Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

BẠN CẦN GÌ ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC?

David Michie


Có một người nghèo tên là Depa bất ngờ tìm được một viên đá vô cùng quý. Là người không tham cầu và vốn hài lòng với cuộc sống đạm bạc của mình, Depa suy nghĩ xem nên tặng viên đá cho ai.
Sau khi suy xét, ông quyết định tặng nó cho vua Prasenajit. Nhà vua hết sức ngạc nhiên bởi còn có rất nhiều người nghèo, nhưng Depa nói:"Chính ngài mới là người nghèo nhất, bởi ngài thiếu sự hài lòng và thỏa mãn".
(Long Thọ, thư gửi bạn)

Cần những gì để được hạnh phúc? 
Trong số tất cả các câu hỏi trên cõi đời này thì đây là câu hỏi phổ biến nhất. Đó cũng là câu hỏi đầy tính công bằng, vì tất cả chúng ta, dù giàu sang hay nghèo hèn, độc thân hay đã có gia đình, béo hay gầy, đều bình đẳng trong ước muốn đạt được chân hạnh phúc. Không phải hạnh phúc mà tất cả chúng ta đang nghiệm thấy đến và đi phụ thuộc vào hoàn cảnh, mà là một thứ hạnh phúc vững bền bất chấp đổi thay. Một thứ hạnh phúc chúng ta cảm nhận từ bên trong.
Dù dựa vào bất kỳ tiêu chuẩn khách quan nào, nhửng nỗ lực để đạt được mục tiêu đơn giản này của chúng ta cũng đều gặp phải những kết quả rõ ràng là hỗn độn. Chúng ta giờ đây đang hưởng một mức sống sung túc mà ông bà chúng ta phải kinh ngạc, nhưng chưa bao giờ tủ thuốc gia đình lại đầy ắp những thứ thuốc an thần, giảm đau, chống trầm cảm nhằm giúp chúng ta thoát khỏi trạng thái căng thẳng của thực tại "tiến bộ" đến như vậy. Chúng ta có trong tay vô số dụng cụ và thiết bị tiết kiệm sức lao động nhưng chưa bao giờ chúng ta lại phải làm nhiều giờ đến thế. Chúng ta thành công trong khái niệm thoải mái dễ chịu là tạo ra một "ngôi làng toàn cầu" - nhưng chưa bao giờ chúng ta cảm thấy bị vây hãm bởi chủ nghĩa khủng bố quốc tế, những rủi ro tài chính, những căn bệnh do virus gây ra, cùng vô số những đe dọa khác. Và danh sách liệt kê các nghịch lý này còn dài lắm.
Đối với bản thân, sự nỗ lực để đạt được hạnh phúc của chúng ta, cuộc sống có mục đích, thường không suôn sẽ như ý nguyện. Tiền bạc, các mối quan hệ và sự thành đạt trong công việc là những thành tố cốt lõi trong "công thức chế biến hạnh phúc" của đa số, nhưng nếu kiểm tra về mức độ hiệu lực của chúng, liệu chúng có thật sự đứng vững hay không?
Là những sinh vật có khả năng thích nghi đến ngạc nhiên, chúng ta có thể điều chỉnh theo các điều kiện mới nhanh chóng đến mức những gì từng một thời bị xem là bịa đặt, hoang đường, chẳng mấy chốc đã trở thành điều bình thường, và chúng ta quay trở về nơi mình đã bắt đầu để tìm kiếm những thích thú mới. Ngay cả khi chúng ta đã đạt được sự thăng tiến khao khát từ lâu, chúng ta lại bối rối phát hiện ra mình chẳng trải nghiệm được cảm giác tuyệt vời mà chúng ta đã luôn nghĩ là mình sẽ có.
Và trong các quan hệ, chúng ta nhận ra cơn choáng váng đầu tiên của sự lãng mạn có thể biến thành cái gì đó hoàn toàn khác hẳn một cách nhanh chóng.
Nhưng rồi, bằng cách này hay cách khác, chúng ta cố gắng thuyết phục bản thân rằng không phải do lỗi ở công thức chế biến - mà do các nguyên liệu chúng ta đang sử dụng: Nếu chúng ta dành được công việc hay hợp đồng đặc biệt NÀY, sự khác biệt sẽ làm thay đổi cả cuộc đời. Người đàn ông hay người phụ nữ ĐÓ thích hợp đến mức việc sống chung với người ấy sẽ mang chúng ta đến trạng thái hạnh phúc tuyệt vời. Sự thật thì chúng ta đã từng ấp ủ những suy nghĩ tương tự về việc người bạn đời hiện nay vốn chẳng phải là đối tượng mà chúng ta từng mơ mộng. Và nếu làm như vậy, chúng ta đang có một khả năng xuất chúng là thuyết phục bản thân rằng lần này sẽ khác hẳn.
Bởi thời trai trẻ đã từng kiếm sống trong lĩnh vực giao tế của các công ty, nên cuộc mưu cầu hạnh phúc của tôi là cuộc mưu cầu của một con người bận rộn. Trong cái cối xay nghề nghiệp làm việc như điên, trải nghiệm đủ loại cảm xúc, tôi hoàn toàn quen thuộc với những cố gắng không ngừng để thành công, quen thuộc với hiểu biết chán ngán rằng bất luận bạn đi được bao xa, luôn luôn còn phải tiến xa hơn nữa.
Nhưng thật may mắn cho tôi là đã gặp được Phật Giáo Tây Tạng, khám phá ra con đường thực tiễn khác. Không phải sắp xếp lại ngoại cảnh mà là nội tâm.
Bạn có thể hỏi, một truyền thống tâm linh ở một nơi xa xôi cách nay hai ngàn năm trăm năm liệu có thể giúp gì cho con người ở vào thế kỷ 21?
Một trong những nghịch lý đáng ngạc nhiên là có thể phát triển cách tiếp cận của Phật giáo cho thế giới bận rộn ngày nay, đặc biệt là về phương diện tâm thức. Ở hình thức thường nghiệm vi tế nhất, nó trình bày một cách tiếp cận dực trên sự phân tích sáng suốt về sự thật. Nó cung cấp những phương pháp đã trải qua thử thách, đã được chứng minh, được trình bày thành những bước dẫn dắt chúng ta đi từ tâm trạng hiện tại đến hạnh phúc lớn hơn, và cuối cùng là sự giác ngộ.
Xét theo quan điểm Phật giáo, những nộ lực sắp xếp lại hình thức cuộc sống - tiền bạc, quan hệ, nghề nghiệp - chỉ có thể mang đến sự thỏa mãn tạm thời, bởi tất cả những nỗ lực như vậy không đếm xỉa gì đến "hằng số duy nhất" là : sự biến dịch. Mặc dù chúng ta đã thủ đắc sự vật theo cách chúng ta muốn, nhưng điều không tránh khỏi là một điều gì đó sẽ xảy đến làm đảo lộn các kế hoạch.
Điều này không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ hạnh phúc, mà là nên áp dụng một chiến lược hiệu quả hơn để đạt được trạng thái đó. Shantideva từng đưa ra một ẩn dụ rất sinh động:
Ở đâu tôi có thể tìm đủ số da thuộc
Để phủ kín địa cầu này?
Nhưng chỉ cần bọc da cho đế giầy của tôi
Chẳng khác nào bọc da cả trái đất.
Nói cách khác, thay vì nỗ lực cho một nhiệm vụ bất khả thi là cố gắng kiểm soát toàn bộ môi trường ngoại cảnh, triết lý nhà Phật cho rằng hãy kiểm soát cách chúng ta "trải nghiệm" môi trường đó - trong tâm thức của mình. Mục tiêu của chúng ta không phải là sắp xếp lại thế giới bên ngoài mà là thế giới nội tâm, để nhận ra được những suy nghĩ sáo mòn, tiêu cực, để làm thay đổi không phải thế gian mà là cách chúng ta trải nghiệm nó.
Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, chúng ta vẫn có thể thay đổi. Chính vì vậy mà một trong những biểu tượng được biết đến nhiều nhất của Phật giáo là hoa sen, một loài cây mà rễ mọc dưới đáy bùn, nhưng vươn lên mặt nước những đóa hoa đẹp tuyệt trần.

Không có nhận xét nào: