Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Nhìn người

HOÀNG ÁNH THU (TTCT)

Tôi là một cô sinh viên năm nhất chân ướt chân ráo xuống Hà Nội học với bao bỡ ngỡ. Trong mắt tôi, Hà thành náo nhiệt, nhộn nhịp nhưng con người không hề thân thiện.
Họ thật lạnh lùng, không mấy quan tâm đến nhau. Họ sống theo quan niệm thân ai người ấy lo và có lúc tôi thấy họ thật xấu xa.
Một buổi chiều trời mưa phùn, gió se se lạnh, cũng như mọi ngày tôi đi học về rồi rẽ qua cửa hàng tạp hóa ở ngay đầu ngõ mua thức ăn. Tôi vốn chẳng thích mua ở đấy vì con bé bán hàng rất đanh đá nhưng đi học về muộn, chợ lại xa nên tôi rẽ vào mua cho tiện. Mua xong, tôi rút ví ra trả tiền rồi thế nào mà bỏ quên luôn ví và điện thoại ở đấy. Mãi đến tận tối tôi mới chợt nhớ đến cái điện thoại.
Lục khắp phòng mà không thấy, tôi sực nhớ lại, ba chân bốn cẳng phi như bay ra cửa hàng. Con bé bán hàng thấy tôi phì cười và nói: “Chị chưa già mà đã lẫn thế. Lúc chiều chị mua hàng xong rồi cứ thế về quên không cầm ví, em mải bán hàng nên cũng không để ý, mãi về sau em mới biết. Em đoán chắc là của chị để quên nên em cất đi cho rồi nè, lần sau đi đâu chị nhớ phải cẩn thận đấy”.
Nói rồi nó đưa cho tôi chiếc ví cùng điện thoại. Người tôi cứ đơ ra không biết nói gì, chỉ biết đưa tay nhận lấy, chẳng nói nổi lời cảm ơn. Không biết tại sao trong tôi lại có cảm giác lạ vậy. Trước mặt tôi hôm nay là một con người khác hẳn, khác hoàn toàn so với con bé bán hàng mà trước đây tôi biết.
Tối hôm đấy tôi đi làm, vừa ra đến cổng thì gặp bác chủ nhà, tôi chỉ chào một tiếng cho lấy lệ rồi đi qua. Nhưng tôi bị níu lại bởi câu hỏi của bác: “Đã mang áo mưa đi chưa? Hôm nay tivi báo mưa đấy, không mang đêm về gặp mưa ướt ốm thì khổ”. Lời nói nghe sao quen thuộc, thân thương giống y như những gì mẹ hay dặn tôi trước khi tôi đi học.
Rồi tôi để ý đêm nào bác cũng chờ tôi đi làm về mới khóa cổng, có những hôm đi làm về muộn bác cũng không phiền hà. Thậm chí nhiều lần tôi đi học có xe rác đến bác đều đi đổ cho, ngay cả những hôm mưa quần áo phơi bác cũng cất hộ...
Giờ tôi mới hiểu không thể đánh giá người khác chỉ qua mấy lần gặp mặt. Tôi thấm thía lời của nhà văn Nam Cao: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố mà hiểu họ, ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương...”.