Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Thư Gửi Sinh Viên Y Khoa 18 : Họa Vô Đơn Chí

Thy Anh

ngày  . . . tháng . . . năm
HM thân mến
Trong cuộc đời, ai ai rồi cũng có nhửng lúc phải chịu đựng những thất bại, xui xẻo dồn dập như em vậy.
Em đã bị mất chỗ dậy kèm, xe gắn máy hỏng, nhà trọ thì dột, laptop lại bị lấy mất trộm, thi học kỳ thì đã gần kề mà chẳng tập trung học được bài . . . Thật là họa vô đơn chí !
Tuy nhiên, thầy cũng thấy mừng cho em vì em đã biết tìm một người nào đó mà chia sẻ. Chia sẻ cho cha mẹ đang vất vả ở dưới quê nhà thật ra cũng không phải là một giải pháp hay. Em thử nghĩ xem, cha mẹ em đang phải lao động vất vả mới đủ tiền gửi cho em ăn học, kể lể những chuyện như vậy có thể làm cho cha mẹ thêm lo lắng mà cũng chẳng giải quyết được gì.
Đừng để mình bị rơi vào căng thẳng tuyệt vọng, dù là trong tình huống nào, em hãy nhớ rằng mình không đơn độc và trên đời này còn vô số người bất hạnh hơn mình.
Hãy kiên nhẫn và đừng nản chí, không dạy kèm thì em sẽ bớt tiền uống cà phê ăn bánh hay nhịn xem phim lại, ở nhà xem sách báo, học đi học lại bài vở biết đâu lại có lợi hơn? Xe hỏng thì nhờ bạn bè chở đi học dùm, chắc em phải tìm được một người bạn nào đó ở gần nhà trọ của mình chứ? nếu không thì đi xe bus, giá vé cực rẻ, chỉ phải dậy sớm một tí, thế thôi. Nhà trọ dột thì có khó gì đối với một thanh niên, em leo lên tự sửa cũng xong, nhưng cũng nên nói thêm với chủ nhà xem sao. Chỉ còn vấn đề mất laptop đúng là khó xử, nhưng thật ra, sinh viên y khoa đang đi học cũng không cần máy tính xách tay lắm đâu, giàn máy tính ở trường cũng đủ dùng rồi, phải không?
Nếu em vẫn không tìm được các giải pháp để làm cho cuộc sống dẽ dàng hơn thì thầy xin tặng em một số biện pháp mà thầy thường áp dụng khi rơi vào hoàn cảnh bế tắc như vậy.
  # Hãy tìm một người nào đó để chia sẻ, có thể gọi điện thoại hoặc qua email. Chia sẻ những vướng mắc của bản thân cho một ai đó, có thể là một người bạn thân, một người thầy hoặc một đàn anh cởi mở và sẵn lòng lắng nghe, sẽ tạo được một ảnh hưởng vô cùng kỳ diệu. Có đôi lúc, ta không muốn trút hết tâm sự cho người khác, nhưng em thử nghĩ xem, chẳng lẽ em cũng không muốn bạn bè gọi cho em khi họ cần tâm sự?
  # Hãy viết những suy nghĩ về những sự kiện khó chịu vào nhật ký hoặc lên trang blog, em sẽ trút được mọi suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu bằng cách trải lòng mình ra những trang viết.
  # Hãy đi tắm biển hoặc đi bơi ở hồ bơi. Nước mát chảy trên cơ thể sẽ xoa dịu tất cả, giúp em lấy lại thăng bằng và trí óc sẽ trỡ nên minh mẫn hơn. Mọi suy nghĩ bi quan tiêu cực sẽ trôi theo dòng nước.
  # Hãy đi lang thang trên phố. Dạo phố không phải để mua sắm mà chính là một cách tập thể dục giảm stress rất hữu hiệu. Nếu em đã học yoga hoặc một môn thể thao nào đó thì hãy bước ra sân mà thực hành, các động tác yoga hoặc võ thuật rất có lợi cho sức khỏe.
  # Hãy thiền định. Thiền định không có nghĩa là em phãi ngồi xếp chéo chân hay tụng kinh gõ mõ ê a . . . em chĩ việc làm việc nào thì tập trung hết mình vào việc ấy. Gấp quần áo, ủi đồ, nấu cơm, gẩy đàn . .  đều có thể trở thánh một hình thức thiền định nếu ta biết tập trung và vứt bỏ tất cả mọi chuyện phức tạp đời thường ra khỏi trí óc trong lúc đang làm việc đó. Cũng có thể dành cho mình một khoảng thời gian ở một mình yên lặng để tĩnh tâm. (xem thêm: solitude một mình tràn đầy an lạc)
  # Hãy tìm về với thiên nhiên. Em có thể đi dạo trong công viên, trong thảo cầm viên, trong một khu vực nhiều cây xanh bóng mát ở ngoại thành. Đi thả diều, đi câu cá hoặc chỉ đơn giản tản bộ hoặc đạp xe qua những cách đồng . . . Nếu thường xuyên gần gũi với thiên nhiên, em sẽ cảm thấy cơ thể khỏe khoắn hơn, tinh thần cân bằng hơn.
  # Hãy cảm ơn cuộc sống vì chắc chắn rằng em còn được may mắn hơn rất nhiều người khác. Suy nghĩ tích cực sẽ giúp em nhìn đời với một cặp kính khác và không còn buồn chán nữa. (xem thêm ...)
          Mong rằng những kinh nghiệm của thầy có thể giúp em vượt qua những khó khắn bế tắc.
          Hãy tập trung học bài đi nhé.
          Chúc em thi được điểm thật cao.

Chào em.

Không có nhận xét nào: