Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

KHI NGƯỜI BỆNH BỊ XÃ HỘI TẨY CHAY ...

Thích Thánh Nghiêm


Nhiều người bị một số bệnh nào đó như bệnh nhân AIDS, bệnh tâm thần, thường gặp phải sự xa lánh của xã hội, và khi họ muốn hòa nhập với cộng đồng là cả một vấn đề. Người ta từ chối không cho những bệnh nhân này cư ngụ, từ chối không cho thuê nhà ... Người dân đưa ra lý lẽ rằng họ sợ giá thuê nhà của họ sau này bị xuống giá, họ sợ bị lây bệnh, bị ảnh hưởng nguy hiểm. Chúng ta nên nghĩ thế nào về vấn đề này?
Đây là một việc rất đau lòng. Chắc mọi người còn nhớ, Đài Loan sau khi hồi phục, thì có bệnh cùi (bệnh phong) bị xem như một thứ ôn dịch khủng khiếp. Những người mắc bệnh đều bị cách ly, mọi người sợ bị lây bệnh, sợ đến nỗi không dám nhìn người bệnh, nhốt họ ở những nơi xa thật xa. Cho dù sau đó người bệnh đã được chữa khỏi, hoặc đã được xác nhận bệnh tình không còn khả năng lây lan nữa, quần chúng vẫn không hiểu, vẫn cứ sợ phải tiếp xúc. Mãi đến khi y học phát triển như ngày nay, ở một số vùng xa xôi như Đại Lục, vẫn có những thôn xóm mắc bệnh cùi, người bệnh vẫn bị cách ly. Bởi có những thôn xóm bị cách ly như thế, nên trẻ con ở đó không được đi học, cũng không có cả hộ khẩu, vô cùng đáng thương.
Ngày nay, xã hội Đài Loan tuy đã thoáng hơn trước , người dân đã có hiểu biết tương đối về một số bệnh, nhưng về mặt tâm lý, vẫn không có cách nào xóa bỏ hết những lo sợ của họ đối với người mắc bệnh. Ví dụ bệnh AIDS,  y học đã sớm nghiên cứu chỉ ra rằng nó không dễ dàng lây nhiễm, nhưng ai cũng "xanh mặt" khi nghe đến AIDS. Hay với những người mắc bệnh tâm thần, mọi người sợ họ gây chuyện, bạo lực, giết người. Nhưng trên thực tế, những bệnh nhân tâm thần có khuynh hướng bạo lực  so với những người bình thường lại có phần ít hơn. Ngược lại, chính những người bình thường say rượu mới nguy hiểm, ví dụ, say rượu rồi lái xe, có phải là nguy hiểm hơn không? Nhưng người ta lại không sợ những người say rượu đến như vậy.
Cho nên, sự xa lánh hay cảm giác lo sợ phần lớn đến từ sự thiếu hiểu biết về bệnh tật. Do không hiểu rõ nên vội vàng tẩy chay người mang bệnh, đẩy họ ra khỏi cuộc sống hàng ngày của mình. Đó là một nỗi bật hạnh lớn cho xã hội. Làm thế nào để giảm thiểu thái độ xa lánh đó, cần nhiều hơn những biện pháp tuyên truyền, giải thích cặn kẽ. Đó là trách nhiệm của chính phủ, của những đoàn thể vì người bệnh và của giới truyền thông. Tuyên truyền liên tục sẽ làm giảm được sự hiểu lầm hay sợ hãi của mọi người đối với những người kém may mắn ấy.
Như theo tôi biết, rất nhiều người còn chưa biết rằng cùng người bệnh AIDS bắt tay, ăn cơm, thì cơ bản là chưa thể lây bệnh. Chỉ có quan hệ tình dục, qua đường máu, mới có thể lây nhiễm. Cho dù là nước bọt cũng không thể lây nhiễm, trừ khi vòm miệng có vết thương, nếu không có thì việc hôn người AIDS cũng không sao cả. Những kiến thức căn bản như vậy chỉ cần nắm rõ thì chẳng còn sợ hãi. Biết rằng bệnh không thể lây qua không khí hay do dùng chung nhà vệ sinh thì người ta sẽ bớt được rất nhiều khủng hoảng. Hay đối với người bệnh tâm thần, lúc phát bệnh thì đưa họ vào bệnh viện, nếu bình thường vẫn uống thuốc và được khống chế tốt thì cũng có thể để họ sống chung với cộng đồng không cần phải sợ.
Đối với nhửng ai mắc bệnh, mọi người nên có một tấm lòng từ bi, bởi bất cứ lúc nào chúng ta đều có thể trở thành một người bệnh, có thể bị AIDS, cũng có thể mắc bệnh tâm thần. Nếu như bạn hy vọng người khác có thể chấp nhận bạn khi bạn trở thành một người bệnh thì ngay hôm nay, hãy mở rộng lòng chấp nhận người khác. Thương người như thể thương thân!

Nói đi cũng phải nói lại, nếu muốn người dân hết lo lắng, tẩy chay người bệnh, thì chỉ có thể thông qua việc giải thích, loại bỏ các nỗi nghi ngờ trong họ, tuyệt đối không nên áp dụng hình thức bạo lực từ phía cảnh sát. Phương pháp cưỡng bách không thể hóa giải hết nỗi khổ đau, cũng không thể loại bỏ các hiểu lầm. Cần hơn cả là sự thấu hiểu và thông cảm cho nhau, đó mới chính là cách giải quyết cơ bản nhất.

1 nhận xét:

đăng kiểm xe tải isuzu nói...

Ai cũng cần sự quan tâm và yêu thương. Con người ai cũng mắc sai lầm, quan trọng là biết thay đổi và tu tâm.