Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

NGỌC CỦA SÀI GÒN

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Sài Gòn 1970

 1- Một cô bạn ở nước ngoài về kêu Sài Gòn thay đổi quá. Nhưng Vy không thích cái thay đổi đó, cô thèm sao Sài Gòn của cô vẫn như xưa - như cái thời vẫn còn được gắn với bốn chữ "Hòn Ngọc Viễn Đông" - phố cảnh hiện đại, hoa lệ, con người lịch lãm hào hoa, dù lúc nào cũng ào ạt các dòng người tứ xứ đổ về.
Rất nhức đầu cho chúng tôi mỗi lần có khách phương xa đến chơi, xin được giới thiệu những thứ và nơi "chỉ Sài Gòn mới có". Các tour chuyên nghiệp thường cho khách đi địa đạo Củ Chi. Dân cựu chiến binh và một số bạn trẻ mê phiêu lưu mạo hiểm  có vẻ khoái chỗ này. Nhưng cũng không thiếu người trợn trắng mắt sợ  không dám coi trọn phim trước một số đoạn khá "mạnh mẽ".
Với những khách đã đi nhão Việt Nam , đa số kêu rất mê Hà Nội với thiên nhiên, cây, hồ, phố cổ... Những người bạn Sài Gòn của tôi tiếp lời ngay, nhưng tụi bây có thấy dân Sài Gòn cởi mở và hiếu khách nhất nước không?Tụi nó cười "Người Hà Nội và một số nơi khác cũng nói y như vậy".
2- Có lần tôi đưa Geoff Gillham từ Anh đến trường sân khấu điện ảnh của thành phố này để dạy Sân Khấu giáo dục. Anh đi nhiều, châu Phi, Trung Đông, châu Đại Dương... Geoff có vẻ say đằm loại xã hội chủ nghĩa trên lý thuyết , như say một đạo giáo. Tình cờ, tôi đưa anh vào quận 11, trèo lên ngọn tháp gần ngôi chùa cổ vài trăm năm,. Ở góc nhìn đó mới thấy Sài Gòn tả pín lù, ít ra về xây cất, lổn nhổn nhà cao tầng, chen chúc khu ổ chuột, vàng tôn rỉ sét nằm kề các loại đắp nổi đại bàng, khải hoàn môn... Cũng không thiếu vài ba "củ hành" của Nga mới nhập cư... Biết là cần trăm hoa đua nở, nhưng cũng không khỏi có một chút gì đó nhói tim trước hình ảnh một viên ngọc quý bị đập tan thành muôn ức mảnh.
3- Thủy, một bạn gái khác của tôi - là một biên đạo múa nổi tiếng trong và ngoài nước - có dịp đi lòng vòng quanh Sài Gòn với tôi cứ xuýt xoa kêu"Trời ơi, đẹp quá, những viên ngọc của Sài Gòn". Được mời đi nói chuyện với một lớp thiết kế tuyển, cô kêu các học viên đi tìm ra và chụp đem về những viên ngọc đó, loại ngọc mà những người đi nhiều nước như cô, gần như chỉ vài nước mới có, Hà Nội chưa kịp có, còn ở thành phố này người ta cứ cho chúng là một thứ lỗi thời, quê kệch, phải tháo đập bỏ đi để xây lên những cái mới, mà theo Thủy, thua cái cũ rất nhiều.
Chẳng ai tìm ra được "ngộc của Thủy". Mải đến một đêm đi ăn tối ở một quán cơm vắng với cô, thấy cô nài nỉ chủ quán cho nghe lại những "Tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ..." "Uống nước dừa thay nước mắt quê hương..." do chính Duy Khánh hát, mới biết được viên ngọc của cô là những ngôi nhà có mặt tiền đá mài đá rửa của những năm 70. Cô mơ có một công trình nghiên cứu tử tế về chúng ; phần cô, khi trả lời cho một tờ báo Tết chỉ mong viết về chúng với cái tít hơi dài:"Tại sao kiến trúc do dân xây dựng lại cảm động đến thế". Điều cảm động với tôi là tôi biết cô lìa cha và Việt Nam đi khi vừa 14 tuổi, và Sài Gòn với cô vĩnh viễn là những viên ngọc đó, dòng nhạc ấy...

Không có nhận xét nào: