Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

SINH HỌC CỦA LÒNG TỪ BI


Yongey Mingyur Rinpoche & Eric Swanson


Ở một chừng mực nào đó, cách hiểu về lòng từ bi của Phật giáo hơi khác với ý nghĩa thông thường của từ này. 
Đối với Phật tử, từ bi không chỉ có nghĩa là buồn thương cho người khác. Từ này theo tiếng Tây Tạng - nying-jay - có nghĩa là sự mở rộng tấm lòng hoàn toàn. Có lẽ cách dịch sát nghĩa nhất của nying-jay là "tình thương" - một kiểu tình thương không chấp thủ hoặc không chút mong đợi sự đền đáp nào. Từ bi, trong tiếng Tây Tạng, là một cảm giác kết nối tự nhiên với mọi chúng sinh. Những gì bạn cảm thấy thì tôi cũng cảm thấy, những gì tôi cảm thấy thì bạn cũng cảm thấy. Không có sự khác biệt nào giữa chúng ta.
Về mặt sinh học chúng ta đã được lập trình để đáp ứng với môi trường xung quanh một cách đơn giản để tránh những đe dọa cho sự sống còn của mình và nắm được những cơ hội giúp nân cao hạnh phúc cho bản thân. Chúng ta chỉ cần lật qua các trang sử là có thể thấy được rằng câu chuyện phát triển của loài người thường là một câu chuyện tàn bạo được viết bằng máu của kẻ yếu hơn.
Thế nhưng, có vẻ như sự lấp trình hóa từng hướng chúng ta tới chỗ bạo lực hay tàn ác này cũng đã làm cho chúng ta có những cảm xúc không chỉ ngăn chặn sự hung hãn mà còn thúc đẩy chúng ta theo cách hành động cao hơn động lực sinh tồn cá  nhân để có thể phục vụ cho người khác. Tôi rất kinh ngạc về một nhận xét của ông Jerome Kagan, giáo sư trường Harvard, trong bài thuyết trình của ông tại hội nghị của Viên Tâm Thức và Đời Sống năm 2003, khi ông cho biết rằng, cùng với khuynh hướng hung hãn của chúng ta, bản năng sinh tồn cũng tạo ra cho chúng ta một "khuynh hướng sinh học" mạnh mẽ hơn thiên về tử tế, từ bi, tình thương và sự trìu mến.
Tôi đã từng được nghe rất nhiều câu chuyện về một số người trong thế chiến thứ hai đã liều cả sinh mạng để cung cấp nơi ẩn náu cho những người Do Thái tại Châu Âu đang bị Đức Quốc Xã săn lùng, và những vị anh hùng vô danh đã hy sinh hạnh phúc để cứu giúp cho các nạn nhân chiến tranh, nạn đói và bạo lực ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, phần lớn các môn sinh phương Tây của tôi là những bậc cha mẹ đả hy sinh một phần lớn thời gian và công sức để đưa đón con mình trong các cuộc thi đấu thể thao, âm nhạc cùng các hoạt động khác, trong khi vẫn kiên trì dành dụm tiền bạc để lo cho việc học của con cái mình.
Trên bình diện cá nhân, những hy sinh như thế dường như cho thấy là phải có những yếu tố sinh học cao hơn cả những nỗi sợ và niềm vui của bản thân. Chỉ riêng sự kiện chúng ta có thể xây dựng nên những xã hội và những nền văn minhi1t ra là biết thừa nhận cái nhu cầu bảo vệ và chăm sóc người nghèo khổ, yếu ớt và bất lực cũng đã đủ hậu thuẫn cho kết luận của giáo sư Kagan rằng "ý thức đạo đức là một đặc điểm sinh học của loài người chúng ta".
Nhận xét của ông cộng hưởng gần như hoàn toàn với tinh yếu của giáo lý nhà Phật. 
Càng nhìn thấy rõ hơn thực chất của vạn pháp, chúng ta càng sốt sắng hơn để mở rộng tấm lòng đối với người khác. Khi chúng ta nhận thấy người khác đau khổ và bất hạnh vì không nhận ra thực tánh của họ, chúng ta tự nhiên cảm thấy mong muốn cho họ cũng có được cái cảm giác an lạc và trong sáng mà mình đang bắt đầu có được.

Không có nhận xét nào: