Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

TẾT QUÊ

Rain March


Đã hết những tờ lịch đỏ đặc biệt nhất của năm, bữa giờ mải rong chơi nay ghé blog thầy vừa đọc bài "món đặc biệt ngày tết của mẹ tôi" của tác gỉa Thanh Tuyền xong, tôi la toáng lên, mừng hơn cha chết sống lại :" Oa, 18 tháng 1, nhằm ngày 25 tháng Chạp, he he",rồi tủm tỉm : nào rồng Mậu Thìn  "xông đất muộn" blog của rồng Nhâm Thìn thôi. Viết về xuân, về quê thì nhiều lắm, nhưng trong lòng lại đau đáu về tiếng còi tàu ngoài ga vọng lại.
   Ga Trảng Bom những ngày giáp Tết, từng hồi còi réo rắt rồi nhỏ dần, nhỏ dần, rồi tắt ngấm nối đuôi nhau đi về phương Bắc. Tôi trầm ngâm, đã mấy mùa Tết rồi mình không về quê. Thỉnh thỏang mấy đứa bạn lại gọi điện, gửi SMS, rồi thì lên facebook loáng toáng lên "Tết ni mi có về quê không rứa?", "Ê, về đi, lớp mình về nhiều lắm?" , lòng  lại nao nao, nhất là mỗi lần nghe hồi còi tàu đổ. Từ 20 Tết, lẳng lặng đếm từng ngày, nếu ở quê, lúc này mình sẽ..., cả nhà sẽ...để rồi từng trang ký ức xuân về miền quê nghèo lạnh giá hiện về mồn một, nhẹ nhàng, da diết.
   Thật ra, quê tôi chẳng có gì nổi bật, cũng chẳng có lễ hội hay danh lam nào nổi tiếng để níu bước chân khách viễn phương. Nhưng cũng như những miền quê khác, Tết quê tôi cũng  "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" và rộn ràng bước chân của những người con xa xứ ( nói thật lòng là còn thiếu cây nêu, hi hi).
   Từ giữa tháng chạp,ngoài những công việc cuối năm như thu hoạch ngô, cấy lúa vụ xuân hè, rồi thì chuẩn bị lạc giống để ra năm gieo hạt thì mọi người còn bận chân rộn tay hơn với những gì xoay quanh cái gọi là Tết. Người lớn lo việc lớn, đám con nít lóc cha lóc chóc cũng có khối việc để làm, cứ "tùy theo sức của mình" là người lớn tha hồ sai bảo ( làm người lớn sướng thế chứ lị, hi hi).
   Tháng Chạp, thôi thì là lạnh, có năm lạnh xuống 10 độ, khi những cây mạ đủ cứng cáp để bắt đầu cuộc sống mới nơi ruộng sâu thì bà con cũng rộn rịp gánh nồi niêu, xoong chảo ra sông cọ rửa, mấy cô nàng lọ lem này mà không mang ra bến sông thì nước giếng khơi nào cho đủ. Cái bến sông cạnh trường học của tụi trẻ con đấy, suốt ngày vắng hoe, ngày hè mới có lũ trâu chân lấm lưng bùn ra đó hội họp, trâu nói chuyện với trâu, mấy đứa chăn trâu rù rì với nhau, lâu lâu một bầy vịt ngoảy đít bơi vào một tẹo rồi ngoảy đít đi mất. Mấy ngày này, nó như được thổi thêm một luồng không khí mới, xua tan đi cái lạnh lẽo, ảm đạm của tháng chạp già nua. Có thể tạm gọi là "cái chợ thu nhỏ". Những đôi gánh quàng của các bà, các chị, lần lượt nối đuôi nhau xuống bến. Lấp ló trong những chiếc nồi đen đúa nhọ là màu trắng ngà của những chiếc bát cũ hay những chồng bát mới. Lúc la lúc lắc trên cùng là những báp lá dong xanh mơn mởn,  mới nhìn là đã tưởng tượng ra bánh tròn bánh vuông thế nào rồi. Thường thì mỗi quang gánh vậy sẽ có một đến hai trợ tá, lăng xa lăng xăng xách đồ lặt vặt, trẻ con thôi, nhưng sai vặt được khối việc. Mấy đứa này được đi ra bến thì thích lắm, mặt hớn ha hớn hở như được quà, dù bị sai như chong chóng, ấy thế chứ có đứa không được đi theo thì mặt xị ra, nói như cách của dân quê thì là "mặt dài như cái chày", hi hi. Ra tới bến, cả đám răm rắp ngồi nghe "chỉ thị", rồi nhanh chóng thực thi nhiệm vụ, đứa thì chùi lá dong, đứa thì cạo nhọ nồi, lá dong bát ngát, nồi niêu đủ loại tha hồ mà làm. Thực ra chả phải ngoan hiền gì, đứa nào cũng sợ rét, nhìn dòng nước lạnh lẽo là ngán ngẩm, hết muốn nghịch nước, tốt nhất là chăm chỉ làm mai mốt còn có cớ xin đi chợ Tết xem này nọ, rồi thì chăm chỉ hóng chuyện. Này thì con tui thế ni, con tui như rứa, rồi thì chuyện nhà sắm được cái gì, mổ con lợn mấy cân, bánh trái ra sao, loạn xì ngầu lên cả. Lâu lâu có người lại ré lên :"Mi mần bể cái nồi của tau rồi, khổ chưa nà, cái nồi bù (1) tau mới mua". Tiếp sau đó là một tràng "bài ca không quên", thủ phạm mặt mày tái mét, xanh hơn mấy tàu lá dong. Có những phụ tá chạy hơn ngựa, về nhà ra bến, ra bến về nhà, chạy xoành xoạch vì mẹ nó hoặc chị nó đoảng quá, hay quên đồ. Mấy bà xung quanh được nước lại nhao lên: "làm ăn chi lạ rứa?","xời, chỉ làm tội con thôi", có người nhỏ to" con mẹ ni là xoàng (2) lắm",... phụ tá thì mặt đỏ hây hây, thở hồng hộc nhưng miệng vẫn cười toe như "mùa thu tỏa nắng", hi hi.
   Đấy là màn chính của quý bà quý chị, còn quý ông, quý anh hoành tráng hơn với màn mổ lợn, mổ gà, hay gói bánh. Ngày làm thịt lợn có thể coi như là ăn tất niên. Đây là ngày trọng đại nhất trước Tết, không trọng đại sao được, đâu phải nhà nào cũng làm thịt lợn. Muốn làm thịt lợn phải tìm mua lợn từ mấy tháng trước, lợn con hay lợn choai tùy theo nhu cầu, nhà nào sang thì làm trọn gói một con, không thì mấy nhà chung nhau một con, không nữa thì xách làn ra chợ. Trước khi làm thịt lợn, ai nấy trong nhà đều được phân công việc rõ ràng, nào là chuẩn bị nước, nào là mài dao, rồi củi lửa, nồi mười luộc thịt, nào là chặt lá chuối,...đó là mấy việc lớn lao dành cho người lớn, cón trẻ con thì hái rau thơm, lon ton đi gọi cậu , gọi chú , gọi dượng qua phụ cha một tay. Nhà đứa nào làm thịt lợn biết liền, mỗi khi đi xin lá hẹ, rau mùi tàu ( ngò gai) cái mặt hất hất, con mắt hay háy, lấp la lấp lánh , khấp khởi như được áo mới, thấy ghét ( thật ra mình cũng vậy, hi hi). Những ngày này, tiếng lợn éc chói lọi, hầu như đi đâu cũng nghe tiếng lợn éc, ông bà mình nói chẳng sai "kêu như lợn chọc tiết". Ngoài việc bị sai vặt nơi nọ nơi kia thì lũ trẻ dành hết thời gian theo dõi giải phẫu con lợn, nhìn mê mẩn, say sưa, háo hức. Đám con gái hiền lành, ngôi im, còn mấy thằng con trai quậy hơn, được phát cho cái bọng đái (bàng quang ) của con lợn, tụi nó đổ đầy nước vào, chơi đá banh (bẩn kinh khủng ). Vậy mà chú với cậu tôi cứ nhìn tụi nó cười hề hề, nói "can chi mô, nhớp ( bẩn ) rứa mới khỏe". Kinh. Tới khi người lớn nấu nướng xong xuôi, mấy đứa nhỏ được ưu tiên ăn trước ( cho rảnh ấy mà), khoái nhất vẫn là món lòng sốt chấm muối tiêu, hoặc nước mắm gừng. Oa, cái rổ lòng nghi ngút khói, thơm ngào ngạt, đứa nào đứa nấy uống nước miếng ừng ực, quên béng luôn cái câu" thương hè, tội chưa tề", lúc con lợn rống lên vì bị chọc tiết . Cả đám thi nhau chỉ trỏ:"con ăn cấy ni", "con ăn miếng tê",...Nhưng nói gì thì nói, khoái khẩu nhất vẫn là cái đuôi, giành nhau chí chóe, dận nhau vì cái đuôi lợn là chuyện  thường.. Tay lia lịa bốc bốc, chấm chấm ( hồi đó có thằng nào đá banh mà quên rửa tay không nhỉ?) Ngày hôm sau, ra đường thể nào cũng khoe bạn "bữa qua tau được ăn lòng sốt, nhà choa (3) mần thịt lợn". Mấy đứa kia phản pháo liền:"choa cũng được ăn, nhà choa cũng mần thịt lợn", hoặc "nhà choa chiều ni mần,anh tau mới ở Hà Nội về". Tóm lại hầu như nhà nào cũng làm thịt lợn, nhà đứa nào không làm thì nó được ăn ké ở nhà khác, thế là đứa nào cũng ăn lòng sốt, he he
   Nói đến Tết không thể nào không nhắc đến chợ. Ở miền quê nghèo chợ ba phiên một tuần, lèo tà lèo lèo, 7 giờ sáng họp, 9 rưỡi tan chợ rồi. Nhưng Tết thì khác. Tết mà. Ngày nào cũng họp chợ, đi từ sáng tinh mơ, trưa trề trưa trật mới lót tót về. Khi đi tay xách nách mang đem hàng đi bán. Trưa về nách mang tay xách lỉnh ca lỉnh kỉnh mấy thứ mua được. Với người lớn, phiên chợ cuối năm là để bán bán mua mua ( đương nhiên rồi ), đó còn là dịp để thu hồi vốn thất thoát trong năm (đòi nợ ). Hàng hóa la liệt, muôn hình vạn trạng, kiểu gì cũng có. Quần áo, giầy dép, tranh ảnh, câu đối,bóng bay, hoa nhựa, cay cảnh nhựa,...nhiều lắm lắm. Người lớn tha hồ chọn lựa, trả giá, trẻ con tha hồ ngắm. Với trẻ con đi chợ Tết cũng như đi hội vậy, cũng phải xách đồ, trông hàng, thậm chí đứng bán hàng nhưng vẫn thích, lòng rạo rực như đi ra bến chùi nồi. Được đi thì mặt hớn mày hở, không được thì mặt lại xị như cái chày giã gạo, hi hi. Đứa nào được áo mới thì khỏi nói, cười nói suốt như nông dân được mùa, ăn cơm dưa cải muối chua tới tết cũng cười phơi phới, i như lúc nhà làm thịt lợn vậy, he he. Trẻ con ở quê hồi đó dễ dãi, mẹ mua áo nào mặc áo đó, mang tiếng theo mẹ đi chợ mua đồ chứ thật ra là thử đồ có vừa không, mẹ nói bộ này được, rộng một tí  mặc mới được lâu, thế là gật. Hiếm thấy đứa nào lèo nhèo ỏng eo, nếu có chỉ cần mẹ liếc một cái, hừ một cái, nói "dừ mi muốn răng?" là im re liền. Phiên chợ ngày Tết, người lớn quan tâm đủ thứ. Một trong những thứ quan trong góp phần làm nên cái bánh chưng là cây giang dùng làm lạt buộc bánh, "nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang" ( Tố Hữu ) ấy mà, cây giang đó đó. Chậc, nhà nào chặt được cây giang bánh tẻ ngon ngon thì đắt hàng hết chỗ nói, người mua bu đen bu đỏ. Rồi thì lá dong, nếp, những dãy hàng thịt lợn cũng đông không kém. Người mua thường nói "răng đắt ri? tui mua chỗ khác rẻ hơn", người bán là đàn bà con gái không sao, gặp phải mấy ông nóng tính, nhất là mấy ông hàng thịt, quát ầm lên " rứa thì qua bên nớ mà mua", hi hi. Khi nhắc đến chợ Tết người ta thường nói đến chợ hoa, hay khu vực bán hoa, thường thì hoa đào hoặc quất. Ở quê tôi tuyệt nhiên không có hai thứ này, có chăng mấy bông hồng đỏ hoặc toàn là hoa nhựa không thôi. Đơn giản là ai muốn chưng hoa đào cứ xách dao qua nhà hàng xóm xin, tha hồ, mua chi tốn tiền. Quất cũng vậy, muốn chưng thì mua một chùm hai mươi mấy quả đặt lên bàn thời, hiếm nhà nào chưng nguyên cây, đơn giản vì "mần răng mà ăn cho hết?" hay " tiền mô mà mua?". Thế đấy. 
   A, gói bánh, bánh chưng bánh tét nhà nào cũng tự gói. Có một món bánh đặc biệt chỉ có ở quê gọi là bánh ong. Nó được làm từ mật mía, bột nếp rang, cốm, đậu phộng, ăn cảm giác ngọt như mật ong, nhìn nó cũng hoa hoa, rỗ rỗ như những tầng ong,phải chăng vì thế mà tên nó là bánh ong. Ngày tết, ngoài mấy món bánh tây, kẹo tây, đến nhà nào cũng bày ra một đĩa bánh ong mời khách. Cái vị ngọt của mật mía, mùi thơm thơm cốm nếp, bùi bùi của lạc rang tạo nên hương vị riêng biệt cho món bánh này. Mấy hôm trước gọi về cho bà, nói chuyện ngược xuôi một hồi, bà nói "để bà gửi cho miếng bánh ong". Dẫu không phải là thứ mình thích nhất nhưng đó vẫn là hương vị quê nhà. Sực nhớ Tết năm ngoái, cô em họ về quê, nó mang vào 2 kg bánh ong, chắc bằng viên gạch táp lô, hớn hở nói bà gửi cho chị đó, ăn cho hết nhé. Nó mang tới quận 9, bảo chị ghé mà lấy không bà buồn, bận học hành thi cử này kia, nó cắt ra mời bạn nó ăn hết. Hú vía.
   Sáng 29 Tết, trên bàn thờ mỗi nhà đã bày biện đủ bánh chưng, bánh tét, hoa quả, hai bên là câu đối đỏ, gần đó có cành đào lá lơ thơ, nụ chúm chím, đu đưa những quả bóng bay xanh đỏ, đẹp mê tơi. Ngày 30 bắt đầu là ngày sung sướng, hết bị sai vặt. Thường thì các nhà sẽ dọn cỗ, gọi là mâm xam hay mâm sam gì đó, bày mấy món, mang đến nhà con trai trưởng để cúng ông bà tổ tiên bên nội, ngày mùng một làm một cỗ tương tự cúng bên ngoại. Đêm giao thừa, ngày xưa đốt pháo rình rang, mấy ông anh trai bày đặt mua thuốc nổ về tự làm pháo. Giao thừa đến, đốt pháo đì đùng, thích nhất là những cây pháo lủi, đốt cứ cháy xì xì, lủi lên cao một nhát như tên lửa, vẫn cháy xì xì, rồi sáng một cái, nổ cái đùng, ấy thế mà đứa nào cũng la như sấm pháo nhà tau cao hơn, rõ khổ. Ngày đó mỗi lần nghe pháo nổ, tôi cũng dụi mắt dậy xem, xong lại đi ngủ, ít khi thức cùng cả nhà phá cỗ, nếu có chăng cũng vừa nhai thịt gà luộc vừa ngủ, năm nào mẹ nấu cháo thì vừa húp cháo vừa gà gật. Sau này khi pháo bị cấm, giao thừa hình như bớt náo nhiệt hơn.
   Sáng mùng một, mẹ dặn đi dặn lại đủ điều, này thì đi nhẹ nói khẽ, không được cãi cọ nhau, không được làm đổ bể, nếu không sẽ dông cả năm. Ấy thế ,mà có năm Rain March cũng làm bể cái bát ăn cơm ngay sáng mùng một, bị la quá trời, nói năm nay làm gì cũng dông, ấy thế mà năm đó cũng đậu học sinh giỏi, he he. Trẻ con thích nhất được diện đồ mới nhận tiền mừng tuổi, tiền mừng không nhiều, thường 5 trăm hoặc một ngàn, 2 trăm đồng cũng phổ biến, nhưng mà khoái, có khi chả được tiền, phát cho mấy cái kẹo xanh đỏ cũng mừng hí húm. Tết là trời đổ mưa phùn, đường loét nhoét, người lớn không sao, trẻ con đi chúc Tết cứ thế là dép xách tay, quần xắn tận bẹn, hùng dũng như "tiến về Sài Gòn", chả sợ ướt, sợ rét. Đến nhà người ta kêu đập chó trước, kế đến là ra giếng rửa chân, khi đó mới vào nhà chúc Tết...
   Ra Tết, những cơn mưa phùn ngớt đi, những tia nắng nhẹ nhàng chiếu xuống, nhẹ nhàng hong khô vạn vật, những chồi non ủ mình trước Tết được dịp vươn lên, tươi non mơn mởn. Mấy đứa trẻ chúng tôi háo hức:"cha tau nói 365 ngày nữa là Tết, mau rứa a, mau thật".
Chú thích: (1): nồi đất hình trái bí ngô   (2): đoảng   (3):tụi tao, chúng tao

                     chúng ta đang hạnh phúc

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Xuân bất tận



Tận hưởng mùa xuân đẹp
Chẳng ngại xuân tàn phai
Khi trăm hoa rụng hết
Cũng còn một nhành mai*
Ta đếm giọt thời gian
Lá xanh thay lá vàng
Xuân đi xuân còn lại
Sáng rực cả không gian


Trần Văn Khê

* Khi trăm hoa rụng hết/cũng còn một nhành mai: lấy ý từ câu thơ " Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" trong bài thơ Cáo tật thị chúng của Thiền Sư Thích Mãn Gíac.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Còn gặp nhau


Từ xưa đến nay có muôn ngàn câu thơ lưu luyến qua bao thế hệ. Nhưng có những câu thơ mà cứ đọc lên ai cũng cảm thấy lòng mình rung động, xao xuyến, êm ái, nhẹ nhàng, nghe rồi nhớ mãi không quên, vì thơ đã đi thẳng, đi sâu vào lòng người. Đó là trường hợp của thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.
Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã nói lên được bằng vần điệu những tâm tư thầm kín của mọi người, cũng đã cho thấy rõ con người của tác giả, là luôn coi trọng chữ Tâm (TVK)

CÒN GẶP NHAU

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương,
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời,
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao,
Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý - lẽ huyền vi
An nhiên tự tại - lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.


Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

CHÚC XUÂN NHÂM THÌN


Cung chúc tân niên một chữ nhàn
Chúc mừng gia quyến đặng bình an
Tân niên đem lại niềm Hạnh Phúc
Xuân đến rồi hưởng trọn niềm vui


Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

MY PHOTO GALLERY 01/2012

MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG

Love your country.  Your country is the land where your parents sleep, where is spoken that language in which the chosen of your heart, blushing, whispered the first word of love; it is the home that God has given you that by striving to perfect yourselves therein you may prepare to ascend to him.  ~Giuseppe Mazzini

MIỀN NAM

chài lưới
ghe bầu
đường quê

MIỀN TRUNG 

đi chợ sớm
nón lá Hội An
chùa Cầu và tôi
lưới cá trên sông Thu Bồn

MIỀN BẮC

đường về bản
hai chị em
đưa em qua suối
chùa Thầy

Ảnh được chụp bằng máy Canon 350D   ống kính 28 – 105 bởi
tay máy nghiệp dư: Nguyễn Thy Anh
Mời xem thêm : du lịch- bài học từ những chuyến đi 
                      sống thong thả tận hưởng cuộc sống nhiều hơn
                      bí quyết căn bản mang lại hạnh phúc
                      PHOTO GALLERY 08/2011
                      PHOTO GALLERY 02/2011

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

ĐỜN REO ĐẤT NƯỚC THÊM GẦN

GS Trần Văn Khê*

Đờn reo đất nước thêm gần - thyanh photo Canon 350D  f11

Ai xa đất nước cũng nhớ về đất nước. Để vơi nỗi nhớ, có người về thăm đất nước, có người tìm mua những mónăn truyền thống của dân tộc, còn với tôi thì tôi khảy mấy cung đờn. Khi nghe tiềng đờn, tôi thấy lòng mình bình yên, thấy mình thêm gần đất nước hơn. Vậy nên tôi mới viết: "Đờn reo đất nước thêm gần"
Càng xa đất nước, hình ảnh đất nước càng đậm xâu trong trái tim tôi, nỗi nhớ thương đất nước cũng thêm nhiều. Một trong những nỗi nhớ ấy là về cái tết cổ truyền của dân tộc.
Nơi xứ người, những dịp như năm mới, Noel, nhìn mọi người vui chơi, tôi cũng vui nhưng trong lòng không thể nào vui bằng cái tết của mình, cái tết Việt Nam với tôi là hơn hết. Tôi cũng tự nhủ, không phải vui với cái tết người ta mà quên tết mình.
Trong những cái tết xa quê hương, tôi nhớ da diết cái tết nơi quê nhà, nhớ nhiều nhứt là mùng 2 tết, cả nhà quây quần ở nhà người cậu thứ tư, cùng hòa đờn. Tôi nhớ cả tiếng pháo giao thừa, nhớ buổi sáng đầu năm thức dậy hoa lá khoe sắc. Trong khi đó, những cái tết xa quê hương chỉ có giá tuyết lạnh.
Về sau, cái tết nơi xứ người có thêm cành đào từ quê nhà gửi sang. Hoa đến tay người thì hoa cũng không còn tươi thắm là bao. Hay khi không có hoa thiệt thì tôi vui tết bằng hoa giả. Mà hoa giả làm sao làm lòng mình xúc động bằng ngắm hoa thiệt? Những nỗi nhớ tiềm tàng trong tâm hồn về một ngọn gió xuân quê hương, một khung cảnh thân thương . . . đành gởi gấm vào cung đờn.
Sống xa đất nước lâu nên lúc nào tôi cũng thèm về Việt Nam. Tôi nghĩ  về Viet Nam như là lý tưởng sống của tôi trong hoàng hôn của cuộc đời. Năm 2004, khi ngày hồi hương gần kề, tôi thấy nôn nao trong người và gởi nỗi lòng ấy vào thơ: 

Quê nhà về ở không do dự
Đất khách rứt đi hết buộc ràng
Sự nghiệp tinh thần trao đất nước
Nâng đàn vui khảy tính tình tang.

* Giáo sư Trần Văn Khê, sinh ngày 24-7-1921 tại Mỹ Tho, là một cây đại thụ của âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông đã sống và làm việc hơn nửa đời người ở hải ngoại nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về quê hương. Đây là trích đoạn từ một quyển tự truyện của ông viết dành cho các bạn trẻ Việt Nam.

                     chúng ta đang hạnh phúc

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2012

DỌN LÒNG VUI XUÂN


Khi mùa Xuân đến, dù thế nào đi nữa, người ta vẫn làm một điều gì đó khác hơn, đẹp hơn, mới hơn, vui hơn… để chào đón nàng Xuân.
Người xưa nói : “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, ta có thể thêm, “lòng sạch thì bình an”. Thật vậy, ta chỉ có thể tìm thấy bình an, khi cái “Tâm” của ta thanh sạch.
Cái Tâm chân thật là “Thiện Tâm”. “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài” (ND).
Cái Tâm thanh sạch giúp ta luôn vui tươi, cũng như ý tưởng ngay lành giúp ta luôn thanh thản. Chính vì thế, không chỉ riêng Đất Nước ta, mà cả Thế Giới, trong kho tàng văn học dân gian, những câu chuyện -  những bài học về lòng nhân hậu – thật vô cùng phong phú.
Lòng nhân hậu là suối nguồn của bình an, vì lòng nhân hậu cho con người cuộc sống ngập tràn Tình Yêu, và chỉ có Tình Yêu mới giúp con người thanh thản, bình an.
1. Trái tim yêu thương không vương thù hận.
Hận thù là kẻ thù số một của bình an. Nuôi trong lòng hận thù là nuôi “trái bom nổ chậm” trong chính bản thân mình, nó sẽ bùng nổ không biết lúc nào.
Chắc bạn không quên câu chuyện ngụ ngôn “Sói và Sóc” của nhà thông thái cổ Hy Lạp Ê-dốp:
Sóc nhảy nhót chuyền trên những cành cây không may ngã rơi xuống đất trúng ngay chỗ chó sói đang ngủ. Chó sói choàng dậy tóm được sóc, định ăn thịt. Sóc bèn van xin:
Xin ông thả cháu ra.
Sói trả lời :
Thôi được, ta sẽ thả mày, có điều mày hãy nói cho ta biết, vì sao họ nhà sóc chúng mày lúc nào cũng vui vẻ như vậy. Ta thì lúc nào cũng buồn rũ, còn chúng mày thì lúc nào cũng thấy đùa nghịch nhảy nhót tung tăng trên tán cây cao như thế ?
Sóc nói:
Ông cứ thả cháu lên cây đã, trên đó cháu sẽ nói cho ông rõ, chứ không cháu sợ ông quá.
Sói thả sóc ra, thế là sóc tót lên cây và nói chõ xuống:
Ông buồn rũ là vì ông độc ác, cái độc ác nó bóp thắt tim gan ông lại. Còn đàng này bọn ta vui vẻ là vì bọn ta hiền lành và chẳng làm điều ác.
2. Vì sao con người thường vương mang thù hận?  
Nguyên nhân sâu xa của thù hận vì con người không nhận ra đâu là những giá trị đích thật của cuộc sống. Trên chuyến tàu dục vọng của kiếp người, nhiều người đã chất đầy những ước muốn mơ hồ, những tham vọng điên rồ, những kho tàng mục nát, những đồ vật mang vẻ đẹp lộng lẫy hào nhoáng bên ngoài nhưng trống rỗng bên trong. Những thứ đó làm chóa mắt thiên hạ với muôn sắc màu rực rỡ, mà thật ra chỉ là rác rưởi bẩn thỉu và tai hại. 
Khi lòng tham không được thỏa mãn, thì người ta dùng sức mạnh để chiếm đoạt. Khi ai cũng nặng lòng tham, ai cũng muốn chiếm đoạt, thì hận thù tất nhiên phải đến.
Ai đó đã nói : “Đừng tưởng những vật lấp lánh đều là kim cương”.
Bạn xem thêm thông tin này:
NHẦM LẪN KIM CƯƠNG VỚI THỦY TINH
Một lần vào năm 1820 ở London đã xảy ra một chuyện om sòm. Trong một buổi tối chiêu đãi các nhân vật quyền quý, một người thợ kim hoàn nổi tiếng đã nói với bá tước phu nhân (chủ nhân): “Thưa quý bà, trên ngón tay bà không phải là kim cương mà là đồ giả”.

Vào năm 1790, Straxơ – thợ kim hoàn người Viên, lần đầu đã điều chế được thủy tinh pha chì, còn gọi là phalê, với thành phần chì oxit PbO đến gần 50%. Tính chất quang học của thủy tinh này và kim cương khá giống nhau: Đều có “tia sáng” và “ánh kim cương”. Những mẩu vụn pha lê làm ta liên tưởng đến các hột xoàn. Những cục pha lê nhỏ gọi là “stras” theo tên Straxơ. Nhìn dạng bên ngoài của stras khó phân biệt với kim cương nhưng nếu tìm hiểu kỹ nó thì thấy độ cứng của nó không đạt: Nó không làm xước thủy tinh. Rõ ràng những hạt giả kim cương này đã được đem bán cho bá tước phu nhân và vì thế bà đã đeo hột xoàn lớn nhất.

Để nhuộm lại “Stras”, người ta thêm vào phối liệu nóng chảy một lượng nhỏ (0,0001%) vàng Au dưới dạng hợp chất bất kỳ của kim loại này và nhận được ngọc rubi giả màu đỏ rực. Cho coban oxit CoO vào thì sẽ biến “stras” thành thủy tinh xanh đẹp, giống như ngọc xaphia. Còn thêm vào phối liệu khi nấu pha lê một ít crôm (III) oxit (Cr2O3) thì làm cho “stras” giống như ngọc rubi (lumzud). (Internet).
Biết bao điều trong cuộc sống “lấp lánh” nhưng không phải là kim cương, nhưng người ta chết vì nó. Người ta hủy hoại cuộc đời vì nó. Người ta sống lê lết một cuộc đời vô nghĩa vì nó. Người ta tranh dành cấu xé nhau vì nó.
Bạn xem câu chuyện đời xưa “Trân Châu Bọt Nước” này nhé.
Thuở  xưa có vị Hoàng đế nọ, có rất nhiều con trai, nhưng chỉ có một cô con gái, ông vô cùng nuông chiều công chúa bé bỏng này, cưng hơn hạt minh châu, tuyệt nhiên chẳng bao giờ quở trách, công chúa đòi hỏi gì cũng đều đáp ứng, cho dù cô ta muốn hái những vì sao ở trên trời, Hoàng đế cũng sẽ nghĩ cách hái xuống cho cô.
Một buổi trưa nọ, sau một trận mưa, trời rất trong sáng, công chúa dẫn nô tì đến hoa viên dạo chơi. Hoa cỏ, cây cối đã được nước mưa tẩy rửa trông thật mượt mà tươi đẹp, màu sắc rực rỡ, hương thơm thoang thoảng.
Công chúa bị mùi thơm của hoa sen trong hồ quyến rũ, cô đi đến bờ hồ, đột nhiên phát hiện cảnh sắc từ trước đến nay chưa từng thấy: trong quá trình bốc hơi, nước trong hồ đang nổi lên những bọt bong bóng lấp lánh đẹp vô cùng – những hạt “Trân Châu Bọt Nước” – ánh sáng lấp lánh như bong bóng nước.
Công chúa nghĩ: “Nếu đem những trân châu bọt nước này kết thành chuỗi, đeo trên đầu nhất định đẹp vô cùng”. Ý đã định, thế là cô bảo nô tì xuống hồ vớt lên, nhưng khi tay của nô tì vừa chạm đến, bọt nước liền tan ra không còn dấu tích. Loay hoay cả buổi mà công chúa không có được một hạt trân châu nào.
Nàng tức giận chạy về cung, kéo phụ hoàng đến bên bờ hồ, chỉ những hạt lấp lánh trong hồ, nói với cha: “Phụ hoàng! Phụ hoàng xưa nay rất yêu thương con, con muốn cái gì thì phụ hoàng cho con cái nấy. Trân châu trong hồ phụ hoàng thấy đó, đẹp biết bao, con muốn xâu nó lại thành hạt chuỗi, đeo lên trên đầu, phụ hoàng xem có được hay không ?”
Hoàng đế vô cùng thương yêu con gái, vuốt đầu công chúa, nói: “Đứa con gái ngốc của ta ơi! ‘Trân châu bọt nước’ tuy đẹp, nhưng nó là hư ảo không thực, làm sao có thể xâu thành chuỗi được ? Phụ vương sẽ cho con một xâu chuỗi khác bằng pha lê nhé ! Nhất định sẽ đẹp hơn trân châu bọt nước nhiều !”
“Không chịu ! Không chịu đâu ! Con chỉ muốn xâu chuỗi trân châu bọt nước, con không chịu pha lê đâu. Nếu phụ vương không cho con, thì con sẽ không sống nữa đâu đó !”. Công chúa kêu la khóc lóc.
Hoàng đế bó tay, đành phải triệu tập tất cả Đại thần đến hoa viên, lòng buồn rười rượi: “Các vị Đại thần, các vị đều là những người thông minh tuyệt đỉnh, nếu có ai kết những bọt nước lấp lánh kia thành  chuỗi ngọc cho công chúa, ta sẽ trọng thưởng”.
Các Đại thần nhìn nhau, không biết phải làm thế nào, chỉ biết bẩm báo thật: “Bẩm bệ hạ, bọt nước hễ dụng vào thì vỡ ra ngay, làm sao có thể xâu lại được ?”.
“Ngay cả việc nhỏ như thế này mà các khanh cũng không có biện pháp, ân huệ của trẫm đối với các khanh thật vô ích, nếu không có biện pháp gì thỏa mãn ý nguyện của công chúa, các khanh đừng nghĩ sẽ còn sống mà đi vào hoàng cung”, Hoàng đế tức giận nói.
Chính ngay lúc này, từ trong quần thần bước ra một người râu tóc bạc phơ, ông ta tự tin nói: “Bệ hạ bớt giận ! Thần có một biện pháp giúp công chúa xâu những bọt nước kia thành chuỗi ngọc, có điều đôi mắt của thần rất kém, thực tế nhìn không thấy rõ hạt nào đẹp hạt nào xấu, phiền công chúa tự mình lựa chọn, công chúa chọn xong đưa cho thần, thần sẽ xâu lại, không biết được không ?”.
Công chúa nghe xong rất phấn khởi, cô liền khom người cố gắng múc lên những bọt nước mà mình thích. Nhưng, suốt cả buổi, cô chẳng vớt được gì cả.
Vị đại thần thông minh và hiểu biết kia nhìn vẻ mặt thất vọng của công chúa, hiền lành nói: “Trân châu bọt nước tự nó sinh diệt bất thường. Nếu lấy sự ham muốn của con người để dựng lên loại hư giả không thực này, cả đời cũng không thể đạt được”.
Suýt chút nữa, thì nhiều người mất mạng vì sự ham thích ngu ngơ của cô công chúa ngây thơ ấy rồi !
3. Tâm sạch lòng thanh.
Có câu : “Mens sana in corpore sano”, Tinh thần thông minh trong một thân thể tráng kiện. Nhưng thân thể tráng kiện mà tinh thần không trao dồi luyện tập, thì tinh thần cũng bệnh hoạn, đen tối.
“Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”, “thân xác sạch thì khỏe mạnh”. “Tâm hồn sạch thì bình an”.
Muốn thân xác sạch, cầm tắm rửa, muốn tâm hồn sạch, cũng phải tẩy rửa những dục vọng đen tối để tâm hồn được trong sáng, được sống đúng phẩm giá con người.
Mùa Xuân, hoa muôn sắc đua nhau tỏa hương mừng Xuân Mới, con người cũng tỏa hương nhờ “Tâm sạch lòng thanh”.
Với “tâm sạch lòng thanh”, con người có niềm vui trong lòng và đem niềm vui đến cho người khác. 
Một tâm hồn đen tối không thể đem mùa Xuân đến cho ai !
Xuân vui tươi là xuân bình an của mọi người.
Đón Xuân với “Tâm sạch lòng thanh”, mới là vui Xuân trọn vẹn và có ý nghĩa vậy.
MAI NHẬT THI (canhdongtruyengiao.net)

                     chúng ta đang hạnh phúc

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

MÓN ĐẶC BIỆT NGÀY TẾT CỦA MẸ TÔI

Thanh Tuyền (nhituongsite.com)
Vui sống mỗi ngày @ blog: Những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời có thể chỉ là những khoảnh khắc vô cùng đơn giản . . .

Cơn mưa phùn - thyanh photo - Canon 350D  f11

Có lẽ không ai như mẹ tôi, ngày tết mua gì thì gì, chợ ba mươi mẹ không bao giờ quên mua về ít củ đậu. Cái lý mẹ tôi đưa ra đơn giản mà thuyết phục : “Chưa ăn lúc này thì lúc khác, chẳng hư hao mà để lâu càng ngọt!”.
Mẹ kể : “Ngày xưa nhà có một khoảng vườn nhỏ, ông trồng đủ thứ rau, củ. Củ đậu dễ trồng. Tháng 8, ông lên luống rồi gieo hạt. Vừa kịp có củ đậu “ăn tết”. Luống càng vun củ đậu mới tròn, không làm luống củ đậu thành rễ. Khi dây leo chớm có hoa, phải cắt hết hoa, nụ và lộc non, để cho các dưỡng chất lúc này chỉ có một con đường duy nhất là đưa từ thân lá vào củ”.
Mẹ tôi lại cảnh giác thêm: “Có điều trái khoáy là trong khi củ đậu ăn rất ngon và có nhiều cách chế biến thì ngược lại hạt và lá lại rất độc, người ta thường dùng để thuốc cá hay trừ sâu bọ!”. Và cứ như thế, để “ôn cố tri tân”, tết nào nhà tôi cũng có sự hiện diện vài ba củ đậu bỏ dưới gầm bếp.
Chắc có người hỏi : Ngày tết mẹ tôi làm gì với mấy củ đậu ấy? Nói đến việc chế biến và công dụng này gặp mẹ tôi là bắt đúng “tần số”. Này nhé, trước tiên là kho thịt, ngon đậm đà. Nếu ai hồi giờ chưa ăn, cứ thử một lần sẽ thấy. Thịt kho măng, măng sẽ rút hết tinh tuý của thịt, trong khi đó thịt kho với củ đậu thì thịt và củ đậu lại hỗ tương vị ngon cho nhau, thịt cũng ngon mà củ đậu cũng béo. Cách chế biến của mẹ tôi rất đơn giản. Củ đậu xắt cục, nếu cầu kỳ mẹ tao trước qua hành mỡ, đến khi nồi thịt xâm xấp, bỏ củ đậu vào. Đơn giản mẹ tôi cho cả củ đậu và thịt vào cùng lúc rồi cứ thế mà kho. Cách nào cũng ngon như nhau.
Món ngon thứ hai được chế biến từ củ đậu của mẹ tôi là làm chả ram. Cuốn chả ram có độn củ đậu tuy không giòn như độn khoai lang hay cà rốt, nhưng được cái rất ngọt.
Củ đậu còn được mẹ làm dưa giá, làm gỏi; đặc biệt món củ đậu xào thịt ngon không thể tả, nhất là nêm hành lá hơi nhiều một chút.
Tài “phù thủy” của mẹ tôi với củ đậu còn nhiều món nữa như :độn vào thịt khi làm món xíu mại. Củ đậu mẹ sắt sợi, băm nhuyễn, vắt bớt nước rồi trộn vào thịt sẽ làm cho viên xíu mại không bị khô …. Nói chung tùy theo thời tiết, khí hậu …. Mẹ tôi còn nhiều cách chế biến khác nhau nữa. Chẳng hạn như cho vào nồi nước lèo nấu phở…. Đặc biệt, mẹ nói :
- “Trong uống (ăn), ngoài thoa” nếu củ đậu là một loại mỹ phẩm làm đẹp da cho phụ nữ (củ đậu băm nhuyễn, lấy nước thoa lên mặt và cổ vào mùa đông làm cho da tươi sáng và không bị khô) thì với nam giới củ đậu là thứ …. giải rượu tuyệt vời. Đây là kinh nghiệm của bà ngoại truyền cho. Ba mày không biết uống rượu nên mẹ chưa áp dụng. Mai mốt đứa nào lỡ lấy chồng biết uống rượu thì nhớ lấy lời mẹ.
Những ngày tết xưa ngày một xa dần, như không hiểu sao cái ký ức lại trở về rõ mồm một. Giờ đây trong số các con của mẹ chẳng có đứa nào mua ít củ đậu về “ăn tết” như mẹ ngày xưa và mẹ cũng chẳng còn khỏe để có thể chế biến thứ này, thứ khác.
Thế nhưng, ba mươi tết, mẹ ra chợ mua hoa về cắm bàn thờ và không quên mua ít củ đậu. Em tôi ở chung với mẹ thỉnh thoảng lại cằn nhằn là mẹ lẩm cẩm. Mẹ chỉ cười không nói. Mấy củ đậu mua về, khoảng mùng ba, mùng bốn mẹ bóc vỏ sạch , rồi cắt miếng bỏ vào tủ lạnh, không quên giã thêm chút muối ớt. Gần hết tết, chúng tôi thường túm tụm về nhà mẹ gọi là liên hoan một bửa rồi bắt tay vào công việc cho năm mới. Có gì bày hết ra ăn. Món củ đậu của mẹ vậy mà “linh”. Mẹ mới vừa bày ra “đãi khách”. Cả đám xúm lại, ồn ào :
- Ngon à nhen, mẹ tâm lý thiệt, mấy ngày tết bánh mứt, thịt thà ngán quá, có thứ này “trị”.
Chuyện cũ, chuyện mới, loáng một chút đĩa củ đậu sạch trơn xưa. Mẹ tôi nhìn lũ con đã thành gia thất mà nhớ lại hồi nuôi chúng khó khăn, cực khổ trăm bề. Bà cười móm mém : “Của không ngon đông con cũng hết, bây đi Đông, đi Tây, ăn trăm thứ của ngon vật lạ, vậy chớ có món nào ngon bằng món củ đậu của mẹ không?”. 
                     chúng ta đang hạnh phúc

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Lumbini (Lâm Tì Ni)

BS. Phạm Doãn


Xuống xe lửa tại ga Gorakhpur khoảng 20 h tối, chúng tôi được đón đi về phía Nepal bằng xe ô tô. Xe qua biên giớ Nepal vào nửa đêm. Trời thật lạnh khoảng 4 độ C theo thông tin search trên mạng. Biên giới Ấn-Nepal nửa đêm cũng thật đông đúc xe cộ. Rất nhiều lính với quân phục rằn ri cùng súng ống, nhắc ta Nepal đang còn trong tình hình hỗn mang chính trị. Cả đoàn nghỉ đêm tại một khách sạn gần vườn Lumbini. Vào giờ này mà khách san cũng rất đông khách hành hương và du lịch vào ra.
Trước khi đến Ấn Độ tôi đã đọc một số tài liệu về Lumbini:
Lumbini (the sacred darden) chỉ vừa mới được tìm thấy và xác định trong một thời gian rất gần đây (sau hàng ngàn năm mất dấu). Phát hiện cho thấy Lumbini là một vùng của quận Rupandehi thuộc Nepal, cách Kathmandu khoảng 200 dặm và nằm sát biên giới Nepal-Ấn Độ. Các nổ lực khảo cổ học đã lần lượt tìm thấy tại vùng này:
- Nền gạch của Mahadevi temple.
- Hồ nước cạnh đó nơi hoàng hậu Maya đã tắm cho thái tử Siddartha.
- Trụ đá có đánh dấu sự kiện khi vua Asoka đến thăm nơi đây vào năm 249 B.C.
Tất cả chứng cứ này phù hợp với lịch sử trong kinh điển Phật Giáo: Đức Phật được sinh tại vườn Lumbini bên ngoài thành Kapilavatsu, dưới một cội cây sala và gần một hồ nước.
Sự xác định nơi sinh ra của Đức Phật cần đến hai sự kiện chính:
Viên gạch đánh dấu chính xác nơi Đức Phật sinh ra
- Năm 1896, nhà khảo cổ ngưới Anh Cuningham đã khai quật trong khu vực Lumbini, tìm được một trụ đá (một trong bốn trụ đá của vua Asoka chôn để ghi dấu bốn nơi gắn liền với lịch sử Đức Phật gọi là Tứ Động Tâm). Trên trụ đá có khắc các dòng chữ theo tiếng Anh thì có nghĩa như sau:
“King Piyadasi (Ashoka), beloved of devas, in the 20 year of the coronation, himself made a royal visit, Buddha Sakyamuni having been born here, a stone railing was built and a stone pillar erected to the Bhagavan having been born here, Lumbini village was taxed reduced and entitled to the eight part (only)”.
Bắt đầu từ đây phương Tây mới tin trằng Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật. Trước đó họ cho rằng nhân vật Gautama chỉ là huyền thoại và Giáo pháp của ngài chỉ là tổng hợp các tư tưởng của nhiều nhân vật khác nhau trong lịch sử văn hóa Ấn Độ.
những nền gạch đỏ, dấu tích của nhiều đền thờ xưa cũ.

- Đến năm 1995, các nhà khảo cổ bất ngờ tìm thấy dưới nền của Mahadevi temple một viên gạch có khắc chữ đánh dấu chính xác nơi Đức Phật đã hạ sinh. Chứng vật này cuối cùng đã khẳng định rằng Mahadevi temple chính xác là đền thờ kỉ niệm nơi Đức Phật đã sinh ra và vùng đất này chính là Lumbini ngày xưa![1]
LUMBINI-the sacred garden được Unesco chính thức công nhận là một di sản thế giới vào năm 1997 [2]
Như vậy chỉ hơn mười năm nay các Phật tử mới có thể biết vườn thiêng Lumbini và có thể đến thăm viếng nơi Phật đản sanh.
Buổi sáng thức dậy sớm, tôi bước ra hành lang, nhìn cảnh vật xung quanh. Trời tờ mờ sáng. Sương mù dày đặc, gió lạnh rát da, cỏ cây đẫm mình trong sương sớm. Trước bầu trời rất lạ của Nepal, một cảm xúc bỗng dâng lên: Ồ thì cuối cùng ta cũng đến được nơi đây: Vườn thiêng Lumbini [3] nơi đây vào năm 623 trước công nguyên đã xuất hiện một vĩ nhân của địa cầu, Thái tử Siddartha Gautama[4], con vua Suddhodana và hoàng hâu Mayadevi thuộc vương triều Shakya.
Từ khách sạn đến Lumbini rất gần. Chỉ 15 phút qua vài con đường vắng là chúng tôi thấy cổng vào Lumbini. Một con đường dài khoảng 500m từ cổng dẫn vào khuôn viên chính của Lumbini.
cột đá của vua Asoka đã dựng vào năm 249 B.C
Khách tham quan đi đến Lumbini thường bị các người ăn xin chèo kéo. Ở tất cả các điểm du lịch như thế này thì người nghèo khó và trẻ em cơ nhỡ rất nhiều. Hình trên chúng tôi chụp chung với một cậu bé. Cậu này đeo bám chúng tôi suốt con đường dài với câu niệm “Nam Mô a di Đà Phật”. Thấy tôi không có vẻ hưởng ứng, cậu ta nhanh nhẹn thay đổi câu niệm thành: “Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa”. Cho cậu 10 Rubee để chụp hình. Lumbini được phục hồi thành một khu vườn đẹp xanh màu cỏ. Trên nền cũ của Mahayana temple, người ta đã xây lên một đền tưởng niệm thay thế.
Bên cạnh đền tưởng niệm là cột đá của vua Asoka đã dựng vào năm 249 B.C
Bên trong đền Mayadevi, tất cả khách viếng được hướng dẫn theo hàng một để vào trong nhìn tận mắt nơi Đức Phật đã được sinh ra. Viên gạch đánh dấu chính xác nơi Đức Phật sinh ra, được giữ nguyên hiện trạng trong tình trạng lúc khai quật. Trong sự yên tĩnh tuyệt đối, tôi nhìn thấy rất nhiều những bàn tay cung kính chắp lại, rất nhiều những cánh hoa được thả vào lòng đất nơi Đức Phật đã sinh ra.
Bất ngờ bỗng dưng tôi thấy nghẹn trong lồng ngực. Hình như mình đã rớm nước mặt!
Lumbini, vâng chính nơi đây ngài đã xuất hiện trên hành tinh này!
Người đã vạch ra một con đường thực hành đầy trí tuệgiúp cho kẻ hữu duyên có thể vượt thoát mọi đau khổ, đạt đến một trạng thái tự do tuyệt đối, một Nibbana tĩnh lặng và hoàn toàn vô ngã.Tôi có cảm giác mãnh liệt để tin chắc rằng khi Đức Phật được hạ sinh không có gì thần bí như huyền thoại trong kinh điển từng mô tả. Siddartha Gautama chỉ là một con người bình thường, được sinh ra bình thường. Tuy nhiên Ngài đã thừa hưởng một bộ gen được chọn lọc thật tốt, một bộ gen đã tiến hóa đầy đủ  (nhìn theo khía cạnh khoa học) hoặc hiểu theo cách khác Ngài đã hoàn chỉnh sự tích lũy các paramis trong nhiều kiếp tái sanh trước đó (nhìn theo quan điểm Phật học), cho nên thể chất, trí tuệ, ý chí, đức hạnh của ngài đặc biệt khác thường và ưu đẳng hơn mọi người chung quanh.
Liên tưởng đến trí tuệ của Đức Phật qua giáo pháp đồ sộ và vĩ đại đã ghi lại trong các bộ Nikaya, chúng ta thực sự kinh ngạc về con người đặc biệt đã sinh ra tại Lumbini này!
Rải rác vẫn có các nhà sư buôn thần bán thánh
Với tâm an lạc, tôi đi dao quanh khuôn viên Lumbini. Màu trắng của đền tưởng niệm thật tinh khiết trên nền cỏ xanh. Trụ đá Asoka, hồ nước thiêng còn đây. Bên cạnh cây bồ đề, một nhà sư đang yên lặng niệm kinh. Rải rác vẫn có các nhà sư buôn thần bán thánh.
Trước khi đi về, đoàn chúng tôi ghé thăm các chùa chung quanh Lumbini. Từ khi được Unesco công nhận, xung quanh Lumbini moc lên các chùa đủ mọi quốc tịch. Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…và Việt Nam cũng có.
Việt Nam Phật Quốc Tự

Hiện tượng nhiều chùa tháp vây bám theo các điểm hành hương của Phật tử, không biết còn có đóng góp gì giúp cho giáo pháp đã suy tàn của thày Gautama hay không! Chúng tôi không ghé đủ các chùa mà chỉ nhìn bên ngoài. Riêng Việt nam Phật Quốc Tự thì có vào bên trong. Chùa rất lớn nhưng xây từ lâu lắm mà tại sao vẫn chưa xong? Tấm bảng ngoài cổng còn ghi chữ…under construction! Thày Huyền Diệu đang về VN. Chỉ có một sư  cô đang niệm Nam Mô A Di Đà Phật!!!Đức Phật lịch sử thì chỉ có một, nhưng Đức Phật trong tâm trí của từng tín đồ thì lại khác nhau. Nhìn các ngôi chùa khác nhau, các vị sư tông phái khác nhau, các loại tăng phục khác nhau, tụng niệm khác nhau, kinh điển khác nhau… bất giác ta liên tưởng đến một thời hoàng kim của Đạo Phật Gautama đã qua. Sự đa dạng ngoài kiến trúc, trang phục, ngôn ngữ là điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng sự đa dạng đến mức tám vạn bốn ngàn pháp môn của đời sau, mà lí luận lẫn thực hành hoàn toàn sai biệt, thực là điều đáng phải băn khoăn!
Thế là kết thúc chuyến thăm viếng Lumbini, điểm “động tâm” thứ nhất. Mọi người chuẩn bị trở về Ấn qua biên giới Nepal- Ấn Độ.
Hồ nước nơi hoàng hậu Mayadevi đã tắm

Trước khi có các công trình khoa học để xác định, đã xảy ra nhiều tranh cãi rằng Kapilavastu và Lumbini nằm bên này Ấn Độ hay bên kia Nepal. Ấn Độ, mặc dù từng đã nổ lực thủ tiêu Đạo Phật, vẫn rất kì vọng Kapilavastu và Lumbini được xác định nằm ở trong lãnh thổ của mình. Cách đây vài năm, các đoàn hành hương đi thăm thành Ca Tì La vệ tức Kapilavastu (kinh đô của hoàng tộc Thích ca) đã được hướng dẫn tới Piprahwa thuộc bang Uttapradesh Ấn Độ. Ngày nay, qua các bằng chứng khảo cổ, UNESCO đã khẳng định Lumbini nằm ở Nepal. Như vậy suy ra Capilavastu (nằm cạnh Lumbini) phải là Tilaurakot cũng thuộc về  lãnh thổ Nepal.[5]

xem thêm : du lịch thong thả trải nghiệm nhiều hơn
                     du lịch, bài học từ những chuyến đi
                     hãy tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống
                     cẩm nang du lịch gọn nhẹ