Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC VIỆT NAM - MỘT BẢO BỐI CỦA SỰ NGHIỆP GIỮ NƯỚC VÀ DỰNG NƯỚC


GS. Trần Văn Giàu
Vua Quang Trung
Đánh giặc 10 năm, bây giờ gác súng, thảo luận triết lý của lịch sử ai lại chẳng ham ?, người tham dự đông. Số tham luận nhiều. Chỉ vài bài hơi lạc lõng, còn tất cả đều bảo rằng tư tưởng chủ yếu của dân tộc Việt Nam suốt thời kỳ lịch sử là tư tưởng yêu nước.
Lịch sử Việt Nam dài nhiều nghìn năm, chủ yếu là lịch sử đấu tranh giành lại và bảo vệ độc lập dân tộc. Cho nên tư tưởng chủ yếu của dân tộc Việt Nam là tư tưởng yêu nước xuyên suốt lịch sử, cổ kim. Sự hình thành và phát triển của tư tưởng yêu nước đi đôi với sự hình thành và phát triển của quốc gia dân tộc. Lịch sử Việt Nam trải qua bao nhiêu thời đại thịnh suy thì tư tưởng yêu nước có bấy nhiêu hồi tiến lên hay suy thoái rồi quật khởi, lúc nào thực tế cũng chứng minh rằng tư tưởng yêu nước không phải chỉ là một triết lý để nhàm chán, nó là kim chỉ nam cho hành động, là một tiêu chuẩn để nhận định đúng –sai; tốt - xấu; nên – chăng. Vận nước suy hay thịnh, mất hay còn, nhục hay vinh, phần rất quan trọng này là tùy thuộc ở chỗ ta ứng dụng và phát huy hay ta quên lãng và chôn vùi món vũ khí tinh thần ấy mà tất cả các thế hệ tổ tiên, ông cha đều có công góp cả xương máu để rèn luyện.
… Ta có thể hiểu tại sao, một ngàn năm hơn bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, dân tộc Văn Lang không chết mất, quốc gia Văn Lang lại được khôi phục trên một tầng phát triển cao hơn, tầng Đại Việt; Bài thuốc trường sinh bất tử ấy, bài thuốc cải tử hoàn sinh ấy, xét cho cùng là một hệ thống tư tưởng yêu nước được sơ khỏi hình thành trên đất tổ Hùng Vương, khiến cho lúc còn phải ăn sương, uống tuyết để mà sống, người Việt Nam - người Văn Lang – không bị động chờ hóa kiếp, mà chủ động phát huy các giá trị tinh thần của tổ tiên để lại, cuối cùng tự mình lật đổ Ngũ Hành Sơn. Gương ông Gióng mãi mãi sáng; gương hai bà Trưng mãi mãi sáng. Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng trở về đóng đô ở Cổ Loa thành thiên cổ “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn, nước non hội ngộ còn luôn” là vậy.
Có người bảo: Hán mạt, Đường tàn thì các dân tộc bị đô hộ thì gặp cơ may tự tháo cổng, chớ Việt Nam sức mấy tài gì? thời cơ thuận lợi thì đúng là có đấy, nhưng nếu tài thiển, sức mọn thì làm sao tháo cổng? mà dù xông ra được, hùm thiêng vị tất đã có thể tung hoành ở rừng xưa, chủ trại còn đó sẽ có ngày lại bắt. Việt Nam không phải như thế, Sau Hán, Đường là Tống, Nguyên, Minh, Thanh, tất cả các triều đại của ông khổng lồ Bắc quốc đều một, hai hay ba lần ra sức đánh chiếm Việt Nam mà tất cả đều bị thất bại thê thảm, thì đó là “cơ may” hay “cơ rủi” ? Đó chẳng phải là Việt Nam giành lại và giữ được độc lập dân tộc bằng tài sức của chính mình thì nhờ đâu. Nhưng thắc mắc của người đọc sử như thế cũng chưa được giải đáp trọn vẹn; Người ta còn hỏi về sức thì họ hơn, họ đông hơn Việt Nam 10, 15, 20 lần, về tài họ có truyền thống tôn tử, Ngô Khởi, Đức Mạnh ai bì? họ không phải không có lý do để khinh thị Việt Nam nhỏ như “ngón tay”, “cái đấu” thì sao tiến công xâm lược, họ thua luôn? Hay là bên cạnh những cách giải thích thông thường, ta còn có thể tìm nguyên nhân chiến thắng của ta ở lãnh vực tư tưởng, tinh thần đặc biệt cao cả của các tướng sĩ, của binh sĩ nhất là của toàn dân, của mỗi người dân ?.
Trong thời Đại Việt, dân tộc Việt Nam có nhiều người hay chữ, chữ hán và chữ nôm. Trước, trong và sau mỗi lần chiến thắng, đều thấy nảy nở những áng văn hay, sâu, viết trên giấy, khắc trên đá. Tất nhiên tôi vẫn dựa trên các sự kiện lịch sử, song ở đây, tôi chủ yếu dựa vào các áng văn đó để ghi lại những đặc trưng của tư tưởng yêu nước thời Đại Việt, nói cho gọn, đoạn này của bản tham luận nhằm ghi lại mấy đóng góp chính của thời Đại Việt vào chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam.
LÝ THƯỜNG KIỆT - “NAM QUỐC SƠN HÀ”
Tư tưởng yêu nước thì thời Văn Lang đã sinh nở. Trong thời Bắc thuộc, tư tưởng yêu nước không bị tàn lụi vì cuộc đô hộ lâu dài, trái lại, tư tưởng yêu nước chẳng những được duy trì, mà lại có cơ hội phát triển với sự phát triển của phong trào dân tộc giải phóng. Nhưng phải đợi đến khi độc lập được khôi phục thì văn học yêu nước mới hình thành, văn học yêu nước bắt đầu với các nhà sư triều (tiền) Lê, và phải đợi đến triều Lý đầu thế kỷ XI mới có những áng văn đem lại những nguyên lý mới làm phong phú thêm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Nổi tiếng nhất, ảnh hưởng nhất tới trăm đời về sau là bài thơ bốn câu 28 chữ của Lý Thường Kiệt, Phát súng thần trên chuyến tuyến sông Như Nguyệt giữa quân Việt Nam với quân Tống. Từ đền thờ hai vị thần Trương Hống, Trương Hác, tướng của Triệu Việt Vương Quang Phục, đêm đêm vang lên mỗi bài thơ làm phấn chấn thêm tinh thần đã cao của quân Việt, làm nản chí quân xâm lăng. Sau đó nhiều trận quyết chiến đã buộc 20 vạn quân Tống phải rút về nước. Khiến hai ông Á Thánh Tống Nho phải ngậm ngùi tiếc rẻ sao chỉ còn 30 dặm đường vào Thăng Long, mà  không vào nổi! bài thờ thần trên dòng sông Như Nguyệt chỉ bốn câu mà nói lên hai nguyên lý trọng đại của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam.
“Nam quốc sơn hà, nam đế cư
 Tiệt nhiên định phận tại thiên thu” 
 Núi sông nước Nam thì Hoàng đế nước Nam ở. Tức lãnh thổ Việt Nam thì dân tộc Việt Nam làm chủ. Cương giới đã ghi rành trên sách trời, tức là quyền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam không ai tranh chấp được, không ai bôi bỏ được. Hai câu này đồng nội dung ý với câu “Tạo hóa sinh ra con người tự do và bình đẳng” của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp: với câu “các dân tộc đều có quyền độc lập tự do” của Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Có khác một điều là Tuyên ngôn của Triều Lý Việt Nam xuất hiện trước hai Tuyên ngôn kia đến mấy trăm năm, ở đây, thì “Thiên thu”, ở đó thì “Tạo hóa”, khác gì mấy ?.
“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.
 Cớ sao lũ giặc dám tới xâm phạm ?, chúng bây hãy chờ xem, thế nào chúng bây cũng chuốc lấy bại vong! Đó là cách của thần nói rằng, bảo rằng ta nhất định thắng, địch nhất định thua.
Bảy tám trăm năm sau, ta còn nghe lời thề quyết tâm ấy khi kháng Pháp, kháng Mỹ. Người sau cách mạng Tháng tám năm 1945 có lý khi cho rằng bài thơ thần trên chuyến tuyến sông Như Nguyệt là bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của Việt Nam.
TRẦN HƯNG ĐẠO - HỊCH TƯỚNG SĨ VÀ DI CHÚC
Thiện chiến và tàn bạo của quân Thát Đát, còn góc trời Âu – Á đâu không biết? nay Thát Đát đã diệt tống rồi, vua tôi nhà Tống đã ôm nhau nhảy xuống biển rồi; đế quốc Nguyên Mông đã dựng lên rồi, thì số phận của nước Đại Việt “Nhỏ như cái đấu”, ở sát hà nước Nguyên, giống như quả chuông treo bằng một sợi chỉ, như một trái chín treo trước miệng kẻ háo ăn. Nay quân Nguyên Mông sắp vào Đại Việt  nói là mượn đường vào Đông – Nam Á, thì triều đình nhà Trần tất phải lo đối phó. Đối phó cách nào? Không cách nào khác ngoài cách chính mình: chuẩn bị về quân lực và chuẩn bị về tinh thần, về việc trọng đại mà sau này ta gọi là “Công tác tư tưởng” thì lịch sử ghi lại hai cuộc Hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than cốt để cho ý thức “Sát Thát” trở thành ý thức chung của toàn dân, từ vua quan, vương hầu đến tất cả đồng bào ở đồng bằng và miền núi. Đối đầu với một kẻ địch đông nhất và  mạnh nhất thế giới thì “mưu cao, mẹo giỏi” không đủ để chiến thắng, tướng giỏi, binh khỏe không đủ để cứu nước. Nhà Trần huy động các bậc bộ lão để cùng nhau quyết định “đánh!” truyền quyết tâm ấy cho toàn dân. Và trong “công tác tư tưởng” năm 1284 thì bài Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo có tầm quan trọng quyết định tới việc rèn luyện một quân đội tuyệt đỉnh anh hùng. Hai cuộc Hội nghị và một bài Hịch đã đem những  nguyên lý gì góp vào chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ?.
1.    Quân địch thiện chiến, tàn bạo và đông đúc nhất trên đời, trước nay chưa từng có, nhưng ta quyết không sợ địch, ta đem sức của toàn quân, toàn dân mà kháng chiến thì chắc chắn sẽ được “Bêu đầu Hốt Tất Liệt ở Cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai”.
Đánh tan tư tưởng sợ địch, phát huy tư tưởng quyết chiến, quyết thắng, trong tình thế này hẳn không phải là chuyện dễ, vì quân Mộng- Thát chưa hề thua ai trên chiến trường Trung – Tây Á, Đông Âu, Trung Âu và cả Đông Á, họ đánh bại tất cả, họ được xem như thiên thần; kỵ binh họ tới lui nhanh như chớp giật, họ đánh mạnh như sấm sét từ Giáo hoàng ở La Mã tới Vua Tống ở Biện Kinh đều tán đởm kinh tâm. chỉ có quân Việt Nam đời Trần mới không sợ. Mà không sợ địch mới có thể quyết chiến quyết thắng được. Lại phải đem hết lực lượng toàn dân nhất trí đánh giặc thì mới cản được, đuổi được giặc Mông Thát.
2. Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo nhận thấy rằng sau cuộc quân ta đánh bại Vân Nam Vương thì trong một thời gian không ngắn, nước ta có hòa bình, nên trong quân ta phát sinh tư tưởng tự mãn; tự mãn sinh ra thờ ơ, thờ ơ sinh ra một cái họa đắm đuối trong một lối sống hưởng lạc. Cho nên làm “công tác tư tưởng”; Trần Hưng Đạo đòi hỏi ở các tướng sĩ:
a) Phải chú tâm bảo vệ danh dự của nước nhà và của chính mình; phải “biết thẹn”, khi nước mình, dân mình bị nhục, khi thấy sứ giả Nguyên tại Thăng long nghênh ngang bắt nạt tể phụ; bọn chúng kiêu căng nhục mạ vô nhân như vậy mà các tướng sĩ thản nhiên không tức giận không căm hờn vì nước bị lăng nhục. Hịch tướng sĩ đã đánh vào cái chai lì và không biết thẹn đó.
b) Không một phút thờ ơ với vận nước, phải tránh cái lối sống hưởng lạc: “Giặc Nguyên Mông tràn vào thì cựa gà không đâm thủng áo giáp, mẹo cờ bạc không thể làm mưu lược nhà binh, chó săn giỏi không đuổi được quân thù, chén rượu ngon không thể làm cho giặc say chết, tiếng hát hay không thể làm cho giặc điếc tai”.
c) Phải bồi dưỡng tinh thấn thượng võ cho thật cao. “Hãy ra sức huấn luyện binh sĩ tập dượt cung tên khiến cho người người là Bàng Mông nhà nhà là hậu nghệ”. Có như vậy mới “bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa Khuyết” được.
NGUYỄN TRÃI - ĐẠI CÁO BÌNH NGÔ _ TÂU VUA LÊ
Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Năm 1428 “Đại cáo bình Ngô” ra đời. Đại cáo bình Ngô được viết cho đồng bào Việt Nam, đồng thời cũng cho nhà Minh đọc. Chắc là đối với Thiên triều bài Đại cáo này thấm thía khá sâu.; Sau đó 300 năm mới thấy thiện triều Mãn Thanh trở qua Việt Nam để nhận thêm bài học Đống Đa. Còn người Việt Nam thì từ thủa ấy, ai lớn lên, đi học, mà không thuộc lòng vài đoạn của “thiên cổ hùng  văn” này. Đại cáo bình Ngô đã đem vào kho tàng chủ nghĩa yêu nước những tư tưởng lớn nào ?.
1. Quốc gia dân tộc Việt Nam được khẳng định là một nước Văn Hiến lâu đời, chớ đâu phải một nước man di như các triều đại Bắc Phương kiêu căng xếp loại; Cũng được khẳng định là một dân tộc anh hùng; Từ đời nọ qua đới kia Việt Nam đối đầu với Hán, Đường, Tống, Nguyên “Mỗi bên hùng cứ một phương tuy mạnh yếu nhiều lúc khác nhau mà hào kiệt thời nào cũng có” Nếu không phải “Từ trước vốn xưng nền văn hiến đã lâu”  thì sao có thể chống lại nổi cái tử nạn Hán hóa sao có thể làm cho Việt hóa thắng Hán hóa. Nếu không phải “Hào kiệt đời nào cũng có”, không phải là anh hùng thì sao có thể đánh bại được kẻ xâm lược to lớn hơn mình hàng chục lần, đánh lại họ không phải chỉ một lần mà liên tiếp các lần họ xâm lược, các bại tướng của họ Lưu Cung, Triệu Tiết, Toa Đô, Ô Mã Nhi hay Vương Thông, Mã Anh đều là nhân chứng rõ ràng.
Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô nói lên được ý thức tự hào dân tộc- một cơ sở chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước phải làm nảy sinh chủ nghĩa anh hùng thì quốc gia dân tộc mới sống còn danh dự được, nhất là khi đất nước ở một vị trí địa dư chính trị đặc biệt như Việt Nam.
2. Chống xâm lược là việc chính nghĩa; cứu nước, cứu dân là việc đại nghĩa; chính nghĩa thắng phi nghĩa, đại nghĩa thắng cường bạo. Đó là triết lý chính trị của Đại cáo bình Ngô, đó là lòng tin sắt đá của dân tộc Việt Nam.
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy trí nhân để thay cường bạo”
 3. Yêu nước là yêu dân, cứu nước là cứu dân. Một tư tưởng lớn của Đại cáo bình Ngô. Trong một lần đánh bại Nam Hán, hai lần đánh bại quân Tống, ba lần đánh bại quân Mông Nguyên, bên phía ta phải huy động sức mạnh của toàn dân, chớ không phải chỉ dùng quân lực, thì mới có thể “Lấy ít địch nhiều”, “Lấy yếu chống mạnh ” được. Trong cuộc kháng Nguyên của nhà Trần thì đã rõ ràng rồi. Nhưng phải đến Đại cáo bình Ngô thì mục đích cứu nước và cứu dân thì mới quyện lại thành một mối, phải đến đây, vai trò cứu nước của nhân dân mới được chính thức tuyên dương xứng đáng
a) Đại cáo bình Ngô là “bản án chủ nghĩa thực dân” thống thiết cụ thể nhất, đầy đủ nhất làm cho những người đương thời mà cả người đời sau sôi sục căm thù quân Minh cường bạo: “Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội, dơ bẩn thay nước Nam Hải không  rửa hết mùi” Lê Lợi khởi nghĩa, cuộc khỏi nghĩa nhằm cứu nước và cứu nước cũng là cứu dân, “cứu nước dân để dạ, chí háo hức muốn về đông”
b) Đặc điểm của Đại cáo bình Ngô là, chiến thắng rồi mà vẫn tuyên dương sức mạnh của nhân dân lao khổ như là sức mạnh đầu tiên xung phong đánh giặc Minh. Lúc khởi nghĩa Lam Sơn còn trong trứng nước “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu” mà nhân dân lao động khổ đã sẵn sàng “dựng gậy làm cờ, tụ họp bốn phương manh lệ”. Manh Lệ là ai? là nô tì ở các điền trang, là quần chúng lao khổ nhất. Không tụ họp được bốn phương manh lệ thì không thể đánh đuổi quân Minh. Ở thời khác, ở nơi khác, các ông chủ nhất là đặng chim bẻ ná, đặng cá quên cơm. Còn ở Việt Nam thời Lam Sơn, khởi nghĩa toàn thắng, khi non sông sạch bóng quân thù rồi thì Đại cáo bình Ngô hãy còn trân trọng ghi công cho quần chúng vô danh, chứ không phải chỉ ghi công cho trời thần, danh tướng. Đại cáo bình Ngô sở dĩ đã đem được cho chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam một tính chất nhân dân vốn đậm nét của toàn cuộc kháng Minh. Người dân lao khổ đi đánh giặc suốt mười năm, tự nhiên mang trên đầu giáo, mũi gươm những nguyện vọng của giai tầng mình. Và những người lãnh đạo kháng chiến đã từng “hòa rượu với nước” cùng uống với nhân dân, cũng tự nguyện không thể làm ngơ với nguyện vọng ấy.
4. Thần vũ không giết, ta thể lòng hiếu sinh. Tư tưởng yêu nước Việt Nam cốt giành độc lập tự do, không cốt trả hận rửa thù bằng cách giết địch nhiều nhất. Ta hiếu sinh, không hiếu sát. Cho nên khi đánh thì quyết chiến, quyết thắng, không sợ tốn xương máu, “Nổi gió to quét sạch lá khô”, nhưng khi “quân giặc các  thành khốn đốn, cởi giáp ra ra hàng; tướng quân giặc cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng” thì “thần vũ chẳng  giết hại, thề lòng trồi ta mở đường hiếu sinh”, “Ta lấy toàn quân làm hơn để nhân dân nghỉ sức”. Bình Định Vương lại còn cấp cho Mã Kỳ 500 chiếc thuyền, cấp cho Vương Thông vài nghìn cỗ ngựa để họ về nước, họ về nước rồi mà còn “Ngực đập, chân run”. Quyết chiến là được độc lập và để có hòa bình; Độc lập, hòa bình mới là mục đích của Việt Nam.
“Càn khôn hết bỉ lại thái,
Nhật nguyệt hết mờ lại tỏ,
Mở thái bình muôn thủa
Rửa sạch mối sỉ nhục ngàn thu”
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không phải là chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi càng không phải là chủ nghĩa chủng tộc.
5. Cho thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu. Thời gian trôi qua, bốn biển thái bình rồi thì những nhà cầm quyền lần lần xa dân, sa vào lối sống hưởng lạc, triều đình lo việc xây dựng cung điện, định lễ nhạc, người Trãi được lệnh chỉ đạo việc định lễ nhạc đó. Dịp này, Người Trãi đệ trình một lời tâu, lời tâu này đời sau xem như một biểu hiện nguyên lý của chủ nghĩa yêu nước thực tế đó là lời cảnh cáo của vua.
“Đời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn” ngày nay định ra lễ nhạc là đúng lúc. Song, không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần phụng chiểu định ra âm nhạc, không dâm không gắng hết tâm lực; song học vấn sơ sài,nông cạn, sợ trong âm thanh luật khó làm được hài hòa. Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân, Khiến trong thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là cái gốc của nhạc vậy”. Hẳn việc làm cho “Thôn cùng xóm vắng bặt tiếng hờn giận, oán sấu” không chỉ cái gốc của nhạc, mà cũng là cái gốc cho mọi chính sách của nhà nước độc lập để bảo vệ nền độc lập.
Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đến Lam Sơn khởi nghĩa toàn thắng đã mang tính chất nhân dân khá sâu sắc, nhưng chưa có ai, kể cả Nguyễn Trãi đi đến khái niệm “dân giàu nước mạnh”. Phải đợi đến 300 năm nữa khái niệm ấy mới đến tâm trí của người yêu nước. Còn bây giờ đây chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Trãi mới yêu cầu “vua Nghiệu Thuấn dường ấy ta đà phỉ sở Nguyên” và trong lúc các quan đều nói “ăn lộc mang ơn vua” thì Nguyễn Trãi viết “ăn lộc mang ơn kẻ cấy cày”. Nhà nho, dù là nho kháng chiến không ngó thẳng tới trước, chỉ ngó ngoái ra sau. Tuy vậy, các đại văn hào của trường phái yêu nước thân dân do Nguyễn Trãi đứng đầu đã dám nói lên những ước mơ không tưởng mà táo bạo, Nguyễn Mộng Tuần, Lý Tử Tấn, Nguyễn Trực đồng ca ngợi, mong chờ một xã hội “duy tân”.
“Dân ở trong cày yên ổn vui tươi
Vật sinh nơi đó, dong chơi hớn hở
Cày ruộng, đào giếng, mặc ấm, ăn no
Già nua lụm cụm mà không thui, không lụi
Ngày làm đêm nghỉ không biết  nhọc nhằn..”
 Một Lý tưởng xã hội mọc lên với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi.
ĐÓNG GÓP CỦA NGUYỄN HUỆ
NGƯỜI “ANH HÙNG ÁO VẢI CỜ ĐÀO” CHO HỆ THỐNG TƯ TƯỞNG YÊU NƯỚC VIỆT NAM
Bia kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi
 Nguyễn Huệ không để lại một bài viết nào, một di chúc nào. Ông chết đột ngột. Nhưng thành tích của người anh hùng “áo vải cờ đào” này là cả một pho sách. Phần đóng góp của Nguyễn Huệ  vào chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có hai trọng điểm, hai nguyên lý lớn là :
1. Thứ nhất là luôn sẵn sáng chiến đấu. Lịch sử chép rằng khi Nguyễn Ánh rước hai vạn quân Xiêm với 300 chiến thuyền của họ thình lình đổ bộ lên Hà Tiên, nhằm Gia Định mà tiến, thì tướng Tây Sơn ở Nam liệu sức không cản nổi, liền phi báo cho Nguyễn Huệ ở Quy Nhơn. Đường Hà Tiên -  Gia Định bằng một phần ba đường Quy Nhơn – Gia Định. Vậy mà khi hai vạn quân Xiêm và tàn quân Nguyễn Ánh mới mò lên tới Tiền Giang, thì bị quân Nguyễn Huệ tiêu diệt ở Rạch Gầm gần toàn bộ trong nửa buổi sáng.
Lấy cớ đưa vua Lê Chiêu Thống về , 250.000 quân Thanh vào Lang Sơn nhằm  Thăng Long mà tiến; Tướng Tây Sơn ở Bắc liệu sức không cản nổi, liền phi báo cho Nguyễn Huệ ở Phú Xuân. Đường Phú Xuân – Thăng Long hơn năm lần xa hơn đường Lạng Sơn – Thăng Long. Vậy khi mà đại quân Thanh vừa hạ trại bên bờ Sông Hồng đang lo vui tết, thì đại quân Nguyễn Huệ đã tới núi Tam Điệp, thong thả ăn tết sớm, rồi trong trận đánh liên tục kéo dài trong năm ngày đêm, toàn bộ 250.000 quân Thanh bị đánh tan tành, chủ tướng Tôn Sĩ Nghị chạy bỏ cả ấn tín !
Có mấy ai, có đời nào sẵn sàng chiến đấu hơn? quyết chiền thắng hơn? cắt nghĩa chiến thắng bằng thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ là đúng mà không đủ. Còn phải tìm nguyên nhân sâu xa hơn nữa với chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam được phát huy cao độ bởi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ít nhiều tính chất chống  vua chúa áp bức.
2. Phần đóng góp của Nguyễn Huệ vào hệ thống tư tưởng yêu nước Việt Nam là ý thức và sự nghiệp thống nhất nước nhà. Vấn đề lớn này ở triều Đinh được đặt ra lần thứ nhất và Đinh Bộ Lĩnh đã giải quyết bằng cách đánh dẹp Thập Nhị sứ quân. Đến thời Lý Trần và Lê sơ không có vấn đề này. Nước Việt Nam khi ấy là Đại Việt vốn là một nước thống nhất.Nhưng từ 1527, Đại việt bị phân liệt, tình trạng phân liệt kéo dài đến gần cuối thế kỷ XVIII, hơn 200 năm. Bắt đầu là phân liệt Bắc Nam triều giữa Lê và Mạc, kế đó là Trịnh – Nguyễn phân tranh. Phân liệt phân, tranh thì yếu. Yếu thì dễ xâm lược. Trong vài trăm năm, Trịnh – Nguyễn đánh nhau tới bảy lần. Mạc, Trịnh, Nguyễn không ai có tư tưởng thống nhất nước, tất cả họ chỉ có ý đồ xâm chiếm lẫn nhau. Cứ như thế thì cái họa bị xâm lăng ắt khó tránh. Nội chiến chỉ chấm dứt khi khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, lần lượt đánh đổ cả hai chúa Nguyễn, chúa Trịnh, đánh đổ luôn vua Lê;  Trong Nam thì đuổi quân Xiêm, ngoài Bắc thì đánh đuổi quân Thanh; lãnh tụ Tây Sơn đường đường chánh chánh lên ngôi Hoàng Đế, vua Càn Long nhà Thanh dù mới đại bại (hay là vì đại bại) mà phải công nhận Quang Trung là vua nước Việt Nam. Thời gian thống nhất Việt Nam dưới cờ Quang Trung, tiếc thay quá ngắn! Quang Trung băng hà quá sớm, đột ngột, người nối nghiệp bất tài. Đại nghĩa tự nó không đủ  tạo ra đại nghiệp, còn phải có người đại tài. Quang Trung chết sớm, chết tức là một sự kiện ngẫu nhiên. Sau đó  thiếu gì những ngẫu nhiên khác. Các ngẫu nhiên kết lại, nối ra thành cái tất yếu. Đất đã được dọn thì sự thống nhất không thể không đến “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Trong việc lập lại sự thống nhất sau thời gian phân biệt lâu dài thời Lê mạt thì người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là vĩ nhân đã khởi xướng và bắt đầu thực hiện sự nghiệp ấy.
3. Vậy là từ khi Ngô Quyền tiêu diệt quân Nam Hán đến khi Nguyễn Huệ đánh bại quân Mãn Thanh trong hơn tám thể kỷ, Việt Nam đã đại thắng tám lần. Một nước “nhỏ bằng ngón tay”, “nhỏ như cái đấu” đã liên tiếp đuổi được quân cướp nước. Còn ai có thể nói đó là “cơ may” nữa? Nhưng trừ ra lần diệt quân Nam Hán, tất cả các lần đánh bại Tống, Nguyên, Minh, Thanh xong rồi, Việt Nam đều chiếu theo nguyên lý của chủ nghĩa yêu nước truyền thống là chiến thắng để có hòa bình lâu dài, biết rằng một nước nhỏ ở cạnh một đế quốc phong kiến khổng lồ, nên Việt Nam lần nào cũng phải nhún nhường để cho nước lớn chấm dứt binh đao, lợi cho hai bên mà cũng lợi cho họ, lợi cho tất cả các dân tộc gần xa.

Không có nhận xét nào: