Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Các chính trị gia có thể có biện pháp nào để cho người dân được sung sướng hơn?

Đức Đạt Lai Lạt Ma 

Tôi nghĩ vai trò này không chỉ giới hạn cho các chính trị gia mà thôi. Nó liên quan đến mọi người, những nhà giáo dục, khoa học gia, những người thiết lập các lý thuyết chính trị, các nhà tâm lý học, những người chuyên về khoa học tâm linh, những nhà trí thức; tóm lại, việc tìm kiếm những phương thức cho sự bình an  nội tâm là công việc của mỗi người. Ví dụ, ngành y khoa ngày càng khám phá thêm nhiều tương quan giữa sự thanh thản tâm hồn và sự lành mạnh thể xác. Đó là những công trình nghiên cứu đáng được phát triển thêm về chiều sâu.
Tôi phải nói rằng, quý vị trong hệ thống thông tin báo chí, ở thời điểm này đóng vai trò rất quan trọng. Hệ thống thông tin báo chí hiện nay thuộc về một thời đại tân tiến, và trong một phương diện, tôi tin ngành báo chí hành động như một nhà giáo dục, như một nhân tố kích thích tâm hồn con người. Như vậy quý vị có một vai trò rất đặc biệt. Về điều này, tôi xin trình bày với quý vị một vài ý kiến: tôi có cảm tưởng là ngành báo chí thông tin chú ý quá nhiều đến mặt xấu của những hoạt động của con người, khiến cho quần chúng có cảm tưởng là bản tính con người hoàn toàn xấu. Khi nghĩ như thế, tự nhiên người ta chán nản và thật sự có nguy cơ mất hết hy vọng. Loài người có bao nhiêu chuyện để đau khổ, dù chỉ trong phạm vi hạn hẹp của gia đình. Dù có muôn vàn vấn đề mà con người gặp phải, vẫn có một tiềm năng để biến đổi: vẫn có thể làm cho hoàn cảnh đó tốt đẹp hơn, vì thương cảm và từ bi ở trong bản tính của chúng ta. Bằng cách liên kết thông minh của con người với một động cơ thúc đẩy tốt lành, chúng ta có thể thay đổi cuộc đời của chúng ta, và cải tạo xã hội. Đối với tôi, đây là điều then chốt. Vì vậy tôi nghĩ rằng khi trình bày những vấn đề có quan hệ đến con người, thì quý vị nên trình bày một cách quân bình hơn. Dĩ nhiên tất cả những mặt xấu này của cuộc đời cũng đều quan trọng, chúng cho báo chí những chất liệu tốt, nhưng cũng đừng quên đưa ra những mặt tốt của cuộc đời, căn bản trên bẩm chất con người và trí thông minh của ta.
Gần đây, trong một số quốc gia người ta bàn cãi nhiều về vai trò của báo chí. Có nên nói huỵch toẹt hết mọi chuyện không? Phải nói cách nào? Chỗ nào trong đời tư, báo chí không được đụng đến? Tôi có vài ý kiến về vấn đề này, nhất là đối với những nhân vật lãnh đạo. Có trường hợp mà một số vị này không cư xử đúng đắn trong cương vị của họ, không tỏ ra có nguyên tắc hay kỷ luật tự giác. Trường hợp này tôi nghĩ rằng chỉ có báo chí mới có quyền năng kiểm điểm, và đưa ra ánh sáng, những cung cách hành động như vậy; do đó, tôi ủng hộ hành động của nhà báo và đánh giá cao khía cạnh lục lọi, dò xét, nơi nào cũng xen vào của họ. Không nên có khoảng cách chênh lệch giữa thể thống bên ngoài và đời tư của một người lương thiện. Tôi nghĩ báo chí phải cho công chúng thấy rằng một số khía cạnh hấp dẫn khác hẳn. Chính trong chiều hướng đó mà tôi hơi khuynh về sự can thiệp vào đời tư của người ta, nhưng không phải vì vậy mà quên rằng chủ đích chung của chúng ta là phục vụ con người để kiện toàn xã hội. Đừng hành động sai lạc, do những động cơ xấu thúc đẩy. Tôi tin là, nếu người ta không phơi trần hết thảy những tệ nạn xã hội như nghiện thuốc, giết người, hãm hiếp và lạm dụng trẻ em, thì những kẻ vô tội sẽ cứ hàng ngày chịu khổ. Nếu báo chí giải thích rõ ràng, công chúng rốt cục phải chú ý và tìm ra cách giảm bớt khổ đau.
Tôi cũng nghĩ rằng, khi nói đến luân thường đạo lý, thường thì người ta gắn liền với nó với những khái niệm tôn giáo. Theo tôi, tách rời hai khái niệm luân lý và tôn giáo là điều quan trọng. Tôn giáo, lẻ dĩ nhiên, giúp chúng ta hiểu được đạo đức theo chiều sâu, duy trì và phát triển nó, nhưng khi nói đến lòng vị tha hay tình thương yêu đồng loại chẳng hạn, phải biết tha thứ đạo đức này tự nó mà có, không phụ thuộc vào tôn giáo, vì nó bắt nguồn từ bản tính thâm sâu của con người, đó là lòng nhân và tình thương yêu.

Không có nhận xét nào: