Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

BẠN GIÀ CỦA TÔI

 Thầy Ngô Văn Ban
Mỗi lần tôi dừng chiếc xe Honda ở trường hay ở Sở, ở nhà hàng, hay ở nhà bạn bè... đã nhiều lần bạn tôi đều nói : Sao chưa đổi mới tư duy. Bạn tôi không phê phán gì tư tuởng tôi có vấn đề, mà chỉ muốn nói tại sao tôi chưa đổi xe. Nguyên, chiếc xe Honda Dame của tôi thuộc loại cổ lỗ sĩ, cần đưa vào viện bảo tàng, như lời các bạn tôi nói. Nó được hãng Honda Nhật Bản nhập vào Việt Nam đầu tiên từ những năm 60, lúc đó chỉ có những người lính chế độ cũ mới được mua, nên gọi là Honda Quân đội. Nó được sơn màu đỏ thật rực rỡ, người cỡi nó thật hãnh diện, nói theo từ bây giờ là thật sành điệu. Tôi tậu nó từ đầu năm 1971 từ một ông Thượng Sỹ già. Ông giữ xe rất kỹ, người già thường cẩn thận. Chiếc xe trãi qua năm bảy năm mà vẫn còn tốt, đi êm ru. Không như bây giờ, theo tôi biết, chiếc Honda 100 phân khối của Trung Quốc, đi vài năm là thấy hỏng hóc, nhất là giới trẻ, đa số cứ phóng đại, không biết bảo dưỡng xe. Và rùng rợn hơn là mỗi lần có xe nào đụng vào, dù đụng nhẹ, người chỉ bị xây xát , nhưng nhìn chiếc xe nó tan rã một cách rất thảm thương.
Tôi tậu xe khi mới cưới vợ. Trước đó, tôi dạy ở huyện Ninh Hòa, nhà ở Nha Trang, chỉ cần sáng thứ hai, lên xe đò về huyện, ở đó dạy đến thứ sáu đi xe đò về nhà. Phương tiện di chuyển trong thành phố nơi tôi ở là chiếc xe đạp. Xe đạp tôi ráp thật xịn, sườn hiệu TAPOR SUPER, coi như loại sườn xe thật tốt hồi đó. Với giá ráp một chiếc xe mười bốn ngàn đồng cộng thêm mười đồng dán tem trước bạ (gần bằng nửa lương của tôi), tôi có một chiếc xe đạp đi êm ru, nhẹ nhàng, chở người yêu (nay là vợ tôi) đi phong phong. Đến khi tôi có đứa con gái đầu lòng, việc chở vợ lẫn con đi vòng vòng trong thành phố thật hơi... nặng nề. Do đó, tôi định tậu một chiếc Honda, hỏi giá cả nó, bằng ba tháng lương của tôi cộng lại, không ăn uống chi tiêu gì cả. Tuy thế, nó vẫn còn đỡ hơn bây giờ, tậu cái Dream, với lương giáo viên như tôi không biết bao nhiêu năm cho đủ mua. Đang không biết vay tiền đâu để mua, thì bà ngoại cháu đưa tiền cho mua. Nguyên mỗi lần vợ chồng tôi ẳm con về thăm ngoại, chỉ cách hơn mười cây số, nhưng phải hai lần đổi xe và bồng con đi vào xóm hơn trăm mét nữa, nên ông bà ngoại thấy con cháu quá cực khi về thăm mình, nên cho tôi tiền mua xe là thế !
Thế là chiếc xe cùng với tôi dong ruỗi khắp nẽo đường, đi đến trường, đến Sở, đi về thăm ngoại cháu, đi về các huyện xa, đưa đón vợ con, bạn bè... Nhiều năm tháng trôi qua, màu đỏ chiếc xe càng ngày càng bị trầy trụa, loang lỗ và hơn nữa màu đỏ của Honda càng ngày càng vắng bóng trên đường phố, nên theo... thời thượng, tôi cho sơn lại màu xanh cho đồng màu với những chiếc Honda Dame xanh nhập sau vào Việt Nam. Nhiều năm tháng trôi qua, xe hư chỗ này, mòn chỗ nọ, thậm chí có bạn bè nói ngọt đổi cho tôi những bộ phận còn xịn của xe tôi lấy những thứ dỏm, như đèn xi-nhanh, bửng, cây chống... Xe cứ hư, tôi cứ sửa. Bộ phận nào mòn, hư, gảy, sét gỉ... tôi cho thay cái mới. Tôi có bác sĩ lo chữa bệnh xe tôi. Mỗi lần đưa xe đến sửa, bác sĩ nhìn là biết xe tôi hư chỗ nào. Tội nghiệp chú sửa xe, cố gắng lục bộ phận nào còn dùng được do xe người khác thay cái mới, bỏ lại cái cũ, đem thay cho xe tôi, cho đỡ bớt tốn. Qua nhiều lần sửa như thế, tôi mới phát hiện một điều rất thú vị mà đem đố các bạn tôi ai cũng chẳng biết. Đó là giữa xe Honda đỏ với xe Honda xanh, nó khác nhau ở bộ phận nào ? Đó là cái vít lửa. Vít lửa xe Honda đỏ không thể nào bắt vào mâm xe Honda xanh được, và trái lại. Do đó, khi vít lửa mòn, tôi phải đi lùng khắp thành phố, tìm của quí hiếm đó. Và sau đó, tôi mới phát hiện chỉ có một chỗ bán. Có lần tôi mua hai ba cái để... dự phòng.
Tôi chỉ mong xe tôi, đạp vài cái là nỗ, đi đến nơi về đến chốn là tốt. Nếu có hư đâu sửa đó, mòn đâu thay đó. Ngoài tiểu tu, gần đến Tết, tôi có cuộc đại tu, sau đó mang đi rửa cho sạch sẽ, chở vợ con dạo Tết cho... sang. Khi rửa xe, tôi cũng rất hồi hộp, vì sau khi rửa xong, không biết xe đạp lại có nỗ không. Có lần, chiều 30 Tết, tôi đi rửa xe. Đạp một cái là nỗ, rất mừng. Nhưng xe chỉ đi được một đoạn ngắn thì tắt máy, đạp nhiều lần lại vào số đẩy, nhưng xe vẫn không nỗ. Không có dụng cụ mở bugi, tôi đắt xe đi lòng vòng trong thành phố, tìm chỗ sửa xe. Nhưng không có chỗ nào còn mở cửa vì thợ lo về chuẩn bị Tết cả. Trời đã tối, vừa mệt, vừa bực, nhưng phải ráng dắt xe đi. Nhà thì cách thành phố hơn bảy cây số. Tôi phải vào nhà bên đường xin gọi điện thoại về nhà, gọi con đem xe xuống... kéo về. Khi con tôi đến, mở bugi, vì lâu quá, sét cả nên nó mạnh tay thế nào đó, bugi bị gảy làm đôi. Thế là nó phải lấy xe đi tìm mua bugi mới trong thành phố đang chuẩn bị đón giao thừa này. Ngồi nghỉ mệt bên chiếc xe cỗ lỗ của tôi, tình cờ mắt tôi dán vào chỗ đóng mở xăng. Thì ra, trong khi thợ rửa xe, chà xát thế nào mà cần đóng mở xăng đóng lại. Xăng không xuống, làm sao xe nỗ ?
Như tôi đã nói, tôi chỉ mong khi cỡi xe đi đâu, đi đến nơi, về đến chốn là tốt rồi. Nên khi đi về các huyện, dọc đường tôi thường chú ý hai bên đường có chỗ nào sửa, vá ép Honda không là tôi thấy yên tâm. Vì có một lần đi huyện Vạn Ninh, đến chân đèo Rọ Trượng, xe tôi bị xì lốp sau. Tôi nghĩ xe mình bị đinh đâm vào, vì để chuẩn bị chuyến đi xa, tôi mua ngay cặp ruột mới thay thế cặp ruột đã vá nhiều chỗ,  tránh tình trạng hở vá dọc đường. Thế là tôi dẫn xe đi ngược lại về phía thành phố. Trời nắng, nóng. Mệt mề. Dẫn xe đi giữa trời nắng, hai bên đường không có cây cối gì, chỉ là ruộng hay các đìa nuôi tôm. Khi đến xóm dân cư ven đường, tôi không thấy chỗ nào vá xe cả. Và hôm đó, tôi phải dắt xe đi đúng năm cây số mới có chỗ vá. Khi thợ mở lốp, lôi ruột ra, mới phát hiện, không có một lỗ đinh nào cả, mà có cả hai ba lỗ... mọt.
Tôi dài dòng về chiếc xe của tôi, đã gắn bó  gần cả cuộc đời dạy học của tôi, đã mang nhiều kỷ niệm trong đời tôi như thế, để nói rằng làm sao tôi có thể đổi mới tư duy cho được ? Tôi với nó thật thân thiết, thật gắn bó, có lúc tôi coi nó như người bạn tri kỷ, người bạn xương cốt của tôi. Tôi ngồi lên nó, tôi thấy thật yên tâm. Tôi quen với tốc độ của nó rồi, nên khi đi Dream 100 phân khối, tôi thấy quá... hoảng. Hơn nữa, với nó, tôi chỉ cần Giấy đăng ký xe với tờ bảo hiểm trong túi là yên tâm. Còn đi xe 100 phân khối, lại phải làm nhiều thủ tục mới có Giấy phép lái xe, thật... phiền phức.
Có lần, tôi được bác sĩ bảo nên đi xe đạp cho khỏe người, bụng bớt to. Tôi lấy xe đạp đi một thời gian. Một hôm, nhìn chiếc xe Honda cũ kỹ của tôi, đầy bụi bám. Tôi thấy thật xao lòng. Tôi nghe nó oán trách tôi, bỏ bê nó trong xó, mình bám đầy bụi bặm. Tôi còn nghe chiếc xe đạp có những tiếng cười đắc thắng, tiếng cười chế nhạo nữa. Tôi cũng bỏ nó một thời gian dài như thế sau ngày Giải phóng 1975. Vì hồi đó, do tiết kiệm xăng, nên xe nào có dấu của chính quyền mới được phép lưu hành. Đó là thời gian làm khổ tôi, đi đâu cũng lén lút, phải đi vòng, phải đi trên những con đường làng trước khi ra quốc lộ, nhưng cũng không tránh khỏi bị phạt. Từ đó, tôi bỏ xó nó. Đôi khi cũng thấy chạnh lòng, nhưng lực bất tòng tâm. Rồi tôi cũng có dấu đóng trên Giấy đăng ký được phép lưu hành do tôi làm trong quản lý trường học. Hôm tôi chở vợ tôi đi đám cưới tại thành phố, cảnh sát thổi còi, bắt tôi dừng lại. Tôi xuống xe, trình giấy tờ. Tôi đưa đủ : Thẻ Chứng minh nhân dân, Giấy đăng ký xe. Viên cảnh sát nhận và không coi gì cả, quay lưng bỏ đi, chắc mẫm tay này không có dấu cho phép lưu hành, phải phạt thôi. Nhưng tôi thấy viên cảnh sát đưa giấy lên coi và tức thì quay lại, đưa cho tôi nụ cười xí xóa cho. Và bất ngờ hơn là viên cảnh sát nói Thầy, Thầy đi đâu đó, em cứ tưởng... Rồi bắt tay, rồi xin lỗi... vui vẻ cả. Và hôm nay, nhìn chiếc xe bị bỏ xó đầy bụi bặm trong góc nhà, tôi cũng thấy không đành lòng, nên dắt xe ra, lau chùi sạch bóng, đạp một cái nổ ngay. Tiếng nỗ reo vui, tiếng nỗ từ lâu bị dồn nén, nay được thoát ra, đầy sinh lực, mạnh mẽ. Tôi lại ngồi lên nó, cùng với nó đi đến trường, đến Sở, đến nhà bà con, bạn bè.
Tôi với nó như đôi bạn già, nó là nữ (Dame mà), nhưng tôi không sợ mất, không sợ trầy trụa, không sợ ai gỡ đi những bộ phận trên nó, vì có ai thèm ngó, thèm đụng đến một bà già đang tàn tạ nhan sắc làm gì.
Bây giờ tôi đã về hưu, nhưng nó chưa về. Hư đâu sửa đó, mòn đâu thay đó. Cũng như tôi vậy, tôi chỉ về hưu từng phần mà thôi.

1 nhận xét:

MM nói...

Đúng cái xe bà để lại cho em đi học ĐH rồi! Không bỏ được!