Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

CÒN ĐÓ LƯƠNG Y

SGTT.VN - Trung tuần tháng 10, tại lầu 1 khoa cột sống A, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, chúng tôi chứng kiến cuộc hội ngộ giữa một bệnh nhân cũ và vị bác sĩ điều trị cho ông 18 năm trước. Cuộc hội ngộ ấy càng đáng suy ngẫm trong thời điểm ngành y liên tiếp xảy ra những vụ động trời.

Ông Sang (trái) tay bắt mặt mừng với BS Võ Văn Thành.

Tên Sang mà số khổ
Cả đời ông Trần Sang lao lực nuôi bảy người con và thời điểm ông đổ bệnh, đàn con đang tuổi ăn học. Trong khi người vợ oằn lưng với gánh bún bò ở lề đường Hùng Vương TP Đà Lạt thì ông ngày phụ hồ, tối vác rựa khai hoang đất đai. Cứ thế cho đến lúc có mảnh vườn, nuôi đàn bò sữa quy mô nhất nhì Đà Lạt bấy giờ, con ông hết đói, được cắp sách tới trường. Nhưng khi đàn con đứa ra trường, đứa vào đại học thì bệnh tình bắt đầu tìm đến người cha. Ông cắn răng chịu đựng những cơn đau nhẹ. Năm 1990, những cơn đau ở thắt lưng trở nặng, theo cách chữa dân gian, ông đốt ngải cứu dịt vết thương trước khi ngủ. Tới lúc cả một vạt lưng thâm đen ngải cứu, ông bàng hoàng nhận ra mình chịu thua những cơn đau. Rồi ông chỉ có thể bò, dần dần bại liệt, bí tiểu. Nửa năm trời bất động, thuốc thang khắp nơi nhưng đôi chân ông ngày càng teo tóp. Cơ may đến với ông và gia đình khi một người hàng xóm tới thăm, mách cho địa chỉ khoa cột sống bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Bán vài con bò sữa, gia đình quày quả đưa ông xuống thành phố. Được mổ không lâu sau khi nhập viện, giúp ông Sang cảm thấy trút được gánh nặng đau đớn. Thế nhưng, vết mổ tai biến, những cơn đau trở lại hành hạ, mật độ còn dày hơn trước… Ông Trần Sang lúc đó 61 tuổi.
“Tôi sẽ giúp bác hết đau”
Ông Sang nhớ lại: “Lúc đó tôi đau lắm, đến nỗi không ăn được. May mà BS Võ Văn Thành vừa mới tập huấn từ nước ngoài về, đi ngang thấy nên hỏi thăm, kêu khám lại và động viên ráng ăn uống cho lại sức, còn nói “Tôi sẽ giúp bác hết đau”. Lúc đó nghe mổ lại tôi hoảng, nhưng thấy bác Thành ân cần nên bớt lo”. Ông Sang được gắn sáu con ốc, bắt ba cái nẹp ở phần xương sống thắt lưng. Ông biết vậy bởi có cô y tá nào đó bảo: “Đồ đó BS Thành mang từ nước ngoài về, rất mắc”. Trong hơn bảy tháng ở phòng 206 (sau này chuyển qua 207), mối lương duyên giữa thầy thuốc và bệnh nhân dần thành tình bạn.
Anh Trần Sâm và Trần Hải, hai người con xuống chăm cha thời gian đó nhận định, với BS Thành không có chuyện bao thơ, quà cáp mà luôn ân cần, thân mật với người bệnh. Anh Hải kể: “Cứ không bận mổ, bác Thành lại tới lui, thăm hỏi bệnh tình ba tôi và những người bệnh trong phòng, rồi qua phòng bên”. Về phần mình, hai anh em họ không nề hà làm bất cứ việc gì có thể như dọn dẹp phòng, thay trải giường, lau nhà, đi xin cơm từ thiện và cả tắm rửa cho những người neo đơn. BS Thành cho biết, ông vui “cho cái quy củ và hiếu thuận đó”. Khi đã bình phục, ông Sang đúng ra sẽ được phẫu thuật trả lại ốc và nẹp cho bệnh viện. Thế nhưng, theo anh Hải: “Bác Thành đứng ra bảo lãnh vì ba tôi lớn tuổi, nếu tháo ra thì không hay, thiết bị đáng quý nhưng sức khoẻ bệnh nhân quan trọng hơn. Kể lại mà ba tôi rớt nước mắt”…
Sau ba tháng được BS Thành phẫu thuật, ông Sang bắt đầu vận động được hai chân, thoát khỏi cảnh bí tiểu. Về đến nhà, chỉ một thời gian ngắn sau ông Sang có thể đi lại bình thường, thậm chí còn có thể xới đất, trồng hoa hay tản bộ bờ hồ mỗi ngày cùng vợ. Ngoài điện thoại thăm hỏi, suốt 17 năm qua cứ đến dịp tết ông Sang lại mang rau củ nhà trồng, đón xe đò xuống thăm BS Thành. Còn BS Thành mỗi lần lên Đà Lạt cũng tới lui, thăm viếng gia đình ông Sang.
Không thuốc nào hay bằng tâm bác sĩ
Đợt này xuống thành phố, ông Sang báo trước là tới với “tư cách bệnh nhân” vì thấy đau ở cổ. Trong lúc cha con ông Sang được hướng dẫn đi chụp CT, MRI thì BS Thành kể: “Đây là một bệnh nhân đặc biệt. Ông Sang bị thoái hoá cột sống vùng thắt lưng do tuổi già. Bệnh có thể gây biến dạng (vẹo) cột sống, tác động lên dây thần kinh gây đau đớn. Không can thiệp kịp thời, nhẹ thì đau nhiều, sinh hoạt đi lại khó khăn. Tuỳ tác động mà có thể bị liệt một chân, hai chân, bí tiểu. Mấy đồng nghiệp can thiệp phẫu thuật liền nhưng mổ xong vẫn đau. Tôi hội chẩn, phẫu thuật lại”. Cần nhớ thời điểm đó chưa có các phương tiện chẩn đoán tiên tiến như bây giờ.
Anh Sâm kể: “Có lần cha ốm, đưa xuống một bệnh viện TP.HCM điều trị thì ông trốn về vì không có bác Thành. Cả đêm ông kêu la đau đớn, nhưng gặp bác Thành xong thì tươi tỉnh, chả kêu ca gì nữa!” Anh Hải tiếp lời: “Thật lạ là bác Thành nhớ vanh vách những bệnh nhân từng được ông điều trị, sau này có dịp ông đều tìm đến tận nhà, ân cần thăm nom, hỏi han bệnh nhân cũ. Có lẽ sự quan tâm đó là liều thuốc giúp những người bệnh như ba tôi có niềm tin: gặp được bác Thành là khoẻ!”
bài và ảnh Trung Dũng

Không có nhận xét nào: