Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

LẮNG NGHE

Mục Đồng (facebook)
..........................
Cơn mưa ban chiều đã làm dịu đi cảm giác nóng bức như một bài hát xưa nói về nơi này: "Tây Ninh nóng nung người....", mình cùng tham gia tọa thiền với mọi người trên những tảng đá hoa cương to lớn, gió chiều thổi lồng lộng và mặt trời chìm sau đường chân trời, hắt lên bầu trời những tia sáng mong manh xuyên qua các tầng mây...phía dưới xa xa đèn phố cũng bắt đầu lên. Mình bắt đầu lắng nghe con tim mình, lắng nghe chính cái vũ trụ trong con người mình lên tiếng, trong cái khung cảnh xung quanh làm mình có cảm giác giống như chỉ cần vươn tay ra làm chạm vào vũ trụ...Mình nhớ lại khi còn nhỏ, quan niệm không gian xung quanh mình là hình cầu, nó là một mạng lưới hình cầu chứ không phải không gian phẳng như khi bắt đầu được học hình học Euclid, có lẽ bản năng con người mình là như vậy? Từng giây từng phút trong quá khứ hiện về, có những thứ đã quên, nó như một cuốn phim được bấm nút Fast Forward...Cuộc đời ta có ý nghĩa không, hay chỉ là những sự kiện gắn với những khái niệm thời khắc vô vị, hoặc giả nếu thiếu ta trong cái vũ trụ này, lịch sử có thay đổi không?...Tự nhiên có cảm giác mình là một bánh xe thật nhỏ trong cái guồng máy vũ trụ này, mà thiếu mình, chắc chắn tương lai sẽ rẽ qua một nhánh khác?.... Ồ, mình đã hiểu rồi, hãy cứ yên tâm đi, mọi việc chúng ta đã làm, đang làm và sắp làm, không ngoài ý muốn của Thượng Đế.
Chúng ta đã một thời giống như những con kiến đi trên dải băng Mobius, đi hoài đi mãi trên cái lộ trình bất tận và không thể nào biết mình đã đi lòng vòng, trong khi có một thế giới khác chỉ cách ta một khoảng cách chỉ bằng bề dày của dải băng. Sao chúng ta không đủ can đảm để bước qua?



THAY ĐỔI BẢN THÂN

Aikido
Mọi người vẫn thường hay kêu gọi cải tiến và trên hết, chúng ta luôn sẵn sàng đưa ra những lời khuyên hay nhắc nhở. Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có thể tạo ra những tác động tích cực đến khả năng tiềm ẩn trong ta và những người xung quanh. Sự trong sạch của môi trường tâm hồn mang lại sự trong lành cho toàn thế giới. Tương tự, thay đổi từ nội tâm sẽ đưa đến những biến chuyển bên ngoài.
Có những xung đột có thể giải quyết mà chẳng cần dùng lời. Mấu chốt chính là ở sự thay đổi bản thân và giải phóng tinh thần. Khi có điều gì đó hay một ai đó quấy rầy ta, trước tiên ta hãy tự nhìn lại bản thân. Hãy hiểu rằng chỉ một sự thay đổi tích cực ở bạn cũng sẽ dẫn đến nhiều sự thay đổi tích cực ở xung quanh.
Nêu gương không phải là cách duy nhất để kích thích sự thay đổi. Ta có thể thay đổi hành vi hay đơn giản là thay đổi cách nhìn, chỉ như vậy thôi cũng đủ tạo ra một loạt những kết quả tích cực.
Khi đức hạnh bản thân càng được rèn luyện và ta càng làm chủ được cái TÔI của mình, ta sẽ càng thấu hiểu và bộc lộ nhiều hơn. Khi hành xử có lợi cho bản thân và người khác, ta đã thành công cho việc truyền cảm hứng cho mọi người quanh ta để họ cũng có những hành xử tương tự. Một khi đã kiểm soát được trí tuệ và tâm hồn, ta sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực vì những nhân tố bên ngoài. Mọi lời lẽ phế bình và chỉ trích không tạo ra sự thay đổi một cách tích cực. Chấp nhận thực tế là "nhân vô thập toàn" và ai ai cũng cần hoàn thiện bản thân có thể là cách thức tốt nhất giúp vượt qua những mâu thuẫn này.
Môn võ Aikido có dạy như sau:"Hãy thay đổi bản thân trước khi nghĩ đến việc làm thay đổi đối phương. Chắc chắn khi đó bạn sẽ nhận thấy đối phương cũng tự thay đổi theo".
Những hành động suy nghĩ tích cực luôn có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn những lời phán xét. Đó cũng là những công cụ hữu hiệu nhất khi bạn muốn vươn đến một thế giới hoàn hảo hơn.
(Madisyn Taylor - Inspirational Thoughts for a Happy, Healthy and Fulfilling Day)

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Công tư sao vẹn đôi đường?

by Linh H. Vo on Thursday, February 9, 2012 at 8:37pm (facebook)

Nhân vật chính trong bộ phim bác sĩ HOUSE

Mấy hôm nay các đồng nghiệp trẻ xôn xao  vì một bài báo phê phán việc bệnh viện CTCH mổ “dịch vụ” trong giờ “công”.Các đồng nghiệp trẻ thừa nhiệt tình nhưng chưa quen nghe chỉ trích, không biết căn nguyên và phải ứng xử làm sao. Tôi viết vài dòng để chia xẻ với các đồng nghiệp.
   Mố chương trình
Bệnh viện công là bệnh viện hoạt động dựa trên ngân sách y tế do nhà nước cung cấp. Từ ngân sách được cấp đó, bệnh viện sẽ quy ra số lượng và các loại phẫu thuật có thể thực hiện trong năm ngân sách đó, từ đó quyết định số lượng và loại phẫu thuật cho từng tháng, từng tuần và từng ngày.
Nếu một bệnh nhân vào bệnh viện công, chờ mổ chương trình (theo ngân sách nhà nước) thì họ được phân loại theo thứ tự ưu tiên dựa vào tính khẩn cấp của bệnh lý và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế đó. Bệnh viện công về bản chất chỉ là một cơ sở y tế hoạt động dựa vào ngân sách thì họ không thể hoạt động vượt quá ngân sách được cấp. Thí dụ, bệnh viện chỉ có ngân sách cho 40 ca mổ chương trình mỗi ngày, thì sau 40 ca mổ đó dù phòng mổ có trống, dù BS không có chuyện làm, dù có nhiều bệnh nhân đang chờ mổ thì bệnh viện cũng không thể tăng thêm số ca mổ chương trình trừ khi ngân sách cung cấp được tăng lên cho chuyện đó.
   Mổ dịch vụ
Để tránh tình trạng lãng phí trang thiết bị, công lao động của nhân viên y tế và rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, các bệnh viện mở ra chuyện mổ dịch vụ. Mổ dịch vụ là mổ ngoài ngân sách được nhà nước cung cấp, cho nên người bệnh phải trả hết tất cả những chi phí y tế không được nhà nước “bao cấp” với giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh.
Khi mổ dịch vụ, người bệnh có thể được quyền chọn lựa người bác sĩ điều trị mà mình tin tưởng, sử dụng các dịch vụ, trang thiết bị có chất lượng cao hơn mà ngân sách nhà nước không thể “bao cấp” cho các ca mổ chương trình.
Mổ dịch vụ cũng góp phần cải thiện thu nhập chính đáng của nhân viên y tế, giúp bệnh viện có ngân sách để tái trang bị những phương tiện điều trị mà ngân sách y tết eo hẹp của nhà nước không thể bao cấp.
Mổ dịch vụ không nhất thiết phải ngoài giờ mà có thể trong giờ hành chánh, tùy theo tính chất của bệnh lý và tình trạng người bệnh. Nếu bệnh lý khẩn cấp, mổ ca mổ dịch vụ đó phải được mổ càng sớm càng tốt. Nếu ca mổ chương trình (theo ngân sách) là ca mổ có tính chất lây nhiễm, hoặc người bệnh có nhiễm cách loại vi khuẩn đa kháng thuốc thì ca mổ này phải được mổ sau cùng, thậm chí ngoài giờ.
Chúng ta nhìn vào một thí dụ. Nếu bệnh viện mổ 20 ca "chương trình" và 10 ca "dịch vụ" thì thứ tự các bệnh nhân "chương trình" và "dịch vụ" có thể xen kẽ nhau, thậm chí các ca "dịch vụ" có thể được mỗ trước nếu như được xếp vào loại "sạch" hơn ở góc độ nhiễm khuẩn.
Có trường hợp bệnh nhân được xếp mổ chương trình nhưng họ từ chối và chuyển sang mổ dịch vụ để chọn đúng người phẫu thuật viên mà họ tin tưởng. Đó là quyền và quyền lợi của người bệnh được luật pháp và y đức chấp nhận.
   Sao lại gọi là “ăn cắp giờ công”?
Ở góc độ của người thầy thuốc, việc điều trị một người bệnh phải được căn cứ trên bản chất bệnh lý của người bệnh chứ không phải “chương trình” hay “dịch vụ”. Nếu chúng ta ưu tiên bệnh nhân “chương trình” hơn “dịch vụ”, hoặc ngược lại, là một sự phân biệt đối xử, xúc phạm đến người bệnh, vi phạm các giá trị bình đẳng trong y đức.
Mổ “dich vụ” hay “chương trình” là một giải pháp tình thế để giúp người bệnh và nhân viên y tế trong tình hình ngân sách y tế quá eo hẹp không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Bệnh nhân mổ “chương trình” hay “dịch vụ” cần được phục vụ một cách bình đẳng trong và ngoài giờ hành chánh dựa trên bản chất bệnh lý của người bệnh, phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng của cơ sở y tế.
    Bắt phong trần phải phong trần
Bản chất của bệnh viện công là phục vụ sức khỏe cộng đồng dựa trên ngân sách y tế do nhà nước cung cấp. Người dân làm ra của cải vật chất cho xã hội và nộp thuế cho nhà nước để tạo ngân sách quốc gia. Nhà nước có trách nhiệm trích lại một phần ngân sách cho các chương trình an sinh phúc lợi xã hội, bao gồm ngân sách y tế. Ngân sách y tế đó là tiền của nhân dân do nhà nước quản lý. Ngành y tế thay mặt nhà nước sử dụng ngân sách đó để chăm sóc sức khỏe cho người dân nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả cộng đồng để họ được khỏe mạnh tiếp tục làm việc tạo ra của cải và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Bệnh viện công nhận tiền từ ngân sách đó để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Về nguyên tắc, ngân sách mà bệnh viện viện công sử dụng cho người bệnh là không cần phải thu lại từ người bệnh. Ngân sách đó sẽ được tiếp tục cung cấp vào năm tài chính kế tiếp từ tiền thuế của người dân.
Khi ngân sách nhà nước cung cấp đủ cho các hoạt động khám chữa bệnh và lương bổng cho nhân viên y tế thì người bệnh sẽ an tâm điều trị, nhân viên y tế sẽ tập trung phục vụ người bệnh. Khi đó mối quan hệ tốt giữa bệnh nhân-nhân viên y tế sẽ được duy trì. 
Tuy nhiên ở nước ta “thế sự thăng trầm” nên mọi chuyện diễn tiến theo chiều hướng khác.
Khoảng cuối những năm 1980, ngân sách quốc gia trống rỗng. Nhà nước không còn khả năng duy trì ngân sách cho vốn đã hạn hẹp cho ngành y tế, kế cả cho các đơn vị hành chính sự nghiệp khác. Các đơn vị này được nhà nước yêu cầu phải “tự hạch toán”, “tự cân đối”, “xóa bỏ bao cấp”, “tự cứu mình trước khi … trời cứu”.
Như vậy, nhà nước đã đá trái bóng trách nhiệm cung cấp ngân sách hoạt động sang các đơn vị y tế, các bệnh viện công.
Trong hoàn cảnh đó, các bệnh viện chỉ còn một cách duy nhất là phải mở các mô hình dịch vụ để thu tiền từ người bệnh, để tạo ngân sách duy trì hoạt động của mình. Như vậy, bệnh viện công phải tự cứu mình bằng cách chuyển hướng từ đơn thuần phục vụ bệnh nhân bằng ngân sách nhà nước qua việc kinh doanh dich vụ y tế thu lợi nhuận từ người bệnh.
Khi cố gắng xóa bỏ bao cấp thì nhà nước cũng giảm luôn “bao cấp” y tế thay vì xem nó như một phần phúc lợi xã hội mà người đóng thuế có quyền đòi hỏi và sử dụng.
 Từ khi các bệnh viện công kinh doanh dịch vụ y tế cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có đủ nền tảng pháp lý cho cách hoạt động kinh doanh này. Từ đó xuất hiện sự lạm dụng mô hình này ở một số đơn vị y tế. Dù được chấn chỉnh cục bộ nhưng nền tảng pháp lý để chế tài và vận hành chưa có nên mâu thuẫn giữa “phục vụ” và “kinh doanh” vẫn tiếp tục xuất hiện ở các bệnh viện công, làm cho mối quan hệ bệnh nhân – nhân viên y tế bị đổ vỡ trầm trọng. Bệnh nhân không được phục vụ tốt nên khổ sở trăm bề. Bác sĩ không có điều kiện thực hiện đúng trách nhiệm của mình nên có người biến chất, nếu không biến chất thì sẽ phải đau khổ và bức xúc muôn phần.
Ngoài thì là lý song trong là tình.
Khi vài phóng viên báo chí phê phán sự xuống cấp về y đức của ngành y tế thì bản thân họ cũng thấy rằng đạo đức của ngành báo chí cũng đã và đang xuống cấp không kém.
Có một thời, toàn dân hân hoan khi thấy một số tờ bào dũng cảm đứng lên vạch trần những tê nạn xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Sự hân hoan đó cũng không kéo dài được bao lâu, khi cũng chính báo chí cho biết rằng nhiều bài báo viết về tiêu cực trước được giật giây và gợi ý từ một số quan chức cao cấp mà hiện nay vẫn còn ở trong tù. Người bị tố cáo trước đây thì đàng hoàng mỉm cười bước ra khỏi nhà tù, còn nhà báo viết bài đó thì bước vào tù.
Điều này khiến cho người đọc hoang mang, vì thấy vàng thau lẫn lộn không còn biết tin ai.
Dân chúng đang còn bàng hoàng vì chuyện đổi trắng thay đen của cánh nhà báo thì ông “4 biết” vạch ra “lề phải lề trái”, thay một loại tổng biên tập “trật lề”. Các cán bộ chính trị mới về làm tổng biên tập nhưng không có kinh nghiệm làm báo chí, khiến cho mâu thuẫn giữa “phản ánh hiện thực xã hội” và “tuyên truyền” ngày càng trầm trọng. Nhiều nhà báo biến chất, còn lại người thì đau buồn, cay đắng, bức xúc, người thì chửi rủa um trời trên blog, trên fb của mình.
Các anh chị nhà báo sẽ phản đối và nói rằng không phải nhà báo nào cũng vậy, vẫn còn đó những nhà báo kinh nghiệm âm thầm làm việc, cống hiến với tất cả khả năng và và đạo đức nghề nghiệp của mình. Tôi hoàn toàn đồng ý với các anh chị. Những nhà báo đứng đắn đó vẫn tồn tại cùng với các nhân viên y tế đứng đắn của ngành Y đang ngày đêm cống hiến và chịu sự chỉ trích một chiều phiến diện từ phía xã hội. Các nhà báo đứng đắn đó đứng lẫn vào trong và nhìn bề ngoài có vẻ giống như bất kỳ đồng nghiệp nào của các anh chị. Các nhân viên y tế đứng đắn đó vẫn đứng lẫn và nhìn như bất cứ những nhân viên khác trong các đơn vị y tế mà các anh chị đang chỉ trích.  Khi các anh chị không có được một môi trường để viết cho đúng với suy nghĩ của mình thì các nhân viên y tế cũng đang ở trong một môi trường mà họ không thể thực hiện được một cách đầy đủ trách nhiệm nghề nghiệp mà xã hội đang kỳ vọng vào họ.
Chúng ta đều ở trong một hoàn cảnh mà mọi người đều “vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm” của sự xuống cấp đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta ai cũng muốn bớt phần “thủ phạm” để cùng nhau xây dựng xã hội tốt hơn. Khi chúng ta nhìn phần “thủ phạm” của người khác thì cũng nên nhìn lại mình để xem mình đang ở đâu trong bậc thang đạo đức xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mình. Khi đó những ý kiến đóng góp bình tĩnh của chúng ta sẽ hợp tình hợp lý, mang tính chất xây dựng tích cực cho nhau và cho cả cộng đồng.

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

VÀI SUY NGHĨ VỀ NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

 BS NGUYỄN HOÀI VÂN

Ngày 17 tháng 8 vừa qua, tại Bộ Giáo dục Đào tạo, Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng tuyên bố cần chấm dứt thành tích ảo trong giáo dục. Ông cho biết: "Chúng ta đã 3 lần cải cách giáo dục, vì sao lần này không đặt vấn đề cải cách nữa mà là 'đổi mới căn bản, toàn diện'? Phải chăng phải đổi mới từ tư duy cho đến mô hình,…”, rồi ông tự hỏi: “Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa, hay là người học ở Anh về bảo phải như thế này, người học ở Mỹ bảo thế kia, nên tiếp thu kinh nghiệm gì của từng nước, trên cơ sở nào".

Nền giáo dục của Việt Nam bây giờ thì ai cũng than, nên ông Trọng lên tiếng chỉ là phản ảnh những gì quần chúng vẫn chê trách. Vẽ ra một chính sách giáo dục chỉ trong mấy câu thì tôi thấy hơi "phiêu", vì nhiều nhà chuyên môn trong các nước tiên tiến như Pháp, đã làm sau nhiều năm nghiên cứu nhưng vẫn tuần tự ... thất bại.
Xin nhận xét : Việt Nam (cũng như Pháp, hay cả Nhật) hành hạ đám trẻ một cách thái quá trong suốt học trình cho đến tú tài. Chương trình quá xá nặng, thay đổi luôn luôn, lại còn phải học thêm ngoài giờ dài dài từ ... tiểu học ! Xong Tú Tài còn phải thi Đại Học nữa (quá vô lý !). Học sinh vào đến đại học là kiệt sức. Mà khi vào đại học hay trường chuyên ngành mới là lúc bắt đầu học môn học chuyên môn mà mình sẽ sử dụng trong công việc ngành nghề sau này.
Với những cố gắng lớn lao ấy, học xong, lấy bằng cấp, lại chỉ để ... thất nghiệp, hoặc phải làm những việc không tương xứng với học trình, hay tương xứng thì lợi tức quá kém. Tức là lãng phí công sức của học sinh, và lãng phí tài nguyên quốc gia để đào tạo giáo dục họ. Một số người khá, phải chạy ra nước ngoài, cũng là một lãng phí.
Cái tệ nạn có bằng nhưng không làm được việc mình học rất phổ biến. Ở Đại học Rennes, sinh viên xã hội học hay tâm lý học sau khi ra trường 1 năm, thất nghiệp trên 40 %. Hơn 80 % chui vào những ngành nghề không liên hệ nhiều đến ngành học của mình. Một lần tôi đến Marakech, cô bé ra phi trường đón, đưa về khách sạn (không được làm tới hướng dẫn viên du lịch - nhiều tiền hơn), có bằng cao học Sinh hóa. Anh chàng hướng dẫn du lịch thì là tiến sĩ khảo cổ học. Anh ta có thể làm cho một cơ quan khảo cổ, nhưng lương quá thấp !
Vì thế, không cần đi vào triết lý cao siêu, tôi nghĩ trọng tâm của giáo dục trung - tiểu học là kiến thức tổng quát, không cần phải hành hạ học sinh thái quá. Cần cho chùng nó học thêm nhiều về nghệ thuật, thể thao, vi tính ... và giảm bớt giờ học cho chúng nó có thời giờ phát huy năng khiếu và sở thích riêng. Lên đến trường chuyên môn và đại học mới phải đòi hỏi nhiều cố gắng.
Mặt khác sự đào tạo phải hướng vào công ăn việc làm thực sự, chứ không phải chỉ cho ra bằng cấp. Tức là chủ yếu phải đào tạo những người mà xã hội cần thực sự. Một khuynh hướng hay được nói tới là gắn liền học đường với xí nghiệp, để học ra là có việc làm. Một công nhân lao động thất nghiệp ít hại cho xã hội hơn một kỹ sư thất nghiệp, vì phải mất  nhiều tài nguyên hơn mới đào tạo được ra người kỹ sư ấy. Những tài nguyên thất thoát này sẽ không được đầu tư vào chỗ khác, trở thành một thiệt thòi cho xã hội.
Một phần những người xuất sắc cần vừa học vừa liên hệ với các cơ quan nghiên cứu, của chính quyền và của tư nhân, với lương cao (trường hợp Nhật, Hoa Kỳ). Đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu là tương lai của kinh tế, kỹ nghệ. Nhật đầu tư vào lãnh vực này 75% nhiều hơn Pháp, cắt nghĩa sức mạnh kinh tế của Nhật, dù trong khủng hoảng.
Đại khái đó là một vài hướng suy nghĩ. Dù cho đi theo khuynh hướng triết lý nào đi nữa cũng phải thích nghi với những đòi hỏi thực tế. Không biết ông Trọng muốn đề nghị điều gì cụ thể, nhưng ý thức được là nền giáo dục của Việt Nam không thích nghi với hoàn cảnh thì đã là một tiến bộ đáng khuyến khích.