Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Trung Quốc – Khổng tử hay Đạo Chích?

Tuấn Công Thư Phòng


Ở Trung Quốc có hai nhân vật sống cùng thời (500 năm TCN). Họ đều rất nổi tiếng, người được bia đá vinh danh, kẻ được bia miệng lưu truyền: Đại thánh Khổng tử và Đại bợm Đạo Chích! Họ đi hai đường khác nhau, nên biết nhau mà không thể gặp nhau, mỗi người tôn thờ “đạo” riêng của mình. Khổng tử quá nửa đời du thuyết các nước chư hầu để truyền bá đạo nhân nghĩa.
Đạo Chích đến các nhà giàu có để thực thi nghề đạo tặc. Gã đại bợm khinh Khổng tử nhà nghèo lại hay thuyết giảng đạo đức. Khổng tử dường như không bận tâm về cá nhân Đạo Chích vì mối quan tâm của ngài là cả xã hội. Nghe nói Khổng tử từng làm quan Tư khấu (Tư pháp) nước Lỗ, đại bợm Chích càng thêm ghét.
Một hôm, tình cờ Khổng tử đi qua ngõ nhà Đạo Chích, bị chủ nhà xua con chó ra cắn. Con chó vốn bản tính tuyệt đối trung thành với chủ, không biết và không cần biết đó là Khổng tử. Khổng tử bất ngờ bị Đại Khuyển cắn vào bắp chân, máu chảy ròng ròng. Đường đầy đất đá lổn nhổn, Khổng tử chỉ xuýt xoa đau, không nhặt một vài hòn ném lại con chó mà lẳng lặng tránh xa. Đạo Chích đứng trong sân nhà nhìn ra, khoái chí cười ầm lên: “Để xem nhà ngươi còn đi du thuyết được nữa không?”. Sau đó, hắn đi khoe khoang khắp làng rằng mình mới bảo Đại Khuyển dạy cho Khổng tử một bài học!
Tuổi đã gần lục tuần, Khổng tử không chu du thiên hạ nữa, chẳng phải sợ lại bị chó cắn. Ông hoàn toàn thất vọng về đám vua chúa các nước tham vọng tranh bá đồ vương, không cần biết đến nhân nghĩa. Cái họ cần là đất đai, châu báu, gái đẹp, và trên hết là quyền uy thiên tử, để tất cả thiên hạ đều phải quỳ mọp dưới chân mình. Khổng tử trở về mái nhà xưa của cha ông mình để lại, mở trường dạy học trò, truyền bá đạo làm người. Còn Đạo chích cũng là người nhưng thuộc hạng vô đạo. Con chó của Đại bợm Chích, tuy được chủ đặt cho cái tên oai vệ “Đại Khuyển” cũng không thể “làm người”.
Một nhân vật nữa của Trung Quốc đương đại cũng rất nổi tiếng: Chủ tịch Tập Cận Bình! Ông càng lừng danh, khi dám tuyên bố triệt để bài trừ tham nhũng, sẵn sàng lôi cổ cả những chúa sơn lâm ! Mới đây, đại danh ông nổi lên như sóng cồn đại dương, cả thế giới được nghe Tập Chủ tịch lớn tiếng át cả tiếng tàu chiến cùng máy bay Trung Quốc đang gầm gừ, gào rú dưới biển, trên trời vùng đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Người Trung Quốc không có gien xâm lược”!
“Người Trung quốc” hay “nhân dân Trung Quốc”? Điều này cần phân biệt rõ. “Gien” là một danh từ khoa học xuất phát từ phương Tây. “Gien” giống như “tính” (bản tính) một thuật ngữ Trung quốc từ nghìn xưa giới học thuật đã tranh luận sôi nổi. Cái “tính” ấy cũng di truyền như cái “Gien” di truyền. Các học giả Trung Quốc quan niệm vấn đề rạch ròi giữa tính Thiện và tính Ác. Khổng tử không nói rõ bản tính con người Thiện hay Ác, chỉ nói : “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã” nghĩa là: Chẳng phải thiện cũng không phải ác, nó thay đổi, hình thành tuỳ theo môi trường sống, hoàn cảnh giáo dục. Mạnh tử khẳng định: Tính người vốn là Thiện. Tuân tử phủ định: Tính Ác…Ngoài ra có các thuyết: Vừa Thiện, vừa Ác; thuyết siêu Thiện, Ác… Khổng tử sống cách nay 2.500 năm, thuyết “tập tính” của ông gián tiếp bác bỏ các thuyết, được nhiều người tán thành. Vì hai anh em vua Nghiêu, ông Nghiêu là bậc đại hiền (Thiện), ông Tượng là người đại ác, cho nên ông Nghiêu không truyền ngôi cho em mà truyền ngôi cho ông Thuấn. Tương tự cái “gien”, không nhất thiết cha “xâm lược” con cũng phải “xâm lược”, cha lương thiện, yêu hoà bình, con cũng lương thiện, hoà bình. Vậy, cái thuyết “Người Trung Quốc không có “gien” xâm lược” của Tập tử e khó đứng vững.
Thực ra ông Tập Cận Bình chưa đạt tới hàng “tử” như “chư tử” đời xưa, mà chỉ là một chính trị gia. Danh ngôn danh thuyết đó của ông là thuật “xảo ngôn” (nói lừa) “nghịch thuyết” (nói ngược) ! “Người Trung quốc” có Khổng tử, Đạo Chích, có Nghiêu Thuấn, có Tần Thuỷ Hoàng, có … đều xưng danh “NGƯỜI”. Nhân dân Việt Nam từ xưa đã nói rất chí lý: “Người năm bảy đấng, của vạn loài”. Trung Quốc thời phong kiến chia hai dạng người chủ yếu: Quân tử và tiểu nhân. Và quân tử cũng có chân quân tử, nguỵ quân tử, tiểu nhân cũng có thượng tiểu nhân và hạ tiểu nhân, v.v… Rừng càng rậm càng lắm cây sâu. Thời đương đại Trung quốc đông hàng tỷ người, chả lẽ không một thiểu số nào đó có máu “gien” xâm lược ? Như bản thân tân Chủ tịch, ai dám xếp ông vào loại “tiểu nhân” ? Chắc ngài phải là đại nhân hay chí nhân quân tử . Vậy thì nhân loại đến ngày tận thế rồi! Bởi tiêu chí đại nhân với tiều nhân từ nghìn xưa đã được phân định: “Đại nhân tranh quốc, tiểu nhân tranh thực”. Thực tế lịch sử đã chứng minh “tranh thực” thì loạn nước, tranh quốc thì mất nước!
Các bạo chúa lớn nhỏ Trung quốc thời nào cũng có, họ khoác áo chính nhân quân tử, xưng danh “Thiên tử thế thiên hành đạo”, rải thây trăm họ đắp đường lớn cho kỵ binh tung vó, khơi dòng máu muôn người thành sông sâu để thuỷ quân lướt sóng; phất cao ngọn cờ “Điếu dân phạt tội” lừa bịp mọi người! Bốn mặt lân bang với Trung quốc, họ gọi là tứ “di”, tiêu triệt được ba, chỉ còn “Nam man” (Việt Nam) nuốt mãi không trôi!
Cái thuật “xảo ngôn”, “nghịch thuyết” của ông Tập hẳn là vận dụng từ Bách gia binh pháp của Trung Quốc.
Nhằm phục vụ chiến tranh, tranh bá đồ vương liên miên trong lịch sử Trung Quốc, ngoài hàng đống sách Võ kinh, đời nào cũng có người soạn sách Võ bị, Binh thư…dạy cách đánh thành, cướp nước, giết người, tranh đất…theo quy luật cung cầu. Khi ông Tập vận dụng “xảo ngôn”, “nghịch thuyết” đánh lừa nhân dân, nói dối thiên hạ, rất giống thuật “đại bịp” của Đạo Chích. Nghe nói đại bợm Chích cũng có “Đạo kinh” còn gọi là “Đạo tặc bí pháp” hay “Đạo Chích bí truyền thư”. Trong “sách” này cũng có thuật “xảo ngôn”, “nghịch thuyết”. Ví dụ:
Một hôm, Đạo Chích đi chơi thấy một con lừa đang ăn cỏ trên đường vắng, liền dắt về nhà nuôi. Hàng ngày, cứ đến bữa, Chích một tay cầm dây thừng, một tay cầm nắm cỏ non trộn cám, hễ giật một cái, nếu con lừa gật cổ theo thì cho ăn, bằng không thì thôi. Chỉ vài hôm thành thói quen, có khi đói quá, lừa gật đầu lia lịa. Người chủ mất lừa hỏi thăm đến nhà Đạo Chích. Chích bảo: Con lừa của tôi nó biết nghe lời chủ, hãy cứ thử xem. Chủ mất lừa giật dây thừng, lừa đứng im. Đạo Chích giật dây thừng, lừa gật đầu lia lịa vì thấy trong tay Chích cầm nắm cỏ. Thế là chủ lừa bị Chích lừa cướp mất con vật của mình chỉ vì chút mẹo vặt.
Đạo Chích chuyên ăn trộm. Chích bắn tin đêm nay sẽ tới thăm nhà Giáp, nhưng Chích lại trộm nhà Ất. Đêm sau, chích đến nhà Giáp, chủ nhà đêm trước đã thức suốt đêm để canh, đêm sau ngủ say như chết, bị “khoắng” sạch đồ quý. Mẹo này của Đại bợm Chích giống kế “Nhất tiễn hạ song điêu” (Một mũi tên bắn được hai con chim),v.v…
Mưu lược, kế sách của Trung Quốc là nói lừa, nói ngược, có biến thành không, không hoá thành có, không không, có có… biến hoá khôn lường. Cho nên ông Tập Cận Bình nói không xâm lược phải hiểu ngược lại có xâm lược. Bậc thầy của ông Tập là Mao tử. Mao tử dạy: “Đế quốc Mỹ là con hổ giấy”, tức Đế quốc Mỹ là con hổ thật. Thuyết “Toạ sơn quan hổ đấu” một thời nổi tiếng lắm, thực chất chỉ là kế “Bạng duật tương trì, ngư ông đăc lợi” trong Chiến quốc sách, được mông má lại và dán nhãn mác mới ! Nói “Toạ sơn”, thực tế người Trung Quốc đã “hạ sơn”, không “quan” mà “hành” như lục lâm thuỷ khấu. Chứng cớ năm 1974 đã cướp sống Hoàng Sa, trong lúc Việt Nam đang bận tiếp quản miền Nam ! Đây cũng là mẹo Đạo Chích lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng “Thứ nhất chập choạng, thứ nhì rạng đông” để hành sự. Nếu bị phát hiện thì “Đĩ già mồm, kẻ trộm lắm gan”!
Chiếm đoạt Hoàng Sa là một đột phá biển Đông nhằm thực hiện Liên hoàn kế trong Tam thập lục kế. Tiếp theo, năm 1988, Trung Quốc âm mưu chớp nhoáng chiếm trọn quần đảo Trường Sa, nhưng không được như ý. Sau đó tiếp tục nhằm vào các đảo của Philippin, Nhật Bản…làm cơ sở, chỗ đứng vững chắc cho thuyết “Đường lưỡi bò chín đoạn” và tạo phản ứng dây chuyền phá hoại an ninh biển Đông. Tham vọng quá lớn, giống như để quốc Nguyên Mông thế kỷ XIII mưu toan làm bá chủ cả châu Âu ! Dĩ nhiên thế giới thế kỷ XXI, Trung Quốc dẫu Tần Thuỷ Hoàng sống lại, cũng không thể hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà để thực hiện âm mưu bá chủ, dù chỉ ở biển Đông.
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam nằm trong Liên hoàn kế, “Đả thảo kinh xà” (Đập cỏ cho rắn sợ) đòn thăm dò dư luận quốc tế và thử thách ý chí Việt Nam và các nước trong khu vực. Hơi bất ngờ, Trung Quốc vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Việt Nam được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới.
Không kém thâm hiểm là mẹo “chọc tức” (Kích nộ), “Tam thập lục kế” gọi là Khích tướng kế, như xưa kia Đạo Chích xua chó cắn để chọc tức hòng khiến Khổng tử nổi giận, tranh giành hơn thua. Nhưng Khổng tử không mắc mưu Đạo Chích và Đại Khuyển tay sai. Trung Quốc lại tung ra “lá chắn phòng thủ xảo ngôn, nghịch thuyết” huy động bộ máy truyền thông khổng lồ, tìm cách lừa tàu Kiểm ngư của ta quá đà đâm vào tàu Trung Quốc để quay phim chụp ảnh vu khống theo kế “Di thi giá họa” (Đem xác chết đến vu vạ cho người) rồi chối tội: “Vô trung sinh hữu, vô hữu sinh trung” (Không có làm thành có, có mà làm thành không). Nói nôm na, cái mẹo của Đạo Chích “Vừa đánh trống vừa ăn cướp”, “Đã ăn trộm còn la làng”, thiên hạ không lạ gì !
Văn hoá ứng xử truyền thống nghìn xưa Việt Nam là dùng đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Năm 1075, quân Tống xâm lược Đại Việt, bị Lý Thường Kiệt đánh cho tơi bời. Trên đường rút chạy, tàn quân Tống chiếm giữ châu Quảng Uyên, gần biên giới Trung Quốc, vì ở đây có mỏ vàng. Vua Lý gửi sang biếu Tống 5 con voi nhà cụt ngà. Đầu tiên vua Tống nghĩ nhà Lý coi nhà Tống như con voi đã bị cưa mất ngà, nổi giận, toan phát đại binh liều một phen sống mái, nhưng triều thần có người sáng suốt can rằng: Voi phải cưa ngà, quốc vương An Nam đề phòng gây tai nạn cho thiên tử. Đó là chí thiện muốn giao hảo…Vua Tống tỉnh ngộ ban lệnh trả lại châu Quảng Uyên vì ông chợt nhớ binh pháp có câu: “Lấy thì dễ, giữ thì khó”. Vua Lý sai trả hết số quân Tống bị bắt trong chiến trận năm 1075. Từ đó, biên cương hai nước bình yên.
Nhiều tấm gương xưa còn soi sáng trong lịch sử. Đáng lẽ Trung Quốc phải sáng mắt sáng lòng hơn ai hết. Thế mà, ngựa vẫn quen đường cũ ! Người Việt Nam có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Tại sao “người Trung Quốc” không “nhớ” ? Hay đã bị nhừ “đòn”, nên “lữa đòn” không còn biết “đòn đau” là gì ?
Chúng ta xem lịch sử Trung Quốc, biết người Trung Quốc tham vọng bành trướng, bá chủ nên thích gây chiến, không ngại binh đao ! Khổng tử, Mạnh tử và nhiều bậc hiền khác của Trung Quốc đều phản đối chiến tranh, đề cao nhân nghĩa. Nhưng các bạo chúa đời nào cũng bày đặt ra mưu sâu kế hiểm lừa nhau vào chỗ chết. Càng nhiều người chết, chiến công càng lớn, lưu danh sử sách ngàn thu ! Một ví dụ điển hình: Tướng Bạch Khởỉ thời Chiến quốc cầm quân Tần phá nước Triệu, gặp phải tướng Triệu Quát giỏi dùng binh, Khởi lén dùng cung tên bắn chết, không sợ người đời chê là hèn hạ. Quân nước Triệu thua to, 40 vạn quân Triệu đầu hàng đều bị Khởi chôn sống!
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô” (Một tướng làm nên công trạng, vạn người chết phơi xương cốt), “Đánh chiếm thành thì người chết đầy thành, đánh chiếm đất thì người chết đầy đồng” là thực tế mấy ngàn năm lịch sử xâu xé lẫn nhau và bành trướng xâm lược lân bang của Trung Quốc.
Quân Nguyên Mông ba lần xâm lược Việt Nam trong vòng 30 năm, tội ác chất cao hơn núi. Khi tướng sĩ Đại Việt dâng thủ cấp Toa Đô, vua Trần rất thương hại một đại tướng trí dũng song toàn, vì ngu trung mà chết thảm ! Nhà vua lấy áo ngự bào làm đồ khâm liệm bọc thủ cấp Toa Đô sai đem chôn cất…Cuộc xâm lược lần thứ 2, năm 1285, nhà Nguyên phát 30 vạn binh do Thái tử Thoát Hoan và đại tướng Ô Mã Nhi cầm đầu xâm lược Đại Việt. Vua Trần gửi thư xin giảng hoà, quân Nguyên không cho hoà. Một cuộc chiến không cân sức ! Nhưng với sức mạnh của Đại Việt vua tôi đồng lòng, quân dân đoàn kết, đã chiến thắng lẫy lừng.
Năm 1286, quân Nguyên lại xâm lược nước ta với lực lượng hùng hậu gần gấp đôi lần trước: 50 vạn quân ! Lại cũng thất bại ! Đại tướng Ô Mã Nhi khét tiếng tàn ác bị bắt sống cùng tướng Tích Lệ Cơ Ngọc, giải đến thuyền ngự. Vua Trần cho hai tướng giặc được ngồi uống rượu cùng vui. Năm 1289, nhà Trần sai đưa bọn hàng tướng và tù binh Nguyên về Trung Quốc.
Cuối năm 1427, quân Minh không tránh khỏi kết cục thảm bại của cuộc chiến tranh xâm lược và đô hộ kéo dài 20 năm ! Khi thành Đông Quan bị vây hãm, tướng chỉ huy Vương Thông, Sơn Thọ đưa thư giảng hoà, xin mở đường cho chúng về nước. Vua Lê biết nhân dân Trung Quốc đề cao Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhưng tàn ác, ngang ngược, và xảo trá là bản tính kẻ xâm lược, nên bằng lòng cho hoà mà vẫn đề phòng quân Minh tráo trở. Quả nhiên, nửa đêm Vương Thông, Sơn Thọ mở cửa thành, bất ngờ đánh úp doanh trại nghĩa quân, nhưng bị rơi vào ổ phục binh của ta, suýt bị bắt sống ! Nghĩa quân tiếp tục vây chặt thành Đông đô. Vương Thông, Sơn Thọ bị khốn đốn, lại xin giảng hoà. Nhân dân ta bị khổ cực nhiều năm dưới ách thống trị tàn bạo của quân Minh, nhiều người kéo đến xin Lê Lợi đừng tin kẻ xâm lược, phải trừng trị để làm gương cho muôn đời. Nhà vua nói:
-“Việc dùng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay hãy để cho Vương Thông về nước nói với vua Minh trả lại toàn vẹn đất nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa…”
Lê Lợi sai các trấn lộ tu sửa cầu cống, đường sá, sắm sửa đủ ghe thuyền để cho quân Minh về nước được nhanh chóng, thuận lợi.
Tướng Minh Phương Chính và Mã Kỳ thay mặt các tướng sĩ tới dinh Bồ Đề cáo biệt vua Lê, ở lại suốt một buổi chiều mới tạ ơn ra về. Lê Lợi sai tặng cho nhiều vật phẩm, khiến tướng Minh càng cảm kích.
Nhà Thanh theo vết xe đổ nhà Minh, đem 20 vạn binh (hư trương 30 vạn) xâm lược nước ta. Vua Quang Trung dùng kế “Hạ hoả” gửi thư trần tình, nhằm: 1-Hạ bớt nhuệ khí địch; 2-Khiến địch chủ quan; 3-Nếu địch biết điều lui quân thì tốt! Nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn hung hăng, ngang ngược muốn cướp lấy toàn bộ nước ta, kết cục bị thua to. Trên đường tranh nhau tháo chạy, cầu phao bị đứt gẫy, rơi xuống sông bị chết đuối hàng vạn người !
Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trên vùng biển nước Hoàng Sa là hành động xâm lược lãnh hải Việt Nam. Ta càng đấu tranh thuyết phục họ bằng lý lẽ, pháp luật, họ càng hung hăng dùng vũ lực đối phó, chọc tức ta, khiến ta nổi giận để có cớ gây chiến tranh xâm lược. Dư luận thế giới đề nghị ta đưa vấn đề ra Toà án quốc tế. Vì không muốn Trung Quốc lại bị bẽ mặt như vụ Philipin, nên ta mở đường để họ được rút lui trong danh dự. Binh pháp Trung Quốc nói: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong lịch sử, rất tiếc người Trung Quốc chưa bao giờ biết rõ, đánh giá đúng Việt Nam, học thuộc bài học Việt Nam, nên trăm trận đại bại cả trăm! Với vụ Hoàng Sa 1974 và việc hạ đặt giàn khoan 981, Trung Quốc đã vận dụng binh pháp Tôn Ngô hòng “Phản khách vi chủ” (Biến khách thành chủ). Nhưng lần này rất khác lần trước bởi Việt Nam là đã là một nước thống nhất, non sông đã thu về một mối. Trong Tam thập lục kế, kế cuối cùng (thứ 36) là “hạ sách” lại được xem là “thượng sách”. Đó là “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” ! Đạo Chích sở dĩ lừng danh thiên hạ, cả đời sống bằng nghề đạo tặc mà chưa lần nào bị bắt giải quan vì gã đại bợm cũng thành thạo kế “Đào tẩu”, hễ thấy việc đào tường khoét vách nhà người bị lộ, lập tức lủi trốn nhanh hơn cuốc ! Chẳng nhẽ đến giờ ông Tập còn chưa biết đến kế cuối cùng này ?
Lời bàn: Trung Quốc là đất nước hơn 4 ngàn năm lịch sử như Việt Nam. Nhưng Trung Quốc luôn cậy mạnh hiếp yếu. Nhà cầm quyền Trung Quốc qua các thời đại coi thường Khổng tử, đề cao Tần Thủy Hoàng, suy tôn Đạo Chích. Dĩ nhiên, họ cũng biết Liệt tử sống sau Khổng tử hơn 100 năm được nhân dân Trung Quốc rất hâm mộ. Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà hiền triết họ Liệt là: “Người có sức mạnh thực sự thì không cậy mạnh. Kẻ cậy mạnh, thực sự chỉ là kẻ yếu”. Lịch sử xâm lược Trung Quốc và lịch sử chống xâm lược Việt Nam đã chứng minh lời minh triết Liệt tử.

(Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết rất hay