Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

ĂN CHAY VÀ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG

Hỏi:
Tôi mới phát hiện bị bệnh tiểu đường týp 2, vậy tôi có nên ăn chay để ổn định lượng đường trong máu ?
Ăn chay có chữa khỏi (chữa tiệt căn!) được bệnh tiểu đường không?

Đáp:
Ăn chay không giúp chữa khỏi  được bệnh tiểu đường, nhưng ăn "chay" sẽ mang lại nhiều ích lợi cho bệnh nhân tiểu đường hơn là ăn "mặn" vì một chế độ ăn chay phù hợp sẽ:
- giúp bệnh nhân kiểm soát được cân nặng tốt hơn,
- giúp giảm được một số biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường và
- giúp cơ thể bạn đáp ứng với insulin tốt hơn.
Lẽ dĩ nhiên, đó phải là một chế độ ăn chay với các món ăn đã được chọn lựa cho phù hợp với bệnh tiểu đường, ví dụ: Ít chất đường, ít chất béo và nhiều chất xơ. . .
Có nhiều cách ăn chay. Cách ăn chay nghiêm ngặt nhất (vegan diet) sẽ chỉ ăn toàn sản phẩm từ thực vật, không sử dụng trứng và các sản phẩm từ sửa. Các chế độ ít nghiêm ngặt hơn cho phép ăn trứng sữa.
Cách ăn chay nghiêm ngặt (vegan diet) là chế độ ăn không cholesterol và lẽ dĩ nhiên, cũng ít có các chất béo bão hòa. Các chế độ ăn chay, nói chung, sẽ gồm rất nhiều rau, trái cây và các loại hạt nên chứa nhiều chất xơ và các hợp chất nguồn gốc thực vật (phytochemicals). Các chế độ ăn chay cũng thường cung cấp ít calories hơn các chế độ ăn "mặn". Tất cả các yếu tố nêu trên đều có lợi cho người bệnh tiểu đường.
Khi bạn bị béo phì và đã kiểm soát được cân nặng với một chế độ ăn chay đúng, chắc chắn đường huyết của bạn sẽ cải thiện khả quan. Điều này củng xảy ra khi giảm được cân nặng với chế độ ăn "mặn".
Một số nghiên cứu đã chứng minh chế độ ăn chay có thể giúp cơ thể bạn dung nạp insulin tốt hơn, điều này rất có ích cho các bệnh nhân tiểu đường. Thật vậy, một nghiên cứu năm 2006 đăng trên tạp chí Diabetes Care cho thấy 43% bệnh nhân tiểu đường týp 2 theo chế độ ăn chay ít béo đã giảm được nhu cầu phải dùng thuốc hạ đường huyết.
Chế độ ăn chay cũng giúp giảm được nguy cơ các biến chứng do bệnh tiểu đường như biến chứng tim mạch và biến chứng thận. Nhưng cần biết, kết quả này chỉ có được khi biết chọn lựa thức ăn phù hợp.
Tóm lại, nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và muốn ăn chay, hãy tìm gập chuyên gia dinh dưỡng của bạn. Chuyên gia dinh dưỡng này sẽ giúp bạn thành lập một chế độ ăn chay phù hợp, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết với số lượng calories đủ để kiểm soát cân nặng của bạn. (xem them …)

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Spring Summer Fall Winter...and Spring – kỳ 02

kimkelly


Nhân quả và luân hồi
Spring Summer Fall Winter...and Spring sử dụng thay đổi của các mùa như một phép ẩn dụ cho cuộc sống. Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân. Thiên nhiên quay vòng, cuộc đời cũng quay vòng, đó là một cách đặt vấn đề không mới nhưng được thể hiện khá sâu sắc trong phim.

Về cá nhân thì tôi không thích cái tư tưởng lánh đời trong phim nhưng tôi vẫn phải thừa nhận phim truyền tải đến người xem tự nhiên mà không giảng đạo về hai triết lý quan trọng của nhà Phật : nhân quả và luân hồi.

Nói về thuyết nhân quả trong phim. Khi người phụ nữ bỏ đứa con của mình, cô ta rơi vào hố mà nhà sư đào trước kia rồi chết. Tôi nhớ vào mùa xuân, có cảnh chàng trai cột đá vào các con thú, chúng cứ đeo những hòn đá đó nặng nề bước đi cho đến chết. Để đến cuối cùng, nhà sư lại phải vác những hòn đá nặng để leo lên đỉnh núi. Có nghiệp thì phải có quả, gieo gì thi sẽ gặt nấy. Chàng trai giết vợ của mình nên anh phải đi tù, sau đó mới có thể thanh thản nương thân nơi cửa Phật. Khi tâm có tĩnh thì tu mới tĩnh. Hình ảnh con rắn rời khỏi người thầy cũng là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn: tham, sân, si cuối cùng nhà sư cũng hoàn toàn từ bỏ được.

Lý thuyết nghiệp quả của đạo Phật  thể hiện khá sâu sắc trong phim. Nó lý giải được một cách bao quát mọi sự việc tốt xấu mà mỗi chúng ta phải gánh chịu. Và nó cũng là một lý thuyết thể hiện sự công bằng tuyệt đối, không thể có sự thiên vị, vì cũng chẳng có một bậc quyền thế cầm cân nảy mực nào để có thể tác động vào nghiệp quả cả. Bởi vậy, mỗi người đều có được cái quyền tối cao là tự phán xét lấy chính mình. Mà luận việc tốt xấu, thì ai có thể hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình kia chứ? Có nhiều trường hợp người làm việc xấu, dù khéo che giấu chẳng ai biết được, nhưng rồi trong giấc ngủ mê, hoặc khi say rượu lại tự mình nói ra. Đó  là vì tuy che giấu được tất cả mọi người, nhưng không thể che giấu chính mình vậy.
Vì thế chi tiết nhà sư tự khắc các vết khắc là một chi tiết rất đắt, đó là một cách nhìn lại chính bản thân mình, từ đó hiểu được mình nợ ai, nợ cái gì, vì sao mình lại thành ra như thế này. Mỗi vết khắc là một vết khắc vào tim, vào tâm khảm. Rất nhiều năm sau, vết khắc đã phai màu sơn nhưng đường nét thì vẫn còn đó như là một sự nhắc nhở con người ta, khi sống phải răn đe mình và hướng tới chân – thiện – mỹ.


Tôi nhớ có một hình ảnh chàng trai sau khi bỏ luyện võ sau khi quay lại ngôi chùa, đó cũng là một triết lý về “thân” trong nhà Phật. Ta có ý muốn làm việc lành, mà không có được một thân thể trọn vẹn, khỏe mạnh, thì cũng khó lòng mà thực hiện ý nguyện. Bởi vậy, nhà phật luôn khuyên chúng ta chú ý chăm sóc cho sức khỏe của bản thân mình là thế.

Thuyết luân hồi cũng là một động lực có sức thuyết phục người ta vui sống trong những cảnh khó khăn khổ nhọc, vì họ vững tin ở ngày sau sẽ được hưởng những điều tốt  đã tạo ra ở đời này. Và họ cũng không đem lòng oán hận ai, vì tự biết những quả xấu ngày nay đang lãnh chịu chính là do việc làm của mình từ đời trước, không phải do ai áp đặt trừng phạt mình cả. Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân là cách thể hiện của thuyết luân hồi. Thiên nhiên có thể luân hồi từ mùa này đến mùa khác, nhưng cuộc sống của con người là hữu hạn, đến mùa đông rồi cũng sẽ kết thúc. Nhưng kiếp sau, những thế hệ kế tiếp sẽ lại là những mầm non của mùa xuân hòa vào sự sống bất diệt. Bộ phim được kết thúc nơi nó bắt đầu, đứa trẻ được bỏ lại thủy am là hình ảnh của nhà sư lúc trẻ, có lẽ cuộc đời vẫn luân hồi như thế.
Tôi vẫn thường nhớ đến bộ phim với cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, dữ dội, hoang dại, vừa mơ mộng bên cạnh những âm thanh nhẹ nhàng nhưng day dứt. Tĩnh lặng và mênh mông,  cảnh nói thay người, vì người chẳng có gì để nói. Nhân vật chính cho đến cuối cùng bộ phim chúng ta cũng chẳng biết là ai ngay đến cả cái tên, và có cảm giác khi xem xong bộ phim tôi cũng không quá nhớ đến cuộc đời của anh ta, mà chỉ là thoáng suy ngẫm về cuộc đời mình qua hành trình tìm lại những bình yên trong chính tâm hồn chúng ta. Ánh sáng-bóng tối,  ấm áp-lạnh lẽo, giữa nhận thức về cái còn-mất, giữa quá khứ và hiện tại, giữa bề ngoài câm lặng vô cảm với tâm trạng gào thét ở bên trong để rồi bình yên như chưa từng có…
Thế nên Có thể phim không dành cho những người thích sự trẻ trung, thích cái không khí nóng bỏng thời đại.
Nhưng nó mang hơi thở tâm linh, giá trị đạo đức nhân quả luân hồi - giá trị chẳng bao giờ cũ.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

HbA 1C - Hỏi & Đáp

Hỏi:
Tôi bị bệnh tiểu đường  týp 2 khoảng 1 năm nay, đi khám bác sĩ, ngoài xét nghiệm đường huyết lúc đói, vài tháng một lần bác sĩ cho tôi làm thêm xét nghiệm HbA 1C, xin cho biết ý nghĩa và mục tiêu điều trị tôi cần đạt được cho xét nghiệm này.

Đáp:
HbA 1C là gì?
Trong máu có rất nhiều hồng cầu. Các hồng cầu là những tế bào chứa đầy một protein là Hemoglobin (Hb). Glucose có trong máu sẽ kết hợp với các Hb của hồng cầu tạo nên glycosylated Hb còn có tên là hemoglobin A 1C hoặc HbA 1C. Càng có nhiều glucose trong máu bao nhiêu thì càng có nhiều HbA 1C bấy nhiêu.
Tế bào hồng cầu có đời sống vào khoảng 8 - 12 tuần rồi sau đó sẽ bị thay thế. Bằng cách đo lượng hemoglobin kết hợp với glucose (HbA 1C) người ta có thể xác định glucose đã tăng cao trong máu là bao nhiêu trong khoảng thời gian từ 8 - 12 tuần trước. Người bình thường có đường huyết bình thường, HbA 1C vào khoảng 3.5 - 5.5%. Nếu bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) được kiểm soát đường huyết tốt sẽ có HbA 1C khoảng 6.5% (mục tiêu điều trị < 7%).
Hiện nay, xét nghiệm HbA 1C là phương pháp tốt nhất để xác định bệnh tiểu đường có được kiểm soát tốt hay chưa. Xét nghiệm này có thể thực hiện bất cứ lúc nào tại phòng khám, không cần nhịn đói. Tuy nhiên, ta cũng cần biết xét nghiệm này không có ý nghĩa chẩn đoán giống như xét nghiệm đường huyết.

Ảnh minh họa
Hb trong máu (hình chữ nhật đỏ) kết hợp với glucose trong máu (tròn xanh lá cây) tạo thành glycosylated Hb (HbA 1C)

Bệnh tiểu đường kiểm soát tốt, ít glucose máu, ít glycosylated Hb
Bệnh tiểu đường kiễm soát kém, nhiều glucose máu, nhiều glycosylated Hb 

Khi nào nên làm xét nghiệm HbA 1C?
Nếu bác sĩ đang muốn cải thiện đường huyết của bạn cho tốt hơn và khi HbA 1C còn > 7%, nên làm HbA 1C mổi 3 tháng.
Nếu đường huyết đã đạt mục tiêu điều trị và ổn định, HbA 1C đã < 7%, có thể làm HbA 1C mỗi 6 tháng.

Xét nghiệm HbA 1C và xét nghiệm đường huyết có ý nghĩa khác nhau thế nào?
Đường huyết, hoặc lượng glucose trong máu, luôn luôn dao động, thay đỗi từng phút, từng giờ, và thay đỗi ngày này sang ngày khác, do đó, nếu cần kiểm soát đường huyết từng giờ hoặc mỗi ngày thì xét nghiệm đường huyết là tốt nhất. Tuy nhiên, đường huyết cũng tăng giảm tùy vào nhiều yếu tố, ví dụ,  giảm sau khi tập thể dục, tăng ngay sau bữa ăn, tăng cao hơn khi ăn thức ăn ngọt, do đó, cũng khó theo dõi trong thời gian dài.
HbA 1C thay đổi chậm hơn, khoảng trên 10 tuần lễ, nên có thể dùng để kiểm tra "chất lượng" của điều trị trong một thời gian dài. Nếu HbA 1C đạt được tiêu chí điều trị, ích lợi lâu dài cho người bệnh có thể kéo dài đến 10 năm.

Mức đường huyết trung bình và HbA 1C tương ứng với nhau thế nào?


HbA 1C %

đường huyết trung bình mmol/L



13

18

12

17

11

15

10

13

9

12

8

10

7

8

6

7

5

5

Nếu HbA 1C của bạn là 10% có nghĩa là đường huyết trung bình trong 10 tuần vừa qua là 10 mmol/l, nếu HbA 1C của bạn là 7% có nghĩa là đường huyết trung bình trong 10 tuần vừa qua là 8 mmol/l.
Hai ví dụ minh họa:
bệnh nhân thứ nhất kiểm soát đường huyết kém, bệnh nhân thứ hai kiểm soát đường huyết tốt.
bệnh nhân thứ nhất
đường biểu diễn mầu xanh lá cây là đường huyết (glucose/ máu) trong 9 tuần thay đỗi giữa trị số 7 - 12 mmol/. Kết quả này cho ra HbA 1C = 10%  sau 9 tuần (đường thẳng mầu đỏ) . Kết luận: kiềm soát đường huyết kém.


bệnh nhân thứ hai
đường biểu diễn đường huyết (glucose/ máu) trong 9 tuần thay đỗi giữa trị số 5 - 9 mmol/. Kết quả này cho ra HbA 1C = 7%  sau 9 tuần . Kết luận: kiềm soát đường huyết tốt.


HbA 1C có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường?
HbA 1C > 6.5% = bị tiểu đường
HbA 1C < 6.0% = không tiểu đường
HbA 1C 6.0% - 6.5% = có thể bị tiền tiểu đường (tiền đái tháo đường) hoặc có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
(Pulse 2010)

Tiêu chí HbA 1C trong điều trị tiểu đường là bao nhiêu?
Tiêu chí đường huyết được kiểm soát tốt khi:
theo Hội Đái Tháo Đường Mỹ (American Diabetes Association ADA) HbA 1C bằng hoặc < 7%
theo Hội các bác sĩ nội tiết Mỹ (American Association of Clinical Endocrinologists AACE) HbA 1C bằng hoặc < 6.5%

xem thêm : phòng ngừa biến chứng bệnh tiểu đường

SPRING, SUMMER, FALL, WINTER... and SPRING - Kỳ 01

kimkelly


Xuân, Hạ, Thu , Đông ... rồi Xuân
Thiện, ác ... con người ta sinh ra vốn bản thiện?
Mùa xuân, 
một ngôi chùa nhỏ giữa hồ
Có 2 thầy trò sáng tối kinh kệ, cùng nhau đi hái thuốc chữa bệnh chúng sinh. Lòng chú tiểu tràn ngập yêu thương - tính thiện.
Bản năng nghịch ngợm trẻ con, chú buộc đá vào cá, vào ếch vào rắn rồi ngỗ nghịch nhìn chúng cực khổ cựa quậy cố bơi đi nhưng không thoát được rồi chết.
Điều thiện, ác luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, khác nhau ở chỗ có ánh sáng soi rọi ta đừng lầm đường lạc lối để tội lỗi không đè nặng trái tim ta, như lời sư cụ nói "nếu có con vật nào chết, con sẽ mang nặng cục đá vào tâm con suốt đời". 

 
Đất, trời ....âm, dương giao hòa 


Mùa hạ, 
Chú tiểu ngày nào giờ trở thành thiếu niên.
Một hôm vào rừng hái thuốc , chú nhìn thấy 2 con rắn đang quấn quít làm tình.
Một quy luật trong cuộc đời này, có đực - cái, âm -dương.Giữa chốn cô liêu, tịch mịch đó lần đầu tiên trong đời chú gặp 1 người con gái.Giữa đất trời bao la , họ hòa vào nhau. Sức mạnh từ lời nói thể xác giúp bệnh tình cô gái thuyên giảm. Sức sống giữa 2 con người mãnh liệt dường như chẳng gì dập tắt được.
“ Tình dục là điều bình thường trong nhiên giới”. 
Cô gái rời khỏi chùa để lại chú tiểu vương vất, quay quắt với những phút giây nồng nàn say đắm – chú tiểu trốn thầy, cất bước lên đường cùng lời thầy dạy “ Ái dục đánh thức khát vọng chiếm hữu, và đồng thời nó cũng khởi vọng đưa tới việc ác”
Mùa thu,  
Sư ông lặng lẽ với đệ tử duy nhất còn lại của mình, con mèo trắng. Khi lấy cơm cho nó ông ông nhìn thấy trên tờ báo cũ đăng 1 án mạng – một người đàn ông giết vợ rồi bỏ trốn.
Một ngày lá phong đỏ rực nơi chốn hồ buồn lặng, cô liêu. Một người thanh niên xuất hiện.
Sư ông chèo thuyền ra đón và nhận ra chú tiểu năm nào.
Niềm hạnh phúc yêu thương ngày xưa chẳng còn . . .  xót lại chỉ là thù hận chất đầy trong tim. Màu đỏ vấy máu người yêu hằn trên con dao găm vẫn chưa phai. Người mất đi nhưng tình vẫn đầy trong tim cùng thù , hận.
Từng con chữ viết bằng đuôi con mèo trắng , chú tiểu trút hết giận dữ , hận thù vào những lằn rạch để hóa giải cho linh hồn mình.
Một buổi sáng , 2 cảnh sát xuất hiện, chỉ còn lại sư ông đứng nhìn theo bóng 3 người khuất dần sau màng sương mờ lãng đãng.
Những mùa lá phong lặng lẽ đi qua, sư ông trở về với cái “KHÔNG”.


Mùa đông.  
Tuyết trắng xóa mặt hồ đóng băng.
Một người đàn ông trung niên trở về - chú tiểu của thuở xưa – phạm nhân của mười  năm về trước . Tìm lại cuốn sách đã úa vàng theo ngày tháng, giữa trời tuyết tập luyện võ công.
Giữa lúc băng tuyết chuẩn bị tan, có một người đàn bà tìm đến – quấn khăn kín mặt – lặng lẽ lễ phật bế đứa con nhỏ lại rồi ra đi “ nam mô…con thầy… thầy nuôi”
Ông cột một tảng đá nặng vào người rồi trèo lên đỉnh núi nhìn xuống ngôi chùa nhỏ lênh đênh giữa mặt hồ, như trả nghiệp ngày xưa.






Rồi xuân. 
Ông giờ đây trở thành 1 Sư ông
Đứa trẻ bị bỏ rơi ngày nào giờ thành chú tiểu, vẫn với tiếng cười đầy yêu thương và cả những trò ngỗ nghịch cột đá vào rắn, ếch, cá. – Duyên nghiệp mới lại bắt đầu.
Xuân , hạ , thu, đông . . . bốn mùa đi qua, chu kỳ của vạn vật, mọi thứ đều đi qua. Rồi mọi thứ đều trở về cái "KHÔNG" khởi đầu. 
Duyên hay nghiệp là do mỗi người – đừng để cái “Tâm” là tảng đá đè nặng suốt đời không tháo gỡ được.
Xuân , hạ , thu, đông . . . một bộ phim lặng lẽ đôi khi đến nghẹt thở, từng hình ảnh trong phim thấm vào hồn như những triết lý muôn đời không thay đổi.
(còn tiếp 3 kỳ)
Mời các bạn xem phê bình phim trên Filmcritic.com (link)

Spring, summer, fall, winter -- and spring (Trailer)

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Vào bếp cùng Kim Gollinger : Canh Cá Mặn

Thành phần:
  

150 gr khô cá trích, rửa sạch, để ráo,
   100 gr nấm rơm, rửa sạch, cắt đôi,
   2 trái khổ qua nhỏ, cắt đôi bỏ ruột, thái lát vừa ăn,
   1 trái cà tím lớn, thái khoanh vừa ăn,
   1 bìa đậu hủ trắng,
   150 gr thịt ba rọi cắt mỏng vừa ăn,
    Hành lá, ớt, 1 lít nước, gia vị gồm nước mắm, bột nêm, đường, dầu ăn .
        
 Cách chế biến:
 
Trong 1 nồi cho 1 ít dầu, cho cá mặn vào chiên sơ 2 mặt.
  Xong cho 1 lít nước vào hầm đến khi thịt cá và xương chín rục. Đem lọc qua rây, giữ phần nước cá mặn và bỏ phần xương đi.
  Hâm lại nước cá mặn hơi sôi thì cho thị ba rọi,  vào hầm vừa chín , nêm nếm cho vừa ăn thì cho tiếp khổ qua, nấm rơm, cà tím vào, khi các thành phần vừa chín thì cho tiếp đậu hủ, hành lá và ớt vào nấu tiếp khoảng 5 phút. Tắt bếp. Món này dùng với cơm.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Viết về một bài báo vừa đọc tối nay !


VUI SỐNG MỖI NGÀY @ BLOG : Đây là bài viết cuả một chàng sinh viên y khoa trẻ tự nhận mình là đang chập chững bước vào "thế giới người lớn", cái thế giới mà khi còn bé tôi muốn góp ý vào thì luôn bị chắn ngang. . . Nhưng bài viết lại có nhiều ý kiến hay với một cái nhìn cuộc đời một cách khá toàn diện rất “người lớn.
Xin mời các bạn cùng xem.



Viết về một bài báo vừa đọc tối nay !
(Nhân đọc bài viết “Câu hỏi của một bác sĩ” đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 17/9/2011)

Hôm nay là một ngày cuối tuần, tôi tự thưởng cho mình một chút gọi là xả hơi sau một tuần học tập: một bữa ăn nhẹ, một li nước mát và ngồi thong thả đọc báo mạng.
Vấn đề lương thầy thuốc cũng như quan hệ thầy thuốc và bệnh nhân từ lâu đã trở thành để tài muôn thuở chưa có hồi kết, nhưng khi tôi đọc bài báo này tôi nghĩ mình nên viết một cái gì đó. Tôi viết để thể hiện những suy nghĩ, những quan điểm của một sinh viên Y2 đầy mơ mộng và hoài bão chưa biết nhiều đến mùi đời, mùi bệnh viện và những thực tế bạc bẽo của nghề y, biết đâu một ngày nào đó khi tôi là Y6 hay là Bác sĩ đọc những dòng này tôi lại nhoẻn cười...
Trở lại với bài báo, trước hết tôi có lời khen vị bác sĩ này. Thứ nhất, ông đã chọn một chuyên khoa không mấy hấp dẫn nhưng vẫn làm tốt nhiệm vụ đó là chuyên khoa tâm thần, ông thật dũng cảm và có lý trí. Thứ hai, ông đã thể hiện một thực tế đáng buồn của xã hội mà giá trị đồng tiền đang chi phối với những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng và đầy tính thực tế.
Không có tiền !!! Ừ thì cuộc sống cũng khó thật, cũng chật vật, thậm chỉ dạo gần đây trên báo vnexpress còn có một chủ để nóng được nhiều người để cập đến đó là "hạnh phúc gia đình tan vỡ khi người đàn ông không kiếm đủ tiền và làm tròn vai trò trụ cột". Ông đã giữ mình trước sự cám dỗ của đồng tiền, của sự hấp dẫn từ các hãng dược nước ngoài, điều đó rất đáng khen. Thế nhưng chắc chắn cũng sẽ có một số ý kiến phản bác, chẳng hạn:
-Ông than là không kiếm được nhiều tiền bằng bạn bè theo các chuyên khoa nội, ngoại, sản vậy tại sao ông lại theo chuyên khoa tâm thần mà không theo các chuyên khoa đó, vì đam mê hay đơn giản chỉ là chuyên khoa tâm thần dễ vào làm?
-Ông đã có được phòng khám tư, lại có kinh nghiệm thì thu nhập cũng vừa phải, nếu không kê toa thuốc của trình dược giới thiệu thì cũng sống một cuộc sống vừa phải, hay tại vì năng lực ông chưa hoàn thiện, chưa đủ tin cậy để có nhiều bệnh nhân?
-Ông chê giáo dục Việt Nam kém không được như nước ngoài, phải nên chọn lọc kĩ càng như nước ngoài để có đội ngũ bác sĩ....thế nhưng ông cũng phải nhìn vào thực tế là nước ta đang thiếu trầm trọng, nếu mà đào tạo thế thì biết bao giờ mới có đủ bác sĩ giúp dân, chưa kể đồng ý đào tạo như vậy nhưng ra ngoài môi trường làm người ta biến chất thì sao? Đâu ai đảm bảo sẽ không xảy ra điều đó?
Nói chung, lên đại học, tôi chập chững bước vào "thế giới người lớn", cái thế giới mà khi còn bé tôi muốn góp ý vào thì luôn bị chắn ngang "con nít còn nhỏ biết gì mà nói", cái thế giới mà cần có sự cả nể, cái thế giới mà nhiều khi mỗi người lại có cái lý riêng, khó thể phân rõ ai đúng ai sai vì câu trả lời là tùy hoàn cảnh, tùy mỗi người, cái thế giới tôi cần trưởng thành để có chính kiến, suy nghĩ riêng, quyết định riêng và dám chịu hậu quả cho quyết định đó !
Tóm lại, thông qua từng bài báo, thông qua từng câu chuyện, từng tấm gương, từng ví dụ thực tế hiện hữu trước mắt, tôi tiếp nhận và chắt lọc để làm nên cái riêng của mình, phát huy cái tốt và tránh đi vào vết xe đổ của thế hệ đi trước, dám nêu lên ý kiến của bản thân và tỉnh táo trước những lời nhận xét. Đó là con đường tất yếu giúp tôi hoàn thiện và trưởng thành.
(xem thêm ...)

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

CON GÁI SỐNG ĐỘC THÂN . . .

Bài viết cuả Kimkelly


Từ một vấn đề nêu ra trên mạng:
Em mới đi đám cưới 1 cô bé hàng xóm về, ở đó xảy ra 1 cuộc tranh luận giữa những người đi chúc mừng đám cưới (trong đó tất nhiên bao gồm cả em). . .
Đại thể là "ở tuối 19 - 21" có nên lập gia đình sớm như thế hay không?  Nếu là con gái không muốn kết hôn mà có ý định sống độc thân thì sao? Tất nhiên đây là vấn đề không mới mẻ và luôn nhận được sự tranh luận hào hứng đến nỗi gần như bảo thủ của từng người một.
Theo ý kiến cá nhân của em .
Về nguyên tắc, pháp luật cho phép: công dân đủ 18 tuổi trở lên, chưa kết hôn lần nào hoặc đã ly dị, góa bụa là có thể được kết hôn. Việc kết hôn sớm hay muộn tùy thuộc vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi người cụ thể, không thể khuôn sáo áp đặt hoàn cảnh của người này cho người khác được.

Tiền đề cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc là hai người phải có tình yêu, hiểu và chọn lựa người bạn đời hòa hợp mình về càng nhiều phương diện càng tốt, có hứng thú với cuộc sống gia đình, 1 trong 2 hoặc cả 2 người tự chủ được về tài chính, nơi ăn chỗ ở, chu cấp được cho cả gia đình mới, được 2 bên gia đình ưng thuận. Ở đây nói đến sự hòa hợp của hoàn cảnh, cá tính, sở thích, chí hướng...  chứ không phải sự đồng nhất, mọi cái phải giống nhau y như đúc bởi thực tế 2 người giống nhau chưa chắc đã hòa hợp được với nhau. Có người nói rằng thực tế thấy có nhiều người lấy nhau do sắp đặt, không có yêu đương gì trước cả mà vẫn sống được với nhau đến đầu bạc răng long trong khi có những người yêu nhau, suy ngẫm mãi rồi mới lấy mà vẫn đổ vỡ. Điều đó có thể đúng vì cuộc hôn nhân được sắp đặt tùy thuộc vào sự khéo léo gán ghép của những người đã trải đời, hiểu đời, biết cái gì là hòa hợp, cái gì là không thể dung hòa và điều quan trọng nó phụ thuộc vào sức chịu đựng sự lệch pha của cả 2 người bị gán ghép đó. Điều đó không có nghĩa cứ gán ghép như thế thì đều hạnh phúc cả. Thực tế cũng có rất nhiều người ngậm mối giận hờn cha mẹ gán ghép cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay; cũng có nhiều người đã vùng lên, thoát ra khỏi sự ràng buộc vô lối đó.

Như vậy là kể cả hôn nhân sắp đặt hay tự nguyện thì đều có thể thành công mà cũng có thể thất bại. Tuy nhiên, trên quan điểm sống hiện đại ngày nay, thanh niên cho rằng được tự xem xét, lựa chọn người mình thích bằng các giác quan và cảm nhận của riêng mình thì tốt hơn là để số phận của mình bị định đoạt bởi chủ quan của người khác và đó cũng là một quyền tự do của con người. Dù xấu hay đẹp thì cái mình tự chọn vẫn là cái đẹp nhất và người ta phải học cách chấp nhận và có trách nhiệm với sự lựa chọn của riêng mình. Đó là một điều tốt vì họ đã chủ động hơn, sống có trách nhiệm hơn, đến tuổi trưởng thành có ý thức chăm lo cho bản thân, không còn dựa dẫm vào cha mẹ nữa. Đời còn biết bao nhiêu sự lựa chọn tương tự như vậy.

Mục tiêu sống của mỗi người là rất khác nhau. Có những người an phận thủ thường, muốn gắn cuộc sống của mình với gia đình, tập trung sức lực chăm lo cho vợ/chồng và con để họ đạt được thành tựu và tất nhiên trong thành tựu đó có đóng góp của họ. Cũng có người đặt mục tiêu cho mình lớn lao hơn đó là phải tự tay đạt được những thành tựu nhất định nào đó (trở thành tiến sĩ, chủ tịch, thủ tướng, tổng thống...) rồi mới nghĩ đến việc bao bọc cho người khác, cũng có người cho rằng: cá tính của mình chẳng phù hợp với cuộc sống gia đình vướng víu, cứ sống tự do, tự tại, không phải bận tâm nhiều là tốt nhất; cũng có người kết hôn để nương tựa vào người kia... Mỗi mục tiêu và cách suy nghĩ và điều kiện sống đó dẫn họ đến với hôn nhân sớm hay muộn hoặc là không có cuộc hôn nhân nào cả.

Nói tóm lại: kết hôn sớm hay muộn tùy thuộc vào mục tiêu, sự hứng thú với cuộc sống gia đình, hoàn cảnh sống và điều kiện của mỗi người, cái quan trọng là không để cuộc sống hôn nhân phụ thuộc vào hay bị ảnh hưởng bởi một ai đó nào khác ngoài 2 đương sự. Hôn nhân phải làm cho cuộc sống của cả 2 tốt đẹp hơn chứ không thể đi theo chiều hướng ngược lại đối với 1 trong 2 người hoặc cả 2
Giữa mọi người, ta cần một người quen. Giữa những người quen, ta cần một người yêu.Giữa những người yêu, ta cần một người hiểu.
Và giữa những người hiểu, ta cần một người tin