Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Viên Sỏi

Ann Nguyen

Có một thời mà tình thầy trò bè bạn như tình thân gia đình. Có một thời mà ngày Nhà Giáo Việt Nam không ngập tràn hoa và quà mà chỉ là nồi chè đậu đỏ và những buổi đi vườn cây ăn trái, cô trò rộn rả tiếng cười. Đó là những ngày của tuổi học trò chúng tôi đã đi qua. Ngôi trường B Mỹ Long có một lóp 9 P- P vì ngoại ngữ chính là tiếng Pháp- một cô giáo chủ nhiệm vui tính tên là Ngọc Tuyết, và những người bạn thân thương vẫn là bạn sau mấy mươi năm ly tán. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp lóp 9 vào trung học, thầy trò bàn nhau việc ôn bài thi, bạn học khá giúp bạn học yếu, không hề có đi học thêm. Lớp học "thêm" được nhà trường cho phép mượn ban đêm một phòng học và gắn mấy bóng đèn tròn chỉ vừa đủ sáng. Cả lớp cùng được thầy Tôn Khoa giúp cho môn toán và cô Ngọc Tuyết giúp cho môn văn. Năm đó lóp 9 P đậu kỳ thi chuyển cấp với tỉ lệ cao nhất trường. Xa rồi lớp 9 thân yêu!

Thời gian cứ mải miết trôi, cuốn theo nó những thăng trầm của đời người. Ngày đầu tiên được đi làm và nhận được tiền lương tháng, mỗi người có một tâm trạng rất riêng. Và cũng có người chợt nhớ đến công ơn của những người đã dìu dắt mình những năm dài từ ngày bắt đầu đi học chữ a, b đến những bài giảng trên giảng đường đại học. Giáo sư dạy đại học tiếp nhận sinh viên, hướng dẫn sinh viên rồi tiễn sinh viên vào cuộc sống: ngắn ngủi và ít gần gũi. Tuy vậy sinh viên y khoa có đến những 7, 8 năm miệt mài trên giảng đường và trên lâm sàng. Nhớ lắm chứ những ân cần của đàn anh, đàn chị từng cầm tay chỉ việc, từng nung đúc ý chí tiến thân, từng cùng nhau căng thẳng cho một ca mỗ và chăm sóc hậu phẫu hay cấp cứu nội khoa. Tình bạn, tình thầy trò những năm dài đại học y khoa thật keo sơn. 

Cũng có một thời mà học trò và thầy cô giáo không cùng chủng tộc, khác màu da mà tình cảm vẫn thiết tha. Ngoài việc hướng dẫn chuyên môn còn có cả niềm tin yêu và hi vọng. Ở trường đại học cộng đồng người ta không gọi là thầy cô giáo mà gọi là người hướng dẫn (instructors) tuy họ là những giảng viên và phải qua trường lớp cũng như những cuộc thi bằng hành nghề trước khi giảng dạy. Họ xem nghề dạy học cũng như các nghề khác và đó là một sở thích cho việc mưu sinh. Các giáo sư (professors) ở đại học cũng được gọi là người hướng dẫn tuy nhiên trên văn bản họ được gọi là giáo sư một cách kính trọng. Tuy việc dạy học là một nghề nhưng cũng không ít người rất đam mê và luôn là điểm sáng cho sinh viên của họ noi theo bằng chính những việc làm của bản thân. Ngày tốt nghiệp, có một sinh viên được cô giáo tặng cho một viên sỏi. Bất ngờ và thú vị với món quà. " Em là viên sỏi, tuy cứng nhưng vẫn có thể tạo thành dáng cho phù hợp. Hãy tiếp tục là viên sỏi tạo nên lửa khi cần. Và em có biết, giữa một mặt hồ phẳng lăng sự rơi của viên sỏi sẽ tạo nên những gợn sóng- đó là khả năng lan toả." Cô tân điều dưỡng năm nào mang viên sỏi theo cuộc hành trình nghề nghiệp với lòng biết ơn và yêu thương vô bờ. 

Dù ở nơi đâu hay ngôn ngữ nào thì nghề giáo luôn là một nghề trân quí cho sự khởi đầu của nhiều ngành nghề khác vì không ai thành danh mà không qua những ngày làm trò. Trẻ con được thầy cô dạy cho những chữ vỡ lòng, những con số trên bảng tính cộng trừ nhân chia. Người sinh viên được thầy cô mình hướng dẫn cách vào nghề bằng trái tim nhei65t huyết của người đi trước. Rồi thì các thầy cô sẽ già nhanh hơn các em học sinh bởi tuổi đời. Thầy cô ở lại nơi mình bám trụ, học trò bay đi muôn phương xây dựng cuộc sống mới. Cũng có đôi khi vô tình trò chẳng nhớ thăm thầy cô nhưng chắc hẳn sự biết ơn vẫn nằm đâu đó sâu lắng trong tận đáy lòng. 

Kỉ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam, viên sỏi nhỏ kính chúc các thầy cô giáo nhiều niềm vui, sức khoẻ, và yêu nghề thêm một tí. Thân gởi bạn bè một thời phổ thông và một thời sinh viên nhiều an lành trong cuộc sống.

San Jose,
11/18/14

Không có nhận xét nào: