Nguyễn Đăng Khoa
Như muốn giũ bỏ cái vội vã, tất bật, lo toan thường nhật của
cuộc sống, dịp cuối tuần chúng tôi tranh thủ tốt nhất thời gian nghỉ ngơi ngắn
ngủi đó, đưa con chúng tôi về thăm quê Ngoại. Nó không xa thành phố là bao
nhưng nó thân thương được gọi là quê với những cánh đồng lúa vàng bao la, óng ả
dọc đường về, những ruộng muối đang hối hả vào vụ, những cơn gió mát trong lành
mang cả hơi mặn của muối ở vùng quê gần biển... Đó là cách chúng tôi thường làm
để cho các cháu có được nhiều niềm vui, gần gũi hơn với thiên nhiên, được tự do
chạy nhảy nô đùa trong khu vườn nhà rộng rãi (tuy nhỏ nhưng rộng hơn rất nhiều
so với nhà của chúng tôi ở phố). Quan trọng là tạo được tình cảm gần gũi hơn với
ông bà, với dì dượng, với anh chị em trong gia đình, họ hàng... Và đó cũng là
cách mà chúng tôi giải stress từ công việc, từ áp lực cuộc sống... tìm về những
giây phút thư giãn thật sự thoải mái, nạp năng lượng đón chào ngày mới.
Một lần, trên đường về, ngắm cảnh đồng lúa chín vàng mênh
mang, sóng lúa lượn mình bồng bềnh theo những cơn gió đầu hạ. Trong khung cảnh
bao la của buổi xế chiều ấy qua những cánh đồng bạt ngàn hương lúa, xa xa làn
khói từ những mái nhà, từ những ụn rơm, rạ, cỏ khô... gờn gợn bay lên, tạo cho
chúng tôi một cảnh chiều da diết, một cảm giác trào dâng như được hòa vào thiên
nhiên, hòa vào sợi khói lam chiều mà hương thơm quê, vị ngọt của lúa, mùi bùn
ngai ngái của ruộng đồng đan xen trong làn gió mát đầu hạ, đan xen trong cả những
giấc mơ tuổi thơ nồng nàn.
Như muốn thể hiện chút rung cảm với cảnh chiều quê yên bình
đó, với những làn khói lam mờ mờ ảo ảo khiến cảnh chiều như hư như thực... Tôi
chia sẻ ngay bằng những lời tứ tuyệt của Điều Ngự Trần Nhân Tông:
Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô, bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch lộ song song phi hạ điền.(1)
Bài thơ trên được Ngô Tất Tố dịch Nôm như sau:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Lướt qua quan điểm mang tính "thiền định" trong
bài thơ vì nhiều người nhận xét rằng: "Thơ Trần Nhân Tông là sự hòa điệu
giữa thơ và Thiền, dùng thơ để ngụ Thiền, dùng Thiền để nói thơ (dĩ thi thuyết
Thiền, dĩ Thiền ngụ thi)", tôi chỉ muốn mượn nét đẹp chân chất, thuần
phát, tự nhiên trong cảnh chiều buông ở Thiên Trường mà cảm nhận cảnh quê hiện
tại theo không-thời gian rộng mở bốn chiều: từ gần đến xa (“thôn tiền”, “thôn hậu”),
từ thực tại: con đường làng trên đồng ruộng với các chú mục đồng cùng đàn trâu
trong chiều tà khuất dần vào trong thôn xóm, đến không gian từ cao xuống thấp:
những cánh cò trắng từng đôi liệng xuống đồng và cả tâm cảnh của lữ khách trước
cảnh quê, cảm nhận cả mùi hương lúa, rơm rạ khô và cả mùi sông nước, mùi bùn
ngai ngái thoang thoảng trong gió... Ôi, cảnh chiều thật dung dị, yên ả và
thanh bình biết bao.
Trên xe bỗng yên lặng, thoáng yên lặng lạ lùng đến nỗi tôi
nghe được sự đồng cảm nhưng mơ hồ qua tiếng thở dài khe khẽ của các con tôi ngồi
sau... Để khác hơn, tôi chọn vài lời trong "Cảnh chiều hôm" của Bà
Huyện Thanh Quan mà tỏ ra tâm đắc:
Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn, (2)
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn...
Bài thơ đã vẽ ra một "Cảnh chiều" buồn man mác,
tâm trạng hoài cổ đượm sự cô đơn trống vắng. Với cách sử dụng điêu luyện một
vài Hán từ điểm xuyến trong lời thơ, Bà đã làm cho bài thơ trở nên thanh tao,
giản dị nhưng trữ tình, sâu lắng, tạo ra một nét đẹp nghệ thuật đích thực trong
toàn thi phẩm...
Tôi vừa đọc, vừa chia sẻ những cảm nhận của mình cho nhà
tôi, cho các con trên xe cùng nghe và thao thao bất tuyệt giảng giải, cắt nghĩa
những Hán từ mà con tôi gặn hỏi trong cái chút hiểu biết, học lỏm được. Bỗng
như sực nhớ ra, dường như những lời thơ như vậy còn khá xa so với cảm nhận của
tuổi mấy con tôi khi đang còn trong giai đoạn tiểu học. Chúng có vẻ ngơ ngác
nhưng vẫn cố im lặng, lắng nghe để hiểu. Nhà tôi tinh ý, thay vào đó nhà tôi đọc
chậm rãi như hát vài lời "Quê hương", do cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ
thơ Đỗ Trung Quân, như muốn cùng chia sẻ với các con, với cả nhà và với cả...
chính mình khi ký ức tuổi thơ tràn về theo cánh diều bay cao trong vòm trời
xanh bát ngát của đồng quê:
"Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá ngiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm..."
Lời bài hát "Quê hương" mà nhà tôi đọc qua, vẽ lại
một bức tranh thơ mộng với nhiều ký ức tuổi thơ đan xen, bồng bềnh trôi như
cánh diều trên trời không, bao la và sâu thẳm...
Hai đứa con tôi có vẻ thích thú với những lời hát, lời thơ
đó vì đã nhiều lần nghe qua, ít nhiều đã thuộc và thấy gần gũi hơn. Con trai
thì im lặng, có vẻ tư lự, vút tầm mắt ngắm nhìn cảnh quê trãi dài, xa tít tận
phía chân trời, thỉnh thoảng đảo mắt theo những cánh cò liệng chao, hay những
chú trâu, đàn bò đang còn ung dung gặm cỏ trên đồng.
Chợt, để hòa chung niềm say mê cảnh quê thân thương, đáng
yêu đó, con gái tôi đọc vang những câu thơ đã học thuộc lòng, như muốn cùng san
sẻ với cả nhà:
"Chiều chiều từ mái rạ vàng
Xanh rờn ngọn khói nhẹ nhàng bay lên.
Chăn trâu ngoài bãi, bé nhìn
Biết là bếp lửa bà nhen chiều chiều.
Nghe thơm ngậy bát canh riêu
Với nồi cơm ủ cạnh niêu tép đầy.
Khói ơi, vươn nhẹ lên mây
Khói đừng bay quẩn làm cay mắt bà!" (3)
Tôi nghe qua thấy hay quá. Đó là một bức tranh rất quê, mộc
mạc, chân chất nhưng tuyệt đẹp qua lời thơ con tôi đọc lên. Như muốn nghe lại để
cố thuộc ngay, tôi yêu cầu con tôi đọc thêm nhiều lần nữa cho đến khi tôi...
thuộc nằm lòng mới thôi. Và cứ muốn nhắc đi nhắc lại 2 câu cuối trong bài:
"Khói ơi, vươn nhẹ lên mây
Khói đừng bay quẩn làm cay mắt bà!"
Đó là một hình ảnh tả thực nhưng chuyển tải một ý rất thơ, rất
nhân văn, cao cả và tuyệt đẹp! Với tôi, đấy là hình ảnh đẹp và sáng nhất của
bài thơ. Với cách sử dụng từ ngữ gần gũi, nhẹ nhàng, Hoàng Tá đã khắc họa một bức
tranh quê đẹp dịu dàng, nét đẹp của người dân Việt chân quê, gắn liền với nền
văn minh lúa nước ngàn đời, với những "cơm ủ", "niêu tép",
"canh riêu"... dân dã mà nồng nàn thơm ngậy, chan chứa tình cảm tràn
đầy của gia đình, của bà và cháu.
Chiều dần tàn cũng là lúc những cảnh quê hiền hòa và nên thơ
đó đã thấp thoáng xa dần. Chúng tôi tiến gần hơn về thành phố, gần hơn với cái
náo nhiệt, ồn ào, vội vã vốn dĩ trong tiếng còi inh ỏi, xe cộ tấp nập ngược
xuôi, người người qua lại tít tắp...
Dừng xe, tôi bước vào nhà, rót tách trà thơm đưa lên môi giải
cơn khát. Hương thơm của trà... Cả hương lúa, hương khói lam chiều của rơm, rạ
trên đồng như đang còn luẩn quẩn đâu đây. Văng vẳng trong tôi là hình ảnh gờn gợn,
khẽ bay lên của "Khói chiều" mà tôi đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn thấy
hay hoài:
"Khói ơi, vươn nhẹ lên mây
Khói đừng bay quẩn làm cay mắt bà!"
Đặt tách trà xuống, nhìn xa xăm, một cơn gió nhẹ chợt thoảng
qua, tôi cảm thấy mình như được nạp đầy năng lượng cho những ngày mới còn rất
dài phía trước.
Cảm nhận lần về thăm quê Hòn Khói - Nha Trang chớm
Hạ, 2014
Nguyễn Đăng Khoa
Ghi chú: (1) Đấy là bài "Thiên Trường Vãn Vọng" với nhiều
cách dịch thơ. Bài dịch sau của Trần Lê Văn (được GS. Nguyễn Khắc Phi đánh giá
cao):
Thôn trước thôn sau nhạt khói lồng,
Bóng chiều nửa có nửa hư không.
Đi trong tiếng sáo trâu về hết,
Cò trắng song song liệng xuống đồng
Và đây là bài dịch của hai anh em chúng tôi :
Trước, sau thôn dã tựa khói mờ
Thực ảo trời chiều nửa tỉnh mơ
Rãi bước trâu về theo sáo vẳng
Từng đôi cò trắng liệng đồng thơ.
(2) Nhiều sách ghi câu thơ đầu là "Chiều trời bảng lảng
bóng hoàng hôn". Tuy nhiên, tôi vẫn thích trích & đọc lại như trên
hơn.
(3) Bài thơ với tựa "Khói chiều" của Hoàng Tá - in
trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 hiện nay (của con gái tôi).
Nguồn: http://www.ninhhoatoday.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét