Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

KHÔNG AI CHO CÁI MÌNH KHÔNG CÓ !




Trong tập “Chuyện về triết lý cuộc đời”, Nguyễn Đình Cửu đã ghi lại mẫu chuyện mang tên  “Không có hoàng hậu nào là người được sung sướng” như sau :
            FRANCIS HOLE sang làm gia sư ở vương cung Saudi của vương quốc Ả rập Saudi. Nhiệm vụ chính của cô là cùng đọc truyện nhi đồng bằng tiếng Anh với bảy cô công chúa. Thu nhập hằng năm của Francis bằng 40 lần thủ tướng nước Anh. Thế nhưng cô bị thải hồi. Ngày cô trở về nước Anh, có tới hơn 200 phóng viên các báo đăng ký để phỏng vấn cô, nhưng cô đã từ chối.
            Một cô giáo cùng mấy cô công chúa bé nhỏ đọc truyện tiếng Anh đã phạm phải sai lầm gì ? Đó là điều mọi người cứ phỏng đoán mãi, ai cũng muốn tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện.
            Một tờ báo Pháp đoán mò rằng, giữa Francis và một hoàng tử Saudi có chuyện tư tình và gây ra tai tiếng trong vương cung Saudi. Một tờ báo Đức thì cho rằng Francis bị FBI Mỹ mua chuộc làm đặc vụ, khi truyền tin tức tình báo, cô bị lộ nên bị đuổi việc. Một tờ báo của Ả rập thì nói rằng vì Francis đã hết hợp dồng, vì vậy cô rời khỏi chức vụ một cách bình thường… Tóm lại, người nói thế này, người nói thế khác, chẳng ai biết được người nào nói đúng.
            Vào ngày lễ Noel năm 2001, một bức điện tín của một công chúa Saudi gửi chúc mừng ngày lễ Giáng Sinh cho Francis, làm lộ rõ chân tình sự việc. Nội dung bức điện là : Chúc Francis một ngày lễ Giáng Sinh vui vẻ. Cũng trong bức điện đó, công chúa cũng nhắc đến những ngày vui cùng sống với Francis. Công chúa viết: “Chị có nhớ câu hỏi của em khi đọc truyện hay không? Sao chúng ta lại ngu ngốc đến thế để đến nỗi chị em chúng ta phải sống xa nhau như hôm nay”.
            Thì ra trong khi cùng nhau đọc chuyện nhi đồng, công chúa hỏi Francis một câu: “Làm vợ ai sẽ được sung sướng nhất ?”
Francis hỏi lại công chúa: “Theo ý các công nương thì sao ?”. Cả bảy cô công chúa đều đồng thanh trả lời: “Làm vợ anh nông dân là sung sướng nhất !”
            Francis liền hỏi lại:
            -Chẳng lẽ làm vợ quốc vương, làm vợ nhà triệu phú, làm vợ nhà thơ, làm vợ nhà chính trị lại không sung sướng hay sao ?”
            Cả bảy cô công chúa không một ai trả lời được, vì rằng trong các chuyện cổ tích mà các cô đọc được  đều không thấy một bà hoàng hậu nào là người được sung sướng và cũng không thấy có bà vợ nhà triệu phú nào là người sung sướng.
            Về sau, Francis giảng giải cho các cô biết nguyên nhân. Cô nói : “Trên đời này, chỉ có chàng trai nào sung sướng thực sự thì mới đem đến sự sung sướng thật sự cho vợ mình”. Ai ngờ câu nói này bị một người tố giác và thế là ngày hôm sau Francis liền bị sa thải (!)
            Cuối năm 2001, tờ “Thời báo New York” đã bình chọn câu nói này của Francis là một trong 10 câu nói hay nhất trong năm. Cũng vì câu nói này mà Francis bị mất đi hàng triệu bảng Anh.

CHIA SẺ MỘT CHÚT SUY TƯ

NIỀM AN VUI THẬT SỰ
            Francis hỏi lại công chúa: “Theo ý các công nương thì sao ?”. Cả bảy cô công chúa đều đồng thanh trả lời: “Làm vợ anh nông dân là sung sướng nhất !”
            Đọc tới đây, chợt tôi nhớ câu chuyện cổ tích quen thuộc mà ngày xưa ông ngoại tôi đã kể cho tôi nghe nhiều lần , sau này đi học ở trường, tôi gặp lại câu chuyện ấy trong bộ sách “Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam”. Câu chuyện có điểm trùng hợp với câu trả lời của 7 nàng công chúa Saudi. Đại ý câu chuyện như sau:
            Có một vị vua nọ thấy lòng bất an, muốn có được hạnh phúc thật sự, nhưng không biết làm sao tìm được hạnh phúc. Ngày qua ngày, trên môi ông không nở được nụ cười, ông mệt mỏi sống trong lo âu, phiền muộn. Quyền lực và giàu sang không đem lại cho ông được phút giây nào thanh thản an vui thật sự. 

            Một đêm kia, vua nằm mộng thấy một vị thần hiện ra bảo nhà vua : “Ngài muốn được hưởng hạnh phúc, hãy giả dạng một thường dân, đi tìm một người nào hạnh phúc thật sự, hãy mượn chiếc áo của họ đang mặc , rồi mặc vào ngay, ngài sẽ được hạnh phúc”. Nhà vua nghe lời, giả dạng thường dân, vi hành khắp nơi, nhà vua gặp ai đang vui tươi hớn hở là hỏi ngay : - “ Chắc ông bạn đang hạnh phúc phải không ? ”. Gặp một tay thương buôn, ông ta trả lời : - “ Tôi đang lo lắng lắm, vật giá lên xuống bất thường, buôn bán nhiều may rủi ”. Gặp một vị quan, ông ta nói : - “ Tôi lúc nào cũng nơm nớp sợ hải, vì cảnh trên đe dưới búa, khổ tâm lắm!”. Gặp thầy tu, ông buồn bã trả lời : - “ tôi sống lạc lõng lắm, đạo đức ngày một suy đồi, vàng thau lẫn lộn, thiện ác khó phân, khó tìm ra bậc chân tu thỉnh giáo ”… Đi tới đâu nhà vua cũng nghe những câu nói đại loại như thế.

            Buồn bả, ngài đi ra cánh đồng để hưởng hương đồng gió nội. Cánh đồng bao la gió trong lành mát rượi làm cho lòng nhà vua nghe nhẹ nhàng thanh thản. Chợt nghe văng vẳng đâu đây tiếng hát, ông nhìn quanh và thấy một bác nông phu đang nằm nghỉ mát dưới bóng cây, chân nhịp nhịp theo từng câu hát đơn sơ mộc mạc. Nhà vua tiến đến gần và lên tiếng gọi : - “ Này bác nông phu, hẳn bác đang vui lắm thì phải ? ”. Bác nông phu ngồi dậy, tươi cười đáp : - “ Đâu có gì phải buồn ! Ông không thấy ở đây rất yên bình sao ?”. - “ Đúng, và ông bạn đang rất hạnh phúc phải không ? ”. - “ Vâng, này đồng lúa đang xanh tươi, con trâu đang ăn cỏ bên bờ đê, xa xa kìa, ông thấy không, nhà tôi đó, khói bay lên từ bếp, chắc chắn vợ tôi đang chuẩn bị một bữa cơm ngon lành và chờ tôi về cùng ăn, con tôi sẽ chạy lại mừng ba về và nó kể tôi nghe về những điểm tốt của chuyện học hành, tôi sẽ đánh một giấc trưa thật ngon và sau đó lại ra đồng. À, còn nữa, có thể con  tôi có đứa sẽ đòi đi theo tôi, đứa con gái lớn rất thích hái những hoa đồng nội về chưng ở bàn thờ ông bà tổ tiên… ”.
            Nhà vua lắng nghe. Chăm chỉ lắng nghe. Ở triều đình, nhà vua chưa bao giờ lắng nghe chăm chỉ đến như vậy, ngay cả mấy tờ sớ dâng tâu của các quan lại. Tất cả là việc phải nghe, còn bây giờ nhà vua lại thích nghe, nhà vua muốn nghe thêm, như chưa từng nghe những lời an bình như vậy.
            Như chợt nhớ ra điều gì, nhà vua vội nói : - “à, này bác, ông hãy nhường cho tôi chiếc áo ông đang mặc, bao nhiều tiền tôi cũng trả !”. Bác nông phu ngạc nhiên, đáp: “Ông đang mặc áo mà, à, hay là ông không quen khí hậu ở đây nên muốn có thêm một chiếc áo khoác ? Này ông xem, rất tiếc, tôi không có mặc áo ở đây !”.

            Nhà vua chỉ lo chú tâm đi tìm người nào tự nhận mình hạnh phúc. Nghe bác nông phu nói, nhà vua bị cuốn hút vào câu chuyện, nhà vua nóng lòng muốn được mặc chiếc áo của một người mà lòng được thanh thản hạnh phúc đến như thế. Nói một cách khác, nhà vua thèm khát cái hạnh phúc thật đơn sơ bình dị của bác nông phu. Nên tìm được người tự nhận là mình đang sống hạnh phúc, và nhà vua cũng cảm nhận được người ấy đúng là người đang hạnh phúc thật sự, như một phản xạ từ sự khao khát trong thẩm sâu tâm hồn, nhà vua buộc miệng xin sở hữu ngay chiếc áo của người duy nhất đang hạnh phúc mà vua vua đã tốn biết bao nhiêu công sức mới tìm ra được. Nhưng tiếc thay, người hạnh phúc ấy ấy lại đang không mặc áo !
            Nhưng khi nhà vua hồi cung, ngài đã tìm lại được một tâm hồn thanh thản. Bác nông phu không trao cho nhà vua chiếc áo hạnh phúc vật chất, nhưng bác nông phu đã trao cho nhà vua một chiếc áo hạnh phúc tinh thần: - tâm hồn hạnh phúc. Vì hạnh phúc không phải ở bề ngoài, nó ngự trị ở tâm hồn. Nên tiền bạc, địa vị, công danh, chỉ là chiếc áo, có mặc lấy nó cũng không phải là hạnh phúc. Bác nông phu đang rất hạnh phúc, mà không có chiếc áo. Bác ấy không nhiều tiền lắm của, không quyền cao chức trọng, không tài năng nổi tiếng, nhưng bác ấy lại đạt được một cuộc đời hạnh phúc.
            Làm việc thật nhiều, thành công thật nhiều, mà lòng không hạnh phúc, thì cuộc sống cũng không có ý nghĩa gì !

          Nếu không nhận ra được gía trị công việc mình làm, thì không thể tìm thấy niềm vui trong công việc được.
            Nhà vua đã mặc vào chiếc áo hạnh phúc vô hình ở thế giới giới nội tâm thanh thản và bình an.
KHÔNG AI CHO CÁI MÌNH KHÔNG CÓ
            “ Francis liền hỏi lại:
            - Chẳng lẽ làm vợ quốc vương, làm vợ nhà triệu phú, làm vợ nhà thơ, làm vợ nhà chính trị lại không sung sướng hay sao ?”.
            Cả bảy cô công chúa không một ai trả lời được, vì rằng trong các chuyện cổ tích mà các cô đọc được  đều không thấy một bà hoàng hậu nào là người được sung sướng và cũng không thấy có bà vợ nhà triệu phú nào là người sung sướng.
            Về sau, Francis giảng giải cho các cô biết nguyên nhân. Cô nói: “Trên đời này, chỉ có chàng trai nào sung sướng thực sự thì mới đem đến sự sung sướng thật sự cho vợ mình".
            Có câu: “Tiền bạc là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu”, nên tốt hay xấu còn tùy người quản lý nó.
            Dùng quyền chức để đè bẹp người khác, để hành hạ người dân, để tham nhũng tom góp cho riêng mình, bốc lột, hối lộ, tạo vây cánh bè đảng phe phái để vinh thân phì gia, củng cố chiếc ghế của mình bằng thủ đoạn gian manh xảo quyệt, thì làm sao lòng bình an được ?
            Giàu có quá, tiền không biết làm gì, hưởng thụ cho đã, con đường “ tứ đổ tường ” cờ bạc, rượu chè, trai gái, thuốc phiện có sức quyến rũ đầy ma lực, chui vào những thú vui đó có hạnh phúc không ? Thế mà có biết bao người đã chết vì nó ! “ Ông phú hộ tự nhủ lòng rằng : hồn ta hỡi, bây giờ mình ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã ” (Lc 12, 19). Giàu có mà chỉ biết có mình, xung quanh mình, ai sống chết mặc họ, đó có thật sự là vui sướng không ? (xem dụ ngôn ông phú hộ và anh La-za-rô nghèo khó Lc 16, 19-31).
            “Trên đời này, chỉ có chàng trai nào sung sướng thực sự thì mới đem đến sự sung sướng thật sự cho vợ mình”.
            Từ câu nói ấy, ta có thể suy ra: “Không ai có thể đem đến cho người khác hạnh phúc, nếu người đó không có hạnh phúc !”.
            Để có “vui sướng thật sự”, để có “hạnh phúc thật sự”, con người phải không ngừng thăng tiến. Quan niệm vui sướng – hạnh phúc có thể khác nhau tùy theo sở thích riêng tư, nhưng tiêu chuẩn đạo đức để con người có được vui sướng hạnh phúc chân chính là duy nhất.
            Với người Công Giáo, tất cả mọi vấn đề được soi rọi dưới ánh sáng Lời Chúa. Thế nào là hạnh phúc ? Làm sao có được hạnh phúc ?
            Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

            Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
            Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

            Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an.
            Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
            Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
            Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
            Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. 
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế. (Mt 5, 1-12)

            Bạn đọc thân mến !
            D. DIDEROT nói: “Người sung sướng nhất là kẻ đã tạo được hạnh phúc cho đa số kẻ khác”
Mẹ Têrêsa đã được người đời xem như bậc thánh nhân ngay khi còn sống vì mẹ đã đem đến niềm hạnh phúc cho bao người.
Những bậc vĩ nhân luôn có trái tim vĩ đại chất chứa tình yêu bao la. Họ để lại cho cuộc đời những bài học cao quý về tâm hồn bình an thanh thản của họ.
            Điều quan trọng, là chính mỗi người chúng ta đã đạt được niềm tin yêu cuộc sống chưa, khi lòng ta chưa an vui thì không thể đem niềm vui cho người khác được.
Thời Báo New York thật có lý khi chọn câu nói của Francis là một trong 10 câu nói hay nhất trong Năm: “Trên đời này, chỉ có chàng trai nào sung sướng thực sự thì mới đem đến sự sung sướng thật sự cho vợ mình”. 
Nếu trong cuộc đời chúng ta  không đem lại cho ai một niềm vui nào, thì chẳng có niềm vui nào thật sự có trong cuộc đời chúng ta.

Không có nhận xét nào: