Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

VỀ MIỀN TÂY NGHE NHẠC TÀI TỬ NAM BỘ

Thy Anh
Ông Bảy đờn ca tài tử xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, Bến Tre, hiện là thầy dậy đờn cho nhiều thanh niên trong xã muốn kiếm sống bằng nghề đờn ca phục vụ . . . đám ma. (thyanh photo – Canon 350D f 5.6)

Hò ơ . . . chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm.
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu.
Tìm cô không gập,
Hò ơ . . . tìm cô không gập, tôi gối đầu mỗi đêm . . . .
(trích bài vọng cổ "Tình Anh Bán Chiếu" của cố soạn giả Viễn Châu)

Cách nay 30 năm, nếu về miền Tây Nam Bộ, đi đâu chúng ta cũng có thể nghe được những bản cổ nhạc hay nhạc tài tử nam bộ, hoặc nghe trên xe đò, trong tiệm ăn hoặc trong một quán cà phê giải khát ven đường. Bây giờ thì khác rồi, các bạn chỉ có thể nghe được ở đó những bản nhạc V-Pop, nhạc rap hoặc những vở tấu hài. Ca nhạc tài tử chỉ được trình diễn như những món quà ra mắt cho các du khách đến Đồng Bằng sông Cửu Long.
Có lẽ, mỗi địa phương phải tìm được cách giáo dục cho con cháu biết giữ bản sắc văn hóa riêng của mình để sau này, dù có đi xa vẫn có cái để nhớ về quê cha đất tổ. Đặc biệt đối với ngành du lịch, việc phát hiện được những nét văn hóa đặc thù của mỗi vùng, chính là những yếu tố hấp dẫn du khách nhiều nhất. (xem thêm ...)
Về miền Tây Nam bộ, không gì thú vị hơn khi bạn được ngồi thảnh thơi trên một chiếc xuồng ba lá, thả trôi trên sông, trong ánh nắng chiều, nghe đâu đó văng vẳng bên bờ một bài ca vọng cổ với tiến đờn ghi ta phím lõm.
Thật ra, tôi cũng không hay nghe đờn ca tài tử đâu, nhưng mỗi lần có dịp về miền Tây, tôi lại thích nghe và cảm thấy chỉ có ở đấy, những bản nhạc đờn ca tài tử nghe hay hơn rất nhiều. Thật vậy, nếu nghe một bản nhạc rap xí xô xí xào giữa vùng sông nước miệt vườn thì thật là hết sức lạc lõng, chẵng khác gì ăn chè bà ba lại bị ai lén rắc thêm muối tiêu vậy.

không gì thú vị hơn khi bạn được ngồi thảnh thơi trên một chiếc xuồng ba lá, thả trôi trên sông, trong ánh nắng chiều, nghe đâu đó văng vẳng bên bờ một bài ca vọng cổ với tiến đờn ghi ta phím lõm . . .
Nhạc tài tử có lẽ hình thành vào cuối thế kỷ XIX ở Nam Bộ. Theo Sơn Nam, vào khoảng năm 1890, ông Nguyễn Quang Đại (sau này vì tránh phạm húy, gọi là "Đợi") là một nhạc sĩ lừng danh của đội nhạc của triều đình Huế, đã di cư vào Nam. Là người yêu nước, ông theo phò vua Hàm Nghi chống Pháp, nhưng cuộc khởi binh bất thành, vua Hàm Nghi phải rời khỏi kinh đô đi chiến khu Quảng Trị, một số quan lại yêu nước đã chuẩn bị chống cự lâu dài. Tiếc thay, lực lượng địch quá mạnh, tổ chức của quan quân còn sơ sài, bị bao vây, thiếu lương thực, chiến khu lại là nơi ma thiêng nước độc. Về sau bị tên Việt gian chỉ điểm, vua Hàm Nghi bị bắt, đầy đi Bắc Phi. Ông Nguyễn Quang Đại buồn rầu mang chí lớn vào Nam, không đánh được giặc bằng quân sự thì chuyện có thể làm là cố bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống. Học trò theo học ông khá đông, ngày nay nhiều nhạc sĩ già mãi còn được tôn kính, mặc dầu họ thuộc vào hàng thế hệ thứ ba. Có lẽ trên đường vào Nam, họ đã dừng chân khá lâu ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam nên tiếng đờn giọng ca xứ Huế đã pha thêm chút hương vị xứ Quảng (xem thêm ...). Nhưng đến khi vào Nam, có lẽ vì bản chất của con người và nếp sống phóng khoáng của miền Nam mà tiếng đờn miền Trung lại thay đổi thêm rất nhiều, thậm chí một số bài tuy mang cùng tên nhưng nét nhạc đã khác xa. Người đờn, người ca không giữ nguyên si những gì thầy đã dậy mà luôn thêm thắt, thay đổi, đưa chút phong cách riêng hòa vào cái chung khiến người nghe thấy đậm đà thấm thía hơn. Chắc các bạn cũng đồng ý với tôi về một đặc điểm chung cuả tất cả các bài cổ nhạc ấy là âm điệu lúc nào nghe cũng như phảng phất một nỗi buồn mang mác, dù là một bài bản ca ngợi một niềm vui nào đó, có lẽ do các nghệ sĩ sáng tác mãi mang một tấm lòng thương nhớ cội nguồn.
Đến năm 1919, tại quê hương Bạc Liêu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang (vọng cổ ngày nay) - bài nòng cốt của 20 bài tổ của đờn ca tài tử ca nhạc cải lương, đã nhanh chóng được lan truyền ở Nam Bộ rồi ra khắp cả nước, nghệ thuật đờn ca tài tử đã tiến lên đến thời kỳ huy hoàng nhất.
Khác hằn với bây giờ, thời xưa, biết cnhạc là biểu hiện của người có trình độ văn hóa. Đặc biệt ở Long An, người miệt Cần Đước, không phân biệt giàu nghèo, vẫn say mê học cổ nhạc.
Ngày nay, tuy không còn được phỗ biến như trước, nhạc tài tử vẫn tồn tại và phát triển cùng với nghệ thuật sân khấu cải lương, góp phần làm đẹp cho bản sắc văn hóa đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều sinh viên Mỹ và Châu Âu đã tìm đến Đại Học Cần Thơ để học về đờn ca tài tử.

Không có nhận xét nào: