Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Sense and Sensibility

Kim Kelly

Đôi khi, cũng đành phải ngậm ngùi thừa nhận rằng, lý trí và tình cảm thật khó lòng mà đội trời chung. Để xây dựng một câu chuyện hoang đường thành một bộ phim đầy tính thực tế như vậy, từ suốt ep1 đến ep9, biên kịch đã để cho mỗi khi tình cảm lăm le lên ngôi, thì lý trí luôn nhảy vào phá hoại. Đó chính là bộ mặt của cuộc sống, nơi con người ta không bao giờ có thể gạt bỏ được những suy tính, cất đặt, những đong đếm được mất mà dành trọn khoảng không gian để tô hồng tình yêu. Và Tình yêu, thứ đi kèm với sự lãng mạn là chút viển vông và đôi khi cả bất cần tới mức khinh suất, đành phải chấp nhận chịu sự can thiệp của lý trí. Vì thế Anh, con người của thực tế, ngay từ đầu đã yêu mà không hề mơ mộng một chút nào. Đối với Anh, mơ mộng có ích gì nếu nó là một giấc mơ bất khả thi, chỉ để làm hoen gỉ cuộc sống? Vậy cho nên, sau mỗi cái nhìn cháy bỏng dành cho nhau, bao giờ cũng khuyến mãi kèm theo một câu nói đầy tính thực tế phũ phàng đủ sức kéo cả hai về lại mặt đất. Anh không tìm thấy được một cái kết có hậu cho mối tình giữa hai người xa lắc lơ về địa vị, cũng không muốn mất đi tình yêu nồng nhiệt trong lòng, cho nên anh ta luôn tìm cách gắn tình yêu của mình với thực tế, bất chấp đó là một thực tế phũ phàng, bất chấp việc nó gây ra cho cả hai không ít tổn thương. Nhưng tôi luôn thích Anh vì điều đó : anh ấy chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.

Câu chuyện Nàng tiên cá một lần nữa được lập lại . Và người bị shock lần này là Anh. Anh từng đề nghị thẳng với Cô Ấy rằng hãy bước vào cuộc đời anh như một Nàng tiên cá, đến từ bọt biển và trở về với bọt biển, nghĩa là chính thức ngỏ lời yêu cô nhưng cũng chính thức bảo với cô là tình yêu này hoàn toàn không có hậu. Nếu Cô Ấy đồng ý, chấp nhận bước vào câu chuyện tình này thì Anh đã hoàn toàn thành công trong việc thực tế hóa tình yêu. Và cái tình yêu đầy tính thực tế như Anh kỳ vọng là cái tình yêu biết kết thúc tại thời điểm mà anh ta mong muốn. Nhưng Cô Ấy đã từ chối."Tôi không có tư cách làm Nàng Tiên Cá, vì ít ra, cô ấy cũng yêu hoàng tử".

Tại sao Cô Ấy trả lời như thế?

Khi Anh coi đây là một câu chuyện cổ tích đầy tính hiện thực với cái kết dành cho những ai muốn bước vào thế giới không phải chỗ của mình thì Cô Ấy coi đây là một câu chuyện tình. Kết thúc của Nàng Tiên Cá là một sự hy sinh dành cho tình yêu. Việc khẳng định mình không có tư cách làm Nàng Tiên Cá không phải là vì Cô Ấy không yêu Anh, mà bởi vì cô cũng như anh, không muốn hy sinh cho tình yêu. Anh từng nói với cô, anh không thể từ bỏ những thứ anh có vì cô thì Cô cũng vậy. Cô ấy cũng không thể coi tình yêu là toàn bộ cuộc đời mình được. Câu trả lời khiến Anh sững sờ. Trong suốt nỗ lực gắn tình yêu vào thực tế cuộc sống, Anh chỉ mới nghĩ cho cuộc sống của riêng mình, chưa từng nghĩ đến cuộc sống của cô. Sự thật này vừa làm Anh ân hận vừa làm Anh hoang mang vì những cố gắng cũ chưa chạm tới được mục tiêu thì dường như mục tiêu đã tăng gấp đôi khoảng cách.

Vậy đó, lý trí và tình cảm dường như là câu chuyện của muôn đời. Khi hai người yêu nhau, họ phải gắn tình yêu chung của họ vào hai cuộc đời riêng biệt, đó là một bài toán hóc búa chứ chẳng chơi. Nhưng với nỗ lực chạy biết bao nhiêu tầng thang bộ của Anh, với sự chờ đợi không bấm thang máy của Cô Ấy, tôi vẫn tin là họ luôn còn hướng đi dẫn đến đáp số. Chỉ cần không bỏ cuộc, mọi con đường vẫn nằm dưới chân ta ^^

P/S : Lại là một bộ phim tình cảm về đề tài Lọ Lem Hoàng tử. Thế nhưng lần này nó đã được nâng cấp lên 1 cấp độ mới. Nó được gắn với câu chuyện “ Nàng Tiên Cá”. Ngày xưa đọc chuyện này không biết đã khóc bao nhiêu lần vì cái kết quá ư bi kịch của nàng ấy. Thì bây giờ lại xuất hiện trong 1 bộ phim ở thời hiện đại. Lí trí và tình cảm? Bạn nghĩ có ai ngốc nghếch khi đi xây mộng tưởng về 1 tình yêu hạnh phúc khi tất cả đều được lật bài ngửa, và biết trước kết quả sẽ tan biến như bọt biển.

Không có nhận xét nào: