Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn . . .

Thy Vân

đèn gió Trà Vinh

“ Đường về Trà Vinh chim hót mừng lúa chín vàng đồng
Hàng dừa ven sông mưa nắng bao kỷ niệm nhớ mong
Đây đó vang vọng khúc Mù Âm, tiếng trống Xà Dăng đến bập bùng
Và điệu Lamthol dịu dàng đôi tay múa theo nhịp nhàng……”
                                                      ( Điệu Lâm Thôn Trà Vinh)

Khúc nhạc ấy vang lên như đưa tôi về lại với cuội nguồn của mình.
Tôi là một người dân tộc khmer. Sinh ra và lớn lên tại Trà Vinh. Nơi tôi ở là một xã vùng sâu và nó mang một cái tên rất lạ “ Ấp Sa Bình- Xã Long Đức”. Từ lúc rời nhà lên Sài Gòn, sáu từ ấy luôn trong tôi và tôi mới cảm nhận được thế nào:

 “ Khi ta ở chỉ là nới đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
( Chế Lan Viên)

Quê hương cũng như mẹ vậy, là nơi luôn che chở, ấp ủ cho từng ước mơ của mỗi chúng ta. Nơi gắn liền những kỷ niệm của một thời thơ ấu, và những kỷ niệm ấy thì thật tự nhiên và ngọt ngào. Không thể phủ nhận rằng, tình cảm dành cho quê hương nó giống như quy luật của tình mẫu tử. Nhưng sẽ càng sâu sắc hơn khi đó là nơi khắc ghi những kỷ niệm đặc biệt của đời người và tạo niềm tin cho ta vững bước vào tương lai. May mắn thay, tôi đã có một tuổi thơ trọn vẹn bên gia đình và trên quê hương này.
Tôi nhớ, khi tôi còn ở nhà, vào ngày rằm tháng mười âm lịch hằng năm, tôi luôn dự lễ hội Ốt Ăm Bốc của xã. Đó là lễ hội cúng trăng của dân tộc khmer chúng tôi, nhằm cầu cho được mùa bội thu. Và tôi cũng không biết nó có từ khi nào, chỉ biết khi tôi bắt đầu hiểu chuyện thì hình ảnh ấy đã ăn sâu vào lòng tôi. Xã tôi đa phần là người khmer và trồng lúa nước, nên tất cả mọi thứ chuẩn bị cho lễ hội điều do người dân trong xã nguyên góp. Có năm nhà tôi góp gạo, có năm lại góp tiền. Đối với những nơi khác như ở các chùa khmer hay Ao Bà Ôm thì người ta còn tổ chức cả ban ngày với những trò chơi dân gian. Xã tôi thì chỉ thả thuyền và đèn gió vào ban đêm.
Khoảng 7h tối thì tất cả mọi thứ đã chuẩn bị hoàn tất. Và bắt đầu xuất phát từ nhà của một người ở trong xã ( có thể là nhà của người trưởng tổ chức ở xóm trên) và nơi thuyền được thả là cầu Sóc Ruộng, cầu này bắt qua con sông cạnh nhà tôi. Do người tham dự rất nhiều, không chỉ trong xã tôi, còn có một số người ở chợ vào, nên ba tôi thường bảo anh em chúng tôi đứng trước nhà chờ đoàn người đến và cùng đi.
 Dù quãng đường xa có thể hơn 2km, nhưng tôi luôn biết lễ hội đã bắt đầu. Khi tôi nhìn lên bầu trời về hướng xóm trên, những chiếc đèn gió đã được thả trong suốt đoạn đường đi, khoảng 100 hoặc 200 m, một chiếc đèn được ba thanh niên cùng thả lên và trông chúng như những vì sao bên cạnh ánh trăng vậy. Không chỉ ở đây mà ngay cả ở Ao Bà Ôm cũng đang thả. Tôi thì cũng vội vàng nhắm mắt và cầu nguyện khi chiếc đèn gió bay lên, tôi thì không cầu nguyện được mùa rồi, vì nhà tôi làm rẫy chứ không có ruộng, quan niệm lúc bé của tôi thì hai cái đó khác nhau.Tôi chỉ cầu cho mọi người được sức khỏe, bình an và gia đình được no ấm. Trong ánh mắt trẻ con của tôi ngày đó thì ánh sáng của một ngọn đèn như thắp lên trong tôi một cái gì đó mà tôi không biết gọi tên, tôi chỉ cảm thấy sung sướng. Khi lớn lên tôi cảm nhận được đó chính là niềm tin và sự hy vọng.
Khi tôi nghe được tiếng trống thì tôi biết rằng đoàn người sắp tới, và anh em tôi chạy vào gọi ba mẹ ra để cùng hòa vào dòng người. Điều tôi thấy đầu tiên là dàn trống đi trước, có một người phát loa nói gì đó bằng tiếng dân tộc, mà tôi thì không hiểu được. Tiếp theo là chiếc thuyền được làm bằng cây chuối, để dễ dàng trôi trên sông cúng cho thần nước, trên thuyền có gạo, muối, tiền….có năm có cả heo quay. Và được bọc lại bằng giấy kiến đỏ, trong đó thắp nhiều cây nến đỏ . Mẹ tôi thì cũng làm cốm dẹp, chuối chưng ( có thể thêm bí rợi, mít..vào). Theo ba tôi bảo do cúng Trăng nên chỉ làm đồ ngọt, đối với tôi lúc ấy đó là một bữa no đủ. Kế tiếp là những vị sư, những người cao tuổi giữ giới. Có một hình ảnh là tôi luôn thắc mắc luôn có 2 người đàn ông giả nữ, đeo mặc nạ cười, tay thì cầm quạt múa qua múa lại. Khi có nam giới đến gần thì tỏ ra thẹn thùng và ai cũng phải bật cười. Ấn tượng nhất vẫn là có một chú ngựa sắt , cứ tìm đến đám con nít, khi thì cũng ùa vào đoàn người, mọi người toán loạn ra và rôm rả tiếng cười, chỉ có đám con nít thì hoảng sợ, tháo chạy vào lề, hay ôm lấy người thân, nhưng khi nhận ra là chú ngựa giả thì lại chạy theo nắm đuôi chú. Và tôi cũng nằm trong đám con nít ấy.
Đến cầu, người thì đông cứng nên mọi hoạt động giao thông cũng dừng lại, nước cũng đang lớn, thuyền được đưa xuống sông thả trôi theo dòng chảy, tiếng tụng của các vị sư vang lên rất to, lúc ấy như một thời khắc quan trọng, mọi người điều nghiêm trang. Vì ai cũng quan niệm rằng đây là giây phút dâng lễ vật đến thần linh. Và trên tay tôi, với chiếc mủng dừa do ba tôi làm cho, trong đó có thắp một ngọn nến, tôi cũng bước xuống và thả chúng theo dòng nước, tôi cũng không quên cầu nguyện một lần nữa. Có rất rất nhiều người cùng thả như tôi, làm cho nhánh sông trở nên lấp lánh, huyền ảo, và sự yên bình của làng quê thì vẫn còn đấy. Những chiếc mủng dừa nhỏ như đoàn tùy tùng đi theo chiếc thuyền lớn vậy. Mang tấm lòng thành của chúng tôi đến với thần linh và mang về sự no ấm cho xã làng.
Và lễ hội đã kết thúc. Nhưng người thì vẫn còn đấy, họ vào nhà những người thân quen, ăn chén chuối, chén cốm và cùng trò chuyện với nhau bên ấm trà nóng. Nhà tôi cũng thế, cũng chờ đón khách và là lúc tôi hạnh phúc nhất khi nhìn ba mẹ có những nụ cười thật tươi.Vì ngay lúc này đây họ không phải nghĩ đến cơm áo gạo tiền, dù chỉ là một buổi tối thôi, thế cũng là đủ. Riêng tôi như còn luyến tiếc gì đó, và cứ thế theo thói quen các anh tôi sẽ là người dẫn tôi ra sau nhà. Nơi mà chiếc thuyền trôi qua, cho tôi ngắm chúng lần nữa đến khi mất hút. Tôi như muốn nhắn nhủ rằng “ Thuyền ơi, nhớ mang lại cầu nguyện của ta đi nhé’. Và hiển nhiên, bầy muỗi ở sau nhà tôi thì cũng được một bữa no nê.

Giờ trở về nhìn làng quê ngày xưa đã thay đổi rất nhiều. Xã tôi giờ đây cũng phát triển theo sự hiện đại hóa của đất nước. Lúa nước giờ không còn là nghề chính của người dân nơi đây. Nhiều khu công nghiệp mọc lên, chiếm chổ của ruộng đồng, đường thì mở lớn, cầu thì xây lại. Uhm, thì cũng đúng, chúng ta sống thì phải luôn phát triển chứ. Nhưng hạnh phúc thay, người dân nơi đây vẫn chất phát, cần cù như ngày nào.
Với tôi, “ ấp Sa Bình, Xã Long Đức” ngày ấy sẽ vẫn theo tôi suốt đời này. Tôi sẽ không quên nơi đã nuôi lớn ước mơ cuộc đời mình và tôi tự hào rằng, tôi vẫn mang nét bình dị của quê mình.
Mong rằng trong mỗi người chúng ta sẽ tìm được nơi để nhớ và người để yêu thương. Đó chính là ánh sáng dẫn lối ta đi trên đường đời đầy gian nan này.
xem thêm : homestay Giồng Trôm, khám phá Trà Vinh 
                      Tại sao tôi thích sống giản đơn?

Không có nhận xét nào: