Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Anh mê vợ bé...


Ann Nguyen - San Jose


Như sét đánh bên tai, bà Tư thả mình cái phệt trên chiếc ghế tràng kỷ mà nghe tim đau nhói. Ông Lý chồng bà đã có con với con Dung! Căn nhà hai gian ba  chái như chao đảo hay bà chóng mặt và khó thở. Dung là cháu gái gọi bà Tư bằng cô. Con bé hiền lành, nhu mì, siêng năng, cần mẫn. Sao ra thế sự? Tại cô Tư không sinh được con, tại ông Lý trăng hoa, hay tại con Dung lẳng lơ? Tại ai đi nữa thì con Dung cũng đã có thai với ông Lý. Cái làng Vàm Láng này nhỏ như trở bàn tay mà tá điền và người làm nhà máy xay lúa chiếm hết dân cư của nửa làng. Bà biết ăn làm sao, nói làm sao, nhìn thiên hạ làm sao đây. Bao nhiêu câu hỏi cừ ù ù bên tai bà. Rồi cái thai sẽ lớn. Rồi cuộc đời của con Dung ra sao?

Bà úp mặt lên trên chiếc gối bông có thêu hình con công và con phụng. Công phụng vẫn còn đó mà cánh đang vỗ về hai miền trái hướng nhau. Nước mắt tuôn rơi mà không bật nổi thành lời. Người nằm cạnh bà đã từng chung chăn gối, từng vinh nhục, từng chia ngọt xẻ bùi mà giờ đây dang díu với đứa cháu gái cùng huyết thống của bà. Cái đạo mạo chỉnh trang của một ông chủ nhưng đầy lòng bao dung độ lượng đã làm gì để cắt bỏ lương tâm mình một cách không thương tiếc. Ông học trường Tây nên mang trong mình cái gọi là tự do phóng khoáng? Không, ông là một người đàn ông trí thức và mẫu mực. Con Dung mới 16 tuổi đẹp như bà ngày xưa. Con bé hiền lành chỉ biết đi học, nấu cơm, tính sổ trả lương cho tá điền, và một mực dạ thưa. Đêm như dài đến vô tận trong tiếng thở dài của hai người chung giường mà không chung niềm thương chồng vợ. 

Gà gáy điểm canh. Mặt trời ló dạng bên mái ngói đằng Đông. Bà trở mình hỏi ông Lý " Vậy chớ sáng nay ông có định lên Mỹ Tho không?" Hình như cả đêm ông cũng không ngủ và thầm cám ơn bà đã đọc được tâm tư ông " Bà thấy vậy có được không? Anh muốn lo cho nó mẹ tròn con vuông và một việc làm." Bà Tư chẳng đáp lại tiếng nào, kéo lê đôi dép kẹp ra nhà trước thắp một nén nhang.

Dung với khuôn mặt tái xanh và đôi mắt ráo hoảnh càng làm nó đẹp lạ lùng. Nó nhẹ nhàng đổ nước sôi vào cái bình tích sứ châm trà cho cô dượng Tư như mọi ngày. Bà Tư nhẹ nhàng vuốt tóc nó hỏi "Sao độ rày con ốm mà xanh vậy Dung, bài vỡ học hành nhiều quá hả con." Dung lí nhí "dạ" rồi lẹ làng trở gót ra nhà sau. " Ngồi xuống đó đi con", Dung giật thót mình khi nghe cô Tư biểu nó ngồi xuống cái ghế tràng kỷ sang trọng mà thường ngày chỉ có cô và dượng nó ngồi uống trà buổi sáng. Hai hàng nước mắt của nó bỗng nhiên lăn dài, lăn dài, lăn dài trên đôi má trắng cao pha một chút xanh xao. 

Kể từ ngày hôm đó đám con trai trong làng không còn thấy bóng dáng cô Dung cháu ông bà Tư Lý ngày ngày chạy chiếc xe đạp màu xanh lên huyện đi học nữa. Nghe đâu nàng đã về Mỹ Tho vào trường học y tá. Ông bà Tư Lý vẫn làm ăn ngày cáng khấm khá và nhân hậu nhất vùng. Thỉnh thoảng người có tuổi trong làng thấy ông bà Tư Lý lên chùa lễ Phật và hiến nhiều gạo thơm. Ba năm sau hai ông bà xin được một đứa con trai từ trên Mỹ Tho mặt mày khôi ngô tuấn tú. Con nuôi mà sao nó giống ông Tư đến lạ kỳ mà bà Tư thì cưng cậu quí tử như ngọc như ngà. Có lẽ vì họ không có con nên thương kẻ mồ côi như con đẻ.

Có ai đó hát câu "…gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…" Cô Dung làm mụ trong nhà thương Mỹ Tho chỉ biết gạt nước mắt mà thắt lòng trong câu hát miệng đời mỉa mai

Không có nhận xét nào: