BỆNH ÁN
bà M. 29 tuổi, nhập viện vì sốt và đau hông lưng (P).
Bà khai bị sốt + đau hông lưng (P) 24 giờ qua. Trước đó vài ngày bị tiểu gắt, lắt nhắt, đã uống 12 viên cephalexin ( thuốc còn dư lại từ những lần điều trị nhiễm trùng tiểu trước)
Bà không có tiền căn cá nhân các bệnh nội, ngoại khoa hoặc tiền căn gia đình về bệnh thận, ngoại trừ bà thường bị nhiễm trùng tiểu từ năm 22 tuổi, cứ mỗi năm bị khoảng 3 - 4 lần, tự điều trị bằng các thuốc không rõ loại mua ở các quầy thuốc. Đôi khi bà cũng đi khám bác sĩ , được chỉ định cấy nước tiểu và cho uống 1 đợt kháng sinh. Có 1 lần, kết quả cấy nước tiểu theo dõi vẫn còn (+) sau khi bà đã được ngưng kháng sinh và lúc đó cũng không còn tiểu gắt.
Khám: bà lừ đừ, vã mồ hôi. Cân nặng 55 kg, cao 160cm T 39 0C, mạch quay 120/ph huyết áp 90/60mmHg. Ấn chẩn góc sườn lưng (P) rất đau, khám bụng mềm, hạch ngoại biên không sưng đau, tim phổi bình thường, không dấu thần kinh khu trú.
Kết quả xét nghiệm:
Công thức máu:
Hb 129g/L BC 20.8 X 10 9/L TC 344 X 10 9/L Neutrophil 18.0 X 10 9/L Lymphocytes 2,0 X 10 9/L
Sinh hóa máu:
Na 135 K 3.5 Cl 105 HCO3 25 creatinin 95µmol/L ANION GAP 0 mmol/L
phân tích nước tiểu:
Dipstick
nitrite (+) leucocyte esterase (+) protein (+) blood (+++)
Cặn lắng
leucocytes: 50 - 100/McL erythrocytes: 0 epithelial: 10-50/µL Bacteria: ít nấm men: ít trụ: 0
cấy nước tiểu < 104 CFU (KHÚM VK)/mL
CÂU HỎI 1
Triệu chứng của bệnh nhân có thể giải thích bằng các vấn đề nào sau đây?
a/ nhiễm trùng tiểu dưới đã được điều trị một phần
b/ viêm đài bể thận bên P
c/ viêm bàng quang mô kẽ
d/ viêm thận kẽ do thuốc
e/ bệnh sỏi bàng quang
CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG
B
GIẢI THÍCH
Mặc dù triệu chứng cơ năng lúc đầu của bà M. giống như một trường hợp nhiễm trùng tiểu dưới (viêm bàng quang, niệu đạo), nhưng với các triệu chứng của nhiễm trùng nhiễm độc (sepsis) như sốt cao, lừ đừ, kèm đau hông lưng P buộc ta phải nghĩ đến khã năng vi khuẩn có thể đã lan tỏa từ hệ thống bài tiết vào chủ mô thận P (câu b đúng). Nên nhớ các trường hợp nhiễm trùng tiểu trên không bắt buộc lúc nào cũng phải có các triệu chứng của nhiễm trùng tiểu dưới đi trước, nhiều bệnh nhân vẫn có thể có các triệu chứng tổng quát do nhiễm trùng (sepsis) ngay từ đầu.
Viêm đài bể thận là bệnh thường gập tại các phòng khám và trong bệnh viện, vi khuẩn gây bệnh thường gập nhất là E. coli và các trực khuẩn G(-) từ ruột, > 50% vi khuẩn đến tử đường tiểu dưới, còn lại, đến từ đường máu. Tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn thay đổi tùy từng cộng đồng và tùy tình trạng sử dụng kháng sinh có được kiểm soát tốt hay không.
Các chẩn đóan phân biệt của một trường hợp đau bụng bên P + sốt gồm: viêm túi mật (đau thường ở phía bụng trước), viêm ruột thừa (sau hồi tràng), viêm tụy cấp, hiếm hơn (đau giữa bụng, vùng thượng vị), bệnh lý viêm vùng chậu với viêm quanh gan (Fitz-Hugh-Curtis) hoặc nhồi máu thận. Tuy nhiên, các chẩn đoán này hiếm gập ở phụ nữ trẻ.
Chẩn đoán phân biệt của một tình trạng nhiễm trùng tiếp diển có triệu chứng cơ năng nhiễm trùng tiểu dưới trước đó có thể là nhiễm trùng tiểu dưới đã được điều trị một phần, nhưng nếu như vậy, các triệu chứng của bệnh nhân sẽ chỉ khu trú ở bàng quang và đôi khi có kẻm đau tức 2 thận (câu a sai). Viêm bàng quang mô kẽ co triệu chứng tiểu gắt klắt nhắt kéo dài nhưng không tiểu ra vi khuẩn (câu c sai). Viêm thận kẽ do thuốc phải là bệnh lý của cả 2 thận và không đau, phân tích nước tiểu có máu, bạch cầu (bạch cầu ái toan) và trụ tế bào, có thể có tiểu đạm nhưng không tiểu ra vi khuẩn (câu d sai). Bệnh sỏi ở bàng quang nếu không biến chứng nhiễm trùng sẽ chỉ có biểu hiện triệu chứng của đường tiểu dưới (câu e sai)
CÂU HỎI 2
Yếu tố thuận lợi của viêm đài bể thận trên bệnh nhân này là
a/ nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần
b/ béo phì
c/ bệnh tiểu đường
d/ tiền căn gia đình
e/ nhiễm trùng tiểu thời niên thiếu
CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG
E
GIẢI THÍCH
viêm đài bể thận và nhiễm trùng tiểu dưới ở phụ nử đều có chung các yếu tố nguy cơ, đặc biệt ở các phụ nữ còn hoạt động tình dục. Các phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần cũng không có tần suất viêm đài bể thận nhiều hơn các phụ nữ ít bị nhiễm trùng tiểu (câu a sai). Các yếu tố thuận lợi khác của viêm đài bể thận có thể là sỏi thận, thai kỳ, tình trạng nằm viện và các bệnh mạn tính, tiểu đường và béo phì là yếu tố thuận lợi của tất cả các loại nhiễm trùng, không riêng gì nhiễm trùng tiểu. Xác định bệnh nhân có béo phì ta dùng chỉ số BMI, cân nặng(kg) chia cho bình phương chiều cao(m). BMI > 30 được xem là béo phì, BMI của bà M # 23.5 (câu b và c sai).
tiền căn gia đình cũng có thể là một yếu tố thuận lợi vì người ta nhận thấy các phụ nữ mang những bất thường di truyền nào đó vể bể mặt các tế bào biểu mô hệ niệu (urethelium) sẽ dễ bị viêm đài bể thận hơn (Finer & Landau 2004). Tuy vậy, các xét nghiệm khẳng định vấn đề này lại không thông dụng tại các bệnh viện, hơn nữa, bệnh nhân cũng không có tiền căn gia đình nhiều người nhiễm trùng tiểu (câu d sai).
Tiền căn nhiễm trùng tiểu thời niên thiếu rất quan trọng vì điều này chứng tõ bệnh nhân có thể mang các dị tật trào ngược bàng quang - niệu quản bẩm sinh và đây chính là một yếu tố nguy cơ của viêm đài bễ thận nhiều lần hoặc của tình trạng tiểu ra vi khuẩn tái đi tái lại nhiều lần (câu e đúng).
Các bệnh nhân nam lớn tuổi nếu có các biểu hiện của phì đại tuyến tiền liệt cũng có nguy cơ nhiễm trùng tiểu có triệu chứng. Các bệnh nhân nữ lớn tuổi, tình trạng viêm, khô âm đạo của tuổi già cũng là một yếu tố nguy cơ của nhiễm trùng tiểu (đặc biệt nếu vẫn còn hoạt động tình dục).
Người ta phân biệt nhiễm trùng tiểu có triệu chứng và không triệu chứng chủ yếu căn cứ vào vấn đề bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như tiểu gắt, lắt nhắt, sốt, đau lưng hay không. Nhưng để chần đoán có nhiễm trùng tiểu không triệu chứng, ta phải cấy nước tiểu giữa giòng 2 lần cách nhau 24 giờ và kết quà 2 lần cấy đều phải có > 10 5 khúm vk/ml, cùng một loại vi khuẩn.
CÂU HỎI 3
Kết quả tiểu bạch cầu của bệnh nhân rất có ý nghĩa để
a/ loại trừ các bệnh lý khác của vùng chậu
b/ xác định có tiểu ra vi khuẫn
c/ khẵng định tiên lượng và dự đoán tần suất tái phát nhiễm trùng tiểu
d/ loại trừ khả năng nghẽn tắt đường tiểu
e/ tăng khả năng chẩn đoán bị nhiễm trùng tiểu
CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG
E
GIẢI THÍCH
Khi bệnh nhân bị một hội chứng nhiễm trùng (sepsis) hay nhiễm trùng huyết chưa rõ ổ nhiễm, nếu xét nghiệm dipstick nước tiểu có leucocyte esterase (+), phãi nghĩ đến và tìm ngay các ổ nhiễm từ đường tiểu. Tuy nhiên xét nghiệm này không giúp phân biệt nhiễm trùng tiễu trên hay nhiễm trùng tiểu dưới. Tiểu mủ (tiểu bạch cầu) có thể gập trong 25% các trường hợp bệnh lý vùng chậu nên xét nghiệm này cũng không loại trừ được các bệnh viêm nhiễm vùng chậu. Bệnh nhân này đã sử dụng kháng sinh trước đó nên cấy nước tiểu kết quả sẽ khó đạt đũ tiêu chuẩn chẩn đoán, do đó, ta phải chẩn đoán dựa vào các triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể và các dấu chỉ điểm (marker) cho một tình trạng viêm ở hệ niệu như tiểu bạch cầu (câu e đúng). Độ tin cậy và độ nhạy của xét nghiệm leucocyte esterase trên que dipstick không bằng kết quả xét nghiệm đếm bạch cầu trong cặng lắng nước tiểu.
CÂU HỎI 4
Chọn lựa điều trị cho bệnh nhân lúc vào viện
a/ tiếp tục kháng sinh đang dùng ở nhà
b/ chọn một kháng sinh đường uống khác.
c/ kháng sinh đường tĩnh mạch.
d/ chỉ cần truyền dịch là đủ
e/ xét nghiệm hình ảnh học hệ niệu
CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG
C và E
GIẢI THÍCH
Mục tiêu điều trị viêm đài bể thận là sử dụng kháng sinh liều càng thấp và thời gian càng ngắn càng tốt, nhưng, phải bảo đảm KHÔNG TÁI PHÁT. Hầu hết các viêm đài bể thận đáp ứng nhanh chóng với điều trị, nhưng để phòng ngừa tái phát nên cần thời gian đủ lâu. Nên dùng kháng sinh ít nhất 7 ngày.
Điều trị theo kinh nghiệm trường hợp này đã thất bại, không nên tiếp tục (câu a sai).
Trong viêm đài bể thận, có thể phải đến 5 ngày mới hết sốt. Tốt nhất nên dùng kháng sinh đường tĩnh mạch vì bệnh nhân sốt cao kèm rối loạn tri giác, mạch nhanh, huyết áp khá thấp, không loại trừ khả năng đang nhiễm trùng huyết. Khánh sinh tĩnh mạch đạt hiệu quả toàn thân nhanh chóng, có thể phòng ngừa kịp thời tình trạng suy đa cơ quan hoặc choáng nhiễm trùng.
Mạch 120 huyết áp 90/60 chứng tỏ có giảm thể tích màu lưu thông # 20%, có thể do bệnh nhân mệt nên uống ít, do sốt, vã mồ hôi hoặc do thoát dịch thành mạch, cần bù dịch nhưng phải kèm với sử dụng kháng sinh. Lưu ý, 25% các bệnh nhân viêm đài bể thận có ói mửa, điều này cũng làm cản trở hiệu quả các kháng sinh đường uống. Nên tiếp tục kháng sinh tĩnh mạch đến khi bệnh nhân hết đau, hết sốt.
Các xét nghiệm hình ảnh hệ niệu rất cần thiết trong viêm đài bễ thận hoặc các nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại như trường hợp này. siêu âm bụng là xét nhiệm nên làm khi vào viện và nếu cần thiết, có thể CT scan bụng, các xét nghiệm này giúp phát hiện nghẽn tắc hệ niệu, khối choán chỗ (carcinoma) hoặc tụ mủ trong thận, quanh thận. Nếu gập các phát hiện này, cần hội chẩn ngoại khoa ngay. Sau 3 ngày điều trị một trường hợp viêm đài bể thận với kháng sinh đúng theo kháng sinh đồ, nếu bệnh nhân vẫn còn đau và sốt, cần cấy máu làm kháng sinh đồ và cũng nên làm lại các xét nghiệm hình ảnh này để loại trừ khả năng tạo áp xe trong thận hoặc quanh thận.
14 nhận xét:
Chuyên mục này hay quá thầy ơi. Em cám ơn thầy nhiều nhiều
Em nghĩ nếu thi thực tập môn Nội vừa có một ngày thi tình huống lâm sàng trên giấy như thế này vừa có một ngày thi khám trên bệnh nhân thì có vẻ mang tính khách quan cao hơn, không biết có chính xác hay không nữa? Vì thi lâm sàng đôi khi gặp bệnh nhân khó tính không hợp tác thì cũng phiền cho sinh viên lắm, nhất là Y6 sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng có được dự thi tốt nghiệp hay không.
thi tình huống lâm sàng trên giấy sẽ gồm đủ các chuyên khoa, mỗi chuyên khoa 1 tình huồng. thế thì còn gì bằng!
nhưng biết cách cho đề thi kiểu tình huống này . . . không phải dễ đâu!
em kêu các bạn xem các loạt bài này để ôn bài, sẽ có nhiều ca về khí máu và rối loạn kiềm toan nưã!
các em đã được học bài rối loạn kiềm toan và khí máu chưa?
Dạ, thầy nói đúng ạ! Để ra được đề như thế này thì người ra đề cũng phải vắt óc suy nghĩ lắm ạ. Em thường coi mấy bài viết Clinical cases thấy cũng hay lắm ạ, nếu bộ môn mình tham khảo để thi lý thuyết trắc nghiệm (hay điền khuyết) cũng hay. Vì nói thật Y2, Y3, Y4 em học thuộc lòng thi lý thuyết, học xong, thi xong, giờ cũng quên, do không có tính ứng dụng thực tế nhiều. Em thấy vừa rồi bộ môn Ngoại thần kinh ra đề "trí tuệ" lắm thầy ạ, toàn tình huống lâm sàng không thôi, chỉ có vài câu lý thuyết cho sinh viên gỡ điểm. Nếu học bài kỹ thì chắc cũng được 7,8 điểm, còn đi lâm sàng nhiều thì chắc điểm cao hơn. Em nghĩ như vậy mới khuyến khích sinh viên đi lâm sàng nhiều, chứ không cứ đến gần thi là sinh viên lại ở nhà ôm sách học bài, lâm sàng bỏ bê, có lên bệnh viện cũng như xác không hồn, lại tốn thời gian.
Dạ, còn bài Rối loạn thăng bằng kiềm toan và khí máu động mạch thì em có được thầy dạy một lần hồi Y4. Nhưng mà em nghĩ là bài viết của thầy đã giảng kỹ lắm rồi ạ, nếu chịu khó đọc thì 45 phút đến 1 tiếng là nắm hết nội dung trong đó rồi thầy ạ. Đầu năm em đi trực cấp cứu bên nhiễm, không có gì làm cứ giở cái bài powerpoint của thầy ra vừa đọc vừa thực hành. Em phải công nhận là cái chi mà có ứng dụng là ghi nhớ mau thật, còn cứ đọc lý thuyết suốt thì nhớ rồi cũng quên. Em xin cám ơn thầy về bài powerpoint RLTBKT và KMĐM. Hồi chiều em đi tham dự ké hội thảo chuyên đề GPB thận học do cô Hương chủ nhiệm, tuy chỉ một buổi cuối cùng nhưng em thấy ngành GPB này hay lắm thầy ơi. Cô bác sĩ người nước ngoài chỉ cần nhìn vô kết quả đọc Hoại tử ống thận mô kẽ cấp kèm sang thương tối thiểu là biết nguyên nhân do dùng NSAID quá liều, tài thật! Đọc kết quả đã khó mà nhìn vô đó biết nguyên nhân thì đúng là chỉ có trải nghiệm nhiều mới biết, cũng may là em học được kinh nghiệm này ( em nghĩ chắc cũng phải mấy chục năm nghiên cứu mới suy ra được như vậy). Nếu thầy có bài giảng nào về Đọc xét nghiệm nước tiểu hay GPB những bệnh thận hay gặp như Viêm OTMK, Hoại tử OTMK.. Mong thầy sẽ gởi cho sinh viên bọn em tự học, vì em nghĩ những bài giảng của thầy đều rất dễ hiểu nên thầy không phải lo về chuyện không hiểu đâu ạ. Con nếu có chỗ nào không hiểu em sẽ gửi thư hỏi thầy được không ạ. Dạ, địa chỉ mail của em là nguyentrithong104@gmail.com, thầy gửi bài cho em rồi em sẽ gửi lại cho các bạn trong khối. Em xin cám ơn thầy.
Dạ, thầy nói đúng ạ. Để ra một đề như thế này thì không dễ tí nào. Nếu bộ môn Nội mà thi lý thuyết tình huống trắc nghiệm hoặc điền khuyết như thế này em nghĩ sẽ có tính ứng dụng nhiều hơn ạ, vì Y2, Y3, Y4 em học thuộc lòng thi Nội, thi xong nếu không ứng dụng thì kiến thức cũng chỉ còn 10-20%. Em thường coi mấy clinical case ở trang Web này thấy rất hay http://clinicalcases.org/ . Em nghĩ nếu bộ môn mình thống kê lại các case hay trong mỗi lần điều trị thì trong 1 năm để ra 1 đề thi thì cũng không khó đâu ạ.
Vừa rồi thi Ngoại Thần Kinh, đề "trí tuệ" lắm thầy ạ, toàn tình huống lâm sàng, chỉ có mười mấy câu lý thuyết cho sinh viên gỡ điểm. Nếu học lý thuyết không thì chắc cũng 6,7 là cùng, còn đi lâm sàng tốt mới mong điểm cao hơn. Em thấy như vậy mới thúc đẩy sinh viên đi lâm sàng nhiều hơn, vì cứ đến ngày thi lý thuyết là sinh viên lại nghỉ ở nhà ôm sách học, hoặc có lên bệnh viện ( do sợ điểm danh) cũng ôm sách kiếm góc nào đó học, hoặc có lên phòng bệnh thì cũng lởn vởn ngoài hành lang vì sắp thi rồi đâu còn tâm trí đi lâm sàng :)
Dạ, còn bài RLTBKT và KMĐM thì bọn em đều đã có bài giảng của thầy dưới mọi định dạng ppt, pdf, image rồi ạ:)
Bài giảng rất kỹ nên chỉ cần 45-60phut tự học là có thể nắm bắt được nội dung thầy truyền tải rồi, nên thầy cứ yên tâm (^!^)
Mấy bữa đi trực cấp cứu Nhiễm đem theo bài RLTBKT và KMĐM thực hành đọc, công nhận là có ứng dụng thì dễ hiểu bài hơn thầy ạ. Thiệt là vui hết mức.
Chiều hôm qua, em đi học ké buổi huấn luyện GPB thận học do cô Hương chủ nhiệm, tuy chỉ là buổi học tổng kết nhưng kiến thức thu được cũng đáng mừng thầy ạ, sơ qua thì em cũng nhận biết được thế nào là Ống thận hoại tử, phân biệt với ống thận teo, thế nào là viêm, thế nào là phù mô kẻ...Công nhận ngành này hay ghê thầy ơi. Có một case cô bác sĩ người nước ngoài đọc GPB là biết chẩn đoán Hoại tử ống thận cấp kèm sang thương tối thiểu, sau đó còn cho biết luôn trường hợp này thường do dùng NSAID quá liều (các anh chị bác sĩ VN nghe xong vỗ tay quá trời). Tài thật! Những kinh nghiệm này chắc cũng phải mất vài chục năm mới có được, nghĩ lại em thấy mình may ghê.
Em xin lỗi thầy vì phải comment nhiều thế này vì blog giới hạn số chữ trong một comment, mà em thì có nhiều chuyện vui muốn kể cho thầy nghe quá.
Dạ, ngoài bài RTBKT và KMĐM, nếu thầy có bài giảng về GPB thận và Phân tích nước tiểu, mong thầy cho em xin ạ. Địa chỉ email của em là nguyentrithong104@gmail.com. Sau khi thầy gửi cho em, em sẽ gửi lại cho các bạn trong lớp. Em cám ơn thầy nhiều lắm ạ.
Thầy cho em hỏi tại sao kết quả dysptic là blood (+++) mà cặn lắng không thấy con hồng cầu nào ạ? tiểu Hemoglobin thì chắc không rồi, còn Myoglobin thì cò thể do sốt, lạnh run dẩn đến ly giải cơ, nhưng ở bệnh nhân này em không nghĩ vậy.
Em cảm ơn thầy nhiều ạ.
Dạ hay quá thầy ơi.những clinical case the nay giup de nho bai va thuc te hon rat nhieu.e cung dong y ban Thông la thi nhu vay hay hon.tu y2 toi y4 thi Ly thuyet Noi tu luan e thay rat mau quen,du giup minh nho het theo kieu liet ke thi se k bo sot nhung chi tam thoi thoi,con truoc nhug case the nay thi buoc sv phai biet tu tog hơp lai,suy nghi, k chi dơn gian la hoc thuoc long.va lai,o cac nuoc cug cho thi chu yeu case Ls. Em cam on thay rat nhieu vi bai viet cua thay giup tui em on bai va hoc duoc rat nhieu
Hoai Thuong nên nhớ xét nghiệm này có thể (+) giả !
Kết quả dương tính giả (#16%) có thể do sự hiện diện trong nước tiểu của povidone-iodine và các chất oxy hóa như chất tẩy hypoclorite hoặc men peroxidase của vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu.
em xem bài đăng 28 tháng 5 : MỘT TRƯỜNG HỢP TIỂU MÁU sẽ rõ.
các em có thể mời các bạn y 3- y 4- y 5 và y 6 khác xem các bài này và cho thầy biết thắc mắc. Nhé!
Tri Thong có thể hỏi sv y 3 xem có bài phân tích nước tiểu cuả cố BH kh, thầy thấy cô có dạy bài này đấy.
các case cuả thầy có các câu hỏi từ dễ đến khó, các câu 1-2-3 thường cho y 3, các câu 5,6.7 cho y 6.
Đăng nhận xét