Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Dòng chữ của Ba

Nhị Tường (nhituongsite.com)


Có một thời mua một cuốn sách là cả một vấn đề vì hai lý do: thứ nhất là túi tiền eo hẹp; thứ hai là sách phân phối hạn chế. Còn bây giờ thì sách in bày bán ê hề trên giấy trắng tinh; một thời gian sau ố vàng hơn một chút bày bán nơi quầy “đại hạ giá”.
Ngày ấy, ở huyện tôi sống chỉ có một hiệu sách duy nhất. Lần đó sách được phân phối về chỉ có 2 cuốn Tự điển Anh Việt dày 2000 trang giá 26 đồng. Tôi thổ lộ ao ước có được cuốn sách này với Ba mặc dù biết đó cũng là số tiền lớn so với tháng lương của Ba. Thương con gái, Ba cũng xoay được số tiền để tôi khệ nệ mang cuốn sách về. Hai cha con ngắm nghía nâng niu trầm trồ cuốn sách. Ba nói sẽ viết lời đề tặng cho tôi.
Ôi, lúc đó tôi đã làm một việc ngốc nghếch nhất trên đời, tôi nói: “Đừng Ba, quyển sách như thế này mà mình ghi vào thì nó sẽ mất giá trị…”. Trong đầu một đứa con gái mười bốn tuổi như tôi nào biết rằng có ngày mình sẽ mất đi người cha mãi mãi, còn sách thì còn có cơ hội mua biết bao nhiêu cuốn nữa trên đời này. Tôi đã buộc Ba chỉ được ghi lời đề tặng ở phía sau cuốn sách, nơi chẳng ai nhìn thấy. Chìu lòng con, Ba cũng ghi cho tôi ở phía sau với một nét buồn ánh lên trong mắt. Cũng còn một chút an ủi là tôi kịp nhìn thấy ánh mắt ấy và kịp thời sửa sai. Buổi tối, tôi ôm cuốn sách đến bên cạnh Ba và lần nữa đề nghị Ba ghi lại lời đề tặng vào phía trước. Trong tôi lúc đó chưa bao giờ nghĩ rằng những dòng chữ xiên xiên của Ba sẽ in đậm suốt đời mình. Sau này, mỗi khi tra cứu, những dòng chữ của Ba luôn làm cho tôi thấy gợn lên trong lòng nỗi ăn năn, đồng thời cũng thấy ấm lòng như có Ba bên cạnh.
Một điều trớ trêu nữa là bây giờ đứa con gái nhỏ của tôi mới biết được vài chữ a, b, c, đã thừa lúc tôi sơ ý cầm bút vẽ nguệch ngoạc vào cuốn tự điển ngày xưa tôi từng trân quí; thế mà vì yêu con, tôi cũng không mắng mỏ hoặc trừng phạt nó; thế mới biết lòng cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con vô điều kiện.
Bạn ơi, nếu còn có cha mẹ trên đời, xin nhớ đừng bao giờ phạm phải một sai lầm như tôi: có lần yêu quí đồ vật hơn cả tình cha mẹ để rồi có lần phải rơi nước mắt hối hận như tôi khi viết những dòng này.

Không có nhận xét nào: