Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Spring Summer Fall Winter...and Spring – kỳ 02

kimkelly


Nhân quả và luân hồi
Spring Summer Fall Winter...and Spring sử dụng thay đổi của các mùa như một phép ẩn dụ cho cuộc sống. Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân. Thiên nhiên quay vòng, cuộc đời cũng quay vòng, đó là một cách đặt vấn đề không mới nhưng được thể hiện khá sâu sắc trong phim.

Về cá nhân thì tôi không thích cái tư tưởng lánh đời trong phim nhưng tôi vẫn phải thừa nhận phim truyền tải đến người xem tự nhiên mà không giảng đạo về hai triết lý quan trọng của nhà Phật : nhân quả và luân hồi.

Nói về thuyết nhân quả trong phim. Khi người phụ nữ bỏ đứa con của mình, cô ta rơi vào hố mà nhà sư đào trước kia rồi chết. Tôi nhớ vào mùa xuân, có cảnh chàng trai cột đá vào các con thú, chúng cứ đeo những hòn đá đó nặng nề bước đi cho đến chết. Để đến cuối cùng, nhà sư lại phải vác những hòn đá nặng để leo lên đỉnh núi. Có nghiệp thì phải có quả, gieo gì thi sẽ gặt nấy. Chàng trai giết vợ của mình nên anh phải đi tù, sau đó mới có thể thanh thản nương thân nơi cửa Phật. Khi tâm có tĩnh thì tu mới tĩnh. Hình ảnh con rắn rời khỏi người thầy cũng là hình ảnh tượng trưng cho tâm hồn: tham, sân, si cuối cùng nhà sư cũng hoàn toàn từ bỏ được.

Lý thuyết nghiệp quả của đạo Phật  thể hiện khá sâu sắc trong phim. Nó lý giải được một cách bao quát mọi sự việc tốt xấu mà mỗi chúng ta phải gánh chịu. Và nó cũng là một lý thuyết thể hiện sự công bằng tuyệt đối, không thể có sự thiên vị, vì cũng chẳng có một bậc quyền thế cầm cân nảy mực nào để có thể tác động vào nghiệp quả cả. Bởi vậy, mỗi người đều có được cái quyền tối cao là tự phán xét lấy chính mình. Mà luận việc tốt xấu, thì ai có thể hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình kia chứ? Có nhiều trường hợp người làm việc xấu, dù khéo che giấu chẳng ai biết được, nhưng rồi trong giấc ngủ mê, hoặc khi say rượu lại tự mình nói ra. Đó  là vì tuy che giấu được tất cả mọi người, nhưng không thể che giấu chính mình vậy.
Vì thế chi tiết nhà sư tự khắc các vết khắc là một chi tiết rất đắt, đó là một cách nhìn lại chính bản thân mình, từ đó hiểu được mình nợ ai, nợ cái gì, vì sao mình lại thành ra như thế này. Mỗi vết khắc là một vết khắc vào tim, vào tâm khảm. Rất nhiều năm sau, vết khắc đã phai màu sơn nhưng đường nét thì vẫn còn đó như là một sự nhắc nhở con người ta, khi sống phải răn đe mình và hướng tới chân – thiện – mỹ.


Tôi nhớ có một hình ảnh chàng trai sau khi bỏ luyện võ sau khi quay lại ngôi chùa, đó cũng là một triết lý về “thân” trong nhà Phật. Ta có ý muốn làm việc lành, mà không có được một thân thể trọn vẹn, khỏe mạnh, thì cũng khó lòng mà thực hiện ý nguyện. Bởi vậy, nhà phật luôn khuyên chúng ta chú ý chăm sóc cho sức khỏe của bản thân mình là thế.

Thuyết luân hồi cũng là một động lực có sức thuyết phục người ta vui sống trong những cảnh khó khăn khổ nhọc, vì họ vững tin ở ngày sau sẽ được hưởng những điều tốt  đã tạo ra ở đời này. Và họ cũng không đem lòng oán hận ai, vì tự biết những quả xấu ngày nay đang lãnh chịu chính là do việc làm của mình từ đời trước, không phải do ai áp đặt trừng phạt mình cả. Xuân, hạ, thu, đông… rồi lại xuân là cách thể hiện của thuyết luân hồi. Thiên nhiên có thể luân hồi từ mùa này đến mùa khác, nhưng cuộc sống của con người là hữu hạn, đến mùa đông rồi cũng sẽ kết thúc. Nhưng kiếp sau, những thế hệ kế tiếp sẽ lại là những mầm non của mùa xuân hòa vào sự sống bất diệt. Bộ phim được kết thúc nơi nó bắt đầu, đứa trẻ được bỏ lại thủy am là hình ảnh của nhà sư lúc trẻ, có lẽ cuộc đời vẫn luân hồi như thế.
Tôi vẫn thường nhớ đến bộ phim với cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ, dữ dội, hoang dại, vừa mơ mộng bên cạnh những âm thanh nhẹ nhàng nhưng day dứt. Tĩnh lặng và mênh mông,  cảnh nói thay người, vì người chẳng có gì để nói. Nhân vật chính cho đến cuối cùng bộ phim chúng ta cũng chẳng biết là ai ngay đến cả cái tên, và có cảm giác khi xem xong bộ phim tôi cũng không quá nhớ đến cuộc đời của anh ta, mà chỉ là thoáng suy ngẫm về cuộc đời mình qua hành trình tìm lại những bình yên trong chính tâm hồn chúng ta. Ánh sáng-bóng tối,  ấm áp-lạnh lẽo, giữa nhận thức về cái còn-mất, giữa quá khứ và hiện tại, giữa bề ngoài câm lặng vô cảm với tâm trạng gào thét ở bên trong để rồi bình yên như chưa từng có…
Thế nên Có thể phim không dành cho những người thích sự trẻ trung, thích cái không khí nóng bỏng thời đại.
Nhưng nó mang hơi thở tâm linh, giá trị đạo đức nhân quả luân hồi - giá trị chẳng bao giờ cũ.

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin cám ơn bác đã đề cập đến triết lý về “thân” trong nhà Phật. Đây là lần đầu tiên con được nghe về điều này; lâu nay con cứ tưởng chỉ có bác sĩ mới khuyên như vậy thôi... "Ta có ý muốn làm việc lành, mà không có được một thân thể trọn vẹn, khỏe mạnh, thì cũng khó lòng mà thực hiện ý nguyện." Bản thân con cũng đang muốn làm thật nhiều công tác cộng đồng mà sức khỏe bản thân hạn chế nên con cứ toàn tự trách mình không cố gắng nhiều hơn. Bây giờ con biết phải sửa chữa khuyết điểm từ đâu rồi - con phải chú ý sức khỏe của mình thôi - only when you take care of yourself, everything will take care of itself ^.^

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

CẢM ƠN CON
Đây là bài viết cuả một cộng tác viên thường xuyên cuả blog, một bác sĩ tương lai, viết về một bộ phim rất hay, con nên tìm xem
thân

khanhtam nói...

Dạ, con vừa tìm xem bộ phim được rồi bác ạ! Con xem 1 mạch không nghỉ luôn, rồi xem đi xem lại 3 lần, nhưng vẫn cứ thấy nhẹ nhàng và thấm quá. Xin cảm ơn bác và cộng tác viên đã giới thiệu một bộ phim thiệt sâu sắc cho mọi người.

Con xin phép được cài Blog của bác trên thanh Bookmark, để con có thể theo dõi thường xuyên các câu chuyện của bác và các bạn. Con cũng mong muốn khi nào có điều kiện sẽ lập một trang Blog sẻ chia nhiều như bác vậy.

Con chúc bác sức khỏe và có ngày mới sống vui! >^.^<

kimhoa nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
kimhoa nói...

Con chào bác,
con vừa mới xem xong bộ phim. Bộ phim có nhiều triếc lý rất hay mà có lẽ con phải xem lại nhiều lần mới hiểu thấu được. Con cũng như cậu thanh niên, đau khổ vì tình yêu ra đi. Có phải yêu là 1 điều mang lại nhiều đau khổ cho con người.
Còn một vài chi tiếc con không hiểu là tại sao người mẹ mang đứa bé đến lại bịt mặt, tại sao người mẹ lại phải chết, và nhà sư nhìn thấy gì khi mở lớp khăng ra.

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

kimhoa xem kỹ lại sẽ rõ.
nói chung, bám chấp hay lệ thuộc vào gì cũng khổng kể cả tình yêu, phải biết buông bỏ