Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Vào bếp cùng Kim Gollinger : Cơm chiên

Eating is not merely a material pleasure. Eating well gives a spectacular joy to life and contributes immensely to goodwill and happy companionship. It is of great importance to the morale. (Elsa Schiaparelli)


Thành Phần:
 
    2 hoặc 3 tô cơm nguội
    1 cây lạp xưởng, chiên chín, thái vuông.
    100 gr tôm tươi, lột bỏ vỏ cắt đôi, ướp tiêu, muối hoặc hạt nêm, 1 chút xíu dầu ăn and 1 chút tỏi băm nhỏ.     
    2 quả trứng chiên chín, thái sợi hoặc vuông tuỳ ý.
    1/2 hộp đậu peas ( đậu Hà Lan ) about 150 gr, để ráo.  
    1 củ cà rốt bỏ vỏ, thái vuông, đem luộc với nước và muối khoảng 4 đến 6 phút cho vừa chín thì xả lại bằng nước lạnh hoặc nước đá cho cà rốt được giữ màu tự nhiên, để ráo.
   1/2 củ hành tây, thái vuông.
   2 hoặc 3 củ tỏi bằm nhuyển.
   2 cây hành lá cắt nhỏ.
   1 ít nước tương maggi, dầu ăn và tiêu.
               
         Cách Chế Biến:

    Trong 1 chảo nhỏ chờ chảo nóng cho một ít dầu rồi cho tôm vào xào trên lửa lớn khoảng 3 or 4 phút, đảo đều tay đến khi tôm chín, trút qua tô, để nguội.
    Trong 1 chảo lớn khác chờ cho chảo nóng cho vài muỗng dầu ăn rồi  cho hành tây vào xào trên lửa trung bình   nhỏ ( chỉ làm mềm củ hành chứ không làm hành phi ), khi củ hành mềm và chín thì cho tiếp tỏi bằm vào xào thơm, khi tỏi thơm thì cho tiếp cơm, peas, lạp xưởng, trứng, cà rốt, tôm, hành lá vào xào và đảo đều tay khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó cho tiếp vài muổng nước tương ( khoảng từ 2 đến 3 muỗng ăn cơm ) và tiêu vào cơm, trôn đều khoảng 5 phút nữa rồi tắt bếp. Ăn kèm với nước tương ớt và ngò.

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

MỘT BẾN BỜ BÌNH YÊN

Thy Anh st


            Freedom from desire leads to inner peace.
                                                                      - Lao Tse         

Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, thời đại mà sự chinh phục của con người đối với thế giới tự nhiên có thể xem như đã đạt gần đến đỉnh điểm. Con người khai phá không thương tiếc mọi thứ trên trái đất để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của mình. Chúng ta càng ngày càng bị trói buộc bởi những thứ do chính chúng ta tạo ra trong ảo tưởng, như các tiện nghi vật chất, các mục tiêu danh vọng . . . Những lượng thông tin, quảng cáo thổi phồng hay bóp méo sự thật đã ồ ạt cuốn chúng ta đi như những cơn sóng biển, và mỗi người chúng ta đều bị chìm đắm trong biển thông tin này. Bị xô đẩy bởi hết con sóng này đến con sóng khác, chúng ta trở nên hoang mang sợ hãi một cách vô lý, sợ thiếu thốn vật chất, sợ không thể ngang bằng với mọi người, sợ không thể bắt kịp thời đại . . .
Con người trong xã hội hiện đại phần lớn không tìm thấy sự an lạc của nội tâm. Rõ ràng không phải do chúng ta muốn như thế mà chính sức mạnh của những cơn sóng đó đã thúc đẩy chúng ta hành động.
Do áp lực cạnh tranh, chúng ta đã đánh mất sự an lạc nội tâm. Chúng ta muốn được làm việc không ngơi nghỉ để an ủi bản thân mà không hề hay biết đang rơi vào vòng xoay đầy ác nghiệt không lối thoát. Càng ngày chúng ta càng xa rời hạnh phúc chân chính, thậm chí đã không thể sống được một cuộc sống thật sự cho mình.
Nếu chúng ta có quyết tâm chống lại xu hướng tạp niệm do thời thế tạo nên, chúng ta vẫn có hy vọng đến được bến bờ của bình yên. Điều đáng sợ là rất nhiều người trong chúng ta không hề nhận thức được điều này. Tâm hồn của chúng ta đã bị các xu hướng lệch lạc của thời đại làm cho u mê, yếu đuối, không còn tìm được con đường đúng đắn và chúng ta lầm tưởng rằng các ràng buộc hết sức vô lý đó lại chính là sự tự do.
Làm sao để thoát khỏi cơn mê? Làm sao để thoát khỏi những con sóng tạp niệm đang nhận chìm chúng ta?
Hãy chọn cách sống giản đơn, tự tại và chân thực. Mọi sự chỉ có thể khởi đầu từ nội tâm thanh thản của chính mình.
Hãy buông bỏ những tạp niệm, những ảo vọng do các xu hướng cuả thời đại đã cài đặt vào mỗi chúng ta khiến chúng ta đã trở thành nô lệ của chúng.
Hãy quyết định buông bỏ mọi ham muốn ảo tưởng ngay từ bây giờ để đến được bến bờ cuả bình yên.

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

CHẾT VÀ CHẾT NÃO: QUAN NIỆM VỀ CÁI CHẾT TRONG Y KHOA

by Linh H. Vo on Friday, February 24, 2012 at 12:28pm (Facebook)



DÀN BÀI:
QUAN NIỆM VỀ CHẾT THAY ĐỔI THEO THỜI GIAN VÀ TIẾN BỘ Y HỌC
         Quan niệm chết theo luật pháp Australia
         Chẩn đoán chết não
         Tiêu chuẩn của những bác sĩ thực hiện chẩn đoán chết não
XÁC ĐỊNH CHẾT NÃO BẰNG KHÁM NGHIỆM LÂM SÀNG
         Các điều kiện tiên quyết cho khám nghiệm lâm sàng chết não
         Các bước xác định chết não bằng khám nghiệm lâm sàng
         Xác định tử vong trong khám nghiệm lâm sàng chết não
XÁC ĐỊNH CHẾT NÃO BẰNG CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
        Chứng nhận tử vong trong chẩn đoán chết não bằng khảo sát hình ảnh
        Các dấu hiệu không tương thích với chết não
        Các dấu hiệu tương thích với chết não
KẾT LUẬN

QUAN NIỆM VỀ CHẾT THAY ĐỔI THEO THỜI GIAN VÀ TIẾN BỘ Y HỌC
Chết luôn là một sự kiện mang tính chất tôn giáo, kỳ bí đối với loài người. Từ thời xa xưa đến thời đại Phục Hưng, người ta vẫn chưa biết được bản chất sinh học của hiện tượng chết.
 Ở mức độ tinh thần, chết là khi hồn lìa khỏi xác.
Người ta chỉ hiểu được bản chất sinh học của cái chết vào thế kỷ thứ 17 khi Harvey Williams mô tả hệ thống tuần hoàn và chức năng bơm của tim. Harvey viết rằng: “…the heart is the principle of life…from which heat and life are dispersed to all parts….”. Dưới quan niệm này, chết là khi tim ngừng đập và tuần hoàn ngừng lại. 
Sự hiểu biết về chết thay đổi một cách đáng kể vào những năm 1950 với sự ra đời của thông khí cơ học. Người ta bắt đầu nhận ra  được vai trò quan trọng của não đối với sự sống. Người ta cũng nhận ra rằng não vẫn có thể chết không hồi phục trên bệnh nhân thở máy và tình trạng này cũng giống như chết thật sự.
Năm 1959, bài báo hiện đại đầu tiên về chết não do hai người Pháp Mollaret và Goullan ấn hành. Họ mô tả những bệnh nhân thở máy nhưng não không còn hoạt động mà họ gọi là coma depasse.

Sau đó,  nhiều quốc gia khác bắt đầu đưa ra những các tiêu chuẩn và luật pháp để hợp thức hóa các tiêu chuẩn chẩn đoán chết não và cho phép hiến mô được thực hiện:
Irreversible Coma/Brain Death. (1968) Harvard Medical School Ad Hoc Committee (1968)
Diagnosis of Brain Death (1976). Royal Colleges and Faculties (UK)
Australian Law Reform Commission (1977)
Uniform Determination of Death Act (1981) . United States President’s Commission for the Study of Ethical Problems in Medicine
The ANZICS Statements on Death and Organ Donation (3rd Editions, 2010)
Những tiêu chuẩn chẩn đoán chết não và hiến mô có thể khác nhau tùy quốc gia. Trong phạm vi bài này, chúng tôi muốn trình bày những khía cạnh về chết não theo tiêu chuẩn và luật pháp Australia, nơi mà chúng tôi đang thực hành y khoa.
Quan niệm chết theo luật pháp Australia
 Năm 1977, Australian Law Reform Commission tuyên bố rằng: “ Một người được xem là chết khi có
Sự ngưng không hồi phục của tuần hoàn máu trong cơ thể của người đó
hoặc
Sự ngưng không hồi phục của tất cả các chức năng của não của người đó”
Như vậy theo luật pháp, ở Australia người ta có thể chết theo một trong hai cách: chết tim (cardiac death) hoặc  chết não (brain death).
Nói cách khác, một người được kết luận là chết khi:
tim ngưng đập vĩnh viễn
hoặc
toàn bộ não ngưng hoạt động vĩnh viễn dù tim vẫn có thể còn đập (khi bệnh nhân được duy trì bằng thông khí cơ học)
Chẩn đoán chết não
Trong thực hành y khoa,  chẩn đoán chết não được thực hiện vì:
theo luật pháp bệnh nhân chết não có nghĩa là bệnh nhân đã chết
khi đó các biện pháp hỗ trợ sự sống là vô ích vì bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại
xác định chết não là điều kiện tiên quyết để quá trình hiến mô được phép bắt đầu trên người chết đó.
Chẩn đoán chết não có thể thực hiện bằng hai cách: khám nghiệm lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh.
Khám nghiệm lâm sàng được thực hiện nếu những điều kiện tiên quyết (preconditions) được thỏa mãn. Khi đó, bệnh nhân được chẩn đoán là chết não khi họ:
Không có đáp ứng (unresponsiveness)
Không có bất kỳ phản xạ thân não (absence of ALL brain stem reflexes)
Ngưng thở (apnoea)
Nếu những điều kiện tiên quyết không được thỏa mãn thì bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chết não bằng khảo sát hình ảnh. Bệnh nhân được kết luận là chết não khi những khảo sát  hình ảnh cho thấy không có dòng máu trong sọ (absence of intracranial blood flow)
Tiêu chuẩn của những bác sĩ thực hiện chẩn đoán chết não
Không phải tất cả các bác sĩ đang hành nghề đều được phép thực hiện các khám nghiệm chẩn đoán chết não. Tiêu chuẩn yêu cầu cho các bác sĩ này cũng thay đổi tùy theo luật pháp từng tiểu bang ở Australia. Tuy nhiên, tại tiểu bang New South Wales, luật pháp yêu cầu bác sĩ chẩn đoán chết não phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
phải thực hành y khoa không dưới năm năm trong tám năm vừa qua
ít nhất một bác sĩ phải là bác sĩ chuyên khoa trong bệnh viện
phải không là bác sĩ phụ trách vấn đề hiến mô
không được liên quan đến hoạt động lấy mô
không được mang trách nhiệm điều trị người nhận mô
XÁC ĐỊNH CHẾT NÃO BẰNG KHÁM NGHIỆM LÂM SÀNG
Các điều kiện tiên quyết cho khám nghiệm lâm sàng chết não
Các điều kiện sau đây phải được thỏa mãn trước khi thực hiện chẩn đoán chết não bằng khám nghiệm lâm sàng
bệnh nhân phải được theo dõi ít nhất 4 giờ liên tục trước khi thực hiện chẩn đoán lâm sàng chết não.
 Những  quan sát ghi nhận được phải phù hợp với chết não : GCS 3 với đồng tử dãn và cố định, ngưng thở, không có ho hay ọe (gag).
Nếu ở bệnh nhân tổn thương não do thiếu oxy, thời gian quan sát này có thể kéo dài đến 24 giờ.
khám nghiệm lâm làng chết não phải được thực hiện hai lần riêng biệt bởi hai bác sĩ khác nhau
mỗi bác sĩ chịu trách nhiệm thực hiện một loạt khám nghiệm
các khám nghiệm phải được thực hiện tuần tự chứ không được cùng lúc
tuy nhiên không cần phải có thời gian xác định giữ hai lầm khám nghiệm
bệnh nhân phải được xác định có nguyên nhân không hồi phục giải thích tình trạng hôn mê
phải loại trừ những nguyên nhân có khả năng  gây hôn mê có hồi phục:
hạ huyết áp:  bệnh nhân phải có HA tâm thu > 90 mmHg, HA trung bình > 60 mmHg
hạ nhiệt độ: thân nhiệt > 35ºC khi khám nghiệm chết não
thuốc hay độc chất
thuốc dãn cơ
những rối loạn chuyển hóa hay nội tiết
rối loạn chức năng gan hay thận
tăng đường huyết, hạ đường huyết rối loạn chức năng tuyết giáp
rối loạn điện giải
phải có thể thực hiện khám nghiệm
phản xạ thân não: bệnh nhân ít nhất phải còn một mắt và một tai
khám nghiệm ngưng thở: bệnh nhân không bị hạ oxy máu quá nặng hoặc tổn thương cột sống cổ phần cao
Các bước xác định chết não bằng khám nghiệm lâm sàng
Khám nghiệm lâm sàng chết não được thực hiện theo các bước sau đây
Đánh giá đáp ứng của người bệnh
Các phản xạ thân não
Phản xạ ánh sáng đồng tử (II & III)
Phản xạ giác mạc (V & VII)
Phản xạ đáp ứng với kích thích đau vùng thần kinh tam thoa  (V & VII)
Phản xạ tiền đình mắt (III, IV, VI & VIII)
Phản xạ ọe (IX & X)
Phản xạ ho/khí quản (X)
Khám nghiệm ngưng thở
Các khám nghiệm này cần được thực hiện theo trình tự như trên và trên cả hai bên bệnh nhân nếu có thể. Để xác định chết não, khám nghiệm cần phải cho thấy bệnh nhân mất hết tất cả phản xạ thân não. Trong khi thực hiện các khám nghiệm này, nếu có bất kỳ một  phản xạ thân não nào hiện diện thì có thể kết thúc khám nghiệm lâm sàng tại thời điểm đó, vì phản xạ đó tồn tại chứng tỏ rằng bệnh nhân không bị chết não.
Xác định tử vong trong khám nghiệm lâm sàng chết não
Trong chết não, tim bệnh nhân có thể vẫn còn đập. Do đó, thời điểm kết luận bệnh nhân tử vong là ngay khi kết thúc lần khám nghiệm thứ hai. Nói cách khác, bệnh nhân được kết luận tử vong ngay sau khi kết thúc khám nghiệm ngưng thở của lần khám nghiệm thứ hai bởi bác sĩ thứ hai
XÁC ĐỊNH CHẾT NÃO BẰNG CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH
Trong một số trường hợp, khảo sát hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán chết não vì những điều kiện tiên quyết không được thỏa mãn:
nguyên nhân gây hôn mê không được xác định rõ ràng
bệnh nhân có thể vẫn bị ảnh hưởng của thuốc hoặc rối loạn chuyển hóa
các thần kinh sọ không thể được khám một cách đầy đủ:
chấn thương mặt
thủng màng nhĩ
mắt bị tổn thương
chấn thương cột sống cổ
tình trạng huyết động không ổn định hoặc hạ oxy máu nặng làm không thể thực hiện khám nghiệm ngưng thở.
Các chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng trong chẩn đoán chết não bao gồm: chụp cản quan bốn động mạch, hình ảnh phóng xạ hạt nhân hoặc CT mạch máu và cộng hưởng từ (MRI). MRI không được khuyến cáo vì thường không khả thi, trong khi tính âm tính giả của CT mạch máu khá cao trong chẩn đoán chết não.
Chụp cản quang bốn động mạch (four vessel intra-arterial catheter angiography) được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán hiện tượng mất tưới máu não. Thuốc cản quan được bơm trực tiếp vào cả các động mạch cảnh và động mạch cột sống (carotid arteries and vertebral arteries). Để xác định chết não, hình ảnh chụp phải cho thấy không có dòng máu đi lên phía trên carotid siphon của vòng tuần hoàn trước (anterior circulation) hoặc phía trên của foramen magnum của tuần hoàn sau (posterior circulation).
Chẩn đoán chết não cũng có thể được xác định bằng chụp phóng xạ hạt nhân với Tc 99m HMPAO (Technetium 99m radiolabelled hexamethyl propylene amine oxime) với kết quả cho thấy không có sự tưới máu trong sọ (absence of intracranial perfusion).
Chứng nhận tử vong trong chẩn đoán chết não bằng khảo sát hình ảnh
Chứng nhận chết não bằng khảo sát hình ảnh phải được xác nhận bởi hai bác sĩ không bao gồm bác sĩ thực hiện khảo sát hình ảnh. Trước đó, hai bác sĩ này phải khám bệnh nhân và phải biết rõ tình trạng hôn mê của bệnh nhân. Hai bác sĩ này kết luận bệnh nhân chết não bằng cách xác định bệnh nhân không có dòng máu tưới não theo kết quả khảo sát hình ảnh. Thời điểm tử vong là thời điểm bác sĩ thứ hai xác định kết quả khảo sát. (Lưu ý: khi đó tim bệnh nhân vẫn có thể còn đập và huyết áp vẫn được duy trì)
Các dấu hiệu không tương thích với chết não
 Bệnh nhân không chết não nếu có một trong những dấu hiệu sau đây:
Gồng cứng mất vỏ hay mất não
Đáp ứng gấp hoặc duỗi đối với kích thích đau
Co giật
Các dấu hiệu tương thích với chết não
Bệnh nhân chết não vẫn có thể có những dấu hiệu sau đây:
các phản xạ tủy sống
các cử động gấp duỗi của chi trên
undulating toe reflex
Lazarus sign
phản xạ gân sâu (deep tendon reflexes)
plantar responses (có thể gấp hoặc duỗi)
các cử động giống hô hấp (respiratory-like movements)
xoay đầu (head turning)
đổ mồ hôi, đỏ bừng và nhịp tim nhanh
huyết áp bình thường dù không có thuốc vận mạch  
không có đái tháo nhạt
KẾT LUẬN
Theo luật pháp Australia (cũng như các nước Mỹ và Anh), một bệnh nhân chết não được xem là đã chết. Chết não có thể được xác định bằng khám nghiệm lâm sàng hoặc bằng khảo sát hình ảnh của tiêu chuẩn chẩn đoán chết não.
Thời điểm tử vong của bệnh nhân được xác định bằng các khám nghiệm xác định chết não dù khi đó tim bệnh nhân vẫn còn đập và tuần hoàn cơ thể vẫn được duy trì.
Chết não phải được xác định bởi hai bác sĩ với những yêu cầu bằng cấp và kinh nghiệm nhất định theo quy định tùy theo quốc gia và tiểu bang trong quốc gia đó.
Bệnh nhân chết não vẫn có thể có những cử động theo phản xạ tủy sống và những cử động này cần được giải thích với người nhà.
Chẩn đoán chết não là một điều kiện tiên quyết để quá trình hiến mô được bắt đầu

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Trong y khoa, người ta chết . . . kiểu nào?

Linh H. Vo

Trong y khoa, người ta chết kiểu nào?
Một câu hỏi thường được đặt ra trong thực hành Hồi sức Cấp cứu là khi nào thì bệnh nhân được xem là chết.
Định nghĩa phổ biến về chết trong thực hành y khoa của chúng ta (ở Việt Nam) là sự ngưng tuần hoàn cơ thể không hồi phục. Khi tuần hoàn cơ thể ngưng thì sau một thời gian, tất cả các cơ quan của cơ thể, kể cả não, đều ngưng hoạt động. Khi đó khám lâm sàng, chúng ta thấy bệnh nhân hoàn toàn không đáp ứng, đồng tử dãn không đáp ứng với ánh sáng, không có mạch đập, ngưng thở, ngưng tim, vô tâm thu trên điện tâm đồ.
Định nghĩa này còn được gọi là chết tim (cardiac death).
Ở các nước như Australia, UK, USA, người ta còn một cách chết nữa là chết não (brain death).
Năm 1977, Australian Law Reform Commission tuyên bố rằng: “Một người được xem là chết khi có
• Sự ngưng không hồi phục của tuần hoàn máu trong cơ thể của người đó
hoặc
• Sự ngưng không hồi phục của tất cả các chức năng của não của người đó”
Nói cách khác, một người được kết luận là chết khi:
• tim ngưng đập vĩnh viễn
hoặc
• toàn bộ não ngưng hoạt động vĩnh viễn dù tim vẫn có thể còn đập (khi bệnh nhân được duy trì bằng thông khí cơ học)
Các nước Australia, UK, USA có những tiêu chuẩn về rất rõ ràng và chặt chẽ để chẩn đoán chết não.
Trong thực hành y khoa, chẩn đoán chết não được thực hiện vì:
• theo luật pháp bệnh nhân chết não có nghĩa là bệnh nhân đã chết
• khi đó các biện pháp hỗ trợ sự sống là vô ích vì bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh lại
• xác định chết não là điều kiện tiên quyết để quá trình hiến mô được phép bắt đầu trên người chết đó. Khi bệnh nhân đã được kết luận chết não, tuần hoàn cơ thể vẫn còn được duy trì. Khi đó người ta đưa người chết não vào phòng mổ để lấy tạng và mô như tim, thận, phổi... Những cơ quan này không thể lấy ra để ghép cho người khác từ người chết tim.
                      lời khuyên dành cho những ai chăm sóc kẻ khác
                      những cái chết không đau đớn

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

TÌM HIỂU VỀ CÁI CHẾT - KỲ 5

BS Nguyễn Quý Khoáng   (4 tháng 2 năm 2012)


 
D- LINH HỒN DƯỚI GÓC NHÌN CỦA KHOA HỌC
     Theo GS Bruce Greyson, trưởng khoa Nghiên cứu tri giác (DOPS) thuộc Đại học Hệ thống Y tế Virginia - Mỹ (xem thêm …), trải nghiệm cận tử xảy ra ở 10% bệnh nhân ngừng tim. Khi tỉnh lại, người bệnh có thể mô tả chính xác mọi hoạt động xung quanh khi họ bất tỉnh.Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp trải nghiệm cận tử, điện não đồ và các bằng chứng y khoa khác cho thấy, não bệnh nhân không còn dấu hiệu hoạt động khi hiện tượng này diễn ra.
Ông Pim van Lommel, chuyên gia về trải nghiệm cận tử tại Bệnh viện Rijnstate (Hà Lan) đồng tình về vấn đề này. Ông cho rằng, khi ở trạng thái cận tử, "người bệnh không những có ý thức, mà ý thức của họ còn mở rộng hơn bao giờ hết. Họ có thể suy nghĩ hết sức rõ ràng, hồi tưởng chi tiết về thời thơ ấu và cảm thấy sự liên hệ chặt chẽ với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh. Trong khi não họ hoàn toàn không có dấu hiệu hoạt động".
Theo GS Peter Fenwick, Viện Tâm thần học thuộc Đại học Kings (Anh): "Nếu có thể chứng minh rằng con người vẫn tiếp nhận thông tin khi họ bất tỉnh và thoát xác thì đó là bằng chứng không thể tranh cãi về việc ý thức tồn tại tách rời bộ não".
Có lẽ, ý tưởng về linh hồn cũng xuất phát từ hoàn cảnh này. Con người từ thời cổ xưa, khi trải qua trạng thái ảo thân, cho rằng khi đó phần tinh thần rời khỏi phần thể xác. Từ đó, họ bắt đầu tin vào sự tồn tại bên ngoài cơ thể.
Ý tưởng của GS Penrose ám chỉ đến một cơ chế để ý thức tiếp tục tồn tại sau khi thân thể con người đã chết. Nhưng nó sẽ đi về đâu? Theo GS Hameroff: "Nếu người bệnh không được cứu sống, ý thức sẽ đi vào vũ trụ và biết đâu có thể một ngày nào đó sẽ được một cơ thể khác tiếp nhận trở lại".
DOPS hiện đang lưu giữ khoảng 1.400 hồ sơ về các trường hợp được cho là thuộc dạng này.Phần lớn đó đều là những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp.Các em có thể kể vanh vách trước đây mình là ai, sống ở đâu, làm gì, trông như thế nào và nhiều chi tiết khác.
Ian Stevenson, một trong những chuyên gia tâm thần học hàng đầu nước Mỹ, người sáng lập DOPS bắt đầu thu thập những câu chuyện về tiền kiếp từ năm 1960. Trong số các tài liệu ông ghi nhận được, có nhiều trường hợp một đứa trẻ được sinh ra có bớt ở đúng vị trí vết thương mà các em đã bị trong kiếp trước.Một số luôn bị ám ảnh sợ những sự vật, hiện tượng đã gây ra cái chết trong tiền kiếp. Stevenson và các đồng nghiệp của ông chưa bao giờ khẳng định rằng hiện tượng đầu thai thực sự xảy ra. Họ chỉ cố gắng thu thập các bằng chứng về nó. Trong khoa học, những bằng chứng này có thể chẳng bao giờ đủ để khẳng định linh hồn con người tồn tại sau cái chết về thân xác và sau đó tái sinh trở lại trong một cơ thể mới.Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể khẳng định rằng không có linh hồn.
E-VÀI KINH NGHIỆM TRONG CÕI CHẾT
GS Bruce Greyson
Không phải tất cả mọi người khi chết đều trải qua đầy đủ các cảnh trạng như đọan văn mô tả điển hình của bác sĩ Moody hoặc như toàn bộ nội dung của Tử thư Tây Tạng  đề cập. Đấy là những hiện tượng cơ bản, một người khi chết có thể kinh qua đầy đủ tất cả những cảnh trạng đó hoặc một số nào đó thôi. Theo Tử Thư Tây Tạng, nghiệp thức của mỗi người là nguyên nhân của sự sai khác đó. Những trích dẫn sau đây chỉ là phần hết sức khiêm tốn của những tài liệu đuợc công bố.Nếu đọc những kinh nghiệm này trong cái nhìn quán chiếu của Tử thư Tây Tạng sẽ thấy vai trò quan trọng cuả nghiệp thức đối với sự thấy biết trong cõi trung ấm.
1.-Kinh nghiệm về cảm giác an lạc
      "Cái điều mà tôi không bao giờ có thể quên, tuyệt đối không bao giờ quên được là cảm giác an lạc tuyệt trần hoặc một cái gì đó tương tự...Vâng, tôi nhớ như in, đó là một cảm giác tốt đẹp của an bình, hạnh phúc... Sự an lạc, giải thoát.Sự sợ hãi đi đâu mất.Không còn đau đớn nữa.Không còn gì cả.Đó là một sự tuyệt diệu.Dù có mất cả triệu năm để nói về cảm giác đó, tôi cũng không bao giờ có thể cắt nghĩa cho được.Đó là một cảm giác mà mọi người một ngày nào đó rồi cũng sẽ bắt gặp.Đối với tôi, an lạc là chữ đúng nhất mà tôi có thể dùng để diễn tả". (Phụ nữ, 60 tuổi, bị bệnh tim).
2.-Kinh nghiệm xuất hồn ra khỏi xác
       a/ "Vào lúc đó, tôi như thấy mình lơ lửng ở một góc phòng của bệnh viện, đang nhìn xuống cái xác bầm đen của tôi. Ngó bộ như sự sống đã rời khỏi nó rồi.Còn mẹ tôi, ngồi nơi cái ghế cạnh giường tôi nằm, đang chí tâm cầu nguyện và cô tình nhân người Ý thì đang khóc lóc ở chân giường". (Thanh niên, bị tai nạn xe hơi trầm trọng, nằm ở phòng cấp cứu).
       b/"Tôi không thể nào chịu nổi cơn đau nữa... Và rồi tôi đổ gục xuống. Mọi vật tối sầm, tôi chẳng nhớ gì cả, ngoại trừ vào lúc bắt đầu cơn bất tỉnh, như có ai đó chợt kéo cái màn che kín ánh sáng làm mọi vật tối thui. Một lát, hết đen, nhưng cũng không có ánh sáng. Nó như là một đám sương mù màu xám bao phủ, tôi thật không biết làm sao để diễn tả. Tôi cảm thấy đang có những hoạt động diễn ra đâu đó chung quanh, tôi vẫn còn đứng trên nền nhà, vậy mà tôi lại thấy tôi. Tôi nghĩ sao có vẻ bất thường quá, tôi phải đứng ở một chỗ nào cao hơn thì tôi mới nhìn xuống được chứ, tôi chưa bao giờ để ý rằng nền nhà lót gạch hoa đen trắng. Vậy mà nó lại là thứ tôi nhận ra trước tiên khi bắt đầu ý thức... Và tôi cảm thấy như mình hạ xuống thấp hơn một chút, kiểu như lượn vòng quanh. Hai hoặc ba người đỡ tôi dậy, đặt vào một cái khay, không phải cái khay đâu, mà là cái xe đẩy bằng kim loại, có bốn chân. Họ buộc chân tôi lại và đẩy tôi ra ngoài... đưa và phòng chính.Tôi thấy ở đó có một cái bàn khác với một mớ dụng cụ máy móc trên đó. Về sau tôi mới biết đó là cái máy dùng để kích thích tim hoạt động...Xin nhớ rằng tôi không phải là một tay nghiền ma tuý đâu nhé...Đây cũng không phải là chuyện tưởng tượng. Tôi cũng chưa bao giờ đọc loại sách về đề tài “ NDE”...Vâng, tôi có thể thấy toàn bộ các chi tiết..." (Đàn ông, 52 tuổi, làm nghề bảo vệ, bị bệnh tim).
      c/"Căn phòng cấp cứu dường như sáng đỏ rực lên. Tôi không biết ánh sáng đó từ đâu tới. Tôi đang nhìn xuống và thấy họ (bác sĩ, ytá) đang làm việc trên cái xác tôi...Tôi đang ở trên cao, khỏi thân xác tôi và đang nhìn xuống.Họ đang làm việc để hồi tỉnh tôi.Tôi không nghĩ rằng mình đã chết. Đó là một cảm giác bất thường...Tôi không cảm thấy đau đớn một chút nào, mà chỉ thấy rất là an bình êm ả. Cái chết chẳng làm cho tôi sợ. Họ tiêm thuốc vào nơi háng. Bác sĩ B. đi lại, quyết định tiêm một phát vào bên trái... Rồi ông ta đổi ý, chỉ chỗ khác, gần trái tim...Tôi cảm thấy như là tôi vẫn còn sống. Như là tôi đang ở đây nói chuyện với bác sĩ vậy.Tôi có thể nghe họ, trông thấy họ đang làm việc trên thân thể tôi, nghe họ nói chuyện, ra mệnh lệnh, chỉ thị.Có vẻ như tôi đang ở ngoài thân xác tôi và nhìn thấy mọi việc đang diễn ra". (Đàn ông, 62 tuổi, thợ cơ khí về hưu, bị bệnh tim).
      d/ "Rồi tôi thấy mình tách ra khỏi thể xác và đang ngồi trên cao nhìn lại cái xác mình nằm co quắp, mẹ tôi cùng chị giúp việc thì đang khóc ré lên vì tưởng tôi đã chết. Tôi cảm thấy thương họ và cũng buồn cho thân tôi... Buồn, buồn lắm.Nay tôi vẫn còn có thể cảm nhận nỗi buồn đó.Nhưng lúc đó, tôi lại cảm thấy mình đã được giải thoát, vậy có lý do gì mà đau khổ. Tôi không còn thấy đau đớn nữa, tôi hoàn toàn tự do". (Bà già người Pháp, 73 tuổi hồi tưởng NDE lúc con trẻ).
3.-Kinh nghiệm đường hầm và ánh sáng
      a/ "Chung quanh tôi toàn một màu tối đen. Tôi cần nói rõ rằng tôi cảm thấy như là đang phóng đi nhanh, rất nhanh, qua thời gian và không gian.Tôi đang đi xuyên qua một đường hầm (tunnel). Thật ra, nó chẳng giống đường hầm, tỷ như khi mình ở trong một đường hầm thì thấy chung quanh mình toàn một màu tối thui, thế thôi". (Phụ nữ 23 tuổi, bị shock hậu giải phẫu).
      b/ "Tôi có thể thấy cái xác tôi nằm đó...Tôi thấy toàn cảnh diễn ra...rồi tôi chầm chậm bay lên, như trôi đi trong một hành lang tối hoặc tối mờ mờ...Tôi nghĩ Cái gì đây? Việc gì đang xảy ra đây? Tôi tiếp tục bay lên, bay mãi lên...Tôi đi xa hơn và tôi đi vào một thế giới khác..." (Đàn ông, bệnh tim).
       c/ "Ở cuối đường hầm là ánh sáng rực rỡ. Nó có màu cam .Ồ, bác sĩ đã thấy cảnh mặt trời lặn lúc hoàng hôn rồi chứ? Từ ánh sáng ấy nổi lên một màu cam chói lọi với viền vàng nhuốm ở chung quanh. Dường như đó là ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi không đi hết tới cuối đường hầm". (Đàn ông, 35 tuổi, bị bệnh tim).
       d/ "Ánh sáng màu trắng hiện ra. Ánh sáng đó không làm cho tôi lóa  mắt…  Đó là thứ ánh sáng trắng nhất của màu trắng, tràn ngập chung quanh. Nó giống như khi bác sĩ nhìn vào toàn thể vũ trụ và chẳng thấy gì cả, ngoại trừ cái ánh sáng màu trắng ấy. Đó là loại ánh sáng chói lọi rực rỡ nhất trần đời, nhưng không phải là thứ ánh sáng làm hại mắt người ta như ánh sáng bóng đèn điện chẳng hạn... Tôi tự nói với tôi, như tôi đang nói với bác sĩ đây, thế là mình đang chết.Mình chẳng muốn chết, mình chống lại nó.Nhưng nếu có chết, mình sẽ chấp nhận. Tôi có một cảm giác hết sức an lạc, thích thú...Tôi chẳng thấy ai cả, chỉ có mình tôi nói với tôi..."(Nam bệnh nhân, chết lâm sàng lúc giải phẩu).
      e/"Tôi đi qua giai đoạn tối đen... Có ánh sáng, như có ai đó đang cầm đèn chiếu và tôi tiến về phiá đó. Và rồi mọi vật như sáng bừng lên và điều tôi nhớ tiếp theo đó là tôi như đang trôi đi bồng bềnh...Tôi đi qua vùng ánh sáng đó, ánh sáng ngày càng sáng hơn...Sáng thiệt là sáng, càng tiến gần càng sáng hơn, đến làm cho lóa mắt. Nhưng không, nó không làm cho mắt phải nhức nhối khó chịu."(Đàn ông, 56 tuổi).
        f/"Điều tôi diễn tả về ánh sáng, vâng, nó không phải là ánh sáng mà là sự vắng mặt của bóng tối, hoàn toàn không có bóng tối...Vâng, bác sĩ nghĩ đến loại nguồn sáng lớn khi chiếu lên mọi vật thì tạo thành cái bóng chứ gì? Với ánh sáng này thực sự là không có bóng đen. Chúng ta không quen với ý niệm đó bởi vì chúng ta luôn luôn thấy khi ánh sáng chiếu vào các vật thì vật có bóng đen, ngoại trừ khi ánh sáng đó chiếu đều khắp quanh ta. Nhưng loại ánh sáng này hoàn toàn không có bóng, vì ta không nhìn vào nguồn sáng, mà ta ở trong ánh sáng. Bác sĩ hiểu tôi nói gì chứ?"( Thợ máy, 54 tuổi). 
4.-Kinh nghiệm về khả năng tự tại (đi lại như  ý muốn)
      a/"Trong lúc người ta giải phẫu cho tôi, tôi chợt nhớ đến và liền trở lại ngay tức khắc nơi chiến trường mà tôi đã thua trận. Người ta đang thu dọn chiến trường. Tôi thấy những người chết hôm đó đang được gói lại trong “ponchos” và người ta đang thu nhặt người bị thương. Tôi quen một người trong toán và tôi nhớ như in là tôi đã cố gắng ngăn cản anh ta đừng có nhặt mấy cái xác kia. Nhưng tôi không làm được điều đó và bỗng nhiên tôi lại thấy mình trở về trạm phẫu thuật.Nó y như bạn vừa có mặt bằng xương bằng thịt ở đó rồi bỗng tức khắc bạn có mặt ở đây.Thật nhanh như nháy mắt."(Cưụ chiến binh Mỹ ở VN, kinh nghiệm NDE trong một lần bị thuơng nặng ở mặt trận Củ chi).
      b/ "Tôi có thể nhìn nơi đâu tôi muốn. Tôi vẫn còn ở trong hành lang, vậy mà tôi có thể nhìn ra ngoài bãi đậu xe. Như tôi vừa nghĩ O.K., không biết có chuyện gì ở ngoài bãi đậu xe không?, thế là như một phần của đầu óc tôi bay ra ngoài đó xem xét mọi việc rồi trở lại nói cho tôi biết..." (Gác dan, bị bệnh tim).
      c/ "Tôi có thể đi đâu bất cứ lúc nào, tuỳ thích. Không phải là bằng cách máy móc như xe hơi hay vật gì khác. Nó chỉ là diễn tiến của tư tưởng thôi. Tôi thấy rằng hễ tôi nghĩ muốn đến bất cứ nơi nào là tức khắc có mặt ở đó ngay... Tôi cảm thấy khoái chí vì cảm giác có quyền lực. Tôi có thể làm điều tôi muốn... Thật vậy, nó thật còn hơn ở đây nữa." (Đàn ông, bị bệnh tim).
5. Kinh nghiệm về việc gặp đấng Thiêng liêng hoặc thân nhân (đã chết), và lý do trở về.
         a/ "Trong thời gian các bác sĩ coi như tôi đã chết, dường như tôi đang nói chuyện với một ai đó. Tôi không biết là ai, cái đó lạ lắm.Tôi có hỏi nhưng không được trả lời.Điều duy nhất tôi nhớ là giống như có một giọng nói rằng "Này, thế là con đã chết. Cuối cùng thì con đã chết". Tôi nói "Không, sớm quá mà.Ông nói cái gì thế?" Ông ta lại nói "Thế, con đã từ bỏ cuộc đời; con sẽ không còn đau khổ nữa." Tôi buồn như một đứa con nít và điều ấy làm cho tôi đau khổ. .. Tôi nói "Ông nói như thế nghĩa là gì?Tôi muốn trở về.Tôi không thể, tôi không thể chết được.Tôi đâu có chết.Tôi đang đi học mà, tôi đang có công việc.Người ta đang cần tôi.Tôi có nhiều việc phải làm.Cả một mớ công việc tôi phải làm mà chưa làm xong.Tôi muốn trở về, nếu có thể được".Giọng đó lại nói "Cái đó tuỳ con mà. Nếu con quay về, con sẽ tiếp tục đau khổ vì con đang thực sự đau đớn. Con sẽ đau khổ. Con sẽ chịu đau đớn kéo dài về sau". Tôi nói "Vâng, đối với tôi không thành vấn đề.Tôi chịu được mà.Chỉ cần cho tôi về là được".Lại nghe nói "Thôi được, cho về".Và vào lúc đó tôi nghe có giọt nước rơi trên mình và tiếng bác sĩ la lớn "Anh ta sống lại rồi, anh ta sống lại rồi". (Thanh niên 18 tuổi, bị tai nạn xe hơi trầm trọng, phải giải phẩu nhiều lần. Bệnh nhân xác nhận một năm sau tai nạn anh ta vẫn còn bị thương tích hành hạ đau đớn).
      b/ Đáp câu hỏi của người phỏng vấn: "Tại sao bà cảm thấy là bà phải trở về? Tại sao bà chọn con đường trở về?", một phụ nữ bị chứng nghẽn tim, chết lâm sàng, đã trả lời: "Tôi nghĩ là vì tôi có hai đứa con còn nhỏ dại. Tôi thấy là chúng cần tôi hơn là tôi cần đi đến đó. Tôi nghĩ đi vào cõi tử kia thì tôi được an lạc, vui vẻ, không còn đau đớn nữa, nhưng điều đó có nghĩa là con tôi sẽ khổ. Tôi đã cân nhắc. Tôi không hối tiếc điều gì cả, tôi đã bình tĩnh suy nghĩ và có một quyết định hợp lý, một quyết định đúng đắn, không có sự can thiệp của cảm tính.Bà có biết là tôi muốn nói gì không?Tôi nói là tôi không quyết định bằng tình cảm.Tôi quyết định bằng lý trí".
     c/"Trong cảnh mà tôi đã trải qua, tôi không thể thấy hình dáng tôi ra sao nhưng tôi biết là tôi đang đứng ở một nơi cao nào đó, vì nhìn xuống dưới kia có một vùng chăn nuôi xanh tươi, đẹp tuyệt trần. Đó là một ngọn đồi nhỏ và một bãi cỏ bằng phẳng ở phiá tay phải...Tôi nhìn xuống thấy bò, cừu và người chăn cừu, tất cả đang ở trong đồng cỏ, bò ở bên phải và cừu ở bên trái, còn người chăn cừu đứng trên một mô đất tròn, cao chừng 20 hoặc 30 bộ (feet). Dường như đó là vào một ngày trời nắng trong sáng. Toàn cảnh giống như trải một màu tươi xanh trên một sân chơi golf được chăm sóc kỹ.Người chăn cừu quay lưng về phía tôi, như hình ảnh bác sĩ thường thấy trong Thánh kinh. Ông ta mặc một chiếc áo dài, khăn vải trùm đầu, có băng vải buộc quanh, trong tay có cầm một cái gì đó...Tôi không biết ông ta là ai...Nhưng tôi thấy rõ ràng, như thấy bây giờ. Hình ảnh này đã khắc ghi vào óc tôi, không bao giờ quên được."( Thợ dệt, 55 tuổi, bị bịnh tim).
       d/"Tôi bị một hàng rào chận lại...Một bên của hàng rào là vùng đất cực kỳ khô cằn với những bụi rậm, là vùng đất hoang vu chẳng ai muốn đến. Phía bên kia của hàng rào là một khung cảnh chăn nuôi tuyệt đẹp mà trong đời tôi chưa bao giờ thấy hoặc tưởng tượng ra, cách quãng lại có cây cối xinh đẹp, bãi cỏ xanh tươi và những con ngựa... Cái hàng rào ấy à, là ba hay bốn lớp dây kẽm gai... Cái hàng rào là đường ranh phân chia rõ ràng, bãi cỏ xanh tươi kia chạy đến chân rào thì dừng lại...Bên này rào là thế giới này đây. Là cái chỗ dơ bẩn khô cằn mà tôi đang sống... còn bên kia là nơi đẹp đẽ tôi sẽ đi đến." (Đàn ông, 63 tuổi, sống lâu năm ở Texas, bị bịnh tim).
       e/"Nó giống như cảnh mặt trời lặn với ánh sáng đỏ rực. Không phải là bầu trời xanh hay như màu nước xanh lục đâu. Mọi vật đều rất đẹp. Cây cối cũng có đó nhưng tất cả như tỏa bóng vàng kim. Hoàn toàn không có màu lục hay màu xanh". (Nội trợ, ở Florida, bịnh tim).
        f/"Tôi đi đến một nơi có mặt các thân nhân, ông nội, bà nội, bố tôi, một ông chú vừa mới tự tử. Họ tiến về phía tôi để gặp tôi... Ông bà nội mặc toàn đồ trắng, có khăn trùm đầu. Họ trông có vẻ tươi tỉnh hơn là lần cuối cùng tôi gặp, ngó bộ vui vẻ lắm... Tôi cầm lấy tay bà nội...và bỗng nhiên mọi người quay lưng bỏ đi. Bà nội tôi còn ngó ngoái lại và nói "Chúng ta sẽ gặp con sau, giờ chưa phải lúc." (Đàn ông 43 tuổi, bị bịnh tim).
       g/ "Rõ ràng y như rằng Chúa đi đến, đứng đó và đưa tay ra cho tôi. Vâng, ngài đứng đó, nhìn xuống tôi và mọi vật sáng rực lên...Ngài cao lớn, hai tay đưa ra, toàn thân trắng toát một màu, như là ngài mặc một chiếc áo dài màu trắng vậy... Gương mặt ngài đẹp hơn bất cứ khuôn mặt nào mà người ta từng thấy.Gương mặt ấy thật là đẹp đẽ, quả thật là xinh đẹp. Nước da ngài hầu như là sáng ngời lên, không một chút tì vết, tuyệt đối không một chút tì vết.. .Ngài nhìn xuống tôi, mỉm cười thân ái..." (Phụ nữ 55 tuổi, Tin Lành ).
6. Một mẫu kinh nghiệm tổng hợp
      a/ "Khi người ta đưa (xác) tôi vào phòng cấp cứu thì ngó như là tôi ở đó nhưng tôi đâu có ở đó... Người ta đưa (xác) tôi lên bàn.Tôi thấy tôi như một người tham dự trong phòng cấp cứu, nhưng đứng ở đàng sau, cách xa cái bàn hơn những người khác.Tôi có thể nhìn xuống và thấy hết mọi việc. Cái bàn nằm kia, như ở cuối phòng, các bác sĩ ở bên phiá tay phải của tôi, còn một lô y tá thì ở bên trái. Cả một vị linh mục cũng có mặt.Họ chích thuốc nhưng chẳng làm cho tôi đau đớn, vì tôi đã hoàn toàn thoát ra ngoài thân xác.Tôi tự nhủ "Đó không phải là mình đâu".Nhưng tôi biết cái xác nằm đó chính là tôi và chắc có chuyện gì không ổn đây.Tôi thấy mọi việc có vẻ lạ lùng quá; tôi chưa bao giờ trải qua một tình huống nào như vậy.Nói cho cùng, tôi không thấy sợ hãi.Người tôi đen thui nhựa đường, mặt tôi bị rách và chảy máu.Tôi nhớ thấy rõ cái chân, đầy máu; một bác sĩ nói "Ông ta sắp đi đứt cái chân rồi".Trong lúc đó, ngươi ta đang cầm máu cho cái chân tôi. Cái monitor (màn hình máy đo tim mạch) đặt phía sau đầu tôi. Tôi có thể nhìn thấy những đường sáng chạy trên monitor và bỗng nhiên nó ngừng lại... Rồi tôi nghe có ai đó nói "Nó ngưng rồi..." Một bác sĩ vỗ vỗ và chà đẩy trên ngực tôi...Và rồi tôi như ở trong bóng tối hoàn toàn.Tôi đi qua giai đoạn tối đen. Thấy có ánh sáng, như có ai đó đang chiếu đèn và tôi đi về phía ấy. Và rồi mọi vật như sáng bừng lên và điều tiếp theo tôi nhớ là tôi như trôi đi. Tôi đi xuyên qua vùng ánh sáng đó. Ánh sáng ngày càng sáng hơn. Sáng thiệt là sáng và càng tiến đến gần càng sáng, đến làm choá mắt... Tôi thấy những thiên thần ở quanh tôi. Nhưng những thiên thần quanh tôi lại là các con tôi. Đứa con lớn nhất của tôi lúc đó 17 tuổi,... nhưng có vẻ như chừng mới sáu tuổi. Các con quây quần bên tôi, ba đứa bên phải, ba đứa bên trái, đứa con trai lớn ở trước mặt. Tất cả như cùng một lứa tuổi... Với mỗi đứa, tôi lại hồi tưởng những gì êm đềm nhất, thân ái nhất mà tôi đã trải qua với chúng.Giữa chúng và tôi không có nói năng gì.Nhưng khi nhìn chúng, tôi lại liên hệ từng đứa với những việc đã xảy ra trong quá khứ...Tôi nhìn thấy một màu xanh tuyệt đẹp, chung quanh chúng tôi toàn là một màu xanh đẹp đẽ đó.Không, bác sĩ  không thể gọi đó là bầu trời xanh, đó là một màu xanh thăm thẳm, một màu sắc đẹp đẽ. Tôi chưa bao giờ thấy một màu xanh như thế... Tôi cảm thấy có một lực nhè nhẹ đè ở trên đầu và nghe một giọng nói rằng "Về đi!" .Tôi nói ""Lạy Chúa, sao lại là con?và ai đó nói rằng công việc của tôi trên trần thế chưa xong, rằng tôi phải trở về để hoàn tất. Tất cả là tôi chỉ nghe giọng nói của người đó thôi, một giọng vang lớn, rền như tiếng sấm, như tiếng sấm ở đâu đó vọng lại... Sau đó, tôi chẳng nhớ gì thêm nữa, mấy đứa con rời tôi ra, rồi thấy tối thui và chẳng biết gì nữa.Hai ngày sau, tôi mới tỉnh lại trong phòng cấp cứu." (Đàn ông, trung niên, kinh doanh, bị tai nạn xe hơi trầm trọng).
7. Kinh nghiệm cận tử đã làm thay đổi quan niệm sống
      a/ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, bị thương nặng (mất hai chân và một tay) : "Sau khi trải qua NDE, tôi không đi viếng các đám tang nữa. Tôi không gởi hoa phúng điếu.Tôi cũng không chia buồn với người ta.Nếu có ai đó nói cho tôi biết có người vừa chết, tôi sẽ nói là chúng ta nên vui. Tại sao chúng ta lại không tổ chức party khi chết? Trong chúc thư của tôi, tôi dặn là không tổ chức tang lễ, cũng không lập mộ phần. Tôi sẽ được thiêu, rồi đem tro rải đi. Tôi nghĩ việc ma chay chỉ phí thì giờ, phí đất đai, nên tổ chức party thì hơn...Tôi không sợ chết. Tôi quả quyết tin rằng mọi việc xảy ra đều vì một mục đích nào đó... Tôi sống, giải trí, và làm việc, bao giờ cũng hăng say, vì tôi nhận thức rằng trong giây lát đây, tôi có thể ra đi vĩnh viễn... Có một cái gì đàng sau cuộc sống này.Cái ấy là sự an lạc. Trong kinh nghiệm cận tử , tôi đã hoàn toàn được an lạc. Tôi không muốn trở về dương thế nữa.Nó thật là khác lạ. Đó không phải là một sự trống rổng của cuộc sống hay của cảm giác, mà chính là một cảm thức đẹp đẽ, là một cuộc sống thực sự. Dù cuộc sống ở vào dạng nào chăng nữa, dù chúng ta ở dưới một dạng thức nào đó, chúng ta vẫn hiện hữu.".
          b/Đàn ông, tình nguyện viên phục vụ tại bệnh viện, đã qua NDE vì bệnh tim:"Tôi thực không muốn kể với bác sĩ về tình trạng NDE ấy, nhưng tôi nghĩ rằng đó là lúc đấng Christ đã đến trong đời tôi. Và điều này đã làm thay đổi sâu xa lối sống của tôi. Trước kia, tôi nhậu bia, whiskey và cả một lô các món khác nhưng bây giờ tôi không đụng đến nữa. Tôi không thể chờ đợi cho đến khi xuất viện ,sau NDE, rồi mới đi nhà thờ. Ông mục sư nói chưa bao giờ thấy có người nhiệt tâm tìm đến Chúa như tôi.Trước đó, tôi không bao giờ đi nhà thờ.Tôi đã nguyện trước Chúa rằng tôi sẽ đem quãng đời còn lại của tôi để phục vụ Chúa, như tôi đang làm.Tôi hiện đang làm việc cho Cơ Quan Thiện Nguyện Cựu Chiến Binh."
       c/ Nhà kinh doanh, cực kỳ bon chen, hoạt động, bị bịnh tim:"Điều ấy (NDE) đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi như một cái giật mình tỉnh thức. Tôi thường lo toan cuộc sống; sống và bon chen lao tới trước, nỗ lực làm cho cuộc sống dễ chịu hơn bằng cách “cày” nhiều hơn để có nhiều tiền hơn, làm cho cuộc sống thoải mái hơn...và cứ thế. Từ nay, tôi không làm thế nữa.Tôi chỉ sống qua ngày.Tôi thường sống với những gì đang còn ở phía trước, chưa xảy đến, và những gì đã rơi rớt lại đàng sau, đã qua rồi. Người ta không thể sống bằng ngày mai hay ngày hôm qua. Ta chỉ có thể sống trong cái ngày hiện ta đang sống. Tôi biết rằng tôi không có cuộc sống dài lâu như người khác, nên tôi đã sẵn sàng... Tôi biết nơi tôi sẽ đến, thế nên tôi không lo lắng về cái chết nữa.Tôi đã trải qua cái chết và nó cũng chẳng phiền nhiễu gì tôi. Tôi không sợ nó nữa...".
          d/ Phụ nữ, sau khi trải qua NDE, tình nguyện phục vụ tại bệnh viện để an ủi bệnh nhân: "Sau khi chết đi sống lại, tôi đến xin làm việc tại bệnh viện với tư cách tình nguyện. Một trong các cô ở đó là một nhà tâm lý, đang làm cán sự xã hội, có biết về quan niệm sống mới của tôi. Mỗi khi bác sĩ cho người nào đó biết rằng họ sắp chết, cô thường được gọi đến vì người ta thấy rằng lúc đó cần có người ở bên cạnh để an ủi. Khi cô nghe có ai như thế đang lo âu phiền muộn thì cô lại gọi tôi và cùng với tôi đến chuyện trò với người sắp chết.Điều này không gây phiền hà gì.Nói chuyện về cái chết là điều dễ dàng đối với tôi. Tôi cảm thấy mình đã làm tốt việc đó và đã đem lại niềm an tâm hơn cho mọi người."
        e/ Kinh nghiệm của một tiểu thương: "Khi tôi từ trong đường hầm (trong NDE) thoát ra, tôi biết đời tôi đã được hiến dâng cho Chúa... Từ đây, tôi sẽ không làm điều sai trái nữa.Tôi đã từng như những người khác, đã thử phiêu lưu nhiều trong cuộc sống khi làm ăn.Tôi đã uống rượu. Tôi có một cơ sở kinh doanh nhỏ và tôi đã nhậu nhẹt, hòa mình với người ta để giữ cho cơ sở chạy đều... Sau này, tôi nhận ra rằng tôi không cần phải hòa mình vào đám đó để giữ cho cơ sở hoạt động."
VII-KẾT LUẬN
        Tìm hiểu về cái Chết là một việc làm thật khẩn thiết vì tất cả chúng ta đều phải chết trong khi hầu hết chúng ta không biết gì về cái chết cả.
Nếu thật sự Chết là hết thì sự việc quá dễ dàng,chúng ta cứ việc sống cho đã đi rồi khi chết,sẽ có người khác lo giải quyết cái xác của mình:chôn,thiêu,cho kên kên ăn…,mà chẳng cần bận tâm gì cả.
          Nhưng trên thực tế,đã có nhiều người nhớ về tiền kiếp,có những người tái sanh do ý nguyện độ sinh như những vị Lạt ma Tây Tạng,có những người đã trải qua kinh nghiệm cận tử,có những nhà ngoại cảm có thể tiếp xúc với người chết…thì như vậy,sau cái chết,còn có nhiều điều bí ẩn mà ngay cả Khoa học cũng chưa giải thích được.Nhà văn André Malraux có nói dù muốn hay không,sự chết vẫn luôn luôn ám ảnh và chi phối sự sống của con người,do đó chúng ta nên tìm hiểu về cái Chết mà không cần phải qua cửa ngõ tôn giáo.
    Cái tựa của bài báo cáo là "TÌM HIỂU VỀ CÁI CHẾT" là tôi cố ý đặt như vậy thay vì nói "BÀN VỀ CÁI CHẾT" vì những hiểu biết của tôi chỉ là do vay mượn từ các người đi trước chứ không phải là tôi "thực chứng".
    Các Thánh nhân xưa kia không trả lời về sự chết cho người hỏi, theo tôi nghĩ, không phải vì họ không biết mà vì họ không muốn người hỏi cứ thích "hý luận" trong khi không chịu thực hành để có được THIÊN NHÃN (chưa dám nói đến TUỆ NHÃN, PHÁP NHÃN và PHẬT NHÃN).Vậy là ta phải thiền định thật tinh tấn để nhập thiền rồi mới có thể tiếp xúc được cõi vô hình,mới biết rõ được cái Chết.Giờ đây,chúng ta chỉ có hai con mắt thịt (NHỤC NHÃN) thì làm sao chúng ta thấy được cõi vô hình để mà kết luận:Có-không?Đúng-sai?... 
  Tôi nói như vậy,không phải là tôi đã có thiên nhãn nhưng tôi nghĩ các Lạt ma Tây Tạng nhờ Thiền định thâm sâu đã kể lại cho chúng ta rõ về sự Chết để ta chuẩn bị cho chính mình và cho người thân của mình thì tại sao có người lại phủ nhận ?
    Có 2 quyển các bạn nên xem (đều có trên mạng,trong Thư viện Hoa Sen)vì các bạn  sẽ thấy còn  rất nhiều vấn đề mình chưa biết:
1/Tạng thư sống chết của Sogyal Rinpoche do Ni sư Thích Trí Hải dịch và
2/Thể dạng trung gian giữa cái Chết và sự sinh của Dagpo Rimpoché do Hoang Phong dịch
    Trước khi đi đâu xa,ta thường phải chuẩn bị hành trang thật đầy đủ thì các bạn có thấy thật lạ lùng rằng người ta thường không lo chuẩn bị điều gì trước khi vào cõi Chết cả.Theo tôi,ta nên chuẩn bị ngay lúc còn sống ,nhất là với những người đã có tuổi để sự ra đi được nhẹ nhàng và tốt đẹphơn.                                   
                                  TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Pháp tuyển (Phật Pháp tuyển tập) :Hiển Mật,Đỗ Hữu Trạch,2011
2/ Tạng thư Sống Chết :Sogyal Rinpoche,Ni sư Trí Hải dịch .
3/Cái Chết: Đức Dalai Lama giảng tháng 8 năm 2010 .
4/Qua cửa chuyển tiếp: Đoàn văn Thông.
5/Kinh nghiệm cận tử: Stephanie Lam.(Nguồn: The Epoch Times).
6/Life after life :Raymond Moody
7/ Recollection of Death, a medical investigation :Sabom Michael
8/Trở về từ cõi sáng : Nguyên Phong
9/Bên kia cửa tử:Charles Leadbeater do Nguyên  Phong dịch
10/Thể dạng trung gian giữa cái Chết và sự Sinh:Dagpo Rimpoché.