BS Nguyễn Văn Phúc (FACEBOOK)
Khu di tích đền thờ Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh - cù lao Phố |
tác giả thắp nén hương trước mộ Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh - cù lao Phố |
1. Lăng mộ ở Biên Hoà ( Cù Lao Phố Đồng Nai) Về lăng mộ của Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từ gần 3 thế kỷ qua, dân chúng miền Nam nước Việt, đa số thường chỉ biết, chỉ thấy một lăng mộ của Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh vẫn uy nghi nằm giữa gò Y Lăng ( Tràm) nơi cao ráo phía Nam Cù Lao Phố, cách sau đền thờ Đức Ông chừng vài trăm thước, thuộc ấp Bình Kính, Đồng Nai ( Biên Hoà). Với quãng thời gian xa xôi như vậy thì rõ ràng ngôi mộ này đã mang dấu tích lịch sử thật quí hiếm. Phần nhân dân miền Đồng Nai, nhất là dân thôn ấp Bình Kính có tên cổ là Bình Hoành, Cù Lao Phố quê hương họ đã và đang sinh sống đã cho họ niềm tự hào với vinh hạnh là địa danh do Đức Ông Lễ Thành Hầu tạo dựng khai sinh ra xứ Đồng Nai Gia Định. Hơn nữa, khi Ông mất, Cù Lao Phố Đồng Nai lại được chọn là nơi Đình Cửu…Đành rằng đây không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của Ông, nhưng lại chính là miền đất đã do công lao Ông khai hoá ra nó thì sự đình cửu cũng là chí lý vậy. Thế nhưng, xét kỹ tình trạng hiện tại ( 1992) thoạt nhìn ngôi mộ này thì không thấy rõ dấu ấn của một Cổ Mộ: Bởi có sự trùng tu nhiều đợt, Hiện giờ ngôi mộ ấy xây bằng gạch trát vôi, mang màu sắc kiến trúc mới nhiều hơn, dẫu rằng vẫn có đôi câu đối bằng chữ Hán sơn đen còn ngời nét giữa đôi trụ hai bên Lăng: “ Sơ khai biên thổ giới Thuỷ triệu cuộc Nam chân”. Dịch nghĩa: “Mở mang biên cảnh thời sơ khởi Chấn chỉnh miền Nam tự buổi đầu..” Cũng tại đây nếu quan sát kỹ, mới nhận ra vách phía sau và dưới chân bức tường án là còn mang dấu rêu in cổ kính mà thôi! Nhưng dù sao ngôi mộ của Đức Ông Lễ Thành Hầu nơi đây dường như đã gây ấn tượng với niềm tin mạnh mẽ trong nếp sống hằng ngày của dân địa phương. Thật thế, nhân dân toàn ấp Bình Kính cũng như toàn tỉnh Đồng Nai vẫn một niềm hãnh diện được trực tiếp chiêm bái Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh . Họ còn rất tự hào với cả huyền thoại vùng này: “..tục truyền rằng mộ của Đức Ông là xây theo điềm Thần Mộng chỉ điểm..”
2. Cổ mộ đầu gò Y Lăng ( Cù Lao Phố) Ngoài ngôi mộ của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở giữa gò Y Lăng. Ở đây lại còn có một Cổ Lăng khác cũng nằm trên gò này cùng với truyền thuyết: “..Theo lời các bậc thượng Lão thôn bình Hoành thuở trước đã truyền lại: ngày xa xưa, mộ của Đức Ông ở đầu gò kia…, mà không rõ cái nào?..Lại cũng không hiểu lấy căn cứ đâu mà hồi Chánh quyền miền Nam ( 1955- 1963) họ cho trùng tu ở đây? Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi đến tận đầu gò, vạch lau lách vào chụp ảnh quan sát kỹ lưỡng. Đúng là giữa lùm cây gai góc có một Khuôn Lăng kiến trúc kiểu Song Táng, với thành quách rộng khoảng trên 20m2, xây bằng đá ong, đúng qui cách “ Tiền án hậu chẩm”, có bia dưới chân từng ngôi mộ, nhưng tất cả đã bị lớp rêu phong hoặc lở lói! Vách án, Lăng trụ, thành quách sụp đổ từng mảng ngả nghiêng xuống tận chân gò! Nơi đây chỉ cách mộ chừng 25 thước. Cô Lăng này xin được xếp vào mục Tồn nghi chờ sưu khảo tiếp.
Trước đền thờ Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh - cù lao Phố |
Chủ blog vui sống mỗi ngày chụp ảnh lưu niệm cùng một cư dân địa phương trước bàn thờ Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh - cù lao Phố |
3. Cổ Mộ ở Rạch Gầm Gần 300 năm trước, đoàn thuyền chiến chở quan Thống Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đang bị bệnh từ Cồn Cây Sao về đến Ngã ba Tiền Giang ( Rạch Gầm) Đức Ông Lễ Thành Hầu tắt nghỉ tại đây, đúng vào ngày mồng 9 tháng 5 Canh Thìn ( 1700). Sử ghi quan quân cho dừng thuyền lại làm lễ khâm liệm rồi lại hạ lệnh tiếp tục chở linh cửu về Trấn Biên Dinh ( Đồng Nai). Quan quân cho đình cửu trí tạm linh hài Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại thôn Bình Hoành ( Cù Lao Phố). Vừa qua, chúng tôi xuống tận ngã ba Rạch Gầm + Tiền Giang để nghiên cứu thực tại. Biết rằng Rạch Gầm xưa còn có tên gọi là Sầm Khê hay Sầm Giang ( nơi này thuộc Định Tường Mỹ Tho). Và tại địa phận làng Vĩnh Kim có một ngôi đình rất cổ, theo truyền thuyết cũng gần 300 năm, gọi là Đình Rạch Gầm hay đình Trà Mút. Nay còn có tên gọi đình Vĩnh Kim, vì khuôn đình xây giáp giới hai xã Vĩnh Kim và Kim Sơn. Nay thuộc huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang. Bên trong hậu đình, phía sát vách là cung nghiêm cùng thờ chữ Thần thật to, hai bên có hai cỗ bát bửu, bên cạnh là chiếc kiệu gỗ đã mục nát đổ gãy. Điều quan trọng là tại làng Kim Sơn ( cạnh Vĩnh Kim) có một Ngôi Lăng rất cổ kính với la thành bao bọc một vùng thật rộng lớn, tất cả được xây bằng đá ong hợp chất nhựa cây ( Bồ Lời hoặc Xương Rồng), Quãng giữa có dấu nứt nẻ lún sụp, rêu phong loang lổ, những hàng chữ nho đã phẳng lì mờ mịt. Lăng này xây hình vòng cung, kiểu cách rất uy nghi theo lối trần thiết “ tiền án hậu chẩm”, “ lân chầu hổ phục”, Đúng qui cách Lăng Mộ của vị Tướng quốc Đại Thần trong triều đình xưa. Theo lời kể chuyện của một cụ già nói: “.. Đến tôi, không biết là mấy đời rồi, vẫn ở gần đây để giữ gìn trông nom hương khói Lăng Mộ này, chỉ biết rằng cổ mộ đây thuộc họ Nguyễn, có khoảng 300 năm rồi…, nghe các cụ thượng lão kể lại: “ Ở bờ sông Rạch Gầm ( Sầm Giang) chỗ gần ngã ba sông Tiền có ngôi Miếu Cổ bị sóng bủa sói mòn sụp lở! Tiền nhân “ Lung đây” mới lập đình Trà Mút này, xưa thuộc Ấp Hội, để thờ Thành Hoàng và rước Thần Miếu cổ Rạch Gầm về Đình thờ cho đến ngày nay..” Đồng thời lại có một truyền thuyết khác nhưng lại rất phù hợp với ngôi Lăng cổ ở Xã Vĩnh Kim, kể rằng: “..Ông Lớn Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tắt hơi tại Rạch Gầm ( ngã ba sông Tiền). Quan quân phải cho đoàn thuyền dừng lại, cử hành nghi thức triều táng. Quí thể của Ông Lớn đã được tạm nghỉ tại xã Vĩnh Kim, Rạch Gầm, về sau đến đời vua Gia Long năm thứ 5 mới truyền cải di linh về Cù Lao Phố ( Biên Hoà)!..” Vậy là lại thêm một nghi vấn? phải chăng cổ lăng còn lại xã Vĩnh Kim là đúng khi xưa có sự quyền táng thi hài Đức Ông một thời gian ở tại đây! Hay chỉ là nghi táng? Chúng ta hãy xem qua Lăng cổ Rạch Gầm này và xin được xếp mục tồn nghi
4. Lăng mộ ở Điện Bàn Quảng Nam Vì đang sưu tầm, nên mới đây ( 7/ 1992) soạn giả nhận được thư của một viên chức tại Đà Nẵng tiết lộ: “…hiện mộ phần của Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh nằm tại xã Điện Thắng- Điệm Bàn- Quảng Nam. Đây là một dấu hỏi cần phải biết tới để tìm rõ vết tích của một danh nhân lịch sử ? May mắn vừa qua ( 5/ 1993 ) khi sách này sắp lên khuôn in thì ông Cương đã theo địa chỉ trên về Điện Thắng, sưu tầm thêm cho biết đích xác như sau: “ Hiện nay ở xã Điện Thắng, Điện Bàn vẫn còn một chi nhánh, thuộc hậu duệ của dòng Nguyễn Hữu. Tại đây đã từ lâu đời, tiền nhân có thiết lập một khu lăng, xây bốn ngôi mộ có bia đề vắn tắt bằng chữ Hán: “ Nguyễn Hữu tộc mộ chí ! Truyền rằng hai ngôi mộ của hai cụ Nguyễn Hữu Dật và 2 ngôi mộ của 2 cụ Nguyễn Hữu Cảnh, gọi là lăng Bái Vọng, mục đích để con cháu dòng tộc được vinh dự chiêm bái hằng năm !”. Như vậy ta đã biết rõ ở Điện Bàn chỉ là mộ Bái Vọng hay hơn thế, nơi đây còn có phần mộ của chi phái Nguyễn Hữu Dũng.
5. Mộ Chí ở Quảng Bình Sau hết là những phỏng đoán của một số nhân dân vùng Quảng Bình kèm theo vài quyết đoán cảu các vị đồng hương thuộc giới trí thức đã nêu rằng: “ Quảng Bình là nơi sinh quán của 2 anh em Đức ông Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh, lại cùng là nơi đã có phần mộ Triệu Văn Hầu Nguyễn Triều Vân ( ông nội), phần mộ Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật ( cha), phần mộ của Hào lương hầu Nguyễn Hữu Hào ( anh). Hơn nữa còn có di ngôn:
“ Thượng Yên mã : Phía trên giáp núi Yên Mã “ Hạ đùng đùng : Phía dưới giáp Phá Hạc Hải “ Trung trung nhất huyệt: Phần đất ở giữa là nơi để mã của dòng họ Nguyễn Hữu”
Hẳn nhiên di ngôn đó chỉ định việc phán bảo địa danh đặt mộ phần cho dòng Nguyễn Hữu rồi vậy. Như nhà văn Linh Phong đã đặt vấn đề theo tài liệu số 16: “..Phải chăng linh hài của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh sau một thời gian quyền táng tại Cù Lao Phố thì con cháu đã lo cải táng đem hài cốt của Lễ Công về cát táng tại vùng Vạn Xuân Quảng Bình..” Do những sự việc trên, chúng tôi nhận thấy cần phải đưa ra nhiều nhận xét: Trước tiên theo tinh thần luân lý cổ truyền của dân tộc ta từ ngàn xưa: những ai có thân quyến đi xa, khi mất phải chôn ở nơi xứ lạ quê người thì con cháu sau này đều mong muốn tìm mọi cách cải táng rước hài cốt của thân nhân mình về bản quán an táng gần phần mộ Cha, Ông…! Huống nữa, với trường hợp của Cố Thống Lãnh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông vừa là dòng dõi thế gia, vừa là bậc Tướng quốc Công Thần? Lại có con trai là Nguyễn Hữu Tú là chức Chưởng Cơ, có cháu ruột là Khôi Tuấn Hầu ( Con trai của Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào) làm Ký Lục…toàn là những vị công tah26n của triều đình thời đó! Còn suy về thời gian Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất, xem sử sách thấy rằng 1700 trở đi, ở miệt Đàng Trong ra đến miền Quảng Bình tương đối bình an. Chỉ còn vấn đề nan giải là đường xá! Nhưng với chức tước của dòng họ, con cháu như vậy, tưởng cũng dư khả năng lo việc cải táng di hài Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh về quê hương Quảng Bình? Trừ phi Đức Ông đã có lời ký thác việc lo hậu sự cho mình với quan quân kề cận trước giờ lâm chung thì vấn đề lại khác hẳn. Nghĩa là sự chôn cất nơi đâu phải theo đúng di ngôn của Ông. Nhưng theo thời xưa dù bất cứ ở đâu thì việc bảo mật phần mộ của Thống suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng vẫn phải được coi trọng và rất cần sự bảo mật. Vậy thì phần mộ chính cuả Ông hiện ở đâu? Có phải quí thể của ông khi xưa đã an vị tại Cù Lao Phố ngay từ lúc đầu? Hay đã triều táng ở Vĩnh Kim Rạch Gầm, rồi sau một thời gian mới Di Linh về Cù Lao Phố? Còn ở miền quê hương Quảng Bình thì sao? Vấn đề thực tế nhị và phức tạp! Xét kĩ lại nguồn sử liệu thì cũng chỉ thấy người xưa ghi vài hàng đơn sơ, chỉ việc di chuyển linh cửu tại Cù Lao Phố ( Trấn Biên tỉnh Đồng Nai) chứ không khẳng định việc an táng Lễ Thành Hầu nhất định ở nơi đâu!!? Do cách nói không xác thực ấy, nên các nhà viết sử sau này cũng đã chép theo như thế mà thôi! Mãi đến hơn trăm năm sau mới có vài luận cứ cá nhân khác.
Tóm lại, chung quanh truyền thuyết cùng những nơi có Lăng mộ Đức Ông Lễ Thành Hầu, nhưng ở đâu mới xác thực có hài cốt của Ông?
1. Cù Lao Phố: Ngôi mộ của Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh nằm tại gò Y Lăng thuộc ấp Bình Kính Đồng Nai, nơi này từ trước đến nay vẫn được xem là đúng danh nghĩa mộ phần của Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, nhưng đến nay vì có thuyết cho rằng hài cốt của Ông đã được dời về Quảng Bình. Vậy nơi này cần sưu khảo rõ ràng lại.
2. Cũng ngay tại gò Y Lăng Cù Lao Phố còn có Khuôn Lăng Song Táng. Lăng này cũng nên tìm hiểu thêm
3. Ở Rạch Gầm có Lăng mộ xây kiểu Triều táng với truyền thuyết mộ họ Nguyễn, cách nay gần 300 năm. Nơi đây xét ra cũng cần nghiên cứu tìm sự thật.
4. Thác Ro- Quảng Bình, tại đây càng cần có sự sưu khảo tìm thực tế. Vì không những chỉ với truyền thuyết dân gian, mà ngay trong gia phả chính gốc của dòng Vĩnh An Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng đã ghi rõ phần mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở tại Thác Ro Quảng Bình, với ngày giỗ đã nói trên.
Đến đây, chúng tôi ước mong rằng sẽ được các nhà khảo sát cao minh chỉ dẫn thêm. Cũng có thể phải nhờ vào những lớp người sau, chắc chắn có điều kiện khoa học hơn, ngõ hầu sẽ giải đáp được chính xác hơn. Thực ra ngọc cốt của Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh dù đã yên nghỉ ở Cù Lao Phố hay Quảng Bình…thì đâu đâu cũng là quê hương đất nước Việt Nam. Vả chăng trước tấm lòng tựa bể cả của Đức Ông khi xưa, Soạn giả trộm nghĩ với tâm đức ấy, hẳn khi thác Đức Ông cũng muốn hình hài mình phải được trải rộng để ôm ấp suốt giải đất Việt Nam mến yêu, như Đức Ông xưa đã hằng chắt chiu mang từng danh từ Quận Huyện nơi sinh trưởng ra Ông mà đặt tên cho những vùng đất mới có dấu vết khai sáng cảu Ông. Để kết thúc chương tiểu sử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, soạn giả thiển nghĩ việc sưu khảo đích xác vị trí phần mộ có ngọc cốt của Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những việc mà hậu thế phải quan tâm, vì đó chính là sợi dây nối tiếp tinh thần bảo tồn lịch sử của nòi giống Lạc Hồng, cũng là truyền thống của một dân tộc Uống Nước Nhớ Nguồn vậy.
Lược trích trong sách “ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền nam Nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII”. Tác giả Như Hiền- Nguyễn Ngọc Hiền. Tái bản lần thứ hai . Kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn- Gia Định ( 1698- 1998). Nhà xuất bản Văn Học. 1997 Bến Nghé, đầu thu Quí Dậu (1993) Minh- Minh- Thư- Uyển Như Hiền- Nguyễn Ngọc Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét