Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

HỔ QUYỀN - HUẾ

Thy Anh & Sáo Sành

Bé gái bán vòng lưu niệm trước Hổ Quyền
Nhiều người đến Huế du lịch chỉ biết đi thăm đại nội và các lăng tẩm. Thực ra, Huế còn rất nhiều di tích đáng xem khác của của vương triều nhà Nguyễn để lại .
Hổ Quyền là một di tích như vậy, độc đáo nhưng lại ít người biết đến.
Vừa chạy xe gắn máy doc theo bờ Nam sông Hương, vừa hỏi thăm đường, chúng tôi đến Hổ Quyền lúc trời đã xế chiều, đường cũng dễ đi. Một bé gái bán vòng lưu niệm chạy đến, tay ôm một cái rổ nhỏ đựng những chiếc vòng đeo tay bằng gỗ rẻ tiền. Bé đen nhẻm, mở to cặp mắt đen láy đứng nhìn chúng tôi, rụt rè chẳng dám mời chào những du khách mới đến. Khi chúng tôi bắt chuyện hỏi thăm về Hổ Quyền, bé trở nên mạnh dạn hơn và ra vẻ thông thạo, hướng dẫn cho chúng tôi biết Hổ Quyền trước kia là gì, đâu là cửa cho hổ, đâu là cưã cho voi vào ... y như một tour guide.
Sáo Sành trên lối đi lên khán đài cuả nhà vua
 Hổ là cọp, Quyền là cái cũi nhốt súc vật. Hổ Quyền xây theo lối lộ thiên, trông như một cái giếng bằng vôi và gạch, đường kính khoảng 50 mét, chu vi 158 mét, cao khoảng 6 mét và gồm 2 tầng. Tầng trên là khán đài, bề rộng 2 mét, riêng chỗ vua ngồi được xây trên cái bệ cao, phía trước và 2 bên có tay vịn  nhưng nay đã đổ nát. Lúc vua ngồi xem, bên mặt bỏ sáo, lại có chỗ dành cho các quan trong triều.
Tầng dưới, mặt trước có cửa chính, phía sau trổ 5 cửa ăn thông với các chuồng cọp và voi.
Trận đấu giữa cọp và voi diễn ra lần cuối cùng vào năm 1904 (Thành Thái thứ 16), rồi từ đó về sau Hổ Quyền bị bỏ phế cho cây cỏ hoang tàn.
Lối vào cho cọp (nhỏ) và cho quân lính (lớn) và một góc trong Hổ Quyền
 Năm 1748, Poivre đã được mục kích một trận đấu giữa cọp và voi tại Thuận Hóa và Crawford năm 1822 đã tham dự một trận đấu tương tự ở Sài Gòn. Sau đây là một đoạn Poivre miêu tả một trận đấu giữa voi và cọp ở cồn Gĩa Viên:
"Ngày 5 tháng giêng (1750), Chúa cho tổ chức một trận đấu giữa voi và cọp. Người ta chở cọp trong những cái cũi đến một cái cồn nằm giữ con sông lớn của Huế, ngay trước mặt một trong những cung điện của Chúa. Người ta cho lội qua sông 40 con voi đứng để chờ chiến đấu và sắp thành hàng chật cả một phía cồn. Cọp đứng đối diện với voi. Lính tay cầm mác lào đứng dọc theo chiều dài của cồn, khoảng chừng 600 bộ. Cồn chỉ  để trống một mặt. Chúa ngữ đến ngã này, có 12 chiếc thuyền cùng các quan theo hầu. Thuyền của Chúa khác các thuyền kia một cái lọng đỏ mà mộ người lính hầu cầm che cho Chúa. Chúa dùng 2 thanh tre gỏ vào nhau liên hồi ra lệnh cho trận đấu. Nghe lệnh, quân lính tháo cũi cho cọp ra. Con vật đáng thương này đau đớn vô cùng vì bị nhốt đã lâu trong một cái cũi chật hẹp, lại còn bị cắt vuốt, may miệng ... khi ra ngoài thì đã quá suy kiệt, lại còn thêm một sợi dây vững chắc cột cọp vào một cái trụ. Một con voi bước ra khỏi hàng, chậm chạp tiến đến gần cọp. Nó cuốn tròn vòi lại vì sợ cọp chụp vào chỗ ấy da mỏng, đoạn dùng ngà sóc vào con cọp không thể kháng cự, tung lên khá cao, rồi cứ đùa mãi cái trò ấy đến khi cọp chết hẳn. Thế rồi quân lính dùng củi thu cháy râu cọp đễ không một ai có thể lấy làm thuốc độc. Dân bản xứ cho rằng những sợi râu này là cực kỳ nguy hiễm.
Trận đấu cọp và voi như thế đó, một quan cảnh thật buồn chán, nhưng Chúa và các quan vẫn kiên tâm ngồi xem cho đến khi voi giết được cọp. Chúa làm cho cuộc đấu quá chênh lệch bằng cách tước "khí giới" của cọp. Chúa sợ voi chết vì giá voi rất đắt mà voi lại là lực lượng chính của nhà nước".
Lối vào cho voi
 Michel Đức Chaineau cũng miêu tả một trận đấu voi - cọp nhưng trên dải đất từ chợ Đông Ba đến Phú Văn Lâu. Lần này thì khác, cọp đã làm cho voi và người phải khiếp sợ một phen. Đức Chaineau viết:
"Dưới triều Gia Long, đi trên tàu của cha tôi, tôi đã được dự một trận đấu voi cọp mà kết quả gây nên một kết cục bi thảm cho một ông nài và nhiểu người lính ở đấu trường. Con cọp mà người ta mang ra đấu lần này là một con đã bị đánh bấy vì hại rất nhiều người, cho nên việc hành hình nó càng long trọng chừng nào càng hay chừng nấy. Trong ngày hôm đó, dân chúng đến xem khá đông. Con cọp có hình vóc khác thường và hình như nó chẳng sợ gì cả. Khi ra khỏi cũi, nó nhẩy rất mạnh cố tìm cách bứt dây, đến khi thấy không kết quả, nó tìm cách ẩn núp và nhẫn nhục trong chốc lát. Khi ấy, một con voi bị một người nài và một người línhcầm mác lào thúc bước đến lùm cây mà con cọp đang núp. Nhanh như chớp, cọp phóng lên đầu con voi, lấy bàn chân cứng như sắt tát vào màng tang của người nài khiến ông ta choáng váng lăn cù xuống đất. Tai hại hơn nữa là con voi lúc này không người điều khiển đã bước lui chạy trốn, đạp lên mình người nài. Tiến kêu la khủng khiếp vang lên tứ phía, quân lính khiêng thi thể của người nài đi chuẩn bị cuộc đấu khác. Một con voi thứ hai được chỉ định ra đấu với cọp. Lần này người ta cẩn thận cho những người lính đứng trên một cái bành đặt trên lưng voi, tay cầm mác lào chĩa xuống dưới, rồi thúc voi đi đến gần cọp, không quá xa để voi có thể dùng ngà tung cọp lên nhưng cũng không quá gần để cọp có thể nhảy chồm lên lưng voi như trước. Vừa tiến gần địch thủ, cọp đã nỗi cơn thịnh nộ, chạy vụt đến dùng mưu chước và sức lực hơn là tìm cách để tự vệ. Khi cảm thấy bị sợi thừng giữ lại, nó hùng hổ vẫy vùng và tận lực giật đứt được sợi dây. Những người đi xem đều kinh khiếp, mạnh ai nấy chạy giày xéo lên nhau. Còn cọp thì bỏ rơi voi, kiếm cách chạy về rừng núi. Tuy vẫn vướng sợi dây nhưng nó cố thoát ra ngoài. Nó chạy quanh đấu trường nhưng ở đâu cũng có lính cầm gươm, mác lào chặn lại. Nó đâm liều đem hết can đảm vượt qua được hàng lính đứng phía trước làm một vài người bị thương. Bỗng viên quan chỉ huy la lớn:"Nếu chúng bây không bắt được nó thì ta chém đầu cả bọn". Nghe hăm dọa như thế, quân lính đều đổ xô vào, vồ lấy cọp để bắt sống. Lần đầu cọp thoát, lần thứ hai cọp cũng thoát và mỗi lần như thế lại thêm người bị thương tích. Sau cùng, viên quan cũng ra lệnh giết chết cọp. Lần này cả một rừng giáo mác chĩa vào đâm chết cọp. Người ta kéo xác nó vào gần một cái bụi và cho một đàn voi đến, luân phiên nhau tung cọp lên cao và sau cùng, một con voi đã dùng chân để chà đạp".
Quân Cờ Đỏ tại Sơn Tây săn hổ năm 1937

Từ ngày lập Hỗ Quyền, voi cọp không mấy khi đấu ở ngoài, trừ dưới triều Đồng Khánh.
Nhiều người dự cuộc đấu cọp-voi dưới triều Thành Thái (1904) đã thuật lại rằng phần nhiều voi nhát gan, trông thấy cọp không chịu đánh, thường tìm cách tránh đi chỗ khác. Sau cùng, một con voi cái bước ra có vẻ hiên ngang. đi qua đi lại trước mặt con cọp không chút sợ sệt. Vua Thành Thái ngồi xem liền khen"Con này can đãm lắm!" , Nhưng bỗng chốc cọp đánh phóc nhẩy lên trán voi, voi hất mạnh cho rớt xuống. Cọp lại nhẩy lên bấu vào chỗ cũ, voi tức giận rống lên một tiếng vụt chạy đến đẩy mạnh cọp vào thành Hổ Quyền, dùng sức lấy đầu vừa húc vừa ép. Khi voi ngẩng đầu ra, cọp liền té xuống, voi lấy chân chà chết. Cuộc chiến đấu xảy ra ngắn ngủi, và từ đó về sau, mãi mãi không diễn ra trận đấu nào nữa.
(Bài viết có tham khảo tài liệu của Bửu Kế - Nguyễn Triều Cố Sự, huyền thoại về danh lam xứ Huế)

Không có nhận xét nào: