Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Đàm thoại giữa Dalai Lama & Jean-Claude Carriere : MỌI LOÀI MỌI VẬT ĐỀU PHỤ THUỘC VÀO NHAU ?

(La Force du Boudhisme/ Dalai Lama & Jean-Claude Carriere 2003)


Jean-Claude Carrière:
- Quan niệm về một sự tồn tại độc lập của mọi loài và mọi vật đều bị hầu hết các tông phái Phật giáo phủ nhận từ nguồn gốc, từ chính kim khẩu của Đức Phật. Không cái gì có thể tồn tại một cách riêng rẽ. Trái lại mọi thứ đều liên quan đến nhau. Mọi sự đều nằm trong cái lưới khổng lồ của Indra, chúa tể của các vị thần trong huyền thoại Ấn Độ giáo.
Trạng thái phụ thuộc lẫn nhau của mọi vật - kể cả cách nhìn của chúng ta về chúng - là sự bất ngờ đầu tiên chờ đợi chúng ta trên con đường Phật giáo. Nó đi ngược hẳn lại tất cả những gì mà chúng ta tưỡng là mình biết, ngược lại nhãn quan mang tính phân tích về thế giới, một thế giới bị chia chẻ thành những vật thể riêng biệt: bàn tay của tôi, cây bút nó đang cầm, tờ giấy tôi đang viết trên đó, chiếc bàn mà tờ giấy được đặt lên trên, ngôi nhà chứ chiếc bàn ... Phật giáo không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng, không một vật thể nào lại có sự tồn tại riêng lẻ, lại được coi là có TỰ TÍNH.
Sự phụ thuộc lẫn nhau đã được chính Đức Phật thuyết giảng, đặc biệt nhất là trong kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka), kinh này dạy chúng ta rằng không thể tìm ra vật gì mà không có mối liên hệ với tất cả những vật khác.
Trong một tuyển tập mới đây, Thích Nhất Hạnh, một thiền sư bậc thầy đương đại, đã lấy một tờ giấy làm ví dụ. Thậm chí không đả động tới cây bút và lọ mực, mọi thứ đều có một mối liên hệ với tờ giấy đó. Tờ giấy được làm ra từ những yếu tố không phải là giấy. Nếu như chúng ta trả tất cả những yếu tố kia về cội nguồn của chúng, sợi giấy về cho gỗ, gỗ trả về cho rừng, rừng về cho người tiều phu, người tiều phu về cho cha mẹ anh ta, và cứ như vậy, thì chúng ta nhận thấy rằng thực ra, tờ giấy là RỖNG KHÔNG. Nó không hề có tự tính riêng. Nó được hình thành từ tất cả những yếu tố cũng không có tự tính không phải là giấy. Nếu chúng ta lấy đi tất cả những yếu tố kia thì tờ giấy không có một cái tự thân độc lập nào và ta cũng có thể nói là không có tự tính nào cả.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói thêm: "Theo nghĩa này, RỖNG KHÔNG có nghĩa là tờ giấy CHỨA ĐẦY mọi vật, chứa cả vũ trụ".
Điều đúng với một tờ giấy thì đương nhiên cũng đúng với một cá thể. Chúng ta được hình thành từ những yếu tố không phải là người. Như vậy, rất logic, thiền sư cho rằng khi một người trong chúng ta thực hành thiền quán thì người đó không hề tách ra khỏi phần còn lại của thế giới. Niềm đau, nỗi khổ người đó mang trong tim chính là xã hội. Khi người đó hành thiền, anh ta hành thiền cho tất cả mọi chúng sinh. Thậm chí, anh ta làm việc đó cho cả những thứ không có khả năng hành thiền. Ở đây, chúng ta đang nghe âm hưởng của một lời nói cổ xưa, nằm trong tâm điểm của môi trường sinh thái ngày nay.
- Không một loài nào, kể cả loài người hay các loài khác lại có thể nằm ngoài thế giới, nằm ngoài chiếc bánh xe của vũ trụ. Đức Dalai Lama nói, chúng ta là một trong những chiếc răng của bánh xe này.
- Một chiếc răng càng ngày càng rít lên to hơn.
Tôi nhắc lại với ngài những lời ca thán của Bhũmi, mẹ trái đất, trong tác phẩm Mahabharata: "Ta bị thương tổn, đau đớn và tự hỏi, ngày mai chúng sẽ còn hành hạ ta đến thế nào nữa đây?"
Ngài gật đầu đồng tình với tôi. Ngài biết Bhũmi và những lời ca thán đó. Tôi cho ngài biết rằng tôi là một trong những người đầu tie6ncho xuất bản tại Pháp một quyển sách nói về cái mà người ta gọi lầm là MÔI TRƯỜNG (quyển Sự Thách Đố, nxb Robert Lafont, 1973), tôi nói gọi lầm bởi vì từ "môi trường" hình như ám chỉ rằng chúng ta Ở GIỮA mọi vật, được mọi vật bao quanh, trong khi thực tế thì chúng ta chỉ là MỘT PHẦN của chúng. Chúng ta đang bàn tới một chủ đề mà cả hai cùng quan tâm, mặc dù mỗi người hiểu theo cách riêng của mình.

Không có nhận xét nào: