Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

FACEBOOK - KHÔNG BẰNG LÒNG NGHE TIẾNG KHEN CHÊ ...

Benjamin Ngô

Tại Huế đã xảy ra một vụ chém người có nguyên nhân lãng xẹt: nạn nhân và thủ phạm trước đó có mâu thuẫn với nhau trên facebook.
Việc đăng status, comment trên mạng xã hổi tưởng như vô thưởng vô phạt lại dẫn đến kết cục hai người trong cuộc bị thương nặng, hai kẻ thủ ác đối mặt với án tù. Vụ việc khiến người ta tự hỏi, vì sao giới trẻ không còn giữ được bình tĩnh trước những lời nhận xét bình luận của người khác về mình? Không ít bạn trẻ có thói quen chỉ like những comment nói tốt về mình và sẵn sàng xóa comment chê bai dù nói thật, thậm chí remove những người dám bêu xấu mình.
Nhìn ở phạm vi rộng hơn, việc khoái khen ghét chê còn là biểu hiện của một xã hội thiếu phản biện. Trong lúc ở nhiều quốc gia, từ lâu, phản biện xã hội đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì nó vẫn còn là một khái niệm "xa xỉ" ở Việt Nam. Từ đa số trí thức đến phần đông giới trẻ đã quen những tiếng nói một chiều.
Người ta cũng mặc nhiên cho rằng việc chê bai ai đó là đố kỵ trong văn hóa ứng xử, dù là chê với mục đích góp ý cho người đó tốt hơn. Do vậy mà nhiều bạn trẻ học theo người lớn tuổi quan niệm sống dĩ hòa vi quý, lạm dụng lời khen. Thậm chí có người con chơi chiêu: "khen cho nó chết" khi gặp phải những người chỉ thích nghe lời khen, lời xu nịnh.
Tại các nước phương Tây, việc khen chê khá rạch ròi và đi thẳng vào vấn đề cần nói. Không phải vì bị chê tơi tả mà người ta "bỏ bóng đá người" theo kiểu người Việt. Tuy vậy, quy tắc xã giao thông thường khiến họ thận trọng khi đưa ra lời nói có thể làm người khác tổn thương. Trang The Huffington Post vừa giới thiệu bài viết của chuyên gia tâm lý Donna Labermeier với tiêu đề "Tại sao việc chỉ trích người khác hại hơn bạn nghĩ", theo đó, tác giả phân tích chuyện một số người không chịu suy nghĩ 2 lần trước khi chỉ trích người khác và họ không lường được hậu quả do chính lới nói của mình gây ra. Donna chỉ ra rằng trong xã hội mỗi cá thể có một sự khác biệt về nhận thức và mức độ nhạy cảm. Không bao giờ có chuyện tất cả mọi người cùng đồng ý về tất cả mọi thứ và ngược lại. Hơn nữa, căn cứ vào những lời chỉ trích bạn nói người ta sẽ nhận ra "phông văn hóa" của bạn có bề dày bao nhiêu và động cơ thật sự của bạn là gì.
nguồn: THỊ DÂN 3.0

Không có nhận xét nào: