Huỳnh Ngọc Chiến
“Tôn giáo trong tương lai phải là một tôn giáo mang tầm vóc
vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt lên trên một Thượng Đế được xây dựng theo hình ảnh
con người, và tránh được giáo điều cùng thần học. Vì bao hàm được cả yếu tố tự
nhiên và tinh thần, nó phải đặt nền tảng trên một cảm thức tôn giáo được phát
khởi từ kinh nghiệm về vạn hữu như là một Thể Nhất Như đầy ý nghĩa, trong thế
giới tự nhiên lẫn tinh thần. Đạo Phật đáp ứng được điều này. Nếu có một tôn
giáo nào có thể đương đầu được với những yêu cầu của khoa học hiện đại thì đó sẽ
là đạo Phật”.(The religion of the future
will be a cosmic religion. It would transcend a personal God and avoid dogmas
and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based
on a religious sense, arising from the experience of all things, natural and
spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. If there
is any religion that would cope with modern scientific needs it would be
Buddhism).
Đây là câu nói nổi tiếng được trích dẫn rất nhiều và được
cho là của Einstein, từ những ghi chép chưa được in thành sách, nêu một nhận định
thâm trầm về đạo Phật. Do chưa tra cứu được chính xác chúng nằm ở trong tác phẩm
nào của Einstein, nên chúng tôi chỉ có thể dựa vào những kết quả sưu tầm trên mạng.
Xuất xứ của câu nói này chưa rõ ràng, vì nội dung của nó có thay đổi chút đỉnh
theo từng Website. Đây có thể chỉ là câu nói của nhà bác học Einstein trong một
buổi mạn đàm hoặc trong lúc trà dư tửu hậu, hoặc trong một lá thư gởi cho bè bạn.
Song đó có phải là câu nói của vị cha đẻ bom nguyên tử hay không, không quan trọng
bằng nội dung của nó là gì. Dù chưa khẳng định được một cách chắc chắn tính xác
thực của nó, song phải là bậc thông tuệ có một kiến giải sâu xa về bản chất của
tôn giáo mới có câu nói thâm trầm dường đó.
Ngày nay, dưới ánh sáng của những phát minh khoa học, khi mà
trụ cột giáo lý của các tôn giáo dựa trên sự mặc khải và thần quyền ít nhiều đều
bị lung lay, thì phần tinh hoa của đạo Phật lại càng có thêm điều kiện để hiển
lộ, phần tinh hoa mà trước kia ta chỉ hiểu phần lớn bằng khái niệm, qua cách diễn
tả hoành tráng của kinh điển đại thừa Ấn Độ hoặc qua cách diễn tả quá bình dị bằng
trực giác của các Thiền sư Trung Quốc về Thực tướng. Vật lý học hiện đại cho ta
nhiều ánh sáng để hiểu thêm về cái thế giới “trùng trùng duyên khởi” kỳ ảo của
Hoa Nghiêm. Bất kỳ mọi tác động nào diễn ra trong vũ trụ đều tạo nên vô vàn các
ba động vi tế lan truyền trong cái thế giới vật lý, mà trong đó tất cả vạn hữu
được nối kết và đan xen nhau một cách vi diệu bất khả tư nghì. Nhà khoa học
thiên tài Stephen Hawking đã diễn tả lại một tư tưởng tương tự như “Đồng thời cụ
túc tương ưng môn” của Hoa Nghiêm, theo tinh thần vật lý hiện đại, bằng một
hình tượng vô cùng thơ mộng và sinh động: “Một con bướm vỗ cánh ở Tokyo có thể
gây ra mưa tại Công viên trung tâm New York”!1. Điều này không chỉ đúng với thế
giới vật lý mà có lẽ còn đúng cả trong thế giới tư tưởng. Cuốn “Đạo vật lý”
(The Tao of Physics) của nhà vật lý học người Mỹ gốc Áo Fritjof Capra đã bắt
thêm một nhịp cầu tuyệt diệu nữa giữa vật lý học hiện đại với huyền học phương
Đông, nghĩa là giữa đỉnh cao của khoa học với những nền triết giáo vắng bóng “một
Thượng Đế được xây dựng theo hình ảnh con người” (personal God).
Có nhiều câu nói rất sâu sắc không ghi xuất xứ, được gán cho
Einstein, mà nội dung của chúng lại gần gũi với tinh thần đạo Phật một cách lạ
thường. Song điều khiến chúng ta thấy gần gũi với nhà bác học Einstein không phải
là cái đầu óc uyên bác tột đỉnh với những phát hiện phi thường vượt quá tầm hiểu
biết của đa số chúng ta, mà là cái tâm hồn nghệ sĩ nơi ông. Chính cái tâm hồn
nghệ sĩ đó đã giúp ông nhìn ra toàn bộ cấu trúc của vũ trụ trong một viễn tượng
thơ của sự hòa điệu vĩ đại, dù ông đã phải loại bỏ hằng số vũ trụ (cosmological
constant) ra khỏi mô hình vũ trụ tĩnh (steady-state universe) của mình để nó
tương thích với mô hình vũ trụ giãn nở trong thực tế, sau phát hiện của nhà
thiên văn Hubble vào năm 1922, và gọi đó là sai lầm lớn nhất trong đời (greatest blunder).
Nhiều nhà nghiên cứu đã căn cứ vào việc đó để kết luận rằng: ông đã sai trong
lĩnh vực sở trường là khoa học, thì điều đó có nghĩa rằng những nhận định về của
ông về đạo Phật cũng sai nốt! Nghĩa là đạo Phật không thể đáp ứng được các yêu
cầu của khoa học hiện đại, và cuối cùng con người cũng phải cần tới Thượng Đế.
Chúng ta hãy gác vấn đề đó lại cho những ai ham tranh luận, mà chỉ nên tìm hiểu
xem những phát hiện của ông có gì gần gũi với đạo Phật, và có đem lại gì cho sự
an lạc tâm linh cho chúng ta hay không. Điều đó mới thực sự quan trọng hơn những
cuộc tranh luận rối rắm mà kết quả vẫn luôn luôn để ngỏ.
Einstein, với cái đầu uyên bác tuyệt đỉnh, có thể được xem
là người đại diện của khoa học phương Tây hiện đại; còn nhà thơ Tagore có thể
được xem là người đại diện cho truyền thống thơ ca và triết giáo phương Đông. Vậy
mà cả hai lại gặp nhau, qua một lần đối thoại hy hữu, ở một điểm chung khi nhìn
về thực tướng của vũ trụ như một sự hòa điệu vĩnh hằng (constant harmony)2 giữa
thế giới vi mô và thế giới vĩ mô, tức hình ảnh vũ trụ như là “một Thể Nhất Như
đầy ý nghĩa”(meaningful unity). Suốt đời mình, Einstein vẫn không ngừng nỗ lực
xây dựng Lý thuyết Trường thống nhất (Unified Field Theory) hay là Lý
thuyết về Vạn hữu (Theory of Everything: TOE) để hy vọng giải thích được tất cả
các hiện tượng trong vũ trụ bằng những định luật chung, từ thế giới cực vi của
nguyên tử cho đến không gian mênh mông vô tận của các thiên hà. Einstein luôn
tin vào sự hòa điệu vĩnh hằng của vũ trụ và tin rằng Lý thuyết Trường thống
nhất sẽ là chìa khóa mở ra các cánh cửa huyền vi của Tạo hóa. Nhà vật lý
lý thuyết Michio Katu của đại học City tại New York cho rằng Lý thuyết Trường
thống nhất là nỗ lực đi tìm “một phương trình chỉ dài một inch mà cho
phép chúng ta đọc được tâm ý của Thượng Đế” (an equation an inch long that
would allow us to read the mind of God)! Xét cho cùng thì cái “the mind of God”
của Michio Katu cũng chính là cái mà nhà thơ Lý Hạ của Trung Quốc gọi là “Nguyên
hóa tâm” 元
化
心
(tấm lòng của Tạo hóa) trong một bàiTương tiến tửu:
Chung ẩm Bắc hải
Kỳ cứ Nam san
Ca dâm dâm
Quản tích tích
Hoành ba hảo tống điêu
đề câm (kim)
Nhân chi đắc ý thả như
thử
Hà dụng cưỡng tri
nguyên hóa tâm?
*
Rượu uống chốn Bắc hải
Cờ đánh ở Nam san
Ca đê mê
Sáo réo rắt
Liếc mắt nhìn đưa chén rượu vàng
Đời nguời đắc ý cứ như thế
Ích gì gượng hiểu lòng Hóa công?
Tâm hồn nghệ sĩ phương Đông muốn tìm thấy “Nguyên hóa tâm”
trong thơ và rượu, còn những đầu óc thông thái phương Tây lại luôn chứng minh “Nguyên
hóa tâm” bằng những phương trình! Dường như con đường khoa học phương Tây khi mở
rộng ra thế giới ngoại tại đến khi tới chỗ sơn cùng thủy tận thì nó lại tiếp
giáp với cõi bờ huyền học phương Đông. Thực tướng của thế giới chỉ hiển lộ đối
với những tâm hồn nghệ sĩ thực sự, những tâm hồn không còn bị che mờ bởi danh lợi
hoặc những thứ phù phiếm của trần gian, mà để rung cảm theo sự hòa điệu vĩ đại
của vũ trụ. Tác giả của những kháng thư đại thừa thâm áo, khi dùng trí tưởng tượng
phong phú dị thường để diễn tả cảnh giới chứng ngộ hoặc thực tướng của vũ trụ,
trước hết họ là những nhà thơ lớn hoặc là những tâm hồn có những rung động cực
kỳ vi tế trước những cảnh tượng kỳ diệu mà họ đã trực ngộ. Bởi vậy, những câu
nói sau đây của Einstein chắc hẳn có một ý nghĩa thật sâu xa đối với những ai
quan tâm đến Phật học:
- Nếu có một thứ gì đó trong tôi có thể gọi là tôn giáo
thì đó chỉ là sự thán phục vô bờ bến trước cấu trúc của thế giới, trong chừng mực
nó được nền khoa học của chúng ta phát lộ mở phơi. (If something is in me which can be called religious then it is the
unbounded admiration for the structure of the world so far as our science can
reveal it – The Human Side).
- Tôi không cần phải cố gắng hình dung ra một Thượng Đế;
đối với tôi chỉ cần chiêm ngưỡng một cách ngất ngây kiến trúc của thế giới là đủ,
trong mức độ nó cho phép giác quan bất toàn chúng ta thưởng ngoạn (I don’t try to imagine a God; it suffices
to stand in awe of the structure of the world, insofar as it allows our
inadequate senses to appreciate it – Letter to S. Flesch, April 16, 1954;
Einstein Archive 30-1154).
- Điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể kinh nghiệm được
là sự huyền mật. Đó là suối nguồn của mọi nghệ thuật và khoa học chân chính.
Người nào xa lạ với cảm xúc này, người nào không còn biết ngạc nhiên và ngất
ngây trong niềm kinh ngạc thì xem như đã chết: đôi mắt anh ta đã bị khép kín mất
rồi”. (The most beautiful thing we
can experience is the mysterious. It is the source of all true art and science.
He to whom this emotion is a stranger, who can no longer pause to wonder and
stand rapt in awe, is as good as dead: his eyes are closed).
Cái mà nhà bác học Einstein gọi là “cảm nhận được sự huyền mật”,
thì đó chính là cái mà Phật giáo gọi là “Diệu quán sát trí” (trí quán sát huyền
diệu). Theo Duy thức học, thức thứ sáu tức Ý thức, khi đạt đến quả vô lậu, sẽ
chuyển thành “Diệu quán sát trí”: đó là trí nhìn ra những điều kỳ diệu và huyền
mật trên thế gian ngay trong những sự vật và sự việc bình dị đời thường, để biết
“ngất ngây trong niềm kinh ngạc” (to stand rapt in awe). Nó không chỉ là
suối nguồn của mọi khoa học và nghệ thuật, mà của cả tôn giáo nữa. Thế giới tưởng
chừng tầm thường quanh ta vẫn luôn có vô số những điều huyền mật, để chờ một
con mắt biết nhìn. Đó chính là chỗ mà Thiền tông gọi là “Bình thường tâm thị đạo”.
Chỉ những ai đã mở được Diệu quán sát trí mới có đủ thẩm quyền để
nói: “Bình thường tâm thị đạo”. Khi cái tâm đã tĩnh thì Diệu quán sát trí sẽ
quán thấy toàn bộ bản lai diện mục của thế giới ngoại trần hiện lên trên tấm
gương lòng. Đó là cái nhìn về “trăm năm trong cõi người ta” với “Tứ thời
tâm kính tự như như” của Tố Như!
Ngữ lục Thiền tông chép lại các giai thoại các Thiền sư khi
đang gánh nước hay chẻ củi, hoặc nhìn một bông hoa đào nở mà bỗng hoát nhiên đại
ngộ. Hẳn ngay trong một sát-na, các ngài bỗng thấy vỡ òa trước mắt mình một thế
giới tràn ngập ánh sáng của “Thập phương thế giới hiện toàn chân”, như thiền sư
Trường Sa Cảnh Sầm đã từng thấy khi “Bách trượng can đầu tu tiến bộ”. Bởi vậy,
các ngài mới có thể ứng khẩu làm ngay những bài kệ trong trạng thái hoan lạc
tâm linh khôn tả. Tôi tin rằng Đức Phật cũng đã từng ngồi im lặng dưới gốc Bồ-đề
để chiêm ngưỡng một cách ngất ngây kiến trúc của thập phương thế giới, đã từng
“to stand in awe of the structure of the world” bằng trực giác phi thường,
trước khi đạt đến sự Toàn Giác để nhập Hải Ấn đại định, hiện Đại Nhật Pháp thân
(Vairocana: Tỳ-lô-xá na) mà thuyết pháp về thế giới Hoa Nghiêm.
Tư tưởng của triết gia Heidegger có vài điểm rất gần gũi với
đạo Phật khi ông cho rằng: “Giữ tâm tịch nhiên bất động trước sự vật và mở
rộng tâm hồn ra với những điều huyền mật, hai điều đó phụ thuộc lẫn nhau. Chúng
đem lại cho chúng ta khả năng an trú trong thế giới theo một thể cách hoàn toàn
khác biệt” (Die Gelassenheit zu den Dingen und die Offenheit für das Geheimnis
gehören zusammen. Sie gewähren uns die Möglichkeit, uns auf eine ganz andere
Weise in der Welt aufzuhalten). “Giữ tâm tịch nhiên bất động trước sự vật” (die
Gelassenheit zu den Dingen hay l’égalité d’âme devant les choses) tức
là tinh thần “Nhậm vận” của Thiền tông trong giai đoạn thứ bảy của “Thập mục
ngưu đồ”, còn “Mở rộng tâm hồn ra với những điều huyền mật” (die Offenheit für
das Geheimnis hayl’ouverture au mystère) chính là Diệu quán sát trí của
Phật môn.
Thi hào Nguyễn Du biểu hiện Diệu quán sát trí theo
một cách khác đầy thi vị và nghệ thuật. Chúng ta thường trích các câu thơ chữ
Hán của Nguyễn Du để minh họa ảnh hưởng của Phật giáo trong thơ ông. Nhưng phần
ảnh hưởng thâm sâu của Phật giáo lại nằm trong một đôi câu thơ phơ phất của Truyện
Kiều. Nguyễn Du hẳn đã quán sát được thế gian hằng như mộng, nhất thiết pháp đều
như huyễn, cho nên ngay sau cảnh tượng long lanh huyền ảo của ngoại giới:
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng
Ông đã chỉ ra cảnh thê lương của kiếp người:
Bước vào chốn cũ lầu thư
Tro than một đống, nắng mưa bốn tường
Đó là Diệu quán sát trí qua cách diễn đạt bằng nghệ
thuật của một thiên tài. Cái mà Mộng Liên đường chủ nhân bảo Nguyễn Du là nhà
thơ có“đôi mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” chính là Diệu
quán sát trí của một Nghệ Sĩ – Bồ-tát đã thấy được “Mãn cảnh giai
không hà hữu tướng? Thử tâm thường định bất ly thiền”.
Nhà thơ thiên tài Walt Whitman cũng đạt đến Diệu quán
sát trí khi viết về những điều xảy ra quanh mình và gọi đó là “điều kỳ diệu”
(Miracles). Dù là lang thang trên đường phố Manhattan, đi dạo dọc theo bờ biển,
hoặc đứng dưới tàng cây, ngắm nhìn người ta qua lại, ngồi vào bàn ăn với mẹ,
nói chuyện với bạn bè, nhìn những đàn ong bay lượn trong một buổi chiều hay
nhìn đàn gia súc đang gặm cỏ ngoài đồng, nhìn những đứa trẻ chơi đùa hoặc nhìn
thấy đám tang… ông đều thấy đó là những phép lạ diệu kỳ, trong bài thơ Miracles.
Đối với tôi, mỗi giờ của ngày và đêm đều là phép lạ
Từng phân khối không gian đều là phép lạ
……
Tất cả những điều đó, đối với tôi, đều là những phép lạ tuyệt
diệu làm ta ngất ngây không sao nói được nên lời.
Đối với tôi biển khơi là phép mầu vô tận
Những đàn cá bơi - những tảng đá - sóng vỗ nhấp
nhô - những con tàu với bao người trên đó
Có phép màu nào kỳ diệu hơn thế nữa chăng?
(To me, every hour of
the light and dark is a miracle,
Every cubic inch of
space is a miracle,
…..
All these to me are
unspeakably perfect miracles.
To me the sea is a
continual miracle;
The fishes that swim –
the rocks – the motion of the waves – the ships, with men in them,
What stranger miracles
are there?)
Đó chính là tinh thần Diệu quán sát trí của đạo Phật
trong tâm hồn của một Bồ tát-Thi sĩ phương Tây. Trong tâm đã có sở đắc thì ngôn
ngữ tự nhiên trở nên du hí phiêu bồng, khi đạt được Diệu quán sát trí thì
thế giới sẽ trở nên toàn bích trong sự hòa điệu bất khả tư nghì của cảnh giới
Hoa Nghiêm. Lúc đó, nói theo ngôn ngữ các thiền sư, thì núi Tu Di có thể được
nhét trong một hạt cải, thập phương thế giới có thể hiển lộ trên đầu một sợi
chân lông. Giống như một người đã giác ngộ thì nói năng động tĩnh đều phát huy
diệu dụng, đi đứng nằm ngồi đều biểu lộ huyền cơ. Lúc đó câu kinh Duy-ma-cật:
“Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh” sẽ vọng lên những hòa thanh tương ứng với
câu thơ của Whitman:
Tôi đoan chắc rằng trần gian này sẽ toàn bích đối với
những ai có tâm hồn toàn bích
Và nó chỉ đổ nát vỡ vụn đối với những ai có tâm hồn đổ nát vỡ
vụn.
(I swear the earth
shall surely be complete to him or her who shall be complete,
The earth remains
jagged and broken only to him or her who remains jagged and broken.)
Mà giữ được tâm hồn toàn bích để cảm nhận sự hòa điệu của vũ
trụ là khai mở được Diệu quán sát trí để quán sát vạn hữu trong “một Thể
Nhất Như đầy ý nghĩa” (meaningful unity) của Einstein bằng tinh thần Như Thị của
Phật giáo.
Chú thích:
1. Stephen Hawking, Vũ trụ trong hạt dẻ, Nguyễn Tiến
Dũng và Vũ Hồng Nam dịch, NXB Trẻ, 2005, tr.126.
2. Xin xem A Tagore Reader, edited by Amiya
Chakravarty, Appendix II, pp. 222-225.