Thy Anh
Sống giản đơn hạnh phúc hơn |
"Bác sĩ , sao bác sĩ không nhuộm tóc đi?", Vị khách 75 tuổi, việt kiều Mỹ, nói với tôi trước khi đứng lên.
Tôi hỏi lại: " Nhuộm để làm gì?"
Ông giả lả : " thì để . . . feeling young ấy mà!"
Rồi ông đứng lên, phải vất vả vịn hai tay lên bàn vì đau đầu gối, cô bạn gái khoảng trên 30 tuổi, vội vàng chạy lại đỡ ông đứng lên, lo lắng "có sao không mình?" Ông cười gượng rồi khập khiễng theo cô bước ra khỏi phòng khám. Lúc này tôi mới để ý nhìn kỹ ông. Tuy đã 75 tuổi, khá nhăn nheo nhưng vóc dáng ông cũng còn thon thả, mái tóc ông đen tuyền, chỉ để lộ một ít viền bạc ở chân tóc phía trên hai tai. Mày râu nhẵn nhụi, nước hoa thơm lừng. Ông đeo một sợi dây chuyền bện bằng thừng to đùng, mặt dây chuyền bằng đồng, hình thánh giá. Ông mặc một chiếc áo body hoa văn mầu nâu đất rất hợp với chiếc quần jean xanh nhạt. Nói chung thì nhìn cũng có vẻ trẻ trung so với tuổi. Ông đến khám vì đau khớp gối, đau lưng và tăng huyết áp, nói chung là vì ba cái bệnh của . . . người già.
Nhiều người đã lầm khi cho rằng sau khi sinh ra thì phải bệnh trước rồi mới già nua. thật ra không cần đợi đến tóc bạc da mồi mới là già lão mà già là quá trình đã tích lũy từng giây, từng phút, từng giờ trong suốt một thời gian nhất định. Một đứa bé đang lớn lên cũng chính là đang lão hóa.
Khi còn bé, ai cũng có lúc mong mình sớm lớn lên để hưởng thụ được những thú vui của người lớn, có thể đi chơi, làm gì tùy thích mà không ai ngăn cấm. Sở dĩ lúc ấy chúng ta nghĩ thế vì chúng ta chưa từng biết cảm giác "già" là gì. Cuộc đời ngắn ngủi, học hết cấp một, cấp hai, cấp ba rồi vào đại học, tốt nghiệp rồi đi làm, lấy vợ hoặc lấy chồng rồi đẻ con, ngoảnh đi ngoảnh lại bỗng giật mình vì đã thất tóc trắng trong tay. Không ai thoát khỏi sinh lảo bệnh tử.
Tuy lão hóa là một hiện tượng tự nhiên nhưng nhiều người, nhất là những người coi trọng cuộc sống vật chất, coi trọng hình thức, lại rất ngại mỗi khi có người đề cập đến chúng. Họ thường giấu tuổi như một bí mật cá nhân, ai hỏi đến liền cho là bất lịch sự. Khi có ai khen mình trẻ hơn tuổi thì rất vui mừng. Phần lớn ai cũng sợ già, không muốn người khác thấy mình già và muốn mình trẻ mãi dưới mắt người khác. Tâm lý trốn tránh sự già nua của tiến trình tự nhiên chính là một nỗi khổ của con người.
Thượng tọa Thích Thánh Nghiêm, một thiền sư nổi tiếng của Đài Loan kể:" Già không nhất thiết phải đến mức lẩm cẩm. nhưng đến tuổi lão suy thì quả là rất khó khăn. Nhiều người an ủi tôi rằng tôi trẻ lắm, trông tôi như chỉ mới năm mươi thôi, tôi nói đạo hữu chớ khen quá thế vì năm nay tôi đã bẩy mươi. Tôi thế nào thì mình tôi hiểu, thế mà nhiều người lại muốn "lừa" tôi, khen tôi trẻ khỏe như thế; bẩy mươi là bẩy mươi, năm mươi là năm mươi . . giống nhau thế nào được? Tại sao chúng ta không biết tận dụng từng giây từng phút của đời mình để giúp mình sống hữu ích trong thân xác tạm bợ với thời gian ngắn ngủi này."
Tại sao chúng ta phải sống một cách giả tạo để tự lừa dối chính mình bằng nhửng biện pháp "ngụy trang" cho sự già lão để cố gắng feeling young? có cần thiết không khi đó là một quy luật của muôn đời không ai thoát khỏi?
Theo tôi, có lẽ "feeling young" không hay bằng "feeling well" hoặc "feeling happy" đâu.
Mời các bạn xem thêm bài :
SỐNG GIẢN ĐƠN HẠNH PHÚC HƠN
Cuộc sống qua ống kính : BỐN MÙA
2 nhận xét:
Đọc bài viết của thầy em thấy đồng cảm lắm, ngoảnh đi ngoảnh lại thời gian đi nhanh thật. Sống chủ yếu sao cho tâm hồn mình trẻ là được, chứ cứ nếu lo chau chuốt vẻ bề ngoài cho mình trẻ thì lại chỉ càng thêm lo lắng, lúc đó quá trình lão hóa lại càng diễn ra nhanh hơn :)
CẢM ƠN EM
HÃY SỐNH VỚI CHÍNH CON NGƯỜI THẬT CỦA MÌNH, PHẢI KHÔNG EM?
Đăng nhận xét