BS Nguyễn Hoài Vân
Một băng skin head |
Quan điểm rộng rãi
Chúng ta cần tìm ra và hướng đến những quan điểm có thể chấp nhận được bởi người duy vật, duy tâm, tin Thượng Đế hay không tin Thượng Đế ... Thí dụ quan điểm một cái "thức" gắn liền với mỗi trình độ của vật chất, từ các hạt nguyên thủy cho đến não bộ con người (quan điểm này có thể đem lại một lý giải cho vấn nạn EPR của vật lý lượng tử chẳng hạn), đưa đến ý tưởng một cái « thức » chung cho toàn bộ vật chất, hay quan điểm Thượng Đế của Whitehead (một nhà toán học – xem : định nghĩa « khoa học » của Thượng Đế, trong : http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=388&kind=10 ), quan điểm Thượng Đế LÀ sự vật (Ấn Giáo, Spinoza ...), quan điểm « Thiên Chúa trong con người - con người là Thiên Chúa » (Ky Tô Giáo), quan điểm « chúng sinh là Phật - Phật là chúng sinh », v.v... Những quan điểm tương tự có thể vẽ lên một phạm trù trong đó người ta có thể « sinh hoạt » hài hòa với nhau dù mang những niềm tin khác biệt. Người Công Giáo và Phật Giáo sẽ dễ dàng nhận thấy những tương đồng cơ bản, bên cạnh vài khác biệt được giải thích bằng sự khác biệt khía cạnh nhận thức. Người duy vật cũng như người có niềm tin tôn giáo đều có thể chấp nhận được rằng con người là quý báu, vì mang bản tính Thiên Chúa, có Phật Tính, hay vì là trạng thái tiến hóa cao nhất của vật chất trong phạm vi hiện quan sát được, v.v... Cần biết là Stephen Hawking, nhà vật lý vũ trụ học được coi như duy vật và vô thần, cũng chính là một viện sĩ của Viện Hàn Lâm Khoa Học Vatican !
Thật ra, các nhà duy vật cực đoan nhất cũng phải công nhận là họ không biết có gì bên kia « bức tường Planck » (10-44 giây sau big bang). Mọi sự hiện hữu, kể cả thời gian, đều vô nghĩa trước thời điểm ấy. Điều này cho phép nhiều giả thuyết về sự chuyển biến có thể có, từ phi hữu sang hiện hữu, đàng sau bức tường này. Cần nhận định là trong giả thuyết vũ trụ tuần tự dãn nở rồi thu hẹp, big bang và big crunch không ngừng nối tiếp nhau, người ta chỉ không bàn đến sự chuyển biến từ phi hữu sang hiện hữu, nhưng không phủ nhận sự chuyển biến này ...
Cũng xin ghi nhận là khái niệm phi hữu tự nó phủ nhận chính nó. Thật vậy, chúng ta bắt buộc phải quan niệm những đặc tính nội tại của phi hữu đã cho phép nó biến thành hiện hữu vào một thời điểm nào đó. Khi quan niệm được cho phi hữu những đặc tính như thế, thì phi hữu không còn là phi hữu nữa. Nó trở thành một thực thể với những đặc tính rõ rệt, tức là một sự hiện hữu !
Clint Eastwood trong Gran Torino |
Trong đời sống thường ngày, thì Thượng Đế có thể được cảm nhận một cách rất đơn giản, thực tế. Khi chúng ta đứng trước một người khác, thì chúng ta liền cảm thấy có hai chọn lựa. Hoặc lập tức nhận ra mình có một trách nhiệm nào đó đối với người này, khiến chúng ta tử tế chào hỏi, nói năng thân thiện, lịch sự, tránh làm mích lòng, và nếu người ấy gặp phải vấn đề gì, thí dụ như ngất xỉu, lạc đường v.v… thì chúng ta có khuynh hướng muốn làm tất cả những gì có thể làm được để giúp đỡ người ta. Tổng hợp những thái độ ấy có thể được gọi là « Thiên Chúa » (theo Levinas – hay Clint Eastwood trong Gran Torino–xem:http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=243&kind=2 ). Tổng hợp những chọn lựa ngược lại là Ác Quỷ. Có thể gán cho tổng hợp những chọn lựa « tốt » một nguồn gốc siêu nhiên, nhưng cũng có thể coi đó là hậu quả của tiến trình tiến hóa, tức do một nguyên nhân « vật chất ». Các cộng đồng người nguyên thủy không phát triển các thái độ « tốt », phần nhiều đã bị tiêu diệt, vì thiếu vắng sự hợp tác, gây nên quá nhiều bạo lực, tàn phá ... Những cộng đồng nguyên thủy có nhiều hy vọng tồn tại nhất là những cộng đồng mang trong tâm não nhiều « thảo trình hợp tác », tức nhiều ý niệm về sự thiện. Các ý niệm hướng thiện này được di truyền đến chúng ta, như những thảo trình được cài đặt sẵn trong não bộ của mỗi người (1). Dù giải thích cách nào đi chăng nữa, sự cảm nhận tự nhiên về sự « thiện » cũng cho thấy sự hiện hữu của tính hướng thiện nơi mọi con người, một điều mà người duy vật, duy tâm, vô thần hay hữu thần đều dễ dàng chấp nhận. Thật vậy, điều quan trọng là cảm nhận cái tính thiện ấy. Giải thích hay đặt cho nó một tên gọi là điều phụ thuộc.
« Quản lý » mâu thuẫn
Vấn đề trong căn bản là thiết kế một xã hội với một hệ thống giá trị mà mọi thành viên đều chấp nhận được, để có thể chung sống hòa bình với nhau. Khi ấy các tranh cãi thuộc lãnh vực siêu hình sẽ trở thành những tranh luận lý thú, như giữa nhà vật lý không gian Trịnh Xuân Thuận và Lạt Ma Mathieu Ricard (xem: http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=499&kind=0).
Trong những thập niên gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc đấu tranh giữa vài tôn giáo, thí dụ như giữa Hồi Giáo và Ky Tô Giáo (2) tại Ai Cập, Irak, Soudan, Đông Timor ... Ấn với Hồi Giáo tại Ấn Độ, hay mâu thuẫn Công Giáo - Phật Giáo trong trường hợp Việt Nam, cũng như giữa vô thần và tôn giáo trong nhiều xã hội hiện đại.
Thật ra một số bất hòa vừa kể có thể được coi như những cuộc tranh đấu giữa các cộng đồng nhiều hơn là tranh cãi trên lãnh vực thuần túy tâm linh. Các cuộc đấu tranh này bắt nguồn từ những mâu thuẫn chính trị, những di sản lịch sử, những điều kiện địa dư, những chênh lệch về kinh tế, những bất công hay đàn áp trong hiện tại hay trong quá khứ ... Khi ấy, giải pháp hợp lý là tạo điều kiện thăng tiến đồng đều cho mọi cộng đồng, nâng đỡ những cộng đồng yếu kém về kinh tế, đồng thời tạo môi trường đối thoại giữa các cộng đồng với nhau, để mọi người có thể ý thức nguyên do của các tranh cãi, và thông cảm được phần nào với thái độ bất hòa của đối tượng. Nếu không tránh nổi đấu tranh thì cần đề ra những phương thức đấu tranh ôn hòa nhất, để tránh gây rối loạn, giảm thiểu bạo lực.
Trách nhiệm của người trí thức trong lãnh vực này rất lớn. Mục tiêu trong dài hạn là biến những mâu thuẫn đối kháng thành mâu thuẫn hợp tác ... Nếu có thể được !
30 tháng 1 năm 2011
(1) « Thảo trình hợp tác » đã được nhận ra trong loài vật, có lẽ từ các « xã hội » ong, kiến. Thậm chí người ta đã nhận thấy những con ong biết hy sinh mạng sống cho cộng đồng.
(2) Ky Tô Giáo bao gồm Công Giáo La Mã, các giáo hội Tin Lành cũng như Anh Giáo, Chính Thống Giáo và các giáo hội Ky Tô Đông Phương (như đạo Copte, Maronite, Syriaque v.v...)