Thy Anh
Sau ba ngày tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, 17 - 20 tháng 11, Hội nghị khoa học của Liên hội Nội tiết Đông Nam Á 2011 (AFES - ASEAN Federation of Endocrince Societies) đã kết thúc thật ấn tượng. Chủ đề của hội nghị lần này, "Áp dụng các nghiên cứu về nội tiết học vào điều trị lâm sàng", đã được cập nhật bằng các báo cáo mới nhật của nhiều giáo sư đến từ các trường đại học y khoa danh tiếng trên thế giới và các đại biểu tham dự hội nghị đã được thưởng thức một "bữa tiệc thịnh soạn" các kinh nghiệm và kiến thức của các chuyên gia hàng đầu.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên một hội nghị khoa học chuyên ngành mang tầm cỡ "quốc tế thật sự" được tổ chức ở Việt Nam và đã thành công cả về chất lượng lẫn số lượng (khoảng 1350 đại biểu, vượt xa dự đoán của ban tổ chức). Nhiều vị giáo sư nổi tiếng của Hội Nội Tiết Quốc Tế, vốn rất khó mời và hầu như không bao giờ "nói bài" cho các công ty dược, củng nhận lời sang Việt Nam báo cáo lần này, đã làm tăng thêm uy tín của hội nghị rất nhiều.
Hội nghị sử dụng toàn tiếng Anh, có lẽ vì thế, số đại biểu trong nước chỉ chiếm khoảng 300 và số lượng bài báo cáo của bác sĩ trong nước cũng không nhiều. Nghe đâu một số bác sĩ trong nước, khi được tài trợ tham dự AFES 2011 lần này đã từ chối khi biết hội nghị chỉ sử dụng toàn tiếng Anh (!)
Bác sĩ Nguyễn Thy Khuê, chủ tịch Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam, người đã bỏ rất nhiều công sức trong suốt hai năm để tổ chức thành công AFES 2011 |
Hội nghị AFES 2011 tuy được tổ chức trong nước nhưng không hề có chuyện nước chủ nhà tìm cách "ép buộc" các đại biểu tham dự phải nghe một tỷ lệ lớn các bài báo cáo "cây nhà lá vườn" của chủ nhà để "phát huy tinh thần dân tộc" hay để "phô trương lực lượng" như trong vô số các hội nghị khoa học mang danh nghĩa quốc tế khác thường làm từ trước tới nay. Nhưng như vậy, theo tôi, lại hóa hay và có lẽ chính vì điều này mà Hội Nội tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam, đơn vị tổ chức AFES 2011, đã được Hội Nội Tiết Quốc Tế gửi thư khen ngợi không hết lời. Bác sĩ Nguyễn Thy Khuê, chủ tịch Hội Nội tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam và cũng là người đã bỏ rất nhiều công sức trong suốt hai năm để chuẩn bị tổ chức hội nghị, đã nhận định thẳng thắn: ”khi muốn tổ chức hội nghị cho các đồng nghiệp trên thế giới cùng nhau giao lưu, học hỏi, ta phải làm thật chất lượng và minh bạch, sao cho mọi người được thưởng thức những gì có giá trị thật sự, có như thế, các đại biểu quốc tế mới muốn đến tham dự và kính trọng chủ nhà”. Những người làm khoa học chân chính khác với các chính trị gia, bao giờ họ cũng biết phải tôn trọng chất lượng hơn số lượng.
Hội nghị AFES 2011 cũng chính là một dịp cho chúng ta nhìn lại thực lực của ngành y tế trong nước mà có chiến lược định hướng đào tạo cho tương lai. Y khoa cũng như các ngành khoa học khác, đòi hỏi các bác sĩ phải có khả năng theo kịp tiến bộ của thế giới và phải làm được những công trình nghiên cứu ngang tầm quốc tế để được thế giới công nhận, chứ không phải chỉ tìm cách "cập nhật bằng cấp" với các báo cáo kiễu "con hát mẹ khen hay" mà chẳng cần biết chất lượng ra sao.
Một vấn đề nhỏ đáng suy nghĩ nữa mà có lẽ những người có trách nhiệm đào tạo cũng đã biết nhưng vẫn chưa làm cho rốt ráo là, muốn tiếp cận các thông tin quốc tế ngày nay, sinh viên các ngành khoa học nói chung và y khoa nói riêng phải có được trình độ giao tiếp tiếng Anh tương đối tốt, vì các thông tin chuyên môn có giá trị đều trình bày bằng tiếng Anh và ngôn ngữ sử dụng chính trong các hội nghị quốc tế cũng luôn là tiếng Anh. Nên chăng cần thêm môn tiếng Anh vào kỳ thi tuyển sinh Đại Học và xem tiêu chuẩn giao tiếp lưu loát tiếng Anh như là một tiêu chí cho kỳ thi tốt nghiệp Đại Học?
từ trái sang phải: Bác Sĩ Nguyễn Thy Khuê, một đại biểu, Bác Sĩ Trần Quangkhánh (Bộ Môn Nội Tiết ĐHYD tp HCM) và giáo sư David Cooper (đại học John Hopkin, giám đốc Bệnh Viện Tuyến Giáp John Hopkin) |
Mới đây, tôi tình cờ đọc được một bài viết của giáo sư Phạm Duy Hiển đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần cũng đề cập đến vấn đề tương tự về khoa học nước nhà mà tôi thấy rất tâm đắc:
“ . . . Nhưng nhìn các vận động viên Việt Nam hiên ngang tranh tài với đồng nghiệp các nước, ta không khỏi chạnh lòng nghĩ đến hiện trạng khoa học và đại học nước nhà. Cùng là người Việt Nam, sao giới khoa học lại khác các vận động viên trẻ tuổi, chỉ quanh quẩn với nhau ở sân nhà, chơi theo cách riêng của mình?
Trong khoa học không có các đấu trường để phân biệt vô địch với á quân, để xếp thứ hạng các hạt giống, nhưng lại có các diễn đàn quốc tế. Ở đó nhà khoa học trưng bày các kết quả nghiên cứu của mình và tranh luận với đồng nghiệp để tìm ra chân lý. Đó là các hội thảo khoa học chuyên sâu và ngót một vạn tạp chí uy tín thuộc hàng trăm chuyên ngành khác nhau từ khoa học tự nhiên, công nghệ đến xã hội và nghệ thuật, nhân văn.
Không một lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo nào lại thiếu các tạp chí học thuật đỉnh cao. Không một nhà nghiên cứu nào trên thế giới lại thiếu niềm khao khát có tên mình trong đó. Chúng lại được xếp hạng theo những tiêu chí minh bạch, dựa theo đó nhà khoa học có thể lượng định xem mình nên có mặt ở đâu thì vừa sức, biết những công trình của mình có giá trị đến đâu dưới con mắt các đồng nghiệp năm châu. Lọt vào đây chính là cách để lấy được dấu chất lượng nghiên cứu khoa học chính xác nhất . . .
Tiếc rằng mãi đến gần đây chúng ta mới chỉ nhìn nhận công bố quốc tế là tiêu chí để đánh giá chất lượng các nghiên cứu cơ bản vốn chiếm chưa đầy 5% về nhân lực và kinh phí hoạt động khoa học công nghệ cả nước. Đối với đại bộ phận còn lại, công bố quốc tế chưa được nhìn nhận như tiêu chí bảo đảm chất lượng. Mấy năm trước, Bộ Giáo dục - đào tạo có “dọa” bắt buộc tất cả luận án tiến sĩ phải kèm theo công bố quốc tế, nhưng bị phản đối mạnh nên việc này đã chìm trong quên lãng để lại nỗi thất vọng cho giới khoa học.
từ phài sang trái: Bác Sĩ Nguyễn Thy Khuê, Bác Sĩ Ashley Grossman (UKINETS - ENETS) và con gái |
Gỡ bỏ chuẩn mực quốc tế trong khi bầu sữa ngân sách ngày càng phình lên chính là nguyên nhân bao nhiêu dự án, đề tài tiền tỉ thi nhau ra đời mà chẳng để lại mấy dấu vết cho khoa học công nghệ nước nhà. Có người làm giàu nhờ cách chơi này. Quan quyền nhấn chìm tinh hoa. Bằng dỏm, tệ nạn bịa kết quả nghiên cứu ngày càng lan tràn, người nghiên cứu nghiêm túc không có chỗ đứng. Thế hệ trẻ ngày càng xa lánh khoa học cũng dễ hiểu lắm!
Xin được nhắc lại một lần nữa nguyện vọng đã được nhiều người khẩn thiết nói ra nhiều lần. Đất nước ngót một trăm triệu dân này rất cần và có đủ điều kiện xây dựng một nền khoa học có vị thế trên thế giới. Thiếu nó, chúng ta sẽ không có giáo dục, văn hóa và dân trí, sẽ không định ra quyết sách đúng đắn để phát triển, sẽ không có công nghệ để sống còn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu gay gắt này“ (Xem SEA Games, nghĩ về khoa học nước nhà - TTCT 27-11-2011)
Việc tổ chức thành công một hội nghị chuyên ngành nội tiết lớn nhất khu vực này đã đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh và khẳng định vai trò của Hội Nội tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam hội nhập với các nước trong khu vực.
Thật phấn khởi khi tham dự hội nghị AFES 2011, tôi đã được gập rất nhiều bác sĩ đàn em và các học trò cũ cuả trường Đại Học Y Dược tp HCM đầy tự tin trước các chuyên gia quốc tế. Thật vui khi những người làm khoa học tâm huyết như bác sĩ Nguyễn Thy Khuê cùng thế hệ các bác sĩ trẻ tuổi ấy đã làm được những điều mà nhiều người đi trước chưa làm được hoặc không muốn làm, để nâng cao tầm khoa học nước nhà ngang bằng với chuẩn mực trên thế giới
Mời xem CORRUPTION CARTOONS
Mời xem CORRUPTION CARTOONS
3 nhận xét:
Thích ghê! Ước gì em được tham dự. Hy vọng sau này khi ra trường và làm việc, hội nghị sẽ tiếp tục mở thường niên để những tân bác sĩ bọn em có dịp tiếp xúc với kiến thức mới.
Thật sự là ngoại ngữ là một trở ngại lớn đối với nhiều bác sĩ cũng như sinh viên nói chung. Vậy nên những người có khả năng hiểu ngoại ngữ thì không được tham dự, những người được mời thì lại không hiểu ngoại ngữ nhiều. Em thấy bên ĐH Bách Khoa có tổ chức hội nghị thường niên về CNTT rất hay, điều kiện để tham dự hội nghị này là người tham gia phải làm một bài pretest để đảm bảo chất lượng ngoại ngữ đủ để hiểu nội dung hội nghị. Như vậy thì những người thật sự muốn tiếp thu kiến thức sẽ tham gia làm pretest và những người đã vượt qua bài test thì đủ khả năng để hiểu những gì khách mời nói. Và hội nghị sẽ được tăng cao không chỉ về số lượng mà lẫn chất lượng.
chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội cho em tham dự, VN mở cửa rồi mà!
AFES tổ chức 2 năm một lần, các nước trong khối ASEAN luân phiên nhau đăng cai, sang năm là indonesia.
VN đáng lẽ phải tổ chức từ nhiều năm trước nhưng lúc đó chủ tịch hội nội tiết VN là một BS ngoài bắc, không đăng cai (!)
Hội nghị có video clip rồi thầy ạ ^^ http://youtu.be/2LaDRIgi0ec
Đăng nhận xét