Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Hát Cúng Đình- Hát Bội ở Quê Tôi

Ann Nguyen.





Mến tặng các bạn đồng hương Long Xuyên.

Thuở bé tôi vẫn thường được bà Nội mình dẫn đi xem đám hát cúng đình mỗi năm. Đó là dạo những năm 80s' ở Long Xuyên tỉnh An Giang. Nội tôi bảo ngày xưa nữa người ta không gọi khu mình ở là Phường mà gọi là Làng và nhỏ hơn nữa là xã. Mỗi năm thì các ông Cả, ông Hương mời các đoàn hát bội về để hát cúng đình cầu cho dân trong làng được yên vui thịnh vượng. Cái cảm giác háo hức được đi xem hát cúng đình của một đứa trẻ mới thú vị làm sao. Gần đến ngày có đoàn hát về ai cũng rạo rực thu xếp công việc để được đi xem. Trẻ con mà không ngoan sẽ bị doạ " ở nhà, không được đi coi hát cúng đình." Hát cúng đình thường được tổ chức từ sau Tết Nguyên Đán kéo dài đến tháng Năm âm lịch.

Đám hát được diễn ra ở ngôi đình trong khu tôi ở- Đình Mỹ Phước. Sân khấu được dựng lên ở sân đình nhưng phải đối diện với khu chánh điện thờ cúng, có lẽ là để các thần xem. Tất cả đều trang trí bằng rất nhiều màu sắc, nhiều nhất là màu đỏ và màu vàng. Khán đài là những dãy ghế cho các vị đứng đầu trong khu đình, các quan chức. Còn lại là toàn ghế đẩu, càng xa sân khấu thì ghế càng cao. Tôi lúc nào cũng được Nội cho đứng trên ghế, bà đứng dưới đât cạnh bên ôm tôi cho khỏi té. Các tuồng hát được hát theo kiểu hát bội. Thuở đó tôi chẳng hiểu gì ngoài cái điệu " Ứ…ứ…" hay giọng giận dữ của một nhân vật "cha chả, nhà người thật là to gan." Điều tôi học ở Nội là nhân vật hiền thường xuất hiện từ cánh gà bên phải, trang phục đơn giản, mão đội đầu không có cái râu cao. Nhân vật đóng vai ác thì ngược lại và đôi chân mày được hoá trang rất đậm và chếch ngược lên trên. Làm lành lánh dữ là bài học sau những buổi xem hát cúng đình.

Những tuồng được hát thường là San Hậu, Triệu Tử Phò Ấu Chúa, Lưu Bị Cầu Hôn Giang Tử, Phụng Nghi Đình. Nhiều người lớn đi xem hát cúng đình còn thích "bói tuồng". Nhân vật nào xuất hiện đầu tiên lúc mình vừa tới sẽ là vận mệnh hay điềm báo cho năm đó. Tuỳ nhân vật lành dữ mà người xem gặp may mắn hay bất trắc cả năm. Cũng có khi là một báo hiệu cho duyên tình trong năm mới. Chẳng biết bói tuồng đúng sai nhưng cái thú thưởng thức văn nghệ của người xưa cũng hay. Tôi nhớ nhất là ông cầm chầu. Ông này phải thủ cái trống to đùng và đánh liên tục suốt buổi hát. Hát cúng đình kéo dài, nhiều người ra về khi tuồng chưa vãn, nhưng người cầm chầu thì phải ở đó suốt đến hết tuồng. Sau này mỗi lần nghe câu hát " Ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu" là tôi nhớ đến đám hát cúng đình và người cầm chầu quê tôi.

Theo nhà văn Sơn Nam, hát cúng đình dược tổ chức tại các đình thờ Thành Hoàng Ông Bổn Cảnh hằng năm. Đám hát phải có lễ Xây Chầu, Đại Bội rồi đến Hát Bội. Cũng theo ông, hát bội phải gắn với tế lễ và gồm có lễ Thỉnh Sinh ( Thỉnh Sắc), Yết Tế, Dâng Hương, và Lễ Hoàn Mãn. Theo các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam, như đã được ghi trong tự điển của Thanh Nghị thì bộ có nghĩa là dáng dấp, bội có nghĩa là diễn trò. Vậy thì hát bộ là hát có điệu bộ còn hát bội là hát có tuồng, có lớp lang và diễn theo tích xưa.

Trong các khoá Tiếng Việt ở các trường cộng đồng ( Community College) và các trường Đại Học ( University) ở Mỹ đều có dạy sinh viên một chút về bộ môn nghệ thuật này. Ngày nay, hát cúng đình không còn phổ biến ở các vùng miền Tây Nam Bộ như xưa. Mai sau chắc thế hệ trẻ cũng không mấy hứng thú tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này. Thử một hôm bạn lên giọng "ứ…ứ…phu quân ơi" chắc cả nhà phải tìm bác sĩ xem hệ thần kinh có ổn định  hay không. Nói cho vui thế thôi, chứ thỉnh thoảng tôi vẫn nghe bọn trẻ cao hứng " quân sĩ đâu" trong trò chơi "gươm giáo" nhựa. 

Xa quê nhà, thỉnh thoảng nhớ quê hương và kỉ niệm hát cúng đình tìm về. Có ai cũng chợt nhớ những ngày chen nhau đi xem cúng đình và có mối tình nào làm nên duyên nợ sau buổi hát cùng đình không nhỉ!?

San Jose
October 12, 2014

Không có nhận xét nào: