầu độc được một người như thế thì suốt năm may mắn.
Khi có nguyệt thực, họ nói rằng đó là một con rồng đánh nhau với mặt trăng và cố ăn mặt trăng. Để đánh đuổi con rồng, cứu lấy mặt trăng, tất cả mọi người ai có súng thì bắn hay đánh chuông đánh trống. Trong khi đó thì nguyệt thực qua dần, vì thế họ tin là họ đã giải thoát được mặt trăng, cho nên họ rất hoan hỉ, tưởng chừng như đã thắng kẻ thù trong một trận đánh oanh liệt.
Họ cũng tin vào những giờ trong ngày và đêm. Họ chia một ngày thiên nhiên tức là cả ngày lẫn đêm ra làm 12 giờ, rồi họ gọi mỗi giờ bằng một cái tên như hổ, sư tử, gấu **, ngựa, rồng, khỉ ... Những tháng và ngày đều cùng mang tên như vậy. Khi đẻ một đứa con, người cha và bà con liền xem ngay tên con vật của giờ sơ sinh, và tin rằng con vật đó có hại đối với đứa be. Khi em tôi còn ở lại triều đình Đàng Ngoài, đức vua đang trị vì sinh vào giờ con ngựa, thì không bao giờ lại tổ chức lễ chầu vào giờ đó và cũng không bao giờ ra khỏi cung vào giờ đó, sợ gập điều không may. Vị vua đó còn mê tín đến mức khi một đứa con của nhà vua chết vào tháng năm là tháng con ngựa, vua không cho chôn xác mà lại đem thiêu xác rồi tung tro xương vào trong gió.

Chú thích của blog:
*Bài viết này là một tư liệu lịch sử hiếm hoi, được trích trong "Tập du ký mới và kỳ thú về Vương Quốc Đàng Ngoài" - xuất bản lần đầu vào năm 1681 - do Jean-Baptiste Tavernier biên soạn. Tập du ký này chủ yếu dựa vào nội dung bản thảo những ghi chép của Daniel Tavernier (em trai của JB Tavernier) trong dịp ông ta đến Kẻ Chợ (Đàng Ngoài) với tư cách là viên sĩ quan phụ trách về kế toán , hành chính trên tàu buôn của công ty Đông Ấn Hà Lan trong khoảng thời gian từ 1639-1645. Chúng ta được biết chiếc tàu buôn của công ty Đông Ấn Hà Lan đầu tiên đến kẻ chợ vào năm 1637, dưới thời vua Lê Thần Tông - Trịnh Tráng. Cách hành văn của thời đó rất lủng củng khác nhiều so với ngày nay, câu thì dài, lập đi lặp lại, chấm câu không được mạch lạc, một số từ tác giả dùng cũng không đúng với sự vật muốn nói ... điều này khiến các người đọc Việt Nam ngày nay rất khó lĩnh hội.
** tác giả viết không đúng

3 nhận xét:

MM nói...

Bất đồng ngôn ngữ mà họ nghiên cứu tài quá thầy nhỉ?!

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

MM thấy đó, làm việc nghiêm túc sẽ có những kết quả để đời :)

MM nói...

Em cảm ơn thầy!