Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Bầy sâm cầm nhỏ

Tony Nhân Nguyễn

Chúng ta chắc ai cũng từng nghe bài "Nhớ Mùa Thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát về một Hồ Tây nên thơ sóng vỗ bờ xao xác, cây cơm nguội vàng, gió heo may lành lạnh. Và đặc biệt là hình ảnh "bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời" là 1 hình ảnh thiên nhiên vô cùng kỳ thú.
Cầm là họ lông vũ. Giống như gia cầm tức họ gà vịt nuôi tại nhà, thủy cầm là các loại 2 chân có thể bơi dưới nước như vịt, le le, ngỗng, ngan, thiên nga. Sâm Cầm sống ở bán đảo Triều Tiên, tức Bắc Hàn và Hàn Quốc, giống con vịt nước nhưng lông đen tuyền, mỏ trắng và rất cứng. Nó ăn nhân sâm mọc tự nhiên trên núi nên người ta gọi là Sâm Cầm. Mà Sâm Triều Tiên là số 1 thế giới, may ra có Sâm Ngọc Linh của Việt Nam mới có thể sánh được. Người Hàn Quốc ăn sâm nhiều nên da dẻ hồng hào, đẹp trai đẹp gái hết biết. Sâm ở Hàn quốc có hai loại, một là loại cao cấp, trồng trong điều kiện khắc nghiệt để thu được sâm có tinh chất cao, dùng để chế biến dược phẩm, mỹ phẩm, rất đắt tiền. Hai là loại trồng như rau, vài ba tháng là thu hoạch, dùng ăn hàng ngày. Lúc Tony ở Hàn Quốc, sáng nào cũng ghé bà bán cháo gà nấu với sâm trong hẻm gần nhà trọ, đâu khoảng 7000 won 1 tô, có nửa con gà và mấy củ sâm. Ăn đâu 1 tháng thì trời ơi, da trắng như bông bưởi. Đẹp trai quá nên đi đâu ai cũng ngoái nhìn, suýt mấy lần bị trục xuất, nên Tony ra đường phải quẹt nhọ nồi cho xấu bớt. Ăn nói, thay vì lưu loát dí dỏm thông tuệ như mọi khi, Tony cũng nỗ lực nói vấp lên vấp xuống để bớt sự thu hút. Đẹp và giỏi, đôi khi cũng là rào cản lớn để “hòa nhập mà không hòa tan”.
Quay lại chuyện con sâm cầm, nói lan man quá. Túm lại là Tony và con Sâm Cầm đó giống nhau ở chỗ là đều ăn sâm Triều Tiên. Con kia bay được còn Tony hẻm bay được. Vì ăn sâm nên con này rất khỏe, bay cả ngàn dặm không cần nghỉ mệt. Thịt da của nó, kể cả lông mao lông vũ, đều dùng làm thuốc ( lưu ý tuyệt đối không được so sánh vụ lông mao lông vũ giữa con Sâm Cầm và Tony). Mùa đông ở Hàn Quốc bắt đầu từ đầu tháng 12 và kéo dài đến hết tháng 3. Lúc này, trời lạnh lẽo, âm cả chục độ, tuyết hay băng giá trắng xóa, phủ hết trên các đồi núi. Hết sâm để ăn, sâm cầm nên bèn bay về phương nam tránh rét. Bay đi trú đông cũng là tập tục của các loài chim xứ lạnh.
Ở bắc bán cầu là mùa đông thì ở nam bán cầu như Úc, New Zealand lại là mùa ấm do trái đất nghiêng 23.5 độ. Chết, lan man qua môn địa lý rồi, mày giỏi quá Tony à, cái chi cũng biết, thôi thôi tập trung miêu tả môn sinh vật đi. Đàn sâm cầm bay theo hình chữ V, con đầu đàn bay trước, một bầy vỗ cánh theo sau, để hạn chế lực cản của không khí, bay chung với ngỗng trời và nhiều loại chim khác nữa. Bay qua các tỉnh Trung Quốc như Hắc Long Giang, Liêu Ninh, xuống Bắc Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây rồi đến Việt Nam. Đàn sâm cầm quyết định chuyển tải ( transit) ở Hồ Tây giống sân bay trung chuyển, vì đã được 1/2 đoạn đường rồi.
Cả ngàn năm nay, nó cứ thế mà đi. Một lộ trình. Xuống Hồ Tây tắm táp, uống sương đọng trên những búp sen, ăn thêm mấy thảo dược mọc ven hồ, rồi tiếp tục cất cánh về phương Nam, bay qua miền Trung, qua Sài Gòn, Cà Mau, Singapore, Indo rồi tới Úc, New Zealand. Hết mùa đông, đàn sâm cầm lại bay theo chiều ngược lại.
Các đời vua Việt Nam biết con này bổ dưỡng, nên yêu cầu quan chức trấn Tây Hồ của Thăng Long bắt dâng vua. Tuy nhiên, chỉ được bắt vài cặp/năm. Ai bắt nhiều hơn sẽ bị chém. Coi như thu lệ phí trung chuyển. Sau khi súng săn và đại gia ra đời, sâm cầm vừa sà xuống Hồ Tây thì bị giăng lưới, súng săn...nã vào đầu nên ngơ ngác, con đầu đàn vừa bay vừa đếm, nói ủa sao xuống thì 100 mà bay lên chỉ còn vài con vậy? Bọn chúng sao biết được, ở đất nước này, có cái gọi là đại gia làm kinh tế giỏi. Có tiền mà không có nền tảng văn hóa, nên thú nuôi như chó mèo, thú hoang như rẳn rùa chim chóc đều nuốt hết vào mồm. Máu con nào cũng mát, bổ thận, cường dương với hủ tục tiết canh. Có lần Tony nhậu với 1 đại gia ngân hàng kia ở Hà Nội, đạo mạo lắm nhưng chỉ ăn động vật hoang dã. Con gì cũng phải mổ bụng trước mặt ông ấy để ông ấy nuốt quả tim còn đang đập thình thịch, thích thú thấy hình ảnh con vật quằn quại nhỏ hết máu của mình vào ly rượu, từ từ nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng trước ánh mắt hau háu thèm ăn của ông. Có khi, máu tươi còn vương trên râu, vài giọt đỏ hồng trên ngực áo sơ mi trắng. Hàng ngàn hàng vạn con vật trong tự nhiên đã phải hy sinh, chuỗi thức ăn trong quần thể quần xã bị mất cân bằng, để phục vụ nhu cầu “giao hợp giao cấu” của vài người đàn ông có tiền có của. Nhìn các ông ấy ăn, Tony cứ ngỡ mình đang trở về thuở hồng hoang mông muội của loài người, khi chúng ta chưa biết mặc quần áo và chưa phát minh ra lửa. 
Chết gần hết thì cũng khôn ra. Đàn sâm cầm bữa này quyết định transit ở một địa điểm mới. Tony biết, mà hổng nói. Sợ tuyệt chủng.
Chiều nay lòng buồn buồn, Tony bèn thay đồ đi Hồ Tây vãn cảnh. Vẫn còn đó những con sóng lao xao vỗ bờ tím ngắt. Vẫn còn đó chùa Trấn Quốc uy nghi tháp cổ mặc trầm. Vẫn còn đó đường Thanh Niên và bến Cổ Ngư dìu dặt nam thanh nữ tú. Nhưng không còn nữa, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời.
Mặt trời dần khuất bên kia bờ hồ. Nước hồ bỗng dưng chuyển màu đỏ thẫm, như màu tiết canh.

http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào: