Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

LỜI KHUYÊN NHỮNG KẺ GÂY RA CHIẾN TRANH



Trong bất cứ một xả hội nào cũng có những kẻ hung ác gây ra vô số những khó khăn, vì thế cần có những phương tiện hữu hiệu để ngăn chặn không cho họ tác hại. Khi không còn cách nào khác hơn, thì lúc ấy mới sử dụng đến biện pháp quân sự.
Theo tôi, quân đội không được dùng để quảng bá cho một chủ thuyết hay xâm lăng một quốc gia khác mà đơn giản chỉ đễ ngăn chặn sự khuấy động của những kẻ phá hoại sự an vui của nhân loại và gieo rắc hỗn loạn, và chỉ nên đem ra sử dụng trong các trường hợp tối cần thiết mà thôi. Mục tiêu duy nhất của chiến tranh có thể chấp nhận được là để mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, và mục đích đó không thể hướng vào bất cứ một quyền lợi riêng tư nào cả.

Chẳng có cuộc chiến tranh nào là thực sự tốt đẹp ...
Chiến tranh là điều bất đắc dĩ. Lịch sử đã chứng minh cho thấy bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực và không mấy khi giải quyết được chuyện gì cả. Hung bạo chỉ mang đến vô số khổ đau mà thôi. Ngay cả trường hợp bạo lực được xem như là một giải pháp thích nghi và hợp lý để chấm dứt một cuộc xung đột nào đó thì người ta cũng không dám quả quyết là đang dập tắt một ngọn lữa hay lại làm bùng lên một nhúm than hồng.
Ngày nay, chiến tranh đã trở thành vô tri giác và vô nhân đạo. Khí giới tân tiến có thể giết hại hàng ngàn người mà không hề gây nguy hiểm gì đến ta cả và ta cũng không nhìn thấy được khổ đau do chính ta gây ra. Những người ra lệnh tàn sát thì lại thường ở xa chiến trường hàng nghìn cây số. Những kẻ vô tội, cả đàn bà lẫn trẻ em, tất cả đều muốn sống nhưng họ lại chính là những nạn nhân phải chịu chết hay bị tật nguyền. Gần như con người chẳng bao giờ biết hối tiếc qua các cuộc chiến tranh trong quá khứ. Trong các cuộc chiến ấy thì vị lãnh chúa cầm đầu đứng ra phía  trước đoàn quân và nếu vị lãnh chúa bị giết thì thông thường có nghĩa là mọi thù nghịch cũng chấm dứt theo. Ít ra cũng nên giới hạn chiến tranh trong khuôn khổ những cuộc xô xát trực tiếp giữa con người. (*)
Từ lúc được trang bị vũ khí thì con người cũng muốn sử dụng những thứ vũ khí ấy. Quan điểm của tôi là không nên thành lập quân đội quốc gia. Thế giới này nên giải trừ vũ khí mà chỉ nên duy trì một đạo quân quốc tế để can thiệp trong trường hợp hòa bình bị đe dọa tại một nơi nào trên thế giới mà thôi.
Tất cả mọi người đều nhắc đến hòa bình nhưng không thể nào có hòa bình bên ngoài khi ta còn cưu mang giận dữ và hận thù trong lòng. Người ta cũng không thể nào dung hòa giưã ước muốn hòa bình và chạy đua vũ trang. Vũ khí hạt nhân vẫn được xem như một thứ vũ khí dùng để ngăn chặn răn đe, nhưng theo tôi đấy không phải là một giải pháp khôn ngoan và hiệu quả lâu dài.
Một số quốc gia đã chi tiêu những món tiền không lồ để phát triển vũ khí. Biết bao nhiêu tiền của sinh lực nhân tài đã bị phung phí, tuy nhiên nguy cơ bị lạc hướng ngày càng dễ xảy ra, làm cho mọi người phải sống trong lo sợ.
Dập tắt chiến tranh là trọng trách của tất cả mọi ngườitrong chúng ta. Dĩ nhiên là người ta có thể chỉ đích danh kẻ gây ra một cuộc chiến, nhưng lại không thể khẳng định một cách chắc chắn là hắn từ chỗ nào dưới đất chui lên hay là hắn tự ý hành động một mình. Nhất định là phải có sự tham gia chủa các phần tử khác trong xã hội mà trong đó có cả ta, vì vậy, mọi người ai cũng phải mang một phần trách nhiệm. Nếu muốn mang lại hòa bình cho thế giới này thì ta phải biết tạo hòa bình trong lòng ta trước đã.
Hòa bình trên thế giới chỉ có thể thực hiện được bằng sự an bình trong tâm thức, và sự an bình trong tâm thức thì chỉ có thể đạt được bằng cách ý thức rằng tất cả mọi con người đều là những thành phần trong một gia đình duy nhất, dù cho tín ngưỡng, ý thức hệ, thể chế chính trị và kinh tế có đa dạng đi chăng nữa. Những thứ đó thật ra chỉ là chi tiết, so với những gì mang chúng ta lại gần nhau hơn. Điều quan trong là tất cả chúng ta là những con người, cùng sống chung trên một hành tinh nhỏ bé này. Muốn sống còn, phải chăng chúng ta cần sự hợp tác chung giữa người này với người khác và giữa các quốc gia với nhau.
Ghi chú: (*) Ngày nay, chiến tranh có thể không còn là những trận xô xát bằng gậy gộc hay bằng những vũ khí thô sơ nữa, mà có thể là một cuộc chiến không cần nhìn thất kẻ địch, chỉ cần bấm nút. Hàng ngàn vệ tinh canh chừng sinh hạot của con người trên mặt đất và sẵn sàng hướng dẫn những tên lửa hạt nhân phóng xuống mục tiêu. Ngay cả chiến tranh cũng không còn giữ được bản chất nhân bản sơ đẳng nhất.
          Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma (Những lời khuyên tâm huyết)

Không có nhận xét nào: