Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Hối hận muộn màng


Có một chàng trai trẻ sắp tốt nghiệp đại học. Trong nhiều tháng nay anh ta luôn mơ ước một chiếc xe ô tô thể thao tuyệt đẹp đang để ở phòng trưng bày mẫu hàng. Anh cũng biết rằng cha mình có thừa khả năng mua nó. Bởi thế, anh quyết định nói ra điều mong ước của mình với hi vọng rằng, cha sẽ tặng nó cho anh vào đúng lễ tốt nghiệp.
Ngày mong ước cuối cùng cũng tới. Chàng trai trẻ chờ đợi trong hồi hộp những dấu hiệu cho thấy cha anh đã mua chiếc xe. Vào buổi sáng ngày tốt nghiệp, người cha gọi chàng trai vào phòng và bắt đầu nói ông tự hào như thế nào khi có một người con trai giỏi giang và ngoan ngoãn như anh. Rồi ông trao cho anh một hộp quà được gói rất đẹp.
Chàng trai mở quà trong hồi hộp, kì vọng xen lẫn tò mò, nhưng trái với mong ước của anh, bên trong hộp quà chỉ là quyển kinh thánh bọc da có khắc chữ nổi tên anh.
Giận dữ, chàng trai lớn tiếng với người cha đáng kính: “Với tất cả số tiền của cha, cha chỉ có thể cho con một quyển kinh thánh thôi ư?” rồi lao ra khỏi nhà và vứt lại món quà.
Nhiều năm trôi qua, chàng trai trẻ giờ đã trở thành doanh nhân thành đạt. Anh ta có một ngôi nhà đẹp, một gia đình hạnh phúc và chợt nhận ra rằng người cha của mình giờ đã rất già. Có lẽ anh cũng nên đi thăm ông ấy bởi từ ngày bỏ đi đến nay, anh không đến gặp cha lần nào cả.
Tiếc rằng trước khi anh có thể thực hiện được ý định của mình, thì có một cuộc điện thoại báo cha anh đã mất và trong di chúc, ông để lại tất cả tài sản của mình cho con trai.
Chàng trai vội vàng trở về nhưng khi bước chân vào nhà, cảm giác về một nỗi buồn và sự hối tiếc bất ngờ xâm chiếm. Anh bắt đầu tìm kiếm những giấy tờ quan trọng của người cha, bất chợt tìm thấy quyển kinh thánh vẫn còn mới, giống hệt như quyển kinh thánh anh đã để lại nhiều năm trước.
Trong nước mắt, anh lần mở từng trang giấy. Bỗng một vật rơi ra từ quyển kinh thánh. Đó là chiếc chìa khoá xe ô tô và bên trong quyển sách còn có một cái thẻ tên nhà phân phối chiếc xe thể thao mà anh từng ao ước. Trên thẻ là ngày tốt nghiệp của anh và các chi phí mua xe đã được trả đầy đủ.

Cảm thấy đau nhói nơi trái tim, giờ thì anh đã hiểu: “Trái tim của một người cha luôn tràn ngập tình yêu thương nhưng tình yêu đó lại không thể nói thành lời “.

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Đừng quên mẹ

Có một sự thật là: tình thương yêu và hy sinh vô bờ của người mẹ cho những đứa con từ khi có loài người đến nay chẳng hề thay đổi, nhưng lòng hiếu thảo của những đứa con đối với mẹ mình càng ngày càng trở thành một nguy cơ trầm trọng.
Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather và American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.
Những năm gần đây, chúng ta phải đau đớn chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn những câu chuyện đau lòng về tội bất hiếu. Và có những chuyện bất hiếu đã trở thành những tội ác man rợ. Đó là những câu chuyện bất hiếu đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin và lên tiếng cảnh báo. Nhưng còn có một phía khác của sự bất hiếu mà chúng ta chưa lên tiếng hoặc chưa ý thức rõ về nó mà có người gọi nó bằng một cái tên “Sự bất hiếu ngọt ngào”.
“Sự bất hiếu ngọt ngào” là chỉ những đứa con có đủ điều kiện vật chất để nuôi những người mẹ. Nhưng những đứa con đó không cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Sự thật là có những bà mẹ chỉ sống giữa những đứa con như một thực thể sống tự nhiên chứ không phải là một trung tâm của tình cảm. Với lý do công việc và với muôn vàn lý do khác, những đứa con đã để mẹ mình sống cô độc ở một làng quê gần, xa nào đó hoặc ngay trong chính thành phố mà họ đang sinh sống.
Thay cho sự hiện diện của họ trước mẹ mình trong những ngày nghỉ là sự hiện diện của một gói quà và những đồng tiền. Thay cho những lời tâm sự của những đứa con với mẹ mình trong những buổi tối khó ngủ của người già là những người giúp việc được trả lương cao. Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã gánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.
Một thời gian chúng ta có nói đến việc những đứa con gửi cha mẹ vào nhà dưỡng lão trong các nước phương Tây hoặc châu Âu. Và có không ít người quan niệm đó là sự trốn tránh trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ khi cha mẹ về già. Nhưng sau một thời gian quan sát và có nghiên cứu thực tế ở các nước đó, tôi thấy đó là cách những đứa con tìm cho cha mẹ họ một không gian thích hợp và có ý nghĩa nhất với cha mẹ khi ở tuổi già và đó cũng là một trong những văn hoá sống của các nước đó. Nhất là khi cha mẹ họ có những vấn đề của tuổi tác, sức khoẻ và tâm lý. Nhưng hầu như hàng ngày, họ gọi điện trò chuyện với cha mẹ và hàng tuần, họ vẫn đến thăm cha mẹ trong nhà dưỡng lão. Họ ở lại với cha mẹ có khi cả ngày để trò chuyện và vui chơi cùng cha mẹ.
Có những người mẹ trong những năm cuối đời chỉ mơ một giấc mơ giản dị nhưng thật đau đớn và thương cảm là có một cái Tết được ăn Tết với con cháu mình. “Con bận lắm. Nhiều khách khứa đến làm việc lắm. Mà nhà cửa bỏ đấy trộm nó vào nó khuân hết. Tết con không về được. Bà cần gì thì cứ bảo. Con sắm sửa đầy đủ cho bà”. Đấy là những ngôn từ càng ngày càng trở lên quen thuộc của những đứa con nói với mẹ mình trong một ngày cuối năm về thăm mẹ vội vã. Những lý do trên chỉ là sự bao biện cho thói ích kỷ và sự hoang hoá tình thương yêu của những đứa con đối với mẹ mình. Còn vị khách nào quan trọng hơn mẹ mình nữa? Còn của cải nào quí hơn mẹ mình nữa? Và đối với những bà mẹ, tài sản duy nhất có ý nghĩa là những đứa con.
Nhưng những đứa con đó không bao giờ hiểu được người mẹ của chúng không cần bất cứ quyền chức hay tiền bạc chúng đang có mà chỉ cần chúng ngồi xuống bên bà như thuở nhỏ đầy yếu đuối, sợ hãi và tin cậy trong sự che chở của bà hoặc thấy chúng lớn lên làm một người tốt. Nhưng chúng đã xa rời bà mà bà không có cách nào kéo chúng gần lại. Không phải chúng xa rời xa bà bởi không gian và thời gian do điều kiện sống và công việc mà chúng đang xa rời xa sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Bà đã và đang mất chúng.
Tôi đã chứng kiến một bà mẹ gần 90 tuổi mắt đã mờ lần mò làm một con gà cúng đêm giao thừa trong khi những đứa con của bà đang quây quần vui vẻ đón giao thừa với gia đình riêng của họ ở thành phố chỉ cách nơi bà ở không quá 30 km. Không có bất cứ lý do gì có thể biện minh cho những đứa con khi bỏ quên mẹ mình trong những ngày đặc biệt và quan trọng như thế.
“Sự bất hiếu ngọt ngào” còn để chỉ những đứa con bỏ quên những người mẹ trong chính ngôi nhà của họ. Nhưng những người mẹ đó không bị bỏ đói mà ngược lại được “nuôi giấu” trong một đời sống vật chất đầy đủ. Trong không ít những ngôi nhà to, đẹp và đầy đủ tiện nghi, những đứa con đã “giấu” mẹ mình mà nhiều lúc chúng ta không làm sao có thể phát hiện ra là trong ngôi nhà đó có một bà mẹ.
Có những người thi thoảng lại đến thăm bạn mình trong suốt mấy năm trời nhưng không bao giờ được gặp bà mẹ của anh ta. Anh ta “giấu” mẹ trong một căn phòng trên tầng 3, tầng 4 gì đó của ngôi nhà. Anh ta dậy sớm đi làm vội vã nhiều lúc không còn kịp leo lên tầng chào mẹ. Trưa thì đương nhiên anh ta không về nhà. Tối anh ta về muộn. Vợ anh ta hoặc người giúp việc đã cho bà mẹ ăn cơm trước với lý do để cụ đi nghỉ sớm kẻo mệt. Anh ta trở về nhà ăn tối cùng vợ con và chuyện trò rồi điện thoại và cuối cùng lăn ra ngủ. Có không ít ngày anh ta hoàn toàn quên mẹ mình đang sống trong cùng ngôi nhà và âm thầm mong nhìn thấy con mình và trò chuyện mấy câu với con.
Càng ngày chúng ta càng được chứng kiến những đứa con khi có khách đến chơi thì khoe hết đồ này vật nọ đắt tiền, thậm trí khoe một con chim cảnh quí hàng ngàn đô la với một giọng nói thật “say đắm” mà chẳng thấy họ khoe một người mẹ vừa ở quê ra chơi hay đang ở đâu đó trong ngôi nhà to, rộng của họ.
Có những người không bao giờ để mẹ ngồi ăn cơm cùng khi vợ chồng anh ta có khách. Có lẽ sự xuất hiện của người mẹ đã già nua không còn phù hợp với những thù tạc, những vui buồn của anh ta nữa chăng. Nhưng anh ta đâu biết rằng, có những đêm khuya bà mẹ không thể ngủ và đầy lo lắng khi nghe tiếng ho của anh ta hay khi vợ chồng anh ta to tiếng. Bà mẹ sống giữa con cháu mà như sống trong một thế giới xa lạ.
Vì thế, có không ít người mẹ đã bỏ về quê sống một mình trong ngôi nhà cũ của mình. Bởi cho dù ở đó bà không được sống với những đứa con của mình thì bà cũng được sống với những gì vốn rất thân thương với bà như con chó, con mèo, cái cây, cái cối. Và thay vào sự chia sẻ, an ủi của những đứa con là sự chia sẻ và an ủi của những thứ kia kể cả những thứ vô tri vô giác. Và thực sự điều này làm cho chúng ta vô cùng xấu hổ và đau đớn.
Tội lớn nhất của con người chính là tội bất hiếu. Nghethuatsong mong rằng qua tâm sự trên, các bạn sẽ phần nào nhìn nhận lại thái độ và cách ứng xử hàng ngày của mình đối với cha mẹ. Đừng để bản thân sau này phải hối hận…
Chúng ta không bao giờ biết được tình yêu bao la mà cha mẹ dành cho mình cho tới khi chúng ta trở thành những ông bố, bà mẹ thực sự – Henry Ward Beecher

Chiếu Chợ Nha Mân

Ann Nguyen

Đã từng có những chuyến ghe  xuôi ngược dòng Long Xuyên- Đồng Tháp với từng đôi chiếu xếp ngay ngắn mang về chợ Nha Mân. Gần một thế kỷ trôi qua, chợ Nha Mân thay hình đổi dạng, dòng sông cũng có khúc cạn khúc sâu. Chiếu xưa giờ cũng ít ai dùng đến. Đêm tân hôn không còn cái ngọt ngào của đôi chiếu thơm mùi lác mới. Tết, giỗ cũng ít ai trải chiếu trên nền nhà râm rả chuyện làng quê. Người chết khi tẩn liệm cũng không nhất thiết cần có mảnh chiếu bó thân. Chiếc chiếu đi dần vào quên lãng như chuyện tình của những người dệt chiếu năm xưa. 
Năm chị em gái mồ côi mẹ sống với cha là ông Cả dạy học trong làng Định Yên. Ông Cả thương con nên chưa từng đi thêm một bước cho đến lúc lâm chung. Năm chị em nuôi nhau bằng nghề dệt chiếu. Bất kể trăng sáng hay trăng mờ, đêm đêm dáng tay thoăn thoắt dưới hiên nhà dệt cho kịp đôi chiếu sáng ngày mai. Vui buồn mấy độ trên ánh mắt nụ cười của năm cô con gái khi bán được những đôi chiếu do chính mình chắt chiu, nâng niu từng đường nét.
Có một chàng trai cứ cuối tháng lại về làng mua chiếu mang về chợ Nha Mân. Chợ Nha Mân có một hàng chiếu và nhiều loại tạp hoá khác, đông khách ra vào. Ghe rời bến mang chiếu đi, mắt ai dõi về sân nhỏ tiếc nuối nhìn dáng cô Tư khuất dần sau rặng dừa ven bến. Tuổi đôi mươi của cái thời ghe xuồng là phương tiện đi lại chính, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe hơi về làng nói chi truyền hình hay điện thoại. Chỉ có đôi mắt của hai tâm hồn và hai trái tim rung động của tình yêu thì thời nào cũng nồng nàn, ấm áp. Cô Tư đến thì con gái, ông Cả đến lúc phải định đôi. Nàng không dám trái lời cha. Ngày vu qui nàng rời Định Yên về làng Thơm Rơm- Thốt Nốt nhiều tôm cá, nhiều lò bánh tráng thơm lừng mùi gạo chín. Nàng tiếc nuối khung dệt, những chiếc chiếu, và bến đò thấp thoáng rặng dừa. Dáng chiếc ghe tam bản cùng chàng trai chợ Nha Mân thoáng hiện về trong cô Tư những đêm trời trở gió.
Sáu mươi năm dần trôi theo những thăng trầm thời cuộc. Ông Cả qui tiên. Cô Tư tóc ngã màu cùng sương nắng. Một goá phụ nuôi hai con trai khôn lớn thành người. Những bốn mươi năm giường không, gối chiếc bà vẫn trăn trở nhớ đôi chiếu ngày xưa. Hai bà cháu về thăm chợ Nha Mân. Ông bán chiếu vẫn còn một tiệm tạp hoá với những đôi chiếu ngay ngắn xếp thành hàng với nhiều màu sắc. Lặng lẽ hỏi bao nhiêu  tiền một đôi chiếu rồi lặng lẽ ra về. Ông không còn đôi mắt để nhận ra cô Tư dệt chiếu năm nào.

Thỉnh thoảng có đi đâu đó ngang qua Nha Mân, cháu nội chợt nhớ bà. Và thỉnh thoảng cũng nhớ một người không cùng duyên chia chung đôi chiếu…

Kính hương hồn Nội,

San Jose

September 26, 2014


Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Đau đâu chích đó

THY ANH

Anh 58 tuổi, đái tháo đường được vài năm, đang theo dõi liên tục bỗng "biến mất" vào năm 2012, hôm nay xuất hiện, đi cà nhắc vô phòng khám như ông cụ. Anh kể, năm 2012 đường huyết ổn, đang khỏe re, rồi đau gối (T), bác sĩ chấn thương chỉnh hình chẩn đoán thoái khớp cho thuốc uống nhưng giảm đau không nhiều. Nghe đồn thành phố HCM có ông bác sĩ chuyên chích vô khớp hết đau rất nhanh, mò lên khám. Chích mũi đầu, hết đau ngoạn mục, được 1 tuần, đau lại, chích thêm 2 lần nữa, càng ngày càng đau, rồi đầu gối sưng đỏ, sốt cao không đi được, phải khiêng vô một BV lớn tại TP. Tại đây, các BS la quá trời, chẩn đoán nhiễm trùng, tụ mủ trong khớp, chích kháng sinh, mổ nội soi mấy lần có giảm, nhưng vài tháng sau xì mủ ra da gần gối, lại vô 1 BV lớn khác, được mổ hở, nạo vét ... Anh kéo quần cho xem đầu gối chằng chịt sẹo, BS dự định sắp tới có thể phải mổ lại lần nữa. Hỏi anh, BS chích vô khớp thuốc gì? BS chuyên khoa gì? Đáng tiếc là anh không biết tên thuốc, chỉ biết thuốc có màu trắng đục như sữa, và đáng tiếc hơn nữa, mình có biết ông BS này: ông là BS chuyên khoa Nội Thần Kinh.
Có lẽ việc chích thuốc điều trị vào khớp nên dành cho chuyên khoa xương khớp, đặc biệt trên BN đái tháo đường. Với các BN này, luôn phải dè chừng nguyên nhân viêm khớp nhiễm trùng và biến chứng nhiễm trùng sau thủ thuật mà hậu quả sẽ khôn lường nếu bị chích corticoid.

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

MƯA SAO BĂNG


Chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa, có 1 đôi nam nữ yêu nhau say đắm. Cô gái Hath rất xinh đẹp, thông minh và giàu có. Chàng trai Gimi nghèo khó, chẳng có gì ngoài tình yêu chân thành…
Để làm đẹp mình hơn trong mắt người yêu, một hôm Hath quyết định vào tiệm duỗi tóc. Khi trở về, Hath xinh đẹp và lộng lẫy gấp ngàn lần hơn. Mọi người đều trầm trồ khen ngợi nàng là người đẹp nhất thế gian. Lời đồn đến tai thần Venus. Nữ thần sắc đẹp rất tức giận vì Hath xinh đẹp hơn mình, nên bắt Hath phải chết.
Và rồi nàng Hath chết, song sắc đẹp của nàng vẫn không tàn phai. Chàng Gimi đặt nàng nằm trong 1 chiếc quan tài bằng pha lê, và chàng quyết tâm đi đến cùng trời cuối đất tìm cách cứu nàng. Chàng đi ròng rã ngày này sang tháng khác, vượt qua bao nhiêu khó khăn, đi qua bao miền đất, giúp đỡ biết bao người dọc đường đi. Đến nơi chân trời xa kia, chàng gặp được vị thần Eros. Thần tình yêu cảm động trước chàng, thần chỉ tay lên bầu trời và dặn rằng: “Ở trong dãy thiên hà xa xôi kia, có 1 chùm sao gồm 7 ngôi sao băng. Con hãy đến đó, và hái cho được 1 ngôi sao băng sáng nhất. Vào ngày cuối cùng của tháng 7, con hãy ném ngôi sao ấy xuống trái đất, người con yêu sẽ tỉnh dậy. Nhưng sau đó, con sẽ phải biến thành 1 ngôi sao để thế chỗ cho ngôi sao băng đó, rồi suốt đời con sẽ chỉ là 1 ngôi sao. Con có chịu không?”
Những ai được chết vì yêu là đang sống trong tình yêu, ta không quan tâm chuyện gì xảy ra, chỉ cần nàng được sống, chàng nghĩ. Và chàng tiếp tục lên đường. Chàng đã hái ngôi sao băng sáng nhất, chàng đã chờ đợi ngày ngày để ném nó xuống trái đất. Một ngày dài như một năm khi chờ đợi, chàng không thể chờ thêm được nữa. Chàng đã ném nó xuống trái đất trước 1 ngày. Đêm 30-7 năm đó, khi ngôi sao băng sáng nhất được ném xuống trái đất, gặp lực ma sát cực lớn của bầu khí quyển, nó đã vỡ tung ra thành hàng trăm mảnh nhỏ, làm sáng rực cả một vùng trời. Sau này, người ta gọi đó là mưa sao băng.
Ở nơi đó, trong chiếc quan tài pha lê tuyệt đẹp, nàng Hath vẫn nằm im, xinh đẹp. Mái tóc nàng mượt mà như suối nước, những ngón tay nàng nhỏ nhắn, mềm mại đến diệu kỳ. Cơ thể nàng vẫn lạnh ngắt. Chỉ 2 dòng nước mắt nóng chảy trên gò má nàng, chảy mãi, chảy mãi. Chàng Gimi giờ trở thành 1 ngôi sao. Vì quá thương nhớ nàng Hath mà chàng không thể thắp sáng nổi chính mình. Chàng dần mờ nhạt nhất trong cả chùm sao, mà sau này người ta gọi là chòm sao tình yêu.
Ngày nay, mỗi khi gặp mưa sao băng, chúng ta thường mơ ước 1 điều gì đó. Đặc biệt, nếu gặp được mưa sao băng trong đêm 30-7, những người yêu nhau luôn mơ ước mãi mãi không chia lìa. Sau này, khi sắp xếp lại bảng chữ cái, chữ cái đầu tiên của tên 2 người được đặt kề cạnh nhau, theo thứ tự chàng đi trước, nàng theo sau. Mong muốn 1 tình yêu bền lâu, những người yêu nhau cũng thường tặng nhau những chiếc nhẫn in hình 6 ngôi sao băng & 1 ngôi sao cô đơn mờ nhạt.
Sưu tầm


Trân trọng yêu thương


Trong một ngôi chùa có một người phụ nữ và một nhà sư.
Nữ: Sư thầy thánh minh, con là một người đã kết hôn, giờ con đang rất yêu một người đàn ông khác. Một ngày không gặp anh ấy con thấy bứt rứt không yên, con thực sự không biết nên làm thế nào.
  
Sư: Con có chắc người đàn ông con đang yêu là người duy nhất – cuối cùng con yêu…… thương nhất trong đời hay không?

Nữ: Vâng. Đã rất nhiều năm con không rung động như vậy. Khi gặp được anh ấy, con không muốn mình bỏ lỡ.
Sư: Vậy con ly hôn rồi cưới anh ta.
Nữ: Nhưng chồng con là một người đàn ông lương thiện, có trách nhiệm. Nếu con làm như vậy có phải là tàn nhẫn, không đạo đức không?
Sư: Hôn nhân không có tình yêu mới thực sự là tàn nhẫn, thiếu đạo đức. Giờ con đã yêu người khác, không yêu chồng con nữa, làm như vậy là đúng rồi.
Nữ: Nhưng chồng con rất yêu con, thực sự rất yêu con.
Sư: Vậy chồng con đã rất hạnh phúc rồi.
Nữ: Nếu con ly hôn rồi lấy người khác, chồng con sẽ không còn hạnh phúc mà là đau khổ đúng không?
Sư: Trong hôn nhân, chồng con có tình yêu anh ấy dành cho con nhưng trong hôn nhân của con thì không, con yêu người khác, con đã mất đi tình yêu của chồng con, người đau khổ là con mới đúng.
Nữ: Nhưng là con muốn ly hôn và kết hôn với người khác, là chồng con mất đi con, là anh ấy đau khổ, phải không?
Sư: Con sai rồi. Con chỉ là một người cụ thể trong hôn nhân của chồng con, khi con không còn trong cuộc hôn nhân ấy nữa, rồi chồng con cũng sẽ yêu người khác bởi chồng con chưa đánh mất đi tình yêu trong hôn nhân, nhưng con đã mất đi rồi. Nên người đau khổ là con chứ không phải là chồng con.
Nữ: Chồng con nói rằng cả đời này anh ấy chỉ yêu con, không yêu ai khác.
Sư: Con đã nói ra lời như vậy chưa?
Nữ: Con… Con… Con…
Sư: Con nhìn vào chiếc lư hương kia và nói xem, trong ba chiếc nến ở đó, chiếc nào là sáng nhất.
Nữ: Con không biết, có vẻ đều như nhau.
Sư: Ba chiếc nến đó cũng như ba người đàn ông, một trong đó là người đàn ông hiện giờ con yêu nhất. Mà đàn ông trên đời thì có nghìn vạn. Đến ba cây nến mà con không thể nhìn ra cây nến nào là sáng nhất vậy giữa cuộc đời này, con có thể tìm ra đâu là người đàn ông duy nhất – cuối cùng của con không?
Nữ: Con… Con… Con…
Sư: Giờ con cầm lấy một cây nến để trước mặt con, nhớ là dùng tâm để chọn ra cây sáng nhất.
Nữ: Tất nhiên cây trước mắt con là sáng nhất.
Sư: Giờ con để lại chỗ cũ và nhìn xem cây nào sáng nhất.
Nữ: Con thực sự vẫn không nhìn ra cây nào sáng nhất.
Sư: Thực ra cây nến con vừa cầm cũng như người đàn ông mà con đang yêu nồng nhiệt. Con dùng tâm nhìn và yêu thương nên con thấy đó là cây nến sáng nhất, nhưng khi đặt về vị trí cũ thì con lại không tìm được cảm giác ấy.
Nữ: Con hiểu rồi. Thầy thực sự không muốn con và chồng ly hôn. Là thầy đang khiến con hiểu rõ tâm mình hơn.
Sư: Nhìn thấu mà không nói rõ. Con đi đi.
Nữ: Giờ con biết người con yêu thương nhất là ai rồi, đó là chồng con.
Sư: A di đà phật.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Niềm tin


Cách đây vài năm, một giáo viên phổ thông được thuê để dạy riêng cho những học sinh phải nằm viện. Nhiệm vụ của cô là kèm cặp cho các em khỏi mất bài, để có thể theo kịp chúng bạn khi xuất viện.
Ngày nọ, một cú điện thoại giao việc gọi tới. Như thường lệ, cô ghi lại tên học sinh, địa chỉ bệnh viện, số phòng và nghe giáo viên đầu dây bên kia dặn dò:
– Hiện lớp chúng tôi đang học bài Danh từ và Trạng từ. Tôi rất biết ơn nếu cô kèm em làm hết bài tập về nhà để đừng bị bỏ quá xa.
Mãi tới lúc đừng trước cửa phòng cậu bé, cô giáo mới biết em thuộc khoa phỏng của bệnh viện. Không ai báo trước cho cô biết điều gì đang chờ mình đằng sau cánh cửa đóng im ỉm, chỉ thấy người ta bắt cô phải mặc áo choàng và đội mũ kín mít để phòng tránh vi trùng. Y tá còn dặn dò cô đừng chạm vào người hay giuờng của bệnh nhân, chỉ được đứng gần và nói qua chiếc mặt nạ. Chuẩn bị xong xuôi, cuối cùng cô hít một hơi thật sâu rồi hồi hộp bước vào. Toàn thân cậu bé lở loét khủng khiếp, lộ vẻ đau đớn thảm khóc. Cô giáo kinh sợ đến nỗi không thốt nên lời, nhưng đã quá muộn để quay lại và bỏ chạy. Cố gắng mãi cô cũng mấp máy được vài lời:
– Cô là giáo viên biệt phái của bệnh viện, cô giáo của em nhờ cô tới giúp em học bài Danh từ và Trạng từ.
Cô cảm tưởng như hôm đó là một trong những buổi dạy tệ nhất trong đời mình.
Sáng hôm sau cô quay lại. Một chị y tá hỏi:
– Cô đã làm gì với cậu bé tội nghiệp đó vậy? – Rồi không để cô kịp thanh minh hay xin lỗi, chị tuôn luôn một tràng – Cô không hiểu hết đâu, chúng tôi đang lo sốt vó lên vì cậu bé, nhưng sau buổi học hôm qua thì thái độ của em thay đổi hoàn toàn. Em đã chịu tuân theo sự chữa trị của bác sĩ, không nổi loạn nữa và có vẻ muốn sống.
Sau này chính cậu bé ấy giải thích rằng trước khi gặp cô giáo cậu đã tuyệt vọng ghê gớm, chỉ ước được chết thôi. Mọi biến chuyển đều bén rễ từ một nhận thức vô cùng đơn giản. Với những giọt nước mắt sung sướng nhạt nhòa trên má, cậu bé bị phỏng nặng đến nỗi mất hết cả nghị lực ấy lý giải như thế này:

- Có bao giờ người ta phái cô giáo đến dạy Danh từ và Trạng từ cho một cậu bé đang hấp hối đâu, phải không ạ?

MỘT CÂU CHUYỆN CỦA THẦY

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.
Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…
Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”
Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi”
Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé”
Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”
Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy”
Thầy giáo xúc động : “Trả lời rất đúng”
Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng : “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi”
Kể xong câu chuyện, phòng học trở nên im ắng, các em học sinh đã hiểu được ý nghĩa câu chuyện này: Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác


Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

TÌNH DƯỠNG SINH

THY ANH

Hôm nọ, dậy sớm đi ăn sáng với bà xã trong chợ gần nhà, ngồi bên một bà cụ vừa đi tập dưỡng sinh về, có lẽ thấy mình đã râu tóc bạc phơ, vừa ăn bún riêu bà vừa tám cho nghe một chuyện cũng vui vui. Bà hơn 60, tập dưỡng sinh ở công viên từ chục năm nay. Theo bà, các cụ tập dưỡng sinh buổi sáng ở công viên có 3 loại
Loại 1 - tập thiệt, tập để giữ sức khỏe, do bác sĩ khuyên, vì bệnh tiểu đường, vì tăng mỡ máu ...
Loại 2 - ở nhà tập một mình buồn, ra công viên tìm bạn tập cho vui, vửa khỏe vừa có người trò chuyện, rồi lập hội sinh hoạt, lâu lâu đi thi, đi biểu diễn, đi du lịch.
Loại 3 - ra công viên tập đễ tìm "bạn tình", tìm được rồi thì bỏ tập mà hẹn hò đâu đó, miễn sao hết buổi sáng rồi về nhà với con cháu, hoặc về với cụ ông hay cụ bà ở nhà. Mấy cụ này rất dễ biết, cụ bà đi tập thì diện cứ như con công, lại còn phấn son đâm đà, cụ ông thì áo quần thể thao đúng điệu, đi đứng "hiên ngang". Khi gặp nhau thì tíu ta tíu tít như đôi "chim quyên", nhưng lát sau, biến mất cả đôi, chả biết đã cùng nhau trốn vào cái chỗ nào để tập dưỡng sinh.

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Quà tặng từ góc nhìn cuộc sống


Cuộc sống không bao giờ là bế tắc thực sự nếu con người dám rời bỏ những lối mòn và dũng cảm tìm ra những giá trị mới. Quà tặng là hiện tại, không phải là quá khứ, cũng không là tương lai quà tặng chính là hiện tại.
Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, chỉ cần tập trung vào hiện tại và những gì bạn cho là đúng ngay vào lúc này. Điều đó sẽ làm cho bạn vui và hạnh phúc hơn, nó sẽ tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho bạn, giúp bạn vượt lên những lỗi lầm và khó khăn.
Sống trong hiện tại là loại bỏ những phút giây xao lãng, tập trung về những gì quan trọng vào lúc này. Bạn là người tạo ra hiện tại cho mình, bằng chính những gì bạn có thể làm ngay bây giờ.
Rất khó để từ bỏ những ngày hôm qua, nếu bạn không quyết tâm học từ quá khứ. Chỉ khi nhận được bài học của ngày hôm qua, và bước tiếp, hiện tại của bạn mới tốt đẹp hơn.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy không hài lòng với hiện tại, hoặc khi vấp ngã trên đường đời, thì lúc đó bạn biết mình cần phải học hỏi từ quá khứ, và hướng đến tương lai.
Không ai trưởng thành mà không có những lần vấp ngã, hãy nhìn vào những lỗi lầm trong quá khứ, rút ra bài học có giá trị, rồi áp dụng chúng để làm cho hiện tại tốt hơn.
Bạn không thể thay đổi quá khứ của mình, nhưng bạn có thể học hỏi từ quá khứ, để trong những tình huống tương tự của hiện tại, bạn sẽ hành động khác đi, chí có cách đó hiện tại của bạn mới tươi đẹp hơn.
Không ai có thể tiên đoán, hay định trước tương lai, tuy nhiên càng lên kế hoạch cụ thể cho tương lai, càng biết rõ những điều bạn mong muốn, thì bạn càng không phải lo lắng nhiều về Hiện tại, và tương lai cũng trở lên rõ ràng hơn.
Hãy nghĩ đến một tương lai tươi đẹp như bạn hằng mong muốn, hãy lập ra một kế hoạch tốt nhất để có thể biến nó thành hiện thực, và ngay trong hiện tại từng bước thực hiện kế hoạch đó.
Hành động của bạn tùy thuộc vào mục đích của bạn, khi bạn muốn được hạnh phúc và thành công hãy sống với phút giây Hiện tại, khi bạn muốn hiện tại tốt đẹp hơn quá khứ đó là lúc bạn cần phải học từ ngày hôm qua. Khi bạn muốn tương lai tươi đẹp hơn hiện tại, đó là lúc bạn phải lên kế hoạch cho chính mình.
Chỉ khi nào bạn sống và làm việc có mục đích, làm theo những gì ý nghĩa ngay hôm nay, bạn mới có thể trở thành người dẫn dắt, biết chia sẻ, biết sống trong tình bạn, và cảm nhận được tình yêu.
Thành công chính là trở thành người bạn muốn trở thành, là tiến dần đến những mục đích và ý nghĩa của cuộc đời. Chỉ có bạn mới hiểu được thế nào là “thành công của mình.”

Sưu tầm

Sắc thu

ThanhMai


Thu đến rồi thu lại đi.
Lá vàng rơi nhẹ mỗi khi gió về.
Trăng thu tỏa sáng tứ bề.
Hồ thu phẳng lặng nước khe trong ngần.

Gọi ai sống ở cõi trần.
Tâm hồn xao động mỗi lần thu sang.
Sắc thu quyện một màu vàng.
Lòng ai vương vấn ngập tràn tình trăng.

Thời gian cứ vội qua nhanh.
Bỏ rơi chiếc lá dưới trăng nhạt màu.
Thu về gọi gió bên nhau.
Mây thu lặng lẽ điểm màu thiên nhiên.

Liễu thu ngây ngất xanh huyền.
Soi mình bóng nước dưới thuyền ánh trăng.
Gió thu thổi nhẹ tình trăng.
Treo trên ngọn liễu bâng khuâng đợi chờ.

Trách ai sao cứ hững hờ.
Để trăng nhớ gió bơ vơ một mình.
Dưới trăng thắm đượm nghĩa tình.
Hồn thu vẫn giữ bóng hình người xưa.



ThanhMai.
21/9/2014.

Quân sư quạt mo


Chai mặt
- Chuyện mày cua con gái ông chủ tới đâu rồi?
- Không tệ lắm. Bây giờ tao đang cảm thấy được khích lệ hơn.
- Nghĩa là nó bắt đầu mỉm cười với mày hả?
- Không hẳn như vậy. Nhưng đêm qua nó bảo tao rằng nó đã từng nói "Không" với tao lần cuối rồi.

Quân sư quạt mo
- Tao muốn cưới nàng, nhưng không biết phải ngỏ lời cầu hôn thế nào?
- Trước hết, mày hãy nói với nàng rằng mày không xứng đáng với nàng. Điều đó luôn gây ấn tượng tốt.
- Rồi sao nữa?
- Rồi rút nhẫn ra, chờ nàng chìa tay ra thì xỏ nó vào ngón tay của nàng
- Tao sẽ làm như mày nói.
Qua hôm sau.
- Sao rồi? 
- Không xong rồi.
- Sao vậy? Mày không nói như tao đã bày cho à?
- À! Tao toan nói, nhưng nàng đã nói như vậy trước rồi. 



SÀI GÒN – CHIM và CÂY XANH

Nam Đan


Có bao giờ bạn thử hình dung ra một thành phố lớn như thành phố Sài Gòn của chúng ta mà không có những bóng cây xanh và vắng mất tiếng chim không? Bạn thử vận dụng trí tưởng tượng để biến nó thành một thành phố hiện đại đầy những cao ốc chọc trời, đầy những tấm kính sáng loáng phản chiếu ánh sáng, đầy xe cộ chen nhau trên những con đường đan xen chằng chịt, đầy mùi khói xe và tiếng động của đời sống công nghiệp, đầy những con người vội vàng tất tả ngược xuôi với nét mặt lạnh lùng không biểu cảm ... đầy ... vâng đầy nhiều thứ khác, nhưng chỉ thiếu bóng cây và thiếu tiếng chim.
Hẳn nhiên thành phố mà không còn cây xanh thì sẽ rất xấu, sẽ rất cằn cỗi khô khan. Nhưng còn tiếng chim thì có thật sự cần thiết không? Có lẽ bạn sắp cho rằng tôi dỏm, tôi lãng mạn cuối mùa, đời sống còn biết bao nhiêu điều thiết thực đáng để quan tâm lo nghĩ hơn là nỗi âu lo thành phố vắng tiếng chim. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, lúc cả thế giới hoang mang lo lắng hiểm họa cúm gia cầm H5N1 đang đe dọa sự an nguy của nhân loại.
Một buổi sáng khi vừa ra khỏi nhà, tôi được chứng kiến một cuộc truy đuổi ngoạn mục. Kẻ bị truy bắt là một chú gà trống tơ, và người truy bắt là các anh dân phòng. Các anh tay cầm đủ loại dụng cụ nào dây nào gậy, có cả chó, súng bắn hơi và giàn ná thun. Chú gà chạy cuống quýt rồi bay đâu trên một mái hiên, trong cơn sợ hãi không dưng nó lại trổi lên một tràng tiếng gáy cao lảnh lót. Sau cùng chú bị bắn hạ, viên sỏi của tay thiện xạ làm vỡ toang đầu tóe máu, nó lảo đảo rơi xuống giãy thêm vài cái để từ giã cuộc đời. Các anh dân phòng bỏ xác gà vào chiếc bị cói mang đi. Liền lúc đó có người phát hiện ra mấy chú bồ câu quanh đó cũng nguy hiểm không kém và cũng cần bắn hạ. Các xạ thủ tiếp tục nhắm vào mục tiêu mới.
Không phải chỉ từ bây giờ vì lý do bệnh dịch mà các loài chim bị giết, trước đây người ta cũng mang súng đi săn chim trong thành phố, có khi vì miếng thịt bé xíu, có khi vì để thỏa mãn một khoái cảm man rợ. Có người cho rằng loài chim sâm cầm, vốn có rất nhiều và là một loài chim quý đã bị giết hết, hoặc đã bỏ đi khỏi Hà Nội. Sâm cầm chỉ còn hiện diện trong lời hát và ký ức của con người.Trong những ngày vừa qua trên TV, tôi cũng xem người ta tổ chức những đội xạ thủ đi bắn các loài chim và bồ câu nuôi. Đành rằng đó là việc phải làm, nhưng dầu sao cũng thật đáng buồn. Bạn tôi đùa tếu, cứ theo tình trạng này thì sẽ có một ngày các loài chim muông nói chung và loài gà nói riêng phải tuyệt chủng. Khi đó, nếu con cháu chúng ta được hỏi những thông tin về loài gà có thể chúng sẽ nhầm lẫn gà mái dầu với các em gà móng đỏ trong các nhà hàng đặc sản.
Một trong những nơi tôi thích ngồi cà phê khi rỗi là quán Phố Hoài, quán nằm trong con hẻm trên đường Huỳnh Tịnh Của quận 3. Trong sân là một cây xoài lớn vươn bóng che mát, bàn ghế chỉ để vài bộ, trên tường có treo nhiều tranh đẹp. Giữa nhịp sống rộn ràng của Sài Gòn, ông chủ quán cũng là nhà thơ Huy Tưởng, lại có phong thái từ tốn, điệu nghệ rất duy mỹ. Tôi thích đến anh chơi vì ngoài việc quán có cà phê thơm đậm, có các món ăn xứ Quảng được chế biến tinh tế, ngôi nhà mát bóng cây yên tĩnh vào buổi sáng, thì anh còn có rất nhiều câu chuyện thú vị để làm quà cho khách quen. Anh mê nuôi chim, nhưng lkhông nuôi nhiều, lúc nào cũng chỉ có hai hay nhiều nhất là ba con để làm vui.Tôi nhớ trước đây anh có nuôi một con sáo, nó có tài nhái theo những âm thanh nghe được . Anh gõ muỗng hay gõ chiếc chìa khóa vào thành ly, vào cạnh bàn hay đáy dĩa ... nó liền bắt chước đúng y theo tiếng động đó, tinh tế đến độ tiếng thanh ra tiếng thanh, tiếng đục ra tiếng đục, cường độ và trường độ cũa không khác gì âm thanh gốc. Bẵng đi một dạo, tôi ghé lại không thấy sáo, hỏi thì anh cho biết nói đã qua đời. Anh không nói con chim chết đi nhưng nói rằng sáo đã qua đời như đang nói về một con người mà anh yêu quý, với giọng thoáng ngậm ngùi. Bất giác tôi gõ muỗng vào thành ly, không có ti61ng nhái theo như trước, duy có cậu hầu bàn bước ra hỏi tôi cần gì.

(Trích TIẾNG HÓT XANH TRỜI - Tên bài do blog tự đặt )