Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

GRAN TORINO với Clint Eastwood : một phim hay !

Chúng ta đến với một quan điểm Nhân Bản rất khác với thuyết Nhân Bản truyền thống trong đó yếu tố tiên quyết là một khái niệm con người nói chung. Quan điểm Nhân Bản ở đây chỉ có những con người cụ thể, và một trách nhiệm vô biên với những con người cụ thể ấy. Vô biên đến độ có thể đưa đến chọn lựa sự chết …


Người xem có cảm tưởng đây là một nối dài của « Million Dollars Baby ». Hoặc một giải đáp, hay một kết cuộc … Những vấn đề đã được nêu lên trong « Million Dollars Baby » lại được vẽ lên trong một bối cảnh tương tự. Xem «Gran Torino» chúng ta lại gặp một linh mục trẻ, đầy quan điểm giáo điều, phô trương một sự tự tin gần như hỗn xược, đối diện với một nhân vật lớn tuổi, từng trải, nhưng đầy hoang mang, đau khổ. Chúng ta cũng gặp lại những buồn rầu thất vọng, có khi trở thành bực bội, về con cháu. Để rồi câu chuyện lại quay quanh tình thày trò thấm thiết giữa người lớn tuổi ấy với một người trẻ, sau vài sóng gió lúc ban đầu. Những trăn trở về sự chết, về những ân hận trong cuộc sống … một lần nữa lại được khéo léo đề cập đến. Và cả hai cuộn phim đều kết thúc với một cái chết bi hùng.

Qua tài diễn xuất của Clint Eastwood, chúng ta nhìn thấy nơi người cựu chiến binh từng trải của « Gran Torino » một nỗi cô đơn thấm thía, với niềm tuyệt vọng vô biên, không khác gì một chiếc bè mắc cạn ở cuối dòng đời. Những ân hận hối tiếc, những niềm tin sụp đổ, những thất vọng tràn trề của ông không thể được xoa dịu bởi vài bài giảng rập khuôn, vài câu sáo ngữ rỗng không mà ông « bị » nghe ở nhà thờ. Và người ấy quanh quẩn trong những chuỗi ngày bế tắc, với những vấn nạn không có giải đáp, những chờ mong không bao giờ đến, để nghĩ về mình với cảm giác vô dụng, về cuộc đời mình với ý tưởng lãng phí, về xã hội chung quanh như một cái gì xa lạ, vô nghĩa, suy tàn …

Người ấy có thể cứ sống như thế, sống như chết, cho đến chết. Như bao người khác. Nhưng, ông đã ra khỏi được bế tắc. Bằng cách nào ?

Bằng cách quay về nội tâm, tìm một cái gì đó nơi con người của mình chăng ? Không ! Quay về với chính mình, ông ta chỉ tìm ra những tội lỗi, ân hận, và một cuộc đời vô nghĩa.

Sự giải thoát của ông có đến từ môi trường gia đình và xã hội quanh ông không ? Cũng không. Vì khi nhìn đến gia đình, con cháu, ông chỉ thấy thất vọng và bực bội, thậm chí ghê tởm. Còn nhìn sang xã hội, thì chỉ mang cảm tưởng xã hội ấy đã trở thành một cái gì xa lạ, kỳ quái, phô bày những hình ảnh mà ông vốn rẻ khinh, loại bỏ.

Tìm giải thoát trong một niềm tim siêu hình chăng ? Cũng không chút hy vọng gì, khi tôn giáo bị đóng khung trong một hệ thống giáo điều sơ cứng, chỉ còn là một tập hợp những mệnh đề vô nghĩa đối với cuộc sống thực của ông.

Rốt cuộc, trong "Million Dollars Baby" cũng như "Gran Torino", giải thoát đã đến từ sự gặp gỡ với một người khác. Không phải với một "tha nhân" nói chung, trong một xã hội được định nghĩa bởi những tương quan thế này hay thế khác. Giải thoát đã đến trong sự gặp gỡ với một con người cụ thể, mang nụ cười và giọng nói quê mùa rất đặc biệt của cô gái bồi bàn muốn theo học quyền anh, hay sự ngờ nghệch, vụng về của cậu bé người Mường bên hàng xóm. Sự đối diện đưa đến trách nhiệm. Ngay lúc bạn gặp một người, thì bạn liền có ngay một số trách nhiệm với người ấy, dù chỉ là trách nhiệm nói chuyện lịch sự, tử tế, trước khi bạn tự định nghĩa mình là ai, và biết người kia là ai. Trong phim « Gran Torino », trách nhiệm ấy lại càng tăng thêm gấp bội phần, trước cảnh bất công và sự đau khổ của các đối tượng. Trách nhiệm trước đau khổ và bất công cũng không tùy thuộc định nghĩa anh là ai, và đối tượng của anh là ai. Mọi người đều tự cảm thấy có trách nhiệm trước đau khổ và bất công của bất cứ ai. Như thế, người ta tìm ngay ra được một con đường hành xử, một lẽ sống, mà không cần quan tâm đến những gì đã cấu thành con người mình, cũng như những đặc tính của con người đau khổ trước mặt mình. Điều ấy đã giúp ông cụu chiến binh Walt Kowalski không còn quanh quẩn trong những ân hận hối tiếc về cuộc đời cũng như con người của mình nữa. Nó cho ông một dịp để thoát ra khỏi ngục tù của bản ngã, bằng hành động, trong trách nhiệm với tha nhân.

Sự chết là một đề tài được nêu lên trong « Million Dollars Baby » lẫn « Gran Torino ». Trong cả hai phim, nhân vật chính đều có trách nhiệm lấy một quyết định trước sự chết. Người huấn luyện viên quyền anh có trách nhiệm phải giết cô học trò tàn phế của mình, trong khi người cựu chiến binh Walt sắp đặt cái chết của chính mình để cho những người hàng xóm Mường của ông có thể sống một đời sống mới.

Quan điểm triết học hư vô cho rằng mọi công trình của con người đều vô nghĩa, vì đều kết thúc bằng sự chết. Chúng ta không cần có bất cứ trách nhiệm với bất cứ ai, trong bất cứ việc gì, vì rốt cuộc, chúng ta cũng như mọi người đều sẽ chết. Ờ đây, vấn đề được đặt ngược lại : có những trường hợp mà chính chúng ta phải có trách nhiệm chọn sự chết. Sự chết không những không biện minh cho một thái độ thụ động, mà ngược lại, chính nó trở thành một hành động.

Khi Walt ngã xuống dưới lằn đạn của bọn du côn, hai tay dang rộng, người ta không khỏi nghĩ đến hình ảnh Đức Ky Tô dang tay trên Thập Giá. Vị linh mục trẻ đã nhìn thấy điều đó. Đã « giác ngộ » ý nghĩa cái chết của người mình tôn thờ như Thiên Chúa. Vị linh mục thú nhận trong bài giảng cuối cùng : « Walt đã dạy cho tôi tất cả » ...

Phim « Gran Torino » cũng gợi một suy nghĩ sâu sắc về chủng tộc. Walt Kowalski, một người gốc di dân Ba Lan, ở đầu phim, tỏ vẻ bực bội ra mặt trước những người Á Châu đến sống sát cạnh nhà ông. Bà cụ hàng xóm người Mường cũng bực bội vì sự hiện diện của ông Mỹ già này, và tự hỏi ông còn chờ gì mà không dọn đi, như những người da trắng khác ? Thật ra, trong những câu nói đùa, hay những lời chửi bới, Walt hoàn toàn không « tha » các cộng đồng chủng tộc khác như Do Thái, Da Đen, Ái Nhĩ Lan v.v… Có thể nói ông là một người kỳ thị chủng tộc. Như tất cả chúng ta ! Nhưng ông lại sẵn sàng hy sinh mạng sống cho những người hàng xóm Mường của ông, và tặng lại chiếc Gran Torino yêu quý của mình cho một cậu bé Mường. Vì sao ? Vì, như đã nói ở trên, khi tiếp xúc với họ, với những con người cụ thể, nhìn họ ăn uống, cười nói, rồi rên xiết, đau khổ, như chính mình, Walt không còn thấy đâu là người Mường, đâu là người Ba Lan nữa, mà tất cả chỉ là những con người, chia sẻ cùng khu xóm, cùng chịu đựng những bất công bạo lực. Chúng ta đến với một quan điểm Nhân Bản rất khác với thuyết Nhân Bản truyền thống trong đó yếu tố tiên quyết là một khái niệm con người nói chung. Quan điểm Nhân Bản ở đây chỉ có những con người cụ thể, và một trách nhiệm vô biên với những con người cụ thể ấy. Vô biên đến độ có thể đưa đến chọn lựa sự chết …
Tinh thần dân tộc cũng bị phủ nhận một cách đơn giản. Nếu Nhân Bản là như thế, thì tinh thần dân tộc chính là Phi Nhân !
Nguyễn Hoài Vân
4/4/2009

Gran Torino - Trailer

Không có nhận xét nào: