Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Rừng bần

 Nguyễn Ngọc Tư

Chiếc ghe máy đi chậm rãi trên lòng rạch đang buổi nước ròng. Hai ông cháu chủ ghe làm tôi nhớ cái truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, dù ở đây nhiều bần, ít mắm. Thằng nhỏ đen thui, da mốc cời trên mình chỉ dính cái quần cộc, nằm gối đầu lên ông già cũng đen thui mốc cời chỉ quần cộc trên người. Họ đưa tôi ra gần cửa biển, chỗ một cồn cát nghe nói khá đẹp. Nước biển trong, tắm được. Người ta hay ra đó chơi, thằng nhỏ quảng cáo ngắn gọn. 
Hai bên bờ rạch là những cây bần lớp quỳ lớp đứng thành chòm, thành rừng. Những trái bần xanh gây ra một phản xạ ứa nước miếng, ê răng cho những ai từng nếm thử chúng, dù chỉ một lần. Cây lá thưa, cành rời nên có mọc dày cũng không thấy chen chúc, vẫn thấy những khoảng trống. Dầm chân trong sình lầy, mỗi cây là một đìu hiu, họp lại làm rừng cũng là một rừng đìu hiu, buồn buồn. Ngửa mặt thấy phía trên những nhánh bần de ra lòng rạch là trăng chiều mỏng và lạnh. Cảnh này mà có thả cụ Charlie Chaplin vô giễu thì cũng không cười nổi. Riêng cái tên bần thôi đã nghe có chút ngậm ngùi rồi.
Chiếc ghe tấp vô bờ, thả tôi lên cồn, ông già dặn cứ chơi vui chừng nào về cũng được. Tôi lang thang giữa những rẫy dưa hấu tàn mùa, chỉ còn mấy trái đèo nằm chèo queo trên cát. Những gốc cây dạt lên bãi sau cơn biển động nằm chỏng gọng. Vài người đàn bà đi mót củi không nói cười. Đơn độc giữa bãi biển là căn chòi canh giữ của hợp tác xã nghêu giống, nóc cắm ngọn cờ le lói. Xóm cồn nhà nào cũng thấp, phần lớn cất bằng vật liệu tạm bợ. Báo viết cồn cát này sắp bị biển nuốt mất, nhưng mấy thím đang ngồi làm cỏ rẫy thì lia mũi dao về phía trời ngó bộ rất coi thường, “ối người xứ này đất bồi thì ở đất lở thì đi, lo cũng không khỏi...”. Lội bộ mỏi chân nên ghé một nhà có ông già đang ngồi tư lự, hỏi nhà mình sống bằng nghề gì, ông tỉnh bơ cười, “qua ăn trộm”. Mắt không hề chớp. Thì ra là trộm nghêu giống của hợp tác xã mà chính ông cũng là xã viên. Hồi trước nhà ông có vài công đất rẫy nhưng bị sóng nuốt mất rồi, giờ không cào nghêu trộm thì chết đói. Ông nói không trông mong gì cái ban chủ nhiệm toàn là vơ vét lấy cho đầy túi họ. Đang ngồi có người đàn ông tạt vô uống mấy ly trà, nói vài câu qua quýt, còn vô bếp lục nồi ra chiều thân mật lắm. Chừng khách đi rồi ông già mới nheo mắt khinh bỉ nói, “Phó chủ nhiệm hợp tác xã đó, như mật thám hồi chiến, suốt ngày đi thăm dò, bếp nhà qua mà có thịt là nó biết qua cào nghêu của nó...”. Nhưng trong bếp không có gì ngoài mấy con cá kho quéo, dưa hấu non xắt nhỏ xào mỡ tỏi. Ông già thấy tôi hơi xót cho bầy con nít lủ khủ đầy nhà nên hạ giọng thầm thì, “thịt heo bà vợ qua giấu trên giàn củi, đợi khuya mới cho tụi nhỏ ăn...”
Sau chi tiết đó thì tôi thấy cái xóm cồn nhỏ này trở nên thênh thang. Mấy chục nóc gia bị cắt vụn bởi cuộc chiến giành giật miếng ăn. Biển nuốt đất nên trả lại cho người một bãi nghêu, được nghêu thì tình người hao khuyết. Chòm xóm mặt cười với nhau mà lòng lạnh. Như màu trăng giữa nắng. Như cây bần, như rừng bần, đứng kề mà như rời ra, cô độc.
Tôi bỏ ra chỗ chiếc ghe đang đậu chờ dưới mé rạch. Ông già đang nhả khói hơi ngạc nhiên, hỏi sao tôi chơi ít vậy. Tôi than xóm này buồn quá. Ông ờ ờ quăng điếu thuốc hút dở xuống rễ bần, nói nhẹ bâng, “Mấy bữa trước, ngay trận đêm hội lăng Ông, có người ăn trộm nghêu bị bắn què giò...”.
Câu chuyện làm tôi muốn lập tức quay về, nhưng thằng nhỏ cháu của ông già chạy chơi đâu mất. Ông già réo gọi hoài không được, sợ du khách phật ý nên rốt cuộc ông già bỏ thằng nhỏ lại. Ghe đi một đoạn thì thấy trên bờ thằng nhỏ dọt theo kêu ngoại ơi ngoại. Ông già lầm lì như không ngó thấy. Thằng nhỏ chạy dọt qua khỏi đầu chiếc ghe rồi lội càn xuống đu mũi ghe leo lên. Ướt ròng, thằng nhỏ ôm bàn chân đang chảy máu, chắc bị miểng ốc cắt, lấm lét ngó ông già. Nếu không liều nó sẽ phải lội bộ ba cây số, luồn qua bao vạt rừng bần, qua một con rạch mới có thể về đến nhà.
Suốt chặng đường từ mé biển về tôi ngồi giữa cơn im lặng của hai ông cháu. Trời im gió, những cây bần lặng yên không vẫy. Trả tiền công cho ông già xong bỗng nghe thằng nhỏ thỏ thẻ, “có tiền thì khuya nay mình khỏi đi cào nghêu, hả ngoại?”.  
Rừng bần thì đẹp lắm, nhưng buồn...
 

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

TÂM LÀ GÌ?

Robina Courtin

 Đối với Đức Phật, từ "tâm" chỉ:
      Toàn bộ những kinh nghiệm bên trong chúng ta như tư tưởng, cảm xúc, khuynh hướng, đặc tính cá nhân, nhận thức, trực giác và mơ ước.
Nó hoạt động dựa trên bộ não nhưng bản thân nó
            Không phải là một bộ não
Không chỉ có như vậy, tâm chúng ta:
            không đến từ cha mẹ mình
            Cũng không đến từ một siêu nhân nào.
Tâm hay nhận thức của chúng ta là của riêng chúng ta. Nó không được tạo ra bởi bất cứ ai khác, nó là một thực thể riêng. Một dòng sông của các sát na tinh thần, chúng ta có thể lần theo dấu vết của nó và quay trở lại giây phút đầu tiên trong bụng mẹ và quay trở lại với vô số kiếp sống trong quá khứ.
Công việc của người theo Đạo Phật là đào sâu vào tâm của chính mình - "nơi làm việc chính là nội tâm" - như Lama Zopa Rinpoche nói - và:
            Việc tháo gỡ mạng lưới chằng chịt những cảm xúc sâu kín, bằng cách sử dụng các thuật tâm lý tinh vi của Đức Phật, vẫn được gọi là thiền.
Ban đầu, chúng ta cần xác định cái gì đang ở đó, sau đó là hiểu nó và cuối cùng - mấu chốt của vấn đề - là thay đổi nó. Trên thực tế, Đức Phật nói:
            Chúng ta có thể thay đổi tâm mình đến trạng thái mà khi đó chúng ta giũ sạch hoàn toàn các cảm xúc bệnh hoạn, các phiền não như bám chấp, giận dữ, căm ghét bản thân, ganh tỵ và
            Làm cho tâm tràn đầy những đặc tính tích cực như lòng tốt, trí tuệ và vị tha.
Đối với đa số chúng ta, việc theo đuổi sự hoàn thiện này hay Phật tính không đến dễ dàng. Nhưng cũng giống như sự vun trồng bất cứ kỹ năng nào, tất nhiên, với sự thực hành chúng ta sẽ trở nên tốt hơn. Tất cả chúng ta đều biết "thực hành tạo nên sự hoàn thiện", hay như người Tây Tạng thường nói:" Khi đã quen thuộc thì chẳng có gì là khó khăn cả".
Chúng ta thường sai lầm khi trao cho các đức tính tích cực và sự loạn thần kinh những vị thế giống nhau và cho rằng phiền não là bẩm sinh, rằng chúng ta bị gắn chặt vào con người mà chúng ta đang là. Đức Phật nói rằng chúng ta có thể thay đỗi bởi vì:
            Những chứng loạn thần kinh của chúng ta như những chất phụ gia, như sự ô nhiễm, đơn giản là chúng không thuộc về tâm và có thể loại bỏ.
Nói cách khác:
            Các đức tính tích cực là bản chất của mỗi chúng ta; chúng định nghĩa chúng ta; chúng là con người mà chúng ta thực sự đang là. Khi chúng ta rũ bỏ các phiền não ra khỏi tâm mình, các cảm xúc tích cực sẽ tự nhiên sinh khởi và phát triển. Đó là một tiến trình tâm lý tự nhiên.
Nhưng Đức Phật nói chỉ có niềm tin không thôi thì cũng chẳng ích gì. Chúng ta cần phải thẩm tra điều đó trên chính bản thân mình bằng cách thực hành. Trên thực tế, thực hành là việc khám phá và thẩm tra những điều Đức Phật đã khẳng định  và biến chúng thành các kinh nghiệm cá nhân của mình, minh chứng chúng trước bản thân mình.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

TIỀN LÀM ĐỘNG TÂM, TIỀN SINH BẤT TỊNH

Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ
Ảnh minh họa: chùa Việt ở Mỹ
 Tu hành trong hoàn cảnh kinh tế thị trường hiện nay rất khó. Tu trong xã hội Âu Mỹ với nền kinh tế thực dụng càng khó hơn.
Dịch xây chùa và phấn đấu làm trụ trì của các tu sĩ Việt nam tại các xứ Âu Mỹ đang diễn ra như một chiến trường. Tiền! Tiền! Tiền! trở thành tiếng réo gọi át tiếng cầu kinh và niệm chú. Các thầy đã biến chùa chiền thành các “siêu thị Phật”. Thầy chưa có chùa thì lo vận động chạy đôn chạy đáo mua đất mua nhà xây chùa dựng tượng. Thầy có chùa rồi thì có bao nhiêu là dự án xây dựng để kêu gọi Phật tử đóng góp.
Đồng tiền đã làm cho cửa Thiền thành chợ Trời buôn thần bán thánh. Không có cách kiếm tiền phàm tục nào ngoài đời mà không có trong các chùa: Xổ số, lô tô, đại nhạc hội, tiệc ăn uống gây quỹ, bán đấu giá, ký sổ cúng dường hàng tháng, mượn vốn không lời… đang trở thành bệnh dịch biến cửa chùa là nơi tôn nghiêm thành nhà hàng bán đồ ăn, biến sân chùa thành sân khấu cho ca sĩ hát hỏng nỉ non uốn éo, biến Phật đài trang nghiêm thành nơi bán và ký gởi tượng Phật.
Tất cả những phương tiện hoằng dương chánh pháp thiêng liêng của Phật giáo Đại thừa đang biến thành dịch vụ thương mãi.
Cầu siêu: tiền. Dâng sớ cầu an: tiền. Ma chay, giỗ kỵ: tiền.
Xuống cấp thấp nhất là các thầy thu tiền và bỏ tiền vào túi. Hình ảnh đọa lạc nhất là có những thầy chuyên nghiệp lên sân khấu, cầm micro thay vì nói pháp thì thao thao nói lời thuyết phục vận động xin tiền. Ôi, hồng ân Tam Bảo, long thần hộ pháp làm sao mà tha thứ được.
Những Phật tử mê tín, đầu óc mù mờ u tối đã xem các thầy chùa như Phật thánh. Họ không hiểu rằng đưa phương tiện vật chất vào tay nhà tu là đang làm thay cho ma quỷ tới phá đường tu thanh tịnh của quý thầy. Khi đầu óc đã dính mắc lo nghĩ tới tiền, tới chùa to tượng lớn, tới thế giới màu mè hình tướng thì vô hình chung nhà tu đã không còn an trú trong giới luật.
Đạo Phật Việt Nam đang đi sai đường trầm trọng vì đang lâm vào hai tình trạng cực đoan. Số các thầy sống ở “cõi trên” thì lo nói toàn những chuyện cao siều huyền hoặc. Số các thầy đang đoạ lạc vào tham ái thì biến đạo Phật thành mê tín dị đoan để làm phương tiện kiếm tiền.
Thật ra, các thầy ra ngoài giới luật chỉ là nạn nhân. Thủ phạm chính là những người mang danh Phật tử mà không chịu hiểu Phật, đem vật chất làm sa đọa các thầy.
Xin các thầy tỉnh táo lại để khỏi trễ đường tu.
Xin các đạo hữu Phật tử hãy cùng nhau đứng ra xây chùa dựng tượng. Nhưng tuyệt nhiên xin đừng làm xa đọa quý thầy bằng cách đưa tiền, chính là đưa thuốc độc đến cho bậc chân tu.
Đức Phật và Thánh chúng ngày xưa ngày ngày khất thực, chỉ cần có miếng ăn đạm bạc ngày một bữa mà nuôi sống xác thân để thanh tịnh tu hành. Các thầy ngày nay ăn uống có kẻ hầu người hạ, bữa chính bữa phụ thật là đã lạc đường quá xa về xứ Phật.
Đôi điều chân thật nói ra, xin các thầy và Phật tử hoan hỷ suy gẫm.
 VP.PHTQ.CANADA

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

CHỤP ẢNH KHI ĐI DU LỊCH

Thy Anh

Để những bức ảnh chụp của bạn trong mỗi chuyến du lịch  có thể trở thành những ký ức đẹp, bạn cần biết một số kỹ năng đơn giản sau đây.
1/ Tạo sự khác biệt
Ngoài những công trình kiến trúc, những cảnh đẹp của địa phương mà ai cũng đã chụp, bạn hãy cố gắng tìm thêm những hình ảnh khác biệt mà người khác thường bỏ qua, ví dụ cảnh sinh hoạt trên đường phố, trong chợ hoặc chỉ đơn giản là các món ăn đầy màu sắc của địa phương không đâu có ...
2/ Đừng quên những khoảnh khắc đời thường
Lúc nào cũng sẵn sàng máy ảnh trên tay, chắc chắn đã cài đặt xong các thông số trên máy và chỉ chờ để bấm, bấm và bấm ... một chị nông dân gánh lúa kẽo kẹt về làng, một chú trâu lười biếng nhai lại dưới bóng cây, một người thợ hớt tóc vỉa hè, một anh xe ôm ngủ gục .... cứ tìm là bạn sẽ thấy những khoảnh khắc tuy đời thường nhưng rất đẹp!
3/ Nắm bắt được các đặc điểm của địa phương
Khi chụp ảnh người thân hoặc bạn bè, bạn hãy cố đưa vào trong khung ngắm những thứ có thể chuyen tải được các thông tin về chuyến đi của họ, chiếc xuồng máy qua sông, chiếc xe lôi , những lồng đèn, bích chương lễ hội ... Những chi tiết này sẽ góp phần làm cho một tấm ảnh kỷ niệm thú vị hơn nhiều mội khi xem lại.
4/ Chụp ảnh từ trên không
Khi đi du lịch bằng máy bay, bạn có thể chụp vài bức qua khung của sổ để lấy được toàn cảnh địa phương. Nên nhớ đặt bề mặt ống kính máy ảnh song song và thật sát với  kính cửa sổ máy bay để tránh ánh sáng phản chiếu vào ống kính.
5/ Những đường nét phối cảnh
Để khắc họa một chuyến đi dài đến những vùng đất xa xôi, bạn nên đưa vào ảnh những con đường, những đường rầy xe lửa với những đường nét hội tụ xa tít tận chân trời. Hình ảnh như vậy sẽ cho người xem một cảm giác nhiều hơn về chuyến phiêu lưu của bạn.
6/ Tránh đám đông
Nếu muốn chụp ảnh phong cảnh khi đi du lịch, không gì nản bằng một cảnh đẹp tuyệt mỹ bị tràn ngập bởi những du khách đứng ngồi lố nhố làm mất hết khả năng bố cục... bạn hãy thức dậy thật sớm , đến địa điểm khi còn vắng khách, hoặc ở lại thật muộn khi mọi người đã bỏ về, tha hồ mà chọn góc cạnh để chụp.
7/ Trang bị
Khi đi du lịch bằng máy bay, bạn nên mang theo lên máy bay tất cả những thiết bị đễ hỏng hoặc đắt tiền như thân máy ảnh, ống kính , máy tính xách tay. Các vật dụng nặng và cồng kềnh như chân máy (tripod) có thể gửi vào khoang hành lý nhưng phải báo với nhân viên sân bay đó là đồ dễ hỏng (fragile). Khi đi đến địa điểm tham quan, nên mang mọi thứ trong ba lô đeo sau lưng. Nếu máy ảnh gọn nhẹ, có thể mang trong túi xách nhỏ đeo bên hông, phía trước bụng.
8/ Bảo đảm an toàn
Đến những nơi xa lạ, hẻo lánh nên đi theo nhóm, càng đông càng tốt. Cẩn thận khi chụp ảnh những chỗ đông người. Nhiều khu du lịch không bảo đảm an toàn cho du khách, cho dù bạn đang ở một nước phát triển, thật vậy, nhiều du khách đã bị móc túi, mất máy ảnh ở các quảng trường nổi tiếng tại Roma, trên xe điện ngầm Paris ...
9/ Thái độ với cư dân và văn hóa địa phương
Bạn phải luôn tỏ ra tôn trọng những tập tục địa phương. Bạn sẽ tìm được rất nhiều sự khác biệt đáng ngưỡng mộ và lẽ dĩ nhiên, rất đáng để chụp ảnh. Nhưng hãy nhớ, nếu cư dân địa phương tỏ vẻ không thích được chụp ảnh, bạn chỉ nên bấm máy sau khi đã "nhã nhặn" xin phép "những người mẫu" của bạn. Theo kinh ngiệm cá nhân của tôi, bạn càng tỏ ra tôn trọng họ, bạn càng được hđón chào.