Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Vai trò của Đạo Phật trong xã hội hiện nay

HUỲNH NGỌC CHIẾN

It is when the horizon is darkest and human reason is beaten down to the ground that the faith shines brightest and comes to our rescue. Mahatma Gandhi (1)
(Chính khi chân trời trở nên u ám nhất và khi lý trí con người bị đập vỡ nát tan tành thì niềm tin lại bừng lên sáng chói và cứu rỗi chúng ta.)



     Sự băng hoại đạo đức, sự phá sản những giá trị tinh thần trong xã hội chúng ta hiện nay đang gióng lên những hồi chuông báo động. Xã hội chúng ta đang đứng trước những cơn địa chấn tinh thần khiến toàn thể toà lâu đài đạo lý của cha ông bị lung lay dữ dội. Bức tranh truyền thống đạo lý tốt đẹp bao đời đã loang lở quá nhiều. Luân thường bị đảo lộn, giềng mối bị xới tung. Từ gia đình đến học đường, từ cá nhân đến xã hội, đâu đâu cũng có thể thấy những mảng xám đen về đạo đức. Bạo lực, giết chóc, tệ nạn xã hội diễn ra hằng ngày như cơm bữa. Con người đâm ra dửng dưng trước mọi biến cố. Những tin tức đáng kinh hãi về vấn đề đạo lý đăng tải trên báo cũng chỉ được đọc với thái độ hững hờ, như tin móc túi hay giật dọc. Mấy chục năm qua, đời sống vật chất tuy có được nâng cao, nhưng chua xót thay khi đời sống tinh thần lại ngày càng xuống dốc. Ngay cả giáo dục và y tế—hai môi trường được xem như là sự phản ánh lương tri của mọi xã hội trong mọi thời đại—cũng diễn ra cảnh bạo lực, thậm chí còn bị biến thành một thương trường suy đồi về đạo đức. Trí tuệ và mạng sống con người—những thứ được xem là cực kỳ cao qu‎ý—cũng trở thành những món hàng kinh doanh, được mua bán bằng tiền, thậm chí được trao đổi bằng cả thân xác. Người người đều hối hả chạy theo cuộc sống vật chất, dùng mọi thủ đoạn để chiếm hữu, để hưởng thụ, để tranh danh đoạt lợi, biến cuộc đời thành một bãi chiến trường theo kiểu “đấu tranh sinh tồn” của Darwin. Mọi giá trị tinh thần, mọi tiêu chuẩn đạo lý, mọi thước đo nhân phẩm trong cuộc sống dường như đều được quy thành vật chất, và giá trị con người được tính tỷ lệ thuận theo độ dày của những xấp giấy bạc.
Đằng sau sự hào nhoáng giả tạo, quá đỗi giả tạo của một xã hội chỉ biết chú tâm vào tiêu dùng và hưởng thụ, là cảnh sa mạc hoang lương của đời sống tinh thần và đạo lý. Chưa bao giờ sinh hoạt tinh thần và đời sống văn hóa lại xuống thấp đến thế. Khoảng mười năm gần đây, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng thấy khẩu hiệu “văn hóa” ở khắp mọi nơi. Gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xóm văn hóa, thôn văn hóa, làng văn hóa, bưu điện văn hóa, công viên văn hóa . . . Chữ “văn hóa” đã bị lạm dụng đến mức chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được đời sống văn hóa của chúng ta đã có vấn đề trầm trọng, như một người đau răng thì chỉ luôn nghĩ đến cái răng đau. Chưa bao giờ tính ích kỷ cá nhân, sự dửng dưng vô cảm, sự tham lam chiếm hữu và hưởng thụ, sự dối trá lọc lừa, sự tàn bạo nhẫn tâm và sự trơ tráo lại tràn lan trong xã hội chúng ta nhiều đến thế, chưa bao giờ tình người lại thiếu vắng đến thế. Cuộc sống thực dụng, quá đỗi thực dụng, đã khiến tiếng những đồng tiền rơi xủng xoẻng át đi tiếng nói của lương tri. Thủ đoạn lọc lừa cùng sự trơ tráo đã trở thành tấm giấy thông hành trong cuộc sống, khiến ai nấy đều co cụm lại để tìm chỗ trú an toàn, và nhìn chung quanh với đôi mắt ngờ vực, đầy ác cảm.
Mọi nỗ lực vãn hồi đạo lý theo kiểu khẩu hiệu hoặc phong trào đều như muối bỏ bể, vì chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không phải phần gốc, giống như để làm nguội một nồi nước đang sôi trên bếp, thay vì tắt lửa, chúng ta chỉ biết tất bật châm thêm nước. Châm nước xong, nồi nước có thể dịu lại một lúc nhưng rồi sẽ tiếp tục sôi. Căn nguyên sâu xa, theo thiển ý, là do xã hội chúng ta hiện nay đang thiếu một sự định hướng tinh thần chân chính. Có một giai đoạn chúng ta đã quá vội vã và hăng hái một cách sốc nổi trong việc đạp đổ những giá trị văn hóa và tâm linh truyền thống để thay thế vào đó bằng những giá trị được cho là mới mẻ. Chúng ta xóa bỏ những cái “bất biến” để chỉ chạy theo những thứ “tùy duyên.” Chúng ta nghĩ rằng có thể xây dựng được một xã hội hoàn toàn mới bằng niềm tin tất thắng đầy cảm tính ngây thơ, bằng những lý ‎luận chắc nịch tưởng chừng không thể lay chuyển nổi. Chúng ta dự đoán đà tiến hóa của lịch sử chỉ thuần bằng lý luận theo kiểu lập trình trong máy tính, để rồi khi cơn thủy triều thời gian nhanh chóng cuốn sạch đi những gì ta khổ công tạo dựng và cố gắng níu kéo bằng mọi cách, ta mới thấy rằng cuộc sống vẫn cứ âm thầm trôi theo một chiều khác hẳn với những bài bản trong lý thuyết. Khi cơn thủy triều thời gian rút xuống, dưới đáy cuộc sống lại hiện ra, ẩn hiện trong những lớp phù sa, những giá trị mà ta ngỡ rằng có thể vất bỏ đi. Giờ đây chúng ta lại hối hả đi nhặt nhạnh những mảnh vụn đó để chắp vá lại, với ước mong tái tạo được hình tượng ban đầu. Nhưng những hình tượng chắp vá đó chỉ còn là hình thức, mà đã đánh mất hoàn toàn phần tinh thần, là phần đem lại giá trị đích thực cho hình tượng đó. Xã hội chúng ta đang có nguy cơ đối diện với cái mà thánh Gandhi gọi là “chân trời đen tối nhất,” hay một biến cố tương tự với cái mà mà triết gia Heidegger gọi là “sự tăm tối âm u trên cõi thế” (die Verdüsterung der Welt)(2), nhưng thực tế còn nguy hiểm hơn, khi bên cạnh sự suy đồi tinh thần thì “sự tăm tối âm u” đó lại kéo theo sự suy đồi của đạo lý.



Suốt một thời gian dài, chúng ta chưa hiểu đầy đủ về bản chất con người, nên chúng ta muốn vượt qua giai đoạn làm người để trở thành những anh hùng. Chúng ta tưởng có thể dùng lý trí để xoay chuyển càn khôn, đem lý luận để chuyển dời lịch sử. Những gì không hiểu được đều bị chúng ta phủ định sạch trơn, theo kiểu vua quan triều Nguyễn cho rằng cái đèn chúc ngược mà vẫn sáng chỉ là trò lừa bịp, hay cậu học trò cấp 2 cho rằng các phương trình vi phân chỉ là điều vô bổ. Sự tự mãn đã đẩy xã hội chúng ta rơi vào sự ấu trĩ, giống như một đứa bé, sau khi dùng ná cao su bắn chết được một con chim, bèn giương ná lên trời và tin rằng có thể bắn rụng cả vầng trăng. Với những quan điểm cực đoan về tôn giáo và mơ hồ về sự phát triển thực tế của cuộc sống, chúng ta vội vã phủ nhận những giá trị văn hóa tâm linh, vì cho rằng lòng kính tín siêu nhiên có thể trói buộc tâm thức con người trong sợ hãi, không cho con người tiến đến tự do. Chúng ta không hiểu rằng làm một con người chân chính khó hơn làm một thiên thần. Chừng nào con người còn là con người với tham-sân-si, thì sự sợ hãi từ lòng kính tín siêu nhiên đó là điều cần thiết giúp con người biết kiềm chế dục vọng để tự mình đi theo con đường đạo lý, giống như một cậu học trò nghịch ngợm không dám làm điều càn quấy trước vị thầy đức độ nhưng nghiêm khắc. Lịch sử nhân loại cho thấy lòng kính tín siêu nhiên, mặc dù lắm phen bị lạm dụng, vẫn góp phần điều hòa được những giềng mối đạo lý trong xã hội, giúp xã hội ổn định mà không cần đến sự ước thúc của pháp luật. Tín đồ Thiên chúa giáo sẽ khoan hòa hơn nếu biết tin sợ đức Chúa Trời, tín đồ Tin Lành sẽ nhân ái hơn nếu biết tin sợ đức Jésus, tín đồ Hồi giáo sẽ tốt đẹp hơn nếu biết tin sợ đức Ala, tín đồ Phật giáo sẽ thuần thành hơn nếu biết tin vào Phật pháp. Ở xã hội Á Đông, hơn mấy ngàn năm qua, nhiều người dù không theo một tôn giáo nào thì vẫn tin vào ông Trời và sợ luật nhân quả. Ngay cả kẻ nắm toàn quyền sinh sát trong tay như các ông vua Trung Quốc thời phong kiến vẫn phải có đấng Tối cao để sợ. Nhiều người không hiểu thâm ý của hai chữ “Thiên tử” nên vội vàng cho đó là lối thậm xưng đầy huênh hoang của kẻ nắm quyền cai trị. Vua là kẻ nắm toàn quyền sinh sát trong tay, không có gì khiến “ông trời con” kia sợ hãi nữa. Mà khi không có gì để sợ hãi thì “ông trời con” kia sẽ biến thành thiên thần hoặc biến thành ác quỷ, mà chắc chắn đến 99,9% là biến thành ác quỷ, nên người xưa phải đặt ra khái niệm “thiên tử” để khống chế vua. Mỗi khi có thiên tai bão lụt đẩy nhân dân vào cảnh khốn khó, các vị quan thường vin vào cớ đó, xem như là lời răn đe cảnh cáo của “ông bố vua ” là ông Trời để can ngăn vua bớt hoang dâm, mà lo tu nhân tích đức. Vua vẫn phải có cái để sợ là ông Trời thì mới có thể tự kiềm chế được mình mà thành ông vua tốt. Khi con người luôn thấy mình là những kẻ anh hùng vĩ đại, muốn bắt lịch sử và vũ trụ phải cúi đầu, thì họ sẽ không sợ gì cả. Nhưng khi một xã hội không còn cái gì để sợ nữa, khi không còn một thế lực siêu nhiên nào có thể ước thúc hành vi con người được nữa thì xã hội đó sẽ có nguy cơ đối mặt với sự hỗn loạn và suy đồi. Một xã hội chỉ có thể sống an vui tự tại mà không cần đến sự kính tín siêu nhiên, khi nào xã hội đó gồm toàn những triết nhân thấu đạt được lẽ sinh tử huyền vi hay những bậc chân nhân giác ngộ.
Có một thời, thế giới phương Tây tôn vinh thuyết tiến hóa Darwin, xem như là một thắng lợi vẻ vang của nhân loại. Sinh học chi phối tư tưởng triết học phương Tây trong thế kỷ 19, giống như vai trò của toán học trong thế kỷ 17. Con người tưởng mình sẽ là những chủ nhân ông thực sự của vũ trụ để kiến tạo nên một thế giới hoàn hảo, khi giao trả Thượng đế lại cho những kẻ được xem là mê tín nhảm nhí. Nhưng những bậc trí giả phương Tây đã nhanh chóng nhận ra rằng học thuyết của Darwin, bên cạnh những ý nghĩa tích cực về khoa học, đã vô tình góp phần đẩy xã hội phương Tây đến bờ vực thảm họa về đạo đức, khi những giá trị tối thượng của cuộc sống được đánh giá theo những tiểu chuẩn lạnh lùng của sinh học. Thần thánh bỏ đi, nhường chỗ cho lý trí và quy luật sinh học, điều đó đã khiến cõi thế mất đi sự hòa điệu và biến thành một bãi chiến trường khốc liệt.
Văn hào Pháp Voltaire có một câu nói nổi tiếng “Nếu Thượng đế không tồn tại thì ta nên tạo ra Ngài” (Si Dieu n’existait pas, il faudrait l’inventer). Câu này đã được văn hào Dostoievski triển khai như là tư tưởng chủ đạo trong tiểu thuyết vĩ đại Anh em nhà Karamazov. Văn hào Nga này đã cảnh báo nếu con người sống với tư tưởng “nếu không có Thượng đế thì tất cả đều được phép làm” (Si Dieu n’existe pas, tout est permis) thì sẽ không có gì có thể ngăn cản được con người tự tàn sát lẫn nhau cho đến kẻ cuối cùng, và ông cho rằng “Ngày phán xét cuối cùng” phải được đưa ra như là điểm dừng cho sự xuống dốc của đạo đức. Nếu tôi sinh ra một cách ngẫu nhiên để chỉ sống một cuộc đời ngắn ngủi, rồi sau đó là Hư vô theo kiểu “Après nous le déluge!”, thì việc gì tôi lại không hưởng thụ, cho dầu sự hưởng thụ đó được trả giá bằng nước mắt, bằng sự khổ đau thậm chí bằng cả cái chết của những người đồng loại? Nhân vật Smerdiakov giết cha nuôi là Fiodor Karamazov để cướp của cũng chỉ vì cái tư tưởng “Tout est permis” khủng khiếp này. Trong thời gian qua, đã có không ít những Smerdiakov gây nên biết bao chuyện hãi hùng trong xã hội chúng ta.
Trừ những bậc chân sư giác ngộ hoặc những kẻ vĩ cuồng ấu trĩ, con người phần lớn vẫn là những sinh vật yếu đuối, về thể xác lẫn tinh thần. Khi bị quăng ném vào “cõi người ta,” con người thường thấy mình quá bé nhỏ nên đâm ra hoang mang giữa vũ trụ mịt mùng, do đó họ vẫn luôn cần đến điểm tựa là một đấng Siêu nhiên. Triết học hay tôn giáo ra đời cũng chỉ để giúp con người nguôi đi phần nào cái cảm thức hoang mang đó, trong việc tìm ra một chỗ “an thân lập mệnh.” Ngay cả những kẻ thời trai trẻ xông xáo trong đấu trường của L‎ý trí, chỉ tin duy nhất vào khoa học, thì đến lúc cuối đời vẫn cần đến một đức tin. L‎ý trí dù mãnh liệt đến mấy cũng khó lòng giúp con người thoát được cảm thức hoang mang trước Hư vô, khi cận kề cái chết, hoặc khi đối mặt với những vấn đề phi lý trong cuộc sống, mà ta không sao lý giải nổi. Đó là cơ duyên để chúng ta lắng nghe thế giới tâm linh lên tiếng. Chỉ khi nào mạch nguồn tâm linh sâu thẳm trong mỗi người được khai mở thì tâm thức người đó mới thực sự được nâng cao để nhận ra những giá trị chân chính của cuộc sống. Những giá trị đó không phải được tôn vinh bằng những danh từ sáo rỗng, mà phát khởi từ những gì sâu thẳm nhất trong ta, do đó nó mới có giá trị trường cửu. Khi nào chúng ta chỉ biết chạy theo những giá trị phù du của vật chất, xem đó là những giá trị tối thượng trong cuộc sống thì tâm trí chúng ta vẫn luôn hỗn loạn bởi khát vọng chiếm hữu và hưởng thụ. Và sự hỗn loạn trong tâm trí chúng ta phóng chiếu thành sự hỗn loạn trong xã hội. Do đó, sự hỗn loạn trong xã hội chỉ có thể chấm dứt khi sự hỗn loạn trong nội tâm mỗi người chấm dứt. Mà sự hỗn loạn trong nội tâm mỗi người chỉ có thể chấm dứt khi con người có được sự định hướng tinh thần chân chính. Để góp phần vãn hồi sự suy đồi đạo đức trong xã hội hiện nay, có lẽ chúng ta phải cần đến một cái gì đó vượt lên trên lý trí: tiếng nói của tôn giáo trong thế giới tâm linh.
Chừng nào con người còn tồn tại trên trái đất, chừng nào những cảm thức về sự phi lý diêu mang của cõi thế, những cảm thức hoang mang về vũ trụ mịt mùng còn nảy sinh, có nghĩa là những khắc khoải siêu hình còn tồn tại, thì ngày đó tiếng nói của tôn giáo vẫn còn vang lên trong thế giới tâm linh. Mọi tôn giáo chân chính luôn nâng cao đời sống tâm linh cho con người, giúp con người hướng thiện và đem lại bình yên cho cõi thế. Nó chỉ trở nên suy đồi khi bị lạm dụng để biến thành một thế lực phục vụ cho thần quyền hoặc thế quyền.
Để có thể cứu vãn nền đạo lý đang có nguy cơ đổ nát, phải chăng đã đến lúc xã hội chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của tâm linh? Thế nhưng giữa thời đại mà khoa học được xem như chiếc đũa vạn năng để giải quyết nhiều vấn nạn cho nhân loại, thì liệu có một tôn giáo nào có thể giúp chúng ta kiến tạo nên một nhân sinh quan hay một thế giới quan khoa học mà vẫn đáp ứng được những khát vọng tâm linh cùng những yêu sách về đạo lý? Theo nhà vật lý thiên tài Einstein thì câu trả lời sẽ là Phật giáo(3). Câu trả lời này đã gây ra nhiều tranh luận về nguồn gốc và nội dung của nó. Người viết đã đề cập đến vấn đề tế nhị này một lần(4), nên ở đây chỉ xin nhấn mạnh một điểm: tại Việt Nam, Phật giáo gần như đã gắn liền với lịch sử dân tộc, giống như Thiên chúa giáo với lịch sử các dân tộc Âu châu, như Hồi giáo với lịch sử các nước khối Á Rập hay vùng Trung Á, cho nên Phật pháp dễ dàng thẩm thấu vào lòng người dân Việt. Do đó, đối với một xã hội và nền văn hóa đã bao đời chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo và Phật giáo như nước ta thì nội dung câu nói của nhà bác học Einstein, bên cạnh ý nghĩa triết học, còn mang ý nghĩa thực tiễn.
Với vô lượng pháp môn, Phật pháp luôn đáp ứng được vô lượng căn cơ của chúng sinh tìm cầu giác ngộ. Thế giới Hoa Nghiêm đem lại cho con người một kiến trúc vũ trụ vĩ đại; tư tưởng Bát Nhã đưa con người vào một thế giới siêu việt nhị biên; pháp môn Tịnh độ giúp mọi người tìm được an lạc tâm linh bằng cách niệm hồng danh chư Phật; Thiền tông đem lại một nhãn quan bình đẳng giữa Sinh Tử với Niết Bàn; Tứ diệu đế và Bát chính đạo chỉ ra chân tướng của cuộc sống, đồng thời vạch ra con đường để con người theo đó mà đi đến giải thoát; thuyết Thập nhị nhân duyên trình bày toàn bộ vũ trụ theo một cấu trúc toàn bích, trong đó mọi sự vật đều liên quan chặt chẽ với nhau theo luật nhân quả. Phật pháp đem đến cho nhân loại một cái nhìn như thực về bản chất vô thường của cuộc sống để con người có thể từ bỏ tham dục và mở rộng lòng ra với mọi người. Mỗi cá nhân như một viên gạch, muốn gắn kết tất cả các viên gạch đó lại với nhau để kiến tạo nên một ngôi nhà chung mang tên Nhân Loại, thì con người phải cần đến chất xi măng, đó là tâm Đại Bi của Phật pháp hoặc lòng Bác Ái của chúa Jésus. Nhưng trước hết và trên hết, đạo Phật vạch ra chánh đạo để con người tìm về phần tối linh trong tự thân, đó là Phật tính. Trong vũ trụ không có gì là tối linh ngoài cái tối linh trong tâm ta. Giáo lý về Phật tính sẽ góp phần nâng cao tầm nhận thức để con người xác lập được một thế giới quan và một nhân sinh quan khoan dung, thấm nhuần hương vị giác ngộ và từ bi của đạo Phật. Chỉ những nền đạo lý xuất phát từ cội nguồn sâu thẳm của tâm linh mới có thể tác động sâu xa đến xã hội được.
Kể từ khi ánh sáng giác ngộ từ Tuệ trí siêu việt của đức Phật bừng lên dưới gốc cây Bồ Đề cách đây hơn hai ngàn năm, cho đến nay nó vẫn tiếp tục tỏa sáng những chân trời tư tưởng và tâm linh của nhân loại. Tại những thời buổi điên đảo nhất hay tại những “chân trời u ám nhất” như hiện nay, thì ánh sáng đó lại càng cần thiết hơn nữa cho xã hội chúng ta, cho toàn nhân loại, để chúng ta có thể cảm nhận được—như lời thánh Gandhi—“niềm tin lại bừng lên sáng chói và cứu rỗi chúng ta.”
Hàng ngàn năm qua, tiếng chuông chùa trong bóng chiều hôm đã đồng vọng như một sức mạnh tâm linh bàng bạc trong lòng người dân Việt, thì bây giờ chúng ta còn cần nó vang vọng hơn nữa để cảnh tỉnh con người ra khỏi bến mê, để hướng thiện và cùng nhau xây dựng lại từ những muôn ngàn đổ vỡ. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu có bậc long tượng nào trong Phật giáo hiện nay hội đủ tâm lực, trí lực và pháp lực trong việc hoằng dương Chánh pháp để giúp điều đó trở thành hiện thực? Câu trả lời vẫn còn đang nằm ở phía trước.
Cuối cùng, bài viết xin được kết thúc bằng lời nói của bác sĩ P.Dahlke:
“Sự thô bạo hung ác được ướp hương hoa của nền văn minh chúng ta đặt nền tảng trên những nhận thức sai lầm về ý nghĩa cuộc sống, từ đó đã kéo theo sự đánh giá sai lầm về những giá trị của cuộc sống . . .
Chính ở điểm này giáo lý đức Phật đã đến như một bậc đạo sư, một nhà giáo dục, một nhà cách mạng thay đổi các giá trị, tóm lại như là phúc âm cho tư tưởng và tạo ra một bước ngoặt mới cho “cuộc đấu tranh sinh tồn” mù quáng, mà tất cả chúng ta đều lệ thuộc vào như những kẻ điên cuồng.”(5) 

Phật đản 2554

Phần ghi chú: (1) Interview with Dr. John Mott, Young India, 1929 March 21
(2) “Sự suy đồi tinh thần trên quả đất này đã đi xa đến mức các dân tộc bị đe doạ đánh mất luôn cả sức mạnh tinh thần cuối cùng, sức mạnh giúp họ có thể nhận ra và đánh giá được sự suy đồi ấy (. . .). Sự khẳng định đơn giản này hoàn toàn không có liên quan gì với tính bi quan cũng như tính lạc quan theo khái niệm văn hóa, bởi vì sự tăm tối âm u của cõi thế, chư thần đã bỏ đi, quả đất bị tàn phá, con người kết bè nhóm, mọi thứ sáng tạo phiêu bồng đều bị ngờ vực hận thù, tất cả những điều ấy, trên toàn trái đất này, đã đạt mức tương xứng đến nỗi các phạm trù ấu trĩ như bi quan hoặc lạc quan đều trở nên lố bịch từ lâu.” (Martin Heidegger, Einführung in die Metaphysik, Vittorio Klostermann, GA40, 1983, tr.41)
(3) "Tôn giáo trong tương lai phải là một tôn giáo mang tầm vóc vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt lên trên một Thượng đế được xây dựng theo hình ảnh con người, và tránh được giáo điều cùng thần học. Vì bao hàm được cả yếu tố tự nhiên và tinh thần, nó phải đặt nền tảng trên một cảm thức tôn giáo được phát khởi từ kinh nghiệm về vạn hữu như là một Thể Nhất Như đầy ý nghĩa, trong thế giới tự nhiên lẫn tinh thần. Đạo Phật đáp ứng được điều này. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những yêu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ là đạo Phật.” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there is any religion that would cope with modern scientific needs it would be Buddhism.)
(4) Xin xem “Diệu quán sát trí: từ một góc nhìn”, Nguyệt san Văn hóa Phật giáo, số 65/2008
(5) P. Dahlke, Đạo Phật và khoa học, Huỳnh Ngọc Chiến dịch, NXB Phương Đông, 2009, tr.362-363

Không có nhận xét nào: