Nguồn : http://www.happyplace.com
Chỉ biết đau khổ thôi thì không đủ. Cuộc sống tuy đáng sợ những cũng có cả tuyệt vời ... Làm thế nào tôi có thể mỉm cười khi lòng tôi tràn ngập nỗi buồn? Đó là tự nhiên thôi - Bạn cần phải mỉm cười với nỗi buồn của mình bởi vì bạn đâu phải chỉ là nỗi buồn ấy. Thich Nhat Hanh
Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013
CON CÁ RẠCH ĐÔNG
Van Phuc
Sông Đồng Nai |
“Rạch Đông nước
chảy,
Con cá
nhảy, con tôm nhào
Hai đứa
mình kết nghĩa,
Lẽ nào cha
mẹ không thương?”
Theo đường
liên tỉnh 24 nay là tỉnh lộ 768, ngược dòng sông Đồng Nai, đề lên đập Trị An,
sẽ đến xã Thiện Tân Vĩnh Cữu, qua những chiếc cầu đúc dài, bắt cao trên mặt
nước ở dưới trũng sâu. Đó là cầu Rạch Tôm, Rạch Đông, và phía xã Tân An là cầu
Rạch Lăng.
Rạch Đông là một con rạch làm ranh giới thiên
nhiên cho hai xã Thiện Tân và Tân Định ( phía bắc). Rạch này đã được ghi trong
bộ “ Đại Nam Nhất Thống Chí” do quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1865, như
sau:
“Đông Giang – Ở phía Đông huyện Phước Bình 18 dặm, là thượng
lưu sông Phước Long, bờ phía đông có tuần sở Định khai. Ở đây ngược dòng lên
phía bắc đến nguyên đầu 32 dặm rưỡi, có thác đá nguy hiểm ghe đi không thông.
Từ ấy trở lên là đất Man phận”
Trên thực
tế, Rạch Đông bắt nguồn từ vùng Long Khánh, gần tới địa phận đồn điền Suzannah
( phần trên ) tại Bào Hàm, do ba nhánh gom vào ngọn:
- Bắc : núi
Gia nhan ( Sóc Lu ) – suối Đầm – suối Gia Nhan.
- Giữa :
suối Gia Đức
- Nam :
suối Dầu Giây ( Bàu Cá )
Từ phía
dưới Nam, trong điạ phận xã Hố Nai, suối Đĩa cũng đổ dồn vào ngọn Rạch Đông
Về đến địa
phận Biên Hoà, ngang xóm Chánh Lợi ( Cầu Xay – Xóm Cháy ) và Tân Định, giang
khúc lại mang tên Suối Thao, xuống Sông Mây. Từ đây, Rạch Đông chảy ra hướng
tây bắc, ngang lộ liên tỉnh 24 và đổ vào sông Đồng Nai.
Tục truyền
: nước Rạch Đông mát lạnh, như nước mùa đông – tên Rạch Đông được đặt ra, là do
truyền thuyết đó.
Đặc tính
hàn của nước Rạch Đông, là điều kiện thuận lợi cho cá dễ sống và sanh sản. Nhờ
đó cá mới có nhiều, cây cối um tùm, nước chảy qua nhiều nơi sầm khuất, không
người lai vãng, Cá được sống yên thân.
Nước Rạch
Đông là nước ngọt, có cá rất nhiều, và được tiếng là ngon hơn các nơi trong
tỉnh.
Trước hết,
phải kể cá Ét ( quạ và lửa) thịt
ngọt, nấu lẫu canh chua, hay nấu ngót rất ngon.
cá Dãnh ( bông và cao mên ) ngọt thịt dùng để nấu canh
chua, kho ngót.
Kế đó, Sơn
đài (cá chúa Sông Thao) loại này, lớn con, nặng từ 3 đến 50 kí, được liệt
vào hàng quái kiệt, mình to miệng rộng như cá sấu, có thể gắp ngậm một hài nhi
sơ sinh.Cá này bắt được trên sông Mây thuộc loại cá Lăng lớn rất hiếm.
Sau là cá
Dược ( cũng gọi là cá chim).
Loại quí vì
hiếm có, là cá Chình. Đặc biệt chỉ
có người Hoa kiều Quảnh Đông mới biết cách dùng, nên rất ưa thích. Cá này có
hình thể hỗn hợp: “ bàu dục”, mình “ lóc”, đuôi “ chạch”. Con lớn nhất cũng tới 15 kí. Thịt thơm, dai,
ngon hơn “ chạch lấu”. Thể tánh như
“ lươn “, nhưng lội trên mặt nước, chỉ khi nào bị ví bắt mới lặn trốn vào hang.
Nhớt cá
Chình là một dược liệu, độc đáo trị chứng nhức đầu đông rất thần hiệu, ngoài
ra, còn giúp “ hưng dương bổ âm”. Lấy nhớt là cả một công phu kiên nhẫn : dùng
một nia tre còn mới, trải lên trên một lớp giấy bạch tốt – Cá còn sống, đem rửa
sạch bùn đất, khi ráo, cạy miệng cho uống vào một rượu đế, để nằm trên nia. Độ
5 phút cá say, giẫy giụa, xuất nhớt thấm ướt cả tờ giấy bạch – Đem giấy phơi
khô phong kín vào hộp gửi xuống Chợ Lớn. Các tay đông y sĩ Tàu sẽ biến chế ra
thuốc trị bệnh nhức đầu đông và chất “ cương dương” với kích thích tố trong
nhớt cá chình. Loại cá quí như thế chỉ ở Rạch Đông mới có, nhưng tiếc thay rất hiếm. Cuối mưa,
mỗi mùa đăng, may lắm, mới bắt được năm ba con. Đó là diễm phúc của thợ đăng,
kể như được trúng số, do của trời cho.
Một loại cá
khác cũng có thịt ngon, nhưng rất độc – Đó lá cá Khoá (cũng gọi là “ Thầy
Khoá” hay Ô Mã Nhi Ngư), mình
giống như cá Ét, nhưng có vảy xanh ngời, mắt đỏ ngầu, mồm thường phun bọt –
Thường bợm nhậu hay nướng lụi ăn với bánh tráng rau sống- Người nào bao tử
không hạp sẽ bị mửa tới mật xanh.
Vào khoảng
năm 1950, cả một tiểu đội lính Pháp giữ đồn Rạch Đông bị thổ tả vì ăn nhầm loại
cá này.
Mùa mưa,
nước tràn, cá ở sông vào rạch, tìm chỗ yên tĩnh để sanh sản.Từ Suối Sông Thao đến
Sông Mây, rạch có nhiều Vịnh, u sầm khuất, cây mai, cây bần bao phủ hai bên bờ,
khó cho ngư phủ đến, nên cá rất nhiều, đợi cuối mùa mưa, sẽ theo nước rút ra
sông. Lợi dụng dịp này, thợ câu đến rẽ đó, giăng đăng, chận ần vàm rạch để bắt
cá. Thường đăng được đặt phía bên trong cầu, ngang hông của lò ngói Trị an cũ,
chỗ eo rạch bị hẹp, và cũng để cho tiện việc canh đăng trút cá.
Vào khoảng
năm 1950 về trước, người Sài Gòn đến thầu thuỷ lợi Rạch Đông, bắt cá rất nhiều.
Sau người dân di cư 1954, tiếp tục khai thác bằng chài, lưới hoặc câu vớt,
nhưng chỉ bắt cá được nhất thời ở đầu mùa. Có khi trúng, cũng được cả trăm kí.
Phần nhiều là cá Ét quạ, cá Ét lửa, cá Mè,
cá He, cá Dãnh. Gặp bầy, thì bắt được toàn là cá trắng Dưng, cá Trèn Leo.
Thường cá chở về bán ba nơi: Thái Hưng, Hố Nai, Biên Hoà.
Rạch Đông
có cá, mà cũng có huyền sử, xuất phát từ hồn thiêng sông núi :
Về phần tây
nam, có một nổng cao nhất. Tục truyền: Ngày Chúa Nguyễn còn bôn đào trước tây
sơn, đến trạm ẩn nào nơi đây, trên đường tẩu quốc sang Xiêm la. Thần dân Biên
Hùng thỉnh Chúa chọn địa điểm này, vì là nơi khuất tịch, có lương thực ( sẵn cá
Đông Giang, lúa Đồng Lách ) để nuôi quân tuỳ giá.
Sau giới
thợ rừng mở một con đường mòn từ Thiện Tân xuyên qua gò đất này xuống Hố Nai,
và đặt tên là dốc Ông Hoàng.
Quanh đồi “
Bùng Binh ” ( Cote 57) khu khai thác đá Thiện Tân , hiện còn lưu dấu một ngôi
mộ cổ, mà người địa phương đặt là “ Mả vua
lữa” đoán chừng là của một hoàng thân, quốc thích, theo Chúa Nguyễn đã chết
và chôn xác ở nơi này.
Bên hữu ngạn thuộc xã Tân Định, còn có địa
danh, nơi đó bày ra một sân rộng, do nhiều tảng đá bằng mặt kết hợp nhau, giữa
khơi một miệng giếng có nước ngọt với một hiện tượng lạ: Nước phun và mặt nước
vẫn lên xướng theo thuỷ triều sông Đồng Nai, mặc dầu ở cách xa bờ sông cả ngàn
thước. Trên sân đá, giữa ban ngày,
thỉnh thoảng có nai và voi đến lai vãng, đứng ngơ ngác với trông ra rừng xa.
Người dân cho là thiêng lộc và thần tượng của bà Chúa Ngọc thánh phi ( theo sự
tích Đức Thiên y A Na thần mẫu của Chiêm Thành) vì nhớ Bà nên tìm và gọi theo
ngọn gió ngàn một tiếng rống mênh mông và đưa đôi mắt mơ màng nhìn vào không
gian thăm thẵm...Bầy sơn thú này cũng được nể nang, các tay thợ săn xưa không
dám dụng đến. Sân đá còn mệnh danh là “ Sân Bà” và giếng nước gọi là “ Ngọc Tuyền Tỉu”. Bên miệng giếng xưa
còn lưu dấu một bàn chân bé nhỏ, xinh xắn, như của đàn bà, làm cho dân đại
phương cho là của một vị tiên nữ.
Nước sông
Thao giá lạnh vị ngọt, nhưng ở phía trên nguồn, nên cá rất ngon. Ngoài ra cá
Rạch Đông còn những con các độc đó là loại cá
Khóa. Người dân địa phương có câu :
“ Nước sông Thao, không chồng mà chửa
Cá “ Thầy
Khóa ”, dầu mửa , cũng xơi !”
Nguyên do
là từ trên thượng nguồn sông Thao, hai bên bờ có nhiều cây lá buông ( bối diệp),
trái rụng chìm dưới sâu, lâu ngày thối rữa thành chất độc hòa trong nước. Nếu uống nhằm luồng nước có
thấm chất trái buông, sẽ sình bụng, chướng hơi. Lại có nơi ven sông thượng
nguồn còn mọc nhiếu cây mã tiền. Trái này là một loại độc dược, là món thực
phẫm con cá Khóa ưu thích nhất. Cá ăn nhiều sẽ say, mình bạc xanh, mắt đỏ ngàu.
Người dùng không hạp sẽ bị ngộ độc gây tiêu chảyvà ói mữa.
Tôi có quen nhiều người dân sống bằng nghề làm rẫy dọc theo bờ sông Mây.
Hồi xưa người ta kể rằng cứ đến đầu mùa mưa, khi con nước tràn. người trong
thôn thường bủa câu, quăng chài, rê đó... rất nhiều cá lăng, đặc biệt là cá
lăng địa có con nặng đên 5-7 ký. Rồi đến cá Dãnh loại cá thiên nhiên, ngày nay
được nuôi tại hồ sông Mây và hồ Bến xúc gọi là cá Mè Dinh, thịt thơm ngọt, nấu
ngọt rất ngon. Trên sông Mây còn có nhiều ếch đồng sinh sản các ruộng ven bờ
sông, người ta đi bắt ếch đồng đem nấu cháo, nướng mọi... là món ăn ngon và bổ
dưỡng, chưa kể có nhiều loại rắn độc
như: hổ hành, hổ nhện, rắn rằn ri...
Qua mùa nắng, nước rút người dân rũ nhau đi đến chổ cạn để kéo lưới, táy
đĩa... rất nhiều con cá ở đó.Đặc biệt ở vùng sông Thao, Bàu Hàm có những bàu
nước cạn, người dân bắt rất nhiều cá lóc bàu
có những con to đến 4-5 ký, cá lóc bàu thịt rất ngon, thơm là đặc sản
hiếm có của các bàu nước thượng nguồn, chỉ đánh bắt vào mùa khô...
Ngày nay
lên trung tâm xã Tân Định quẹo sang phải đi đến ngã ba gọi là ngã ba cây xoài,
bởi vì ngay ngã ba có một cây xoài cổ thụ, thân cây to bằng ba người ôm mớ hết,
cây to và cao tán rộng , người dân không biết có từ lúc nào. Từ ngã ba cây xoài
là nơi có đập Bến Xúc. Sau 1975 người ta cho xây con đập đển giữ nước sông Rạch
Đông để tưới tiêu các ruộng lúa trong xã. Từ ngã ba cây xoài đi sang trái đi
khoảng 1 km sẽ đến Sân đá xưa, Hiện nay đã được xây thành đập ngang nước để
phục vụ tưới tiêu thủy lợi gọi là con đập Mô nang, con đập nằm giữa hai khe núi
sử dụng nguồn nước phun tự nhiên, dấu vết xưa không còn nữa, Phía về bờ sông
Đồng Nai, hiện nay người ta đang xây thành khu nghĩa trang sinh thái gọi là
nghĩa trang Vĩnh Hằng.
Từ ngã ba
cây xoài đi thẳng hướng sông sẽ đến con đập sông Mây. Nơi đây sử dụng nguồn
nước để tưới tiêu cho những cánh đồng lúa Vĩnh Cữu và Trãng Bom. Thường quy tụ
các người thích đi câu cá sông Mây. Người ta cho thả nuôi các loại cá như: cá
Mè. Cá Trê Phi, cá Tai Tượng...trong lòng hồ thủy lợi. Thời gian gần đây với
phong trào nuôi cá chùi kiếng, số lượng cá này tăng lên đáng kể trên sông Rạch
Đông. Hiện nay đang xây dựng con đường mới
nối liền với Bùi Chu –Trãng Bom, sẽ thành con đường chính lưu thông giữa
hai huyện.bắt đầu từ ngã ba cây xoài đến Bùi Chu huyện Trãng Bom.
Cùng với
phát triển nông nghiệp, sự hình thành các khu công nghiệp tập trung trên dòng
sông Mây như Khu công nghiệp Bàu xéo, Trãng Bom... hay gần Bùi chu có các khu
công nghiệp Hố Nai 3, khu công nghiệp Sông May... lượng nước thải công nghiệp
dần dần làm ô nhiễm giòng sông Mây. Nhiều người dân đã lên tiến cảnh báo về
nước thải công nghiệp làm giãm sản lượng cá và cá chết tự nhiên rất đáng kể, kém
ý thức bảo vệ thiên nhiên kèm, người dân sữ dụng săn bắt cá bằng chích điện tàn
phá số lương lớn các loài thủy sản không thương tiếc. Nếu không có biện pháp
bảo vệ thiên nhiên tương lai sẽ biến thành con sông chết như vụ sông Thị Vải
ở hạ nguồn sông Đồng Nai.
Viết xong
tại Biên Hòa, ngày 29 tháng 11
năm 2012
Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013
1 tỉ USD để xuất ngoại chữa bệnh hàng năm: lạ hay không lạ?
SGTT.VN - Nếu vào trang web health-tourism.com, người
ta sẽ thấy giới thiệu dịch vụ du lịch y tế ở các nước Thái Lan, Malaysia,
Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng không có một dòng nào nói về Việt Nam! Trong
khi các nước này đã khai thác lĩnh vực này hàng chục năm nay và tạo ra một nguồn
thu đáng kể cho quốc gia, thì Việt Nam vẫn chưa chịu bước đi mặc dù lúc nào
cũng tự hào “bác sĩ Việt Nam không thua bác sĩ nước ngoài”. . .
"Truyền đêm" mô tả cảnh bệnh viện quá tải bệnh nhân ung thư nằm truyền hóa chất |
1. Ngày 26.1, tại
TP.HCM, vụ Các vấn đề xã hội – ban Tuyên giáo trung ương và báo Lao Động Việt
Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Người
Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam”. Không cần tham dự hội thảo, chỉ
cần nghe qua chủ đề trên, ai cũng có thể biết được mục tiêu mà các nhà tổ chức
hội thảo đưa ra: Quảng bá những thế mạnh của y học Việt Nam và cổ xuý người dân
ở lại trong nước, thay vì xuất ngoại, để trị bệnh, làm thất thoát một lượng ngoại
tệ rất lớn.
Thế nhưng, quả là trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ khi hội thảo diễn
ra chỉ một ngày sau sự kiện bà goá phụ Đặng Thị Liên, ngụ tại TP.HCM, mặc áo
tang đến trước trụ sở sở Y tế thành phố đòi làm rõ cái chết của chồng bà, ông
Đinh Văn Thường, người vào tháng 7 năm qua được bệnh viện Bình Dân mổ sỏi nhưng
không có sỏi và qua đời sau đó không lâu. Cũng trùng hợp ngẫu nhiên khi trong
tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc triển lãm ảnh về tình cảnh người dân đi
khám chữa bệnh. Hai sự kiện khách quan này đủ nói lên tại sao 40.000 người dân
Việt hàng năm đã bỏ ra 1 tỉ USD để ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội được điều trị
an toàn, được tiếp đãi lịch sự, ân cần và được bảo đảm quyền riêng tư, kín đáo,
xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.
Tại hội thảo ngày 26.1, nhiều đại biểu tham dự ra sức khẳng
định “bác sĩ Việt Nam không thua gì bác sĩ nước ngoài”. Điều này có lẽ không ai
phủ nhận khi những năm qua y học trong nước đã tiến khá xa và phát triển được
nhiều kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật
tim hở hay ghép mô tạng. Thế nhưng cũng không ai có thể phủ nhận rằng trình độ
tay nghề của bác sĩ Việt Nam không đồng đều, thường tập trung ở một số địa
phương lớn, và ngành y tế Việt Nam tồn tại một nghịch lý bao đời nay, đó là: bệnh
viện công có chuyên môn cao nhưng chất lượng dịch vụ thấp; và ngược lại, bệnh
viện tư nhân có chất lượng dịch vụ tốt nhưng chuyên môn chưa cao.
Chữa bệnh ở nước ngoài chắc hẳn phải tốn nhiều tiền so với
chữa bệnh ở trong nước. Thế nhưng chẳng phải là chuyện “sính ngoại” như có người
vẫn nghĩ, mà vì bệnh nhân không muốn chịu cảnh “hên xui” khi vào các bệnh viện
Việt Nam, ngay cả ở bệnh viện công lập, như chuyện phẫu thuật thoát vị bẹn lại
cắt luôn bàng quang hay cắt thận này lại cắt luôn thận kia. Bệnh nhân đi nước
ngoài chữa bệnh còn vì không chịu mất phẩm giá con người như phải nằm gầm giường,
nằm ngoài hành lang (như triển lãm ảnh ở Hà Nội), hoặc bị bác sĩ thoải mái mổ xẻ
mà không cần hỏi han hay tư vấn người nhà bệnh nhân (như trường hợp ông Đinh
Văn Thường).
"Mình là bệnh nhân nhưng mình ra đây nằm cho thoáng". Ảnh chụp tại Viện tim mạch. |
2. Chuyện người
Việt xuất ngoại chữa bệnh không phải là chuyện lạ, vì đã đề cập không ít lần
trên các phương tiện đại chúng. Nhưng nó vẫn là chuyện lạ vì cho đến nay các
nhà quản lý y tế dường như chưa thấy bức xúc chuyện này, bằng chứng là họ chưa
đưa ra được giải pháp để giải quyết. Điều đáng nói nhất là trong khi các nhà quản
lý y tế chưa thể giải quyết chuyện bỏ tiền xuất ngoại chữa bệnh của người dân bằng
các biện pháp căn cơ lâu dài, như mở rộng hoặc xây thêm bệnh viện rộng rãi và
khang trang, đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao, thì họ vẫn bàng quan trước
sự chòi đạp, tự cứu mình của những cơ sở y tế, mà điều này hoàn toàn có thể giải
quyết được bằng những điều chỉnh chính sách y tế trong tầm tay. Tại hội thảo
ngày 26.1, nhiều đại biểu từ khu vực y tế tư nhân bức xúc về chuyện không thể
liên kết được nguồn nhân lực với khu vực y tế công lập. Một bên là dịch vụ tốt,
một bên là chuyên môn cao, tại sao không ráp nhau lại cùng làm để giữ chân người
bệnh? Vấn đề ở đây, theo nhiều đại biểu, là y tế tư nhân bị “bị phân biệt đối xử”!
Nhưng ngay cả đại diện từ khu vực y tế công lập cũng bức xúc chuyện này. TS.BS
Trần Hải Yến, giám đốc bệnh viện Mắt TP.HCM, nói: “Nên chăng cần xem xét việc
cho bác sĩ có thể hành nghề ở nhiều nơi, tuỳ khả năng chuyên môn, năng lực và
thời gian của bản thân họ. Khi đó tuyến dưới và bệnh viện tư nhân sẽ có cơ hội
mời chuyên gia giỏi làm việc cố định và mạnh dạn đầu tư thiết bị”.
"Trạm xá khang trang nhưng không có người lui tới" mô tả các bệnh viện, trạm y tế ở ngoại thành và các tỉnh vắng vẻ trái ngược với sự quá tải ở các bệnh viện thủ đô. |
Tâm sự của các bệnh nhân sau khi phải trải qua những rắc rối khi còn nằm viện chữa bệnh. |
3. Một tỉ USD
theo chân những người ra nước ngoài chữa bệnh. Thật ra đó cũng chỉ là con số ước
tính, vì theo nhiều người con số thực chắc chắn còn nhiều hơn nữa bởi cùng với
chi phí chữa bệnh còn phải có chi phí của người thân đi cùng, chi phí ăn ở và
di chuyển. Nhưng cũng có người đặt vấn đề ngược lại: Nếu nói một số bệnh viện
Việt Nam tốt, chuyên môn cao, vậy tại sao chúng ta không phát triển du lịch y tế
(medical tourism) – một hình thức đi chữa bệnh kết hợp với du lịch – như nhiều
nước chung quanh ta đang làm, biến y tế thành một ngành thu ngoại tệ cho nước
nhà?
Tại hội thảo ngày 26.1, nhiều bệnh viện cho biết họ không chỉ
thu hút bệnh nhân là Việt kiều, các nước chung quanh, mà còn cả những người đến
từ các nước Âu, Mỹ. GS.TS Nguyễn Anh Trí, viện trưởng viện Huyết học – truyền
máu trung ương, nói: “Nhiều bệnh nhân đã và đang điều trị ở Pháp, Mỹ, Nga, Ukraine,
Singapore, Thái Lan, Trung Quốc đã quay trở về điều trị ở chúng tôi. Ngoài ra,
cũng có nhiều bệnh nhân đang làm thủ tục đi điều trị ở nước ngoài, nhưng giờ
chót họ suy nghĩ lại và quyết định ở lại điều trị ở viện”. Những gì gặp ở viện
Huyết học – truyền máu trung ương cũng gặp ở bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Chợ Rẫy,
viện Tim TP.HCM… nhưng chiến lược nào để tập hợp những thế mạnh này lại, chính
sách và cơ chế nào để phối hợp y tế và du lịch, tạo ra một “nắm đấm chủ lực” để
phát triển dịch vụ du lịch y tế ở tầm cỡ quốc gia, nhằm mang lại cho nước nhà
hàng năm vài tỉ đôla thì chưa thấy ai nghĩ đến. Tại hội thảo, khi nghe nói về
du lịch y tế, một đại diện của bộ Y tế cho biết bộ chưa có chủ trương thu hút bệnh
nhân nước ngoài!
Nếu vào trang web health-tourism.com, người ta sẽ thấy giới
thiệu dịch vụ du lịch y tế ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ,
Trung Quốc… nhưng không có một dòng nào nói về Việt Nam! Trong khi các nước này
đã khai thác lĩnh vực này hàng chục năm nay và tạo ra một nguồn thu đáng kể cho
quốc gia, thì Việt Nam vẫn chưa chịu bước đi mặc dù lúc nào cũng tự hào “bác sĩ
Việt Nam không thua bác sĩ nước ngoài”! Vì sao như thế? Một đại biểu dự hội thảo
chia sẻ riêng với người viết: “Có lẽ câu chuyện này chỉ mang lại lợi ích quốc
gia chứ không mang lại lợi ích cá nhân hay một nhóm người nào đó nên họ không mặn
mà”.
Một tỉ USD hàng năm để xuất ngoại trị bệnh, âu cũng chẳng phải
là chuyện lạ!
Labels:
Thư gửi Sinh Viên Y Khoa
Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013
Những hạt mầm định kiến
Nguyễn Ngọc Tư
Vào một ngày mưa gió ủ ê không hiểu sao chị thủ thư mỉm cười
nói có mấy cuốn sách này mới về hay lắm. Ngó qua một lượt thì thấy nhiều cuốn của
Quỳnh Dao và nhân tướng học. Truyện chị Dao quá sức chịu đựng của mình, riêng
nhân tướng học thì mình xếp vào dạng không nên đọc, mình nhìn thấy sự rủi ro xảy
ra khi mình có thể ghét bỏ một người nào ngay khi vừa gặp mặt, chỉ vì một nốt
ruồi nằm đâu đó trên mặt anh ta. Và mình sẽ day dứt dài dài nếu như vì tướng
pháp của chân mày, cái mũi, giọng nói… mà mình quay lưng bỏ đi một nước.
Tướng tùy tâm sinh, tướng tùy tâm diệt, tướng tốt xấu là ở
cái tâm con người. Chị thủ thư chắc vừa nghiền ngẫm sách xong, liên hệ với một
số thí dụ ngoài đời, rồi nên khoái chí đọc vanh vách. Cái ý nghĩ ta có thể đọc
được người đời cũng khá là hoan lạc. Mình bất ngờ trước việc chị ấy hôm nay nói
quá hai mươi âm sắc, đến nỗi chỉ cười cười. Trong lòng mình mầm nghi kỵ mọc đầy,
chỉ cần tưới tắm loại tư tưởng tướng pháp này, bảo đảm một phút sau sẽ đâm chồi
nảy lộc những thứ thành kiến cuộc đời. Mà, thứ đó mình đã thừa mứa.
Có lần đi xem mắt một người giúp việc giùm bạn, lúc về mình
chỉ nhận xét cụt ngủn, “có sơn móng tay”. Bốn chữ đó làm cơ hội làm việc của chị
kia vụt tắt. Một người sơn móng tay thì có chịu được lam lũ không, và lam lũ
nghèo túng sao lại sơn móng tay, là ý nghĩ bọn mình gặp nhau ở chỗ : sơn móng
tay là đặc ân của người nhàn hạ, sao chị ta có thể... Và đôi khi cảm thấy khó
khăn khi đối thoại với người có màu son chói, hoặc cổ áo trễ tràng, hoặc giọng
nói lanh lảnh cao, hoặc cái cười the thé… mình tự hỏi, cái gì đang ngăn cản,
đang che mắt, đang trì níu ?
Mà định kiến có đáng tin đâu, nhiều lần nó đã nhiều lần phản
bội mình. Gần nhất là đi lạc đường, hỏi một anh hầm hố chằng chịt hình xăm trên
người và anh nở nụ cười nhăn nhở nói đi Vĩnh Xương thì đi hướng kia. Mình không
tin, chui vào một con đường bị mưa bao phủ, lúc quay lại ngã ba đó ướt như chuột
lột, thấy anh nọ vẫn ngồi chéo nguẩy uống cà phê, miệng ứa ra nụ cười ta đây
tha thứ cho tha nhân đấy.
Cũng vào quãng hơi gần gần, mình ghét cay ghét đắng chị thủ
thư. Ghét muốn bứng muốn nhổ gương mặt nặng chình chịch như đeo cối xay bột
kia, ghét cái kiểu cằn nhằn nhấm nhẳn như thể tụi học trò kia nấn ná trong thư
viện lâu là để xé sách của chị (giữ) ra nấu cơm, ghét mắt luôn lườm lườm như cả
thế gian này là trộm cắp. Cảm giác nếu lấy cành củi khô cọ vào người chị, lập tức
củi bốc cháy, chẳng cần bùi nhùi. Mình sẽ nuôi cái sự ghét ấy cho tới hết đời,
nếu không kịp trông thấy đôi bàn tay chị (và tự hỏi tại sao trước giờ mình
không nhìn thấy đôi tay đó, cái gì che mắt mình đi ?). Sách tướng pháp có trang
nào viết về tâm tính của một người có đôi tay rướm máu vì bị nước ăn lâu ngày,
đôi tay bợt bạt và những móng tay còi cọc thối đen ? Mình không đọc loại sách
đó, chỉ chắc chắn rằng chị sống vất vả. Thì ra mình đã bỏ phí hai năm trời lui
tới mà không biết chị nửa khuya phải dậy ngồi bào bắp chuối đem bỏ mối, kiếm
thêm chút tiền phụ thêm khoản lương còm cõi, để nuôi hai đứa em vào đại học. Bốn
mươi tuổi vẫn thui thủi đi về, vai không gánh mà oằn, trưa vắng chạnh lòng khi
trẻ con qua ngõ để rớt lại những tiếng cười trong trẻo.
Thời của ba má mình, cái sự ghét thương nhau đơn giản là địch
ta, là lễ giáo và những thứ xoay quanh nó. Thời mình ghét dễ, thương khó. Lên mạng
thấy những cuộc tranh cãi triền miên, mạt sát triền miên mà ớn. Nào là tôn
giáo, sắc tộc đã đành, ghét nhau còn vì người Nam kẻ Bắc, người quê kẻ thị
thành. Ghét vì anh yêu máy ảnh hiệu Ca, còn tôi chỉ say đắm Ni. Anh mù quáng mê
điện thoại Ai, còn tôi thấy loại đó là thứ khoe mẽ đồng bóng. Vậy là ném nhau bằng
mọi ngôn từ bén nhọn nhất. Đến nỗi mình nghĩ ngữ pháp tiếng Việt cần phải đảo
ngược, ai của cái gì. Không phải cái gì của ai.
Làm sao đi tới lòng nhau khi mắt bị che tai bị bịt và mũi
nghẽn đặc bởi những định kiến vu vơ kiểu vậy. Gò má đó chứng tỏ là chị đó không
tốt đâu. Cái kiểu ăn mặc buông thả đó thì cô kia cũng không tử tế đâu. Nói chuyện
bỗ bã vậy chắc không phải người có học đâu. Vì một vài chi tiết không thuận mắt,
mình gạt họ đi không đắn đo. Người sống lủ khủ ngoài kia, phủi sạch người này
mình bắt đầu cuộc tìm kiếm khác, sợ gì.
Một bữa mình thử không phủi nữa, mình trù trừ đứng lại cười
với chị thủ thư bảo cái áo hôm nay đẹp, chiều có hẹn với anh nào sao ? Và chị
cười đáp trả mình sau bảy lần mình cho cười đi mà không hề nhận lại gì, bảo bữa
nay sách mới về kho nhiều lắm.
Ấy mà chị ấy ơi, em chỉ khao khát đọc người khác bằng
đôi mắt của chính mình nằm đâu đó, không hẳn là trên mặt.
Labels:
TẠP BÚT. KHI NGƯỜI TA TRẺ
ĐỂ CÓ MỘT CÁI NHÌN KHÁC HẲN
Robert Powell
Những gì chúng ta muốn
nói ở đây là: hãy quên hết những mục tiêu của bạn. Chúng ta cũng nói rằng: không có
cái nên làm và không nên làm ... không có một nguyên tắc chỉ đạo nào cả. Bạn phải
hoàn toàn quên đi những trạng thái tâm thức nào khác mà bạn cho là có thể đạt
được.
Chỉ việc nhìn và tập trung vào những việc giờ đây và ngay bây giờ. Một
khi bạn làm thế, bạn bắt đầu khám phá được cách bạn đang sống và làm việc ...
và những thứ gây ra phiền não cho chính bạn.
Một khi bạn nhận thức điều này rõ ràng, mọi
thứ khác sẽ tự sắp xếp đâu vào đó. Bạn không làm thế? Tất cả những gì đang
không ngừng xảy ra bên trong chúng ta đều ở trong tư tưởng. Và tư tưởng luốn cố gắng
đạt đến một trạng thái thú vị nào đó. Nó muốn thỏa mãn chính nó. Mỗi khi bạn cố
đạt được một điều gì, bạn đang xung đột với chính mình. Cho nên, khi bạn nhìn sự
việc với hay xuyên qua tư tưởng bạn sẽ mãi bị đánh ngã, bởi tư tưởng sẽ diễn giải
những gì nó nhìn thấy dựa vào thói quen và định kiến của chính nó...
Do đó, để nhìn vào tiến
trình suy nghĩ của một người đòi hỏi phải có một cái nhìn đặc biệt - đó là nhìn mà
không dựa vào kinh nghiệm của quá khứ. Điều này có nghĩa là cái cơ cấu tư duy
luôn phỉnh gạt chính nó rằng cái này thì tốt, cái kia thì xấu ... phải được dập
tắt. Khi người quan sát và cái được quan sát là một thì đó là một cái nhìn hoàn
toàn khác hẳn.
Labels:
SỐNG GIẢN ĐƠN - AN LẠC
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)