Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

N Ồ N G N À N C Ơ M R Ư Ợ U

NGUYỄN HỮU TÀI


1.
Tới giờ này tôi cũng chẳng biết dì tên chi, cứ nghe người ta gọi chị Chín, bà Chín, cô Chín riết nên cũng bắt chước kêu dì Chín bán cơm rượu cho thân mật. Dì không chồng, chẳng con, sống chung với má sát bên nhà người anh ruột ngay đường luồng chợ. Đó là đoạn đường tắt từ thôn Sáu ra cầu Dinh, ngắn hơn đường chính vài trăm mét. Đường đất, sát sông, lèo tèo mấy ngôi nhà nhỏ, âm u, tĩnh mịch. Tụi tôi chẳng bao giờ dám đi vì sợ ma. Thêm nữa, ngay chỗ đầu đường, mỗi dịp hai ba tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời, người ta cứ quăng một đống những lò đất nung cũ kĩ, sứt mẻ để thay lò mới nên càng huyền bí. Các chị gánh rau, gánh gạo thích đi đường luồng lắm vì tiết kiệm được cả đống thời gian và công sức. Với đôi gióng nặng trĩu trên vai, mới hay đoạn đường ngắn đi vài trăm mét quý biết chừng nào.
Sáng nào má dì cũng ngồi trước cửa, nhai trầu, lượm thóc trên nia, sàng, sảy nếp cho. Bà chầm chậm bỏ men có dính trấu vô cối đá, lấy chày giã nhẹ cho nát rồi đổ vô rây, lọc men mịn xuống thau, bỏ đi phần xác. Ngày nào đi ngang qua, cũng thấy bà làm nhiêu việc đó, làm hoài không chán. Cho tới bữa kia không thấy bà ngồi nữa. Chỉ thấy tang trắng trên đầu con cháu, vòng hoa thăm viếng và nước mắt tiễn đưa.
Dì Chín ngoài việc bán cơm rượu, kiêm luôn lựa nếp và giã men của má. Dì bán ngày hai buổi, sáng cạnh hàng bún bò của ngoại Hạnh (kêu là ngoại vì vai vế dòng họ, chứ bà còn trẻ măng, cỡ bốn mươi), tối bên hàng bún cá chị Trang, ngay xổ số kiến thiết. Cơm rượu thành một món quen, chỉ có năm trăm một ly, ăn là phải nhớ, nhớ thì phải ghiền, ghiền thì phải ghé.
Không giống cơm rượu miền Nam, vo thành viên nhúng vô men đem ủ, người Ninh Hòa cắt cơm rượu thành miếng hình chữ nhật xếp chồng lên nhau. Món đó dễ òm, ai cũng biết làm nhưng để nó lên men vừa đủ, nước ngọt, không quá nồng, quá lạt là cả một vấn đề. Nếp nấu như xôi, đổ nước vừa đủ, nhiều quá sẽ nhão, khó dính, ít lại khô, không ra nước. Trải xôi ra nia, lấy chai lăn đều, ép thành lớp mỏng. Chờ nếp nguội, rải men đều hai mặt. Làm quen tay nên không cần đong đo liều lượng, thấy đủ là ngưng. Lấy lá chuối hay túi nhựa bọc kín, đem vô chỗ tối ủ lên men. Nắng nóng khoảng một ngày, lạnh thì ngày rưỡi. Chờ men tan, thấm vào nếp, bắt đầu ra nước là giở lá chuối, lấy dao cắt thành miếng nhỏ hình chữ nhật, cỡ miếng thuốc dán, chất thành vòng tròn vô thẩu, chính giữa chừa lỗ để ra nước. Lấy nắp đậy kín, ủ thêm hai ngày nữa, cơm rượu đã thành rồi đó.
Giở nắp thẩu, cơm rượu thấm men mềm mượt, mùi thơm rất nồng, ngửi thôi đã ngất ngay say. Thường thì nước ra nhiều, dì hay chắt một nửa bỏ chai bán rượu nếp rồi nấu nước đường trộn thêm vô. Rượu nếp ngọt và thơm hơn rượu gạo. Uống thấy bình thường, cứ ngỡ ăn chè. Vậy mà tới ly thứ tư đã thấy ngần ngật, nói nhăng nói cuội, say nhanh hơn rượu Tây hay đế.
2.
Lúc nào cũng thấy dì cười. Ế cũng cười, đắt cũng cười, nắng mưa đi ngang qua thấy mặt là cười tất. Mắt dì một mí, thêm cái mụt ruồi trên môi, mỗi lần cười là chẳng thấy quê hương xứ sở. Thấy tôi đi qua, ê ê thằng kia, tới ăn giùm tao một ly coi, ế quá. Từ chối sao đành. Dì vớt ba miếng cơm rượu, múc nước bỏ vô lý, đập thêm ít đá, với tay lấy muỗng đưa tôi. Và cười. Nghe nói Chín có bồ hả? Đứa nào mà ác miệng mà đồn bậy vậy? Nói đi tao tới vả một cái cho môi mỏ dzảnh trét lên. Chín dữ quá hà, con hổng dám nói đâu. Thôi nói đi, tao cho thêm miếng nữa. Thì con nghe người ta nói có ông nào lạ hoắc tới ăn cơm rượu, Chín hổng chịu lấy tiền, mà cứ ngồi nhìn ổng rồi cười duyên e thẹn. Trời ơi, đúng là miệng lưỡi thế gian, có nhiêu đó mà cũng dựng đủ điều. Bồ bịch cái giống gì, thằng chả ghé ăn cho đã mới sực nhớ sáng nay vợ quên phát tiền nên đành thiếu nợ. Chẳng lẽ tao lột quần chả trừ? Ở như vầy không sướng sao? Chồng con chi cho cực. Mày đó nhen, con nít con nôi mà nhiều chuyện thấy sợ. Lần sau còn như vậy nữa tao đánh cho què giò. Thôi đưa ly đây, tao cho thêm miếng nữa.
Cắn miếng cơm rượu mềm èo, húp muỗng nước mát lạnh nồng vị rượu, nói bậy bạ với dì, làm dịu mát cơn khát cháy ban trưa.
3.
Dì đột ngột từ giã cõi đời không lời trăn trối. Thanh thản bình yên về với đất mẹ bao dung.
Rồi mỗi bận ngang qua đường luồng, nhìn vô nhà, chẳng thấy dì ngồi lựa nếp, giã men chi nữa, chỉ thấy tấm hình trên bàn thờ với nụ cười híp mắt. Dì không con, chẳng cái, vị ngọt nồng của miếng cơm rượu chìm vào năm tháng dần trôi.
Thỉnh thoảng thèm quá, tôi lôi mớ men mua bên nhà ra, nấu xôi, ủ theo cách ngày xưa học lóm. Chắc tại không phải nghề nên đôi khi bỏ men nhiều, men ít, có lúc ra nước ngập xong, có bữa khô rôm, sượng trân thấy tội. Làm riết cũng thành, ăn tàm tạm, tuy hổng ngon bằng dì làm nhưng cũng có cái gợi cho mình ít nhiều miền nhớ xa xăm.

http://www.ninhhoatoday.net/

Không có nhận xét nào: