Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

B I Ể N Đ Ộ N G

QUANG ĐẶNG


Thay vì đi thẳng trở về chỗ hai người bạn đang ngồi đợi, chị lại rẽ phải thong thả bước trên lối đi nhỏ lót bằng gạch Tàu. Sáng chủ nhật quán café đông hơn mọi ngày, màu vàng của nắng và hoàng lan làm cho không khí của quán thêm rực rỡ. Nằm dọc sông Sài Gòn với nhiều cây cối và tiểu cảnh xinh đẹp, quán café ngoại thành này luôn là tầm ngắm của nhiều tay săn ảnh. Mãi mê ngắm những cành  đủng đỉnh trên cao, chị suýt đụng phải một người đàn ông  mang lỉnh kỉnh ống kính, túi xách đi ngược chiều. Sau khi lí nhí lời xin lỗi, ông ta đưa tay sửa chiếc nón lưỡi trai che sụp kín khuôn mặt. Một đôi mắt quen thuộc hiện rõ sau vành nón. Tên của chị cũng được thảng thốt bật ra. Cả chị lẫn người đàn ông đều tròn mắt kinh ngạc. Họ không nghĩ sẽ gặp nhau nơi thành phố xa lạ này. Nếu là biển ở một nơi rất cũ có lẽ không là điều bất ngờ. Và môt cái bàn khác trong quán café sáng hôm ấy, có hai người tưởng đã thất lạc ngồi xuống cùng nhau.
Khóa học của chị và Phan, người đàn ông đội nón lưỡi trai là một khóa học đặc biệt sau một năm nhiều biến động. Đủ mọi trình độ, mọi lứa tuổi, đến từ nhiều địa phương khác nhau. Có người đang dở dang đại học ở Sài Gòn, có người mới tốt nghiệp lớp 12 và cũng có người vừa giã từ cuốc, cày từ một vùng quê xa xôi nào đó. Học viên người địa phương rất ít. Mấy trăm thân phận xa xứ chiếm hết dãy nội trú có mặt tiền ngó sang một tu viện suốt ngày đóng cửa im ỉm, thỉnh thoảng mới thấy một vài cái áo choàng đen ra vào ngôi nhà nguyện có cây thánh giá trên nóc cao. Trường và khu nội trú cách nhau mấy trăm mét. Sáng sớm hay chiều tối thấy cái bóng áo trắng nào ôm cặp đi ngang qua tu viện rồi rẽ phải biết ngay là dân nội trú. Cả ngôi trường, nội trú và tu viện trước đây đều là cơ sở của một dòng tu nổi tiếng, tất cả tạo nên một quần thể thoáng đãng và thơ mộng. Lớp chị học với những cửa sổ nhìn ra một con đường biển đẹp. Ở đó chị có thể thấy biển xanh vào sáng sớm, những ngọn đèn tàu đánh cá đẹp như cầu vồng vào ban đêm. Không biết có phải vì cái view tuyệt vời này mà chị thường lơ đãng trong những giờ giáo viên lên lớp.  
Biển đẹp thật nhưng cũng bất tiện với những ai không sinh trưởng ở vùng biển như chị. Những ngày đầu ở nội trú chị không tài nào ngủ được. Mùa đông năm đó lạnh và biển động dữ dội. Sóng cứ từng đợt từng đợt đánh ầm ầm như thốc tháo lồng ngực. Mãi đến mấy tháng sau chị mới nghe quen và ngủ được. Chưa yên ổn được bao lâu chị lại gặp phải một ám ảnh khác, đó là sự xuất hiện của Phan. Phan không chỉ khuấy động thời gian học tập mà còn ảnh hưởng cả đời sống tình cảm sau này của chị.
Thật ra Phan đã có mặt từ lúc mới nhập học. Nhưng chị không để ý tới Phan cũng như nhiều người khác vì thành phố biển này còn lạ lẫm với chị. Sài Gòn và những thứ thuộc về nó chưa thật sự rời khỏi chị. Sân trường đại học, bạn bè và tuổi 20 chị đã gởi gắm tất cả ở đó. Mơ mộng xen lẫn với bất cần là lời nhận xét của Phan về chị khi họ quen nhau. Với những tính cách như thế chị lu mờ giữa một rừng con gái khắp nơi tụ về. Phan thì khác, học giỏi, tài hoa và với bề ngoài dễ nhìn,  Phan trở thành tâm điểm thu hút của nhiều bóng hồng trong lớp. Quanh Phan lúc nào cũng có một ai đó, điều này khiến cho Phan có nhiều người ngưỡng mộ nhưng cũng đem lại không ít phiền toái.
Phan bắt đầu để ý đến chị trong những buổi thảo luận ở tổ. Có một chút gì đó dữ dội và sâu lắng bên trong vẻ bề ngoài đơn giản và trầm tĩnh của chị. Từ chỗ hay tranh cãi người này khám phá người kia có những điểm rất giống mình. Cuốn sách chị vừa trả ở thư viện ngay hôm sau đã thấy Phan mượn. Mới gặp Phan trên phố, nửa tiếng sau đã thấy Phan ngồi trầm ngâm với điếu thuốc ở café Chiều Tím. Dường như cái gì chị thích, nơi nào chị ưa đến thì Phan cũng y như thế. Rồi nhà ăn nội trú, lớp học thêm, bãi biển… nơi nào cũng thấy họ xuất hiện cạnh nhau.  Sự đồng điệu đã làm họ xích lại gần lúc nào không hay biết.
Thời gian này chị chưa xác định được tình cảm của mình. Chị chỉ mới thấy dễ chịu khi có Phan thường xuyên bên cạnh. Phan thì lưu tâm đến chị ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất. Theo dõi thường xuyên kết quả học tập, lo lắng từng câu, chữ trong các bài tham luận của chị. Thỉnh thoảng chị lại thấy trong hộc bàn của mình đóa cúc vàng Phan vừa hái trộm ở vườn trường. Một bài thơ kẹp vội trong trang sách với nét chữ nhỏ như con gái mà chị thừa biết tác giả là ai.  
Đó là những năm tháng mọi thứ đều khó khăn ngay cả chuyện tình cảm. Việc Phan thân thiết cùng lúc với nhiều người con gái khác đã trở thành đề tài bàn tán trong lớp. Ban cán sự lớp buộc Phan phải quyết định và chị chính là sự chọn lựa của Phan. Cả lớp hầu như hụt hẫng, nhất là các cô gái. Họ không tin Phan yêu chị, ngay chính chị cũng không tin cho đến khi Phan tỏ tình.
Đêm đó lớp học thêm thưa thớt người. Bên ngoài biển động mạnh và mưa to nặng hạt trên mái tole. Chị đang thu xếp sách vở để trở về nội trú thì Phan từ cuối lớp đi lên đặt trước mặt chị cuốn “Thuở làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ.
- Sao lại để cuốn sách trước mặt Nghi? Chị ngạc nhiên hỏi. Một vài người đang ngồi học gần đó ngẩng lên nhìn.
Phan trả lời tỉnh bơ:
- Yêu Nghi chớ làm sao!
Đến tận bây giờ chị vẫn không hiểu tại sao ngày ấy mình nhận lời yêu Phan? Vì chất đàn ông dám chịu dám làm của Phan? Hay chỉ là chút sĩ diện khi bị so sánh cùng với những người con gái khác? Vậy những chuyến tàu Phan vội vã đi về, những bức tranh Phan thức khuya vẽ chị, rất nhiều bài thơ Phan làm đến giờ chị chỉ nhớ vỏn vẹn một câu: Tai nghe còn như vẳng tiếng guốc rộn đường khuya… Tại sao chị vẫn hăm hở đón nhận mọi thứ từ Phan? Nhưng với chị như thế chưa đủ, tình yêu phải có những cung bậc khác nữa kìa, tình yêu của Phan mới chỉ là những thói quen tích tụ lâu ngày.
 Và chị đã quay ngoắt lại sau 2 năm có Phan:
- Mình chia tay nhen Phan!
Ly café đã đổ ướt mặt bàn dưới cái phất tay run rẩy của Phan. Chưa bao giờ chị quên được đôi mắt Phan hôm ấy, chúng mênh mông và xám xịt như ngày biển động:
 - Nghi suy nghĩ kỹ chưa?
Sau câu hỏi là cái quay lưng buồn bã của Phan. Bóng Phan thất thểu trong màn mưa trắng xóa trở thành một gánh nặng trong chị nhiều năm sau.
Chia tay chị, Phan đổi về V một thị trấn heo hút ven quốc lộ. Rượu, thuốc lá và nhịp điệu buồn tẻ nửa tỉnh nửa quê đã nhấn chìm Phan. Một năm sau Phan bỏ nhiệm sở, trở lại phổ biển và theo đuổi nghề đam mê là nhiếp ảnh.   
Chị thì yêu người khác, người chị cho là tình yêu đích thực của mình. Chị đã hiến dâng cho người ấy theo cái cách Phan đã từng trao cho chị. Tuổi trẻ, tâm hồn, sự chân thành chị không giữ lại cho riêng mình chút nào. Nhưng sau mấy năm chung sống, chị mới vở lẽ mình không phải là giấc mơ của người ấy và chia tay là điều ắt xảy đến. Chị tưởng không thể gượng dậy sau lần đổ vỡ ấy. Cảm giác mất hết tất cả làm chị liên tưởng đến nỗi đau đã gây ra cho Phan ngày nào. Chắc Phan đã khổ sở không ít vì những cái đỏng đảnh rất vô lý của chị.
Đã nhiều lần chị nghĩ đến Phan, ân hận vì sự ngộ nhận tình yêu của mình ngày trước. Nhưng tất cả đã muộn, Phan lập gia đình trước ngày chị ly hôn không bao lâu.
Trong một lần về phố biển chị đã gặp Phan.
- Rồi Nghi sẽ ra sao?
- Sẽ sống như mọi người đã sống.
- Thỉnh thoảng nhớ cho Phan biết tin tức.
- Để làm gì?
- Giờ này Nghi còn hỏi câu đó.
- Phan sống như thế nào?
Không trả lời câu hỏi, Phan đưa mắt nhìn chị. Vẫn đôi mắt màu xám pha chút trách móc, Phan kể hết cho chị nghe những khúc mắc trong đời sống hôn nhân của mình. Vợ Phan không hiểu sao lại biết được chuyện của chị và Phan. Trong một lần cãi nhau Phan lỡ lời, em là vợ nhưng không hề hiểu anh. Còn Nghi, anh chưa nói hết câu Nghi đã hiểu.
Chị thấy thương mình và thương cho cả Phan. Cả hai đều mệt nhoài khi đuổi theo giấc mơ của mình. Phan thì lúc nào cũng nghĩ về chị còn chị lại đem trái tim trao nhầm chỗ. Sau lần gặp gỡ đó chị không liên lạc với Phan nữa. Chị muốn quên tất cả: Phan, người ấy và thành phố lắm ngày biển động.
Đã nhiều năm chị chưa trở lại nơi ấy. Nhịp sống ồn ào của Sài Gòn cuốn chị đi từ những lo toan này đến những lo toan khác. Thỉnh thoảng trong giấc mơ chị vẫn nghe tiếng sóng nhưng chỉ còn là những âm vang rời rạc, xa xôi. Biển và Phan như đã xô dạt về một nơi nào đó. Chị cũng không nghe tin tức gì về Phan, nghe đâu cũng đã vào Sài Gòn nhưng thành phố này rộng lớn chưa một lần chạm mặt,  cho đến sáng hôm nay …
- Có hay về X không?
- Thỉnh thoảng.
- Biển bây giờ thế nào?
- Vẫn thế.
- Buồn và hoang vắng?
- Ừ
- Sao nghe nói khách du lịch nhiều lắm?
- Đến rồi đi không một ai ở lại, như bọn mình.
……………………………………………………………………..
Những câu đối thoại không đầu, không đuôi, những mối quan hệ đã lâu lại được nhắc đến. Chị váng vất vì Phan nắm rất rõ các thông tin về chị. Đâu đó trong con tim người đàn ông này vẫn còn một chỗ dành cho chị.
Trước lúc quay về chỗ cũ với hai người bạn, chị nhìn thẳng vào mắt Phan:
- Kiếp sau Phan muốn gặp lại Nghi không?
Nụ cười buồn, đôi mắt xám mênh mông và cái gật đầu là những lý do để chị mất ngủ nhiều đêm dài sau đó. Tại sao là chị mà không là ai khác, người đầu tiên và cũng là cuối cùng trong chọn lựa của Phan?
Hai năm sau ngày gặp nhau ở quán café ngoại thành, chị lại bất ngờ gặp Phan lần nữa tại một quán café ở quận 3.  Chị tự hỏi Sài Gòn có biết bao quán café sao cứ phải gặp nhau ở những quán này? Chị quên rằng có một thời sở thích của Phan cũng từng là sở thích của chị. Nhưng lần này chị lại rơi vào một tình huống rất khó xử.
Quán nằm trên một con hẻm nhỏ ở đường Ngô Thời Nhiệm. Sáng chủ nhật có ca sĩ hát live. Hôm đó chị và người bạn ngồi rất gần sân khấu. Tầm nhìn của họ không bị vướng vì trước mặt là một cái bàn còn trống. Độ 15’ sau một cặp nam nữ được đưa tới cái bàn trống này. Người phụ nữ có vẻ ưng ý chỗ ngồi, cô ta ngồi ngay xuống cái ghế trước mặt chị. Người đàn ông đi cùng sau khi trao đổi vài câu với người phục vụ bất ngờ quay mặt về phía chị. Đó là Phan. Chị không hiểu Phan có nhận ra chị nhưng chị biết chắc rằng người phụ nữ trẻ đó không phải là vợ Phan. Cô ta không hề biết mối quan hệ giữa Phan và chị, vẫn vô tư và có những cử chỉ rất thân mật với Phan. Suốt cả buổi ca nhạc lưng của Phan chỉ cách chị chừng nửa mét, chỉ cần với tay một chút là có thể chạm vào, nhưng chị biết mình không thể và mãi mãi không thể.
Chị bỏ ra về khi chương trình ca nhạc đang diễn ra nửa chừng. Trong khi đợi người bạn lấy xe, đứng trước cửa quán khẽ liếc vào chị thấy Phan đang nghiêng đầu bên người phụ nữ lạ, người chị cho là giấc mơ mới của Phan.
Sáu tháng sau chị nhận được tin nhắn chúc mừng sinh nhật của mình từ một số máy lạ. Chị tò mò  gọi lại và không ngờ là Phan.
- Không lưu số điện thoại của Phan?
Chị ậm ừ không biết giải thích như thế nào.  
- Vẫn nhớ sinh nhật Nghi?
- Có những thứ muốn quên mà không quên được.
Trong tiếng thở dài của Phan qua điện thoại, chị như nghe cả tiếng sóng, thấy cả đóa hồng nhung  và nụ cười rạng rỡ của Phan trong ngày sinh nhật lần thứ 20 của mình. Thì ra những gì liên quan đến chị vẫn chưa hề phôi pha ở Phan. Vừa cảm động chị vừa mang mặc cảm có lỗi. Hình ảnh Phan và người phụ nữ trong quán café hôm nọ luôn ám ảnh chị. Sau khi để vuột mất chị, chắc Phan mệt mỏi lắm khi loay hoay  từ giấc mơ này đến giấc mơ khác.
- Đi ăn trưa với Phan?
- Mai Nghi phải đi S.
- Chỉ một tiếng thôi mà, vả lại Nghi cũng phải ăn trưa chứ!
Chị không hiểu tại sao mình luôn từ chối, thoái thác ngay cả những yêu cầu rất nhỏ của Phan. Trước mặt Phan bao giờ chị cũng tỏ ra cứng cỏi, cố làm ra vẻ có Phan hay không chị vẫn ổn. Chị không hiểu mình cố tình làm thế để tránh mặt  Phan hay chạy trốn chính mình. Chị biết dù có đi qua bao con đường, rẽ sang mọi ngóc ngách vẫn chỉ có Phan, duy nhất một mình Phan thủy chung đợi chị ở cuối đường. Nhưng nếu đến với Phan bây giờ, chị e rằng mình sẽ phải làm đau Phan lần nữa. Vì thế chị cố tìm mọi cách để xua Phan khỏi vùng nhớ, nhưng càng cố quên chị càng nhận ra mình cần Phan biết bao. Đã có lúc chị thèm được sống cho chính mình, tung hê mọi rào cản, dư luận để đến với Phan, dù chỉ một lần. Nhưng chị vẫn là chị, là người chưa bao giờ dám đi đến tận cùng yêu thương như lời Phan nói.
Ở S hai tháng, về đến nhà chưa kịp đặt valy xuống chị đã nhìn thấy một phong bì với nét chữ nhỏ quen thuộc đề tên chị. Bên trong phong bì có một vé máy bay đi N và địa chỉ một resort. Chị giật mình vì sự trùng hợp lạ kỳ này, sao ý nghĩ của Phan lại giống với ước muốn của chị? Rồi như có một sức mạnh nào đó thôi thúc, chị liếc nhìn đồng hồ, giữ nguyên hành lý trở lại sân bay TSN.
Xe của resort đón chị ở sân bay C. Resort cách đó chừng hai giờ lái xe. Đang giữa mùa hè nhưng chị vẫn cảm nhận cái mát lạnh của gió biển pha lẫn vị mặn nồng của muối. Hai thứ sắc màu của thiên nhiên trao tặng: xanh của biển, trắng của mây trời cũng khiến chị thấy dễ chịu vô cùng. Giá lúc này có Phan bên cạnh, chắc Phan cũng có suy nghĩ giống mình. Lại là Phan, sao lúc nào cũng là Phan? Chị bật cười vì ý nghĩ hơi trẻ con của mình. Có lẽ chị cũng không nhận ra điều mâu thuẫn trong tâm trạng của mình, cố nắm giữ cái đã từng đánh mất.
Xe đang chạy vào khúc quanh đẹp nhất của con đường ven biển. Vài tiếng đồng hồ nữa thôi Phan cũng sẽ có mặt ở đây và cuối cùng thì cả hai cũng có được nhau. Chị khoan khoái ngã lưng ra sau ghế, tưởng tượng đêm nay biển rất êm, sóng chỉ lao xao vỗ bờ và Phan sẽ tiến đến ôm chị từ phía sau lưng…
Xe ngừng lại trước cổng resort. Khung cảnh đẹp và yên tĩnh hơn cả trong ý nghĩ của chị. Chung quanh khu nhà nghỉ là các sườn đồi cỏ xanh bao bọc. Hoa hồng đỏ và huỳnh đệ vàng nở vào tận bên trong hành lang các phòng. Một hồ bơi được thiết kế rất lãng mạn, nước xanh biếc hòa lẫn với màu xanh của biển cách đó không bao xa. Chị thầm phục sự lựa chọn tinh tế của Phan, tiến đến quầy lễ tân lấy chìa khóa phòng mà Phan đã đặt trước.
Chị tỉnh giấc sau khi ngủ thiếp đi một lúc. Ngoại trừ tiếng chim ríu rít ngoài cửa sổ, không gian yên lắng đến lạ thường. Chị vói tay bật remote, TV đang phát tin dự báo thời tiết: ngày mai biển động mạnh.  
Chuyến bay cuối cùng trong ngày từ Sài Gòn đi N cất cánh. Trong danh sách hành khách không có ai tên Phan. Hai tiếng đồng hồ trước đó tại quầy làm thủ tục, người đàn ông tên này nhận được một cuộc điện thoại báo tin vợ ông ta đang cấp cứu tại bệnh viện PV.

nguồn: http://ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào: