Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

NƠI KHÔNG CÓ ĐÊM

Cô gái và con cú - tranh Iwao Akiyama
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

 Anh đọc lại một lần cuối hồ sơ bệnh án rồi đẩy chiếc ghế đứng lên, bước ra ngoài. Đứng trước cửa phòng, anh  hít một hơi thật dài, mùi nước javel quen thuộc ùa vào mũi len lỏi tràn xuống lồng ngực. Anh ưỡn người, vươn hai tay ra sau, rồi chậm rãi đi về phía cuối dãy hành lang nơi có khung cửa sổ. Hành lang phía ngoài có một người đàn bà đang áp sát mặt vào khung cửa kính, nhìn anh với một tia nhìn khắc khoải nhưng chứa đầy hy vọng, như đặt hết niềm tin vào anh. Anh đứng rất lâu nơi khung cửa sổ nhìn xuống đường, dòng xe cộ ngược xuôi tấp nập bên dưới. Tiếng động cơ, tiếng còi xe vọng lên, rì rào như những con sóng nhỏ đang vỗ đều đặn vào bờ. Phía trước mặt anh, hoàng hôn  hắt lên nền trời một màu vàng cam. Anh nhìn mãi những đường nét ở  phía chân trời cho tới khi nó mờ dần đi rồi đêm xuống rất nhanh. Đèn đường chớp  chớp, hàng loạt chiếc bóng sáng lên soi rõ dòng xe cộ đang dạt xô, chen lấn. Phía bên tay phải anh là biển, có những ngọn đèn li ti in trên vùng bóng đen. Núi, trời và biển đã hòa thành một khối. Một loạt cao ốc đèn đuốc sáng trưng như vành  đai phân biệt đất liền và biển. Xích vào trong là khu vực dân cư với những khu nhà cao thấp khác nhau được xác định bằng ánh sáng đèn màu vàng, màu trắng tạo cảm giác lô nhô, không thứ tự. Có tiếng nhạc thật to phát ra từ tiệm thu băng bên kia đường, lộn xộn và đứt quảng những bài hát không chắp nối được với nhau. Chắc là người ta đang thử máy, anh nhủ thầm như vậy. Trước mặt anh là tháp chuông nhà thờ với những hàng  dây đèn nhấp nháy kéo dài từ đỉnh  xuống chân núi. Hàng chữ “Ngàn năm mới” đủ màu sắc rực rỡ nổi rõ lên trên nền trời đen. Đây là ngôi nhà thờ lớn và đẹp, tọa lạc trên một ngọn núi nằm ngay trung tâm thành phố. Đứng ra xây cất nơi này là một linh mục người Pháp. Người ta đã dùng năm trăm trái mìn để san bằng diện tích mỏm núi hơn bốn ngàn mét vuông, dựng nên một ngôi nhà thờ và khu vực nhà xứ hơn một ngàn mét vuông. Phải mất năm năm mới xây dựng xong cơ sở hạ tầng, từ mở con đường lên nhà thờ, hoàn thành năm mươi ba bậc thang, xây cất công trình chính, lắp đặt hệ thống điện nước… Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá từ con đường đi lên cho đến tháp chuông. Và đến tám năm sau ngôi nhà thờ mới có một cấu trúc hoàn chỉnh như bây giờ: ba tháp chuông, diện tích lát đá hơn bảy trăm mét vuông, hơn hai mươi ngàn viên đá lót đường và sáu trăm viên đá viền (bordure). Những ý nghĩ của anh bị cắt đứt khi anh nhìn thấy một chiếc xe buýt dừng lại, thả xuống đường những bộ đồ màu xanh rồi vội vã tản đi nhanh.
Nơi anh đứng là tầng bốn của tòa nhà năm tầng. Khu vực cầu thang chính giữa ngăn cách phòng mổ và khu hồi sức. Ở đây có ba phòng mổ, hầu như rộn rịp hàng đêm, không có đêm nào dưới mười ca mổ.  Tối nay anh trực phòng mổ chấn thương. Bây giờ chỉ là lúc bắt đầu cho một ngày dù ca trực của anh hôm nay từ bảy giờ sáng. Thường sau mười giờ, hai phòng rộn rịp nhất là phòng mổ chấn thương với những  nạn nhân của các vụ đụng xe, đâm chém và phòng mổ sản. Một sự mâu thuẫn của cuộc sống tồn tại bao đời nay là con người ta thường chọn ban đêm để sinh ra đời hay làm điều phi pháp, mờ ám. Một đêm có thể bình yên nhưng cũng có thể đầy sóng gió. Anh chầm chậm bước quay trở lại khu vực phòng mổ. Dãy hành lang sâu hun hút có ánh đèn điện màu vàng dịu mắt đang trìu mến ôm gọn bước chân và cả con người anh, thân thuộc lắm đã từ bao năm nay. Bóng anh hắt xuống nền gạch thật bóng, màu vàng kem nghiêng nghiêng, xiên xẹo và ngắn ngủn.
Tối nay anh bắt đầu một ca mổ với một bệnh nhân là một phụ nữ, hai mươi lăm tuổi, nạn nhân của một vụ bạo hành, bị chồng đánh vào đầu, bất tỉnh, đưa vào cấp cứu, được chỉ định mổ. Gia đình bệnh nhân chỉ có một mẹ già và  hai người hàng xóm đang dõi nhìn theo anh từ lúc anh bước ra khỏi phòng. Người mẹ có một đôi  mắt chứa đầy sự chịu đựng và  nhẫn nhục, một đôi vai xuôi xị gánh trên đó một cái lưng đã còng; có những vết hằn của năm tháng khắc lên khuôn mặt tựa như những vết đục sâu của một nhà điêu khắc cố tình thể hiện lên tác phẩm mọi đau khổ, tai  ương của cuộc đời để bắt con người phải gánh chịu. Khi anh quay trở lại, người mẹ nhìn anh như muốn nói điều gì đó. Anh khoác tay, ra dấu tỏ ý nói hãy yên tâm, rồi bước vào khu vực phòng mổ. Tại đây anh sẽ thay áo, thay mũ, rửa tay; có người  cột dây áo blouse cho anh, mang vào tay anh  hai chiếc găng tay đã vô  trùng và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho anh. Cánh cửa tự động khép lại sau lưng anh, bỏ lại đàng sau một người mẹ già đang chờ đợi  và có thể  đang cầu nguyện, đang dồn hết tâm trí vào bên trong kia. Phía sau cánh cửa màu trắng đục, có ánh  đèn sáng trưng in lờ mờ hình bóng những con người đi, lại đang làm nhiệm vụ đem sự sống trở lại cho mọi con người, kể cả những người cố tình muốn chối bỏ cuộc đời nữa.
Người phụ nữ chìm sâu vào giấc ngủ sau mười phút gây mê, hai kỹ thuật viên gây mê đang theo dõi nhịp tim và huyết áp. Tất cả đã sẵn sàng. Kíp mổ hôm nay có bảy người, hai kỹ thuật viên gây mê, ba dụng cụ viên và hai bác sĩ. Anh là bác sĩ chính và cô như đã từng bao năm nay, vị trí của cô luôn ở bên cạnh anh, đặt vào bàn tay anh chính xác những dụng cụ cần thiết phục vụ cho ca mổ ở tất cả mọi công đoạn. Nhiệm vụ của cô là theo dõi diễn tiến của ca mổ, phải luôn hiểu ý anh. Có thể sẽ dẫn đến sai sót lớn, hay có thể đổi cả một tánh mạng con người nếu chỉ cần một sự sơ ý nhỏ của cô. Khi cô đặt dao mổ vào tay anh, đêm ở đây thật sự bắt đầu. 

*
Anh có một thời niên thiếu  cơ cực. Cha mẹ anh mất sớm năm anh ba tuổi, anh sống với bà nội và gia đình người chú khắt khe. Năm mười tuổi, anh đi học may, vừa học, vừa làm. Mười bốn tuổi anh bắt đầu lãnh được những đồng tiền do công sức lao động bỏ ra. Và cũng năm mười bốn tuổi, anh bước những bước đầu tiên đến lớp học ban đêm, bắt đầu từ bài học vỡ lòng. Nỗ lực  ba năm ban ngày với mũi kim, đường chỉ, ban đêm với trang sách, ánh đèn, con chữ, anh tốt nghiệp tiểu học, rồi vào trung học có số tuổi khai sụt đi rất nhiều so với vóc dáng bề ngoài. Những năm miền Nam nóng bỏng không khí chiến tranh và bắt lính, anh  tìm đến  thành phố đông và ô hợp nhất nước để theo đuổi việc học bằng công việc của một người thợ may. Hai  mươi lăm tuổi, anh đạt được ước nguyện to lớn nhất của cuộc đời: thi đậu vào  đại học y khoa. Bảy năm sau đó, anh ra trường  là lúc đất nước đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất  của những năm sau giải phóng. Anh được phân công về một bệnh viện miền núi. Đối với anh, được sống và làm  công việc mình yêu thích thì miền ngược hay miền xuôi không quan trọng. Tại đây, anh đã có những năm tháng sống với những con người cực kỳ nghèo khổ, đầy bệnh tật. Chuyên khoa là một bác sĩ  mổ xẻ, nhưng anh lại thành công khi chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo về nội khoa. Sau này, mỗi khi  có dịp kể với ai đó khoảng thời gian này, anh luôn luôn tự hào rằng đây là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời và anh vẽ lại bức tranh quá khứ bằng những nét thật hùng tráng với những gam màu thật sống động. Con sóng cuộc đời đưa đẩy chiếc thuyền vận mệnh của anh. Năm năm sau đó, anh được điều động về thành phố  và được trả về đúng chuyên môn. Bàn tay của anh  có dịp thi thố tài năng, với những động tác luôn chính xác, không bao giờ thừa, không bao giờ thiếu. Từ vị trí một bác sĩ bình thường, anh được cất nhắc dần lên nhiệm vụ một bác sĩ trưởng khoa, luôn đảm nhận những ca mổ khó khăn và phức tạp. Người bệnh chỉ cần nghe nói đến tên anh là bác sĩ chính của ca mổ, họ đã thấy bệnh tình thuyên giảm đi phần nào. Chính tại đây, người đầu tiên anh gặp được là cô. Lúc ấy cô vừa mới ra trường, được phân công làm việc chung với anh. Cô làm việc  tận tụy,chăm chỉ và luôn biết học hỏi để nâng cao trình  độ. Cô tuân lời anh như một cô học trò học giỏi luôn biết vâng lời thầy giáo. Tuy nhiên, có một lần duy nhất cô  lắc đầu trước lời ngỏ của anh bằng một cái nhìn vừa buồn bã, vừa tiếc nuối, và hình như có long lanh giọt nước trong đôi mắt to nhưng dịu dàng vô cùng. Sau đó, anh lập gia đình với một đồng nghiệp. Bởi tuổi đã lớn, anh không thể chần chừ, điều anh cần là một mái ấm gia đình, một người vợ và những đứa con xinh xắn. Vợ anh là một bác sĩ  sản khoa, cô có phòng mạch riêng để anh toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp. Cuộc đời anh  bắt đầu như một chiếc xe mới đi trên con đường láng nhựa, không hề vấp phải một cái ổ gà hay  cũng như không hề vướng phải một cây đinh. Anh bận bịu với công việc ở bệnh viện, nghiên cứu, học hành. Chỉ trong  vòng năm năm anh lấy được hai tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Anh  đã không  còn thì giờ chú ý đến cô từ  ngày rất xa đó dù họ luôn sánh đôi nhau trong công việc. Đối với cô, chẳng có sự thay đổi nào so với cuộc đời của một cỗ xe chỉ có đường đi lên dốc ngon lành như anh. Đôi khi anh cũng có một vài thắc  mắc về cô, nhưng tuyệt nhiên, chưa bao giờ anh tự tìm một lời giải đáp. Mãi dạo gần đây, anh phát hiện hình như trong mắt cô có một nỗi buồn sâu thẳm như  ẩn giấu một nổi niềm. Anh nhận thấy mắt cô có nhiều quầng thâm hơn, nhưng tất cả cũng chỉ là những ý nghĩ thoáng qua. Cô không phải là điều anh bận tâm, cũng giống một người chồng hầu như ít khi nào cảm nhận được sự hiện diện của người vợ hàng ngày vẫn luôn sát bên mình. Anh cần ở cô như một tiện nghi trong công việc, và tất cả chỉ có thế.
Người phụ nữ vừa tỉnh được chuyển sang khu vực hồi sức  là đến  ca mổ thứ hai. Bệnh nhân là một thanh niên còn trẻ,  tai nạn xe cộ, chấn thương đầu và mặt. Anh đọc kỹ tấm phim chụp và hồ sơ bệnh án. Cũng vẫn là kíp  mổ trước, đối với mọi người tất cả đều bình thường, đều là những công việc một ngày như mọi ngày của cỗ máy, khi đóng công tắc điều khiển là bắt đầu hoạt động. Trong căn phòng lúc này chỉ có tiếng lách cách của dụng cụ và thỉnh thoảng có tiếng ra lệnh của anh. Chín con mắt đèn vẫn kiên nhẫn cùng anh dồn hết tâm trí vào hộp sọ của bệnh nhân đang được mở, chờ bàn tay khéo léo và tài hoa của anh đưa trả những  thay  đổi do chấn thương về vị trí ban đầu, anh không hề có cảm giác bàn tay của cô tối nay đặt chiếc pince hay chiếc kẹp vào tay anh hơi nặng nặng và có vẻ mệt mỏi. Hai giờ trôi qua trong căng thẳng và khẩn trương. Mọi người thở hắt ra khi mũi khâu cuối cùng của anh hoàn tất. Cô  làm công việc hoàn tất cuối cùng là băng lại vết thương. Có hai cô y tá thu dọn đống dụng cụ và những tấm vải phủ đã dùng chuyển vào kho chứa. Tại đây có người đang chờ để rửa sạch và hấp lại dụng cụ chuẩn bị cho một ca mổ tiếp theo nếu có. Đây là nơi không  có đêm.
Khi anh bước ra phòng thay áo, phía sau anh bỗng nhiên có tiếng xôn xao kỳ lạ. Phản xạ tự nhiên của nghề nghiệp làm anh quay phắt lại, bước nhanh trở vào phòng mổ. Hình như có điều gì không ổn. Có ai đó đang ngất xỉu và hai kỹ thuật viên gây mê đang đỡ một người nào đó. Anh đến gần, mặt cô tái xanh, nhợt nhạt, mắt nhắm nghiền, hai chân cô khụy xuống, cô đang lịm đi trong tay đồng nghiệp.
- Băng ca.
Anh nói to. Tiếng chân người chạy nhanh thình thịch vang vọng trong hành lang vắng, một phút sau tất cả đã sẵn sàng đưa cô về khu vực thang máy. Anh đi nhanh hơn bình thường. Một người nhấn nút gọi thang máy, cánh cửa mở, anh định bước theo vào trong, nhưng có tiếng gọi phía sau kéo anh lại :
- Bác sĩ…
Anh đành đứng nhìn cô trên chiếc băng ca mãi khi cánh cửa buồng thang máy từ từ đóng kín. Tại phòng mổ, mọi người đang chờ y lệnh của anh. Khu vực phòng mổ sản có tiếng khóc ré lên của một đứa bé sơ sinh vừa mới chào đời. Ở phòng mổ chấn thương, các cô y tá đang đưa bệnh nhân vừa mổ về khu vực hồi sức. Anh thay áo, trở lại bàn làm việc ghi trong bệnh án những giòng chữ về diễn tiến và kết quả ca mổ. Mọi người đã túa đi hết sang khu nhà điều trị, có khoa cấp cứu, cô đang được đưa đến nơi đó. Cô ý tá ngập ngừng nói với anh :
- Không còn ca nào nữa. Bác sĩ  trực ở đây, em sang xem tình hình chị ấy thế nào.
Anh gật đầu. Đồng hồ trên tường chỉ một giờ sáng. Đêm đã trôi qua tương đối bình yên, chỉ có hai ca mổ, nhưng trong lòng anh đang dậy sóng. Tự dưng, anh nhìn sững, bất động vào  chiếc hộp cắm bút trên bàn có gắn mặt đồng hồ nho nhỏ quảng cáo cho một loại thuốc kháng sinh, chiếc kim giây trên đồng hồ đang nhẫn nại quay tròn đều đặn đưa đêm về sáng. Anh để cho dòng suy nghĩ trôi một cách chậm rãi về cô. Hình như đã từ rất lâu rồi,anh và cô chưa có dịp nào nói chuyện thân tình với nhau như những ngày xưa. Phải, đúng ra là họ cũng đã có một mối tình rất đẹp.
Cô có đôi mắt to trên một gương mặt tròn và nhỏ. Với những chi tiết ấy không thể nói cô đẹp. Tuy nhiên phải thừa nhận một điều rằng, tất cả dáng vẻ người của cô luôn toát lên một vẻ dịu dàng và nhân hậu. Bàn tay cô mềm mại và mát khi cô bắt mạch hay sờ  trán bệnh nhân. Lần đầu tiên gặp cô, anh đã bị cuốn hút  ngay bởi cái vẻ dịu dàng này. Khi anh mời cô đi ăn tối lần đầu tiên, không kìm được, anh đã nói thẳng với cô rằng anh rất yêu cô. Cô đáp lại tấm chân tình của anh bằng một tình yêu dịu dàng và đằm thắm. Thế rồi, tất cả mọi sự việc lại  chấm dứt khi anh ngỏ lời cầu hôn với cô. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh thôi công việc tìm hiểu một người phụ nữ. Đối với anh, nó phức tạp hơn bất kỳ một ca phẫu thuật  dẫu khó khăn đến đâu.
Năm tháng trôi qua, cô hiện diện bên anh như một chiếc bóng, lặng lẽ và cam chịu. Anh có quá nhiều công việc phải làm, anh chẳng nhận thấy điều gì thay đổi nơi cô. Mãi thời gian gần đây anh nghe các cô ý tá nói với nhau rằng sao dạo này thấy da cô sạm lại nhiều giống như bị nám, rằng cô gầy đi trông thấy… Tất cả những điều đó, tự dưng bây giờ cấp tập trở lại trong đầu và bắt anh suy nghĩ.
Mọi người lục tục trở về phòng trực. Có người nói với anh rằng cô bị đau bụng, sau khi có kết quả xét nghiệm và siêu âm cô được chuyển về khoa sản. Anh cầm lấy chiếc điện thoại và bấm số gọi bác sĩ trực khoa sản. Tiếng trả lời trong điện thoại cho anh biết bệnh tình của cô. Đầu óc anh ong ong.  Quá khứ trở về thật nhanh, anh thấy cô với đôi mắt to, long lanh, thật buồn bã, lắc đầu trước lời hỏi cưới của anh. Cô đã biết trước bệnh tình của mình  và có phải chính điều này làm cô  từ chối đi chung đường cùng anh đến hết cuộc đời ?
Gác máy điện thoại, anh dặn dò cô ý tá trực nơi cần liên hệ trong trường hợp khẩn cấp, rồi bước ra khỏi phòng. Anh đi nhanh qua nhà cầu nối, đến buồng thang máy nhà điều trị, anh bấm số. Thang đang ở tầng trệt, mũi tên đang chỉ lên kéo chiếc thang bên trong theo  lệnh điều khiển của anh. Hôm nay tự dưng anh thấy những con số trên buồng thang máy hình như nhảy chậm  quá. Anh bước vào buồng thang máy, chiếc quạt hút trên đầu rì rì vang lên trong khoang vắng. Bảng hiện số điện tử đến số 6, cánh cửa tự động mở ra. Một tấm bảng xanh gắn trên tường màu kem đập vào mắt anh: tầng 6: Khoa sản. Anh gõ những gót giầy gấp gáp lên nền gạch hoa màu vàng chanh, đi về phòng cấp cứu.
Cô nằm trên chiếc giường phủ drap trắng tinh, mệt mỏi và xanh xao. Cô đang ngủ, cánh tay buông thõng ra khỏi thành giường trông thật gầy và nổi rõ những đường gân xanh. Anh nhẹ nhàng cầm lấy tay cô đặt lên nệm. Anh ngắm nhìn cô rất lâu. Tự dưng có một nỗi ân hận nào nhen  nhúm lên trong lòng anh. Tại sao, anh đã không quan tâm đến cô khi hàng ngày cô vẫn sát cánh bên anh ? Đáng lý anh phải hiểu cô hơn. Cô trở mình trong cơn ngủ say vì thuốc, đầu cô ngoẹo rơi ra khỏi gối. Anh đỡ đầu cô đặt  cho chính lại. Anh thấy thật rõ trên gương mặt tròn và nhỏ của cô những vết nám thật sậm choáng gần hết cả khuôn mặt. Hình như cô cười trong giấc mơ, một nụ cười méo xệch có lẫn sự đau đớn. Anh nắm lấy tay cô và bắt mạch. Tất cả đã bình thường. Nhìn cô thêm một lát nữa, anh bước ra ngoài. Mấy cô hộ lý mặc áo màu xanh đang túm tụm nói chuyện ở hành lang gật đầu chào khi anh đi ngang qua. Có tiếng khóc oe oe, một cô y tá  đang bưng một cái khay phủ vải trắng từ phòng sinh bước ra,nói vọng thật to ra phía ngoài: “Người nhà vào lấy nhau”. Anh bước vào phòng bác sĩ trực để trao đổi về bệnh tình của cô.
Khi anh trở ra, mọi sinh hoạt của bệnh viện đã bắt đầu tấp nập không khí của một ngày mới. Anh nhìn đồng hồ đeo tay: đã hơn năm giờ sáng. Anh bước đến sát ban công nhìn xuống khuôn viên bệnh viện. Ở tầng trệt, khu vực căng tin đã  nhộn nhịp, với đèn đuốc sáng trưng. Từ trong khu vực thang máy, một  chiếc giường được đẩy ra, bình dịch truyền treo lủng lẳng phía trên, tấm chăn đắp hờ  trên người một bệnh  nhân, người nhà lúp xúp chạy theo với linh tinh túi xách; có một chiếc xe đang chờ phía ngoài để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Anh ngước nhìn lên bầu trời. Màu trời xanh đã nổi rõ, có điểm những gợn mây trắng. Anh chầm chậm đi về cuối dãy nhà, mở cửa bước ra ban công phía ngoài. Có một chiếc máy bay, bay ngang qua trên bầu trời  về hướng biển xanh, tiếng động cơ ù ù to rồi nhỏ dần, anh nhìn mãi đến khi nó khuất hẳn vào trong mây.  Thành phố buổi sáng trong vắt và dễ chịu, những đám mây  trắng lơ lửng trên nền trời trông như những thớ vân mi ca giả gỗ màu trắng vẽ trên chiếc bàn màu xanh. Bên dưới khuôn viên bệnh viện có một cây xà cừ xòe tán rộng trùm một khoảng sân; cây bạc đầu phủ một lớp lá màu xanh nõn phía trên khiến anh liên tưởng đến những lọn tóc được nhuộm vàng hoe của đám choai choai. Những con đường bên dưới ôm lấy tòa nhà cao, trông ngay ngắn, vuông vức và sạch sẽ. Một ngày mới bắt đầu. Có thể ngày hôm nay cô sẽ được mổ mà cũng có thể vài ngày sắp tới. Sáng nay sẽ có các bác sĩ hội chẩn về bệnh của cô. Anh quay trở lại khu vực thang máy để xuống tầng trệt. Tự dưng anh thèm một ly cà phê thật nóng với một điếu thuốc, và chợt nhớ trong bệnh viện có quy định không ai được hút thuốc. Đã sắp đến giờ bàn giao ca trực. Hôm nay, không có ai nhìn anh trìu mến khi chia tay buổi sáng như thường lệ. Cô đang nằm trên kia. Anh quyết định, sáng nay anh sẽ ở lại bệnh viện đợi kết quả hội chẩn của cô.            
                                      
     *
Cô bé phục vụ căng tin ngạc nhiên khi vị bác sĩ trưởng khoa kêu một ly cà phê đen nóng. Là một người rất nguyên tắc, để giữ gìn sức khoẻ, bình thường ông chỉ uống một ly sữa đậu nành vào buổi sáng sớm khi vừa xong ca trực. Cô nhìn mãi vẻ khắc khổ nổi rõ trên gương mặt trầm tư của ông, có vẻ như ông đang lắng nghe một giọng hát nữ hơi khàn phát ra từ chiếc loa đặt ở góc phòng căng tin, một bài hát có giai điệu hoài niệm: “Nếu em rồi sẽ ở lại, anh sẽ biết yêu em hơn ngày xưa, nếu những sắc màu nhạt dần, anh sẽ vẽ em với màu nỗi nhớ……” (*)

(*) Ca khúc: “Tuyết rơi mùa hè” của Trần Lê Quỳnh.


Không có nhận xét nào: