Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Năm giai đoạn của sự đau buồn hay mô hình tâm lý bệnh nhân trước một tin buồn.

by Linh H. Vo on Saturday, March 10, 2012 at 7:50pm (facebook)

vuisongmoingay@blog: Xin gửi đế các bạn đọc cuả blog một bài viết rất hay của BS Lĩnh, giảng viên chuyên khoa hồi sức cấp cứu, hiện đang sống tại Úc. Bài viết đề cập đến một vấn đề còn xa lạ với các nhân viên y tế nước ta nhưng lại rất quan trọng cho các nhân viên y tế trong giao tiếp với người bệnh, đặc biệt là trong kỹ năng thông báo tin buồn.

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
 Hãy tưởng tượng một ngày nào đó chúng  ta đi thi một kỳ thi quan trọng, thi tốt nghiệp lâm sàng Y6.  Sau rất nhiều thời gian chuẩn bị cho một kỳ thi “đổi đời” này, chúng ta thức dậy sớm, chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta dắt xe ra khỏi nhà, khởi động và phát hiện xe ...không nổ máy.
Khi đó chúng ta sẽ phản ứng như thế nào?
Đầu tiên chúng ta phủ nhận thực tại đó. “Không thể như thế được. Chắc chỉ là do  “ngộp xăng” hay  sáng sớm máy còn lạnh nên mới vậy thôi. Chắc “đề” thêm vài cái nữa, đạp thêm vài cái nữa, đẩy một chút xíu thì nó sẽ nổ thôi”.
Chúng ta làm như thế, chúng ta tiếp tục “đề, đạp, đẩy” một hồi.  Chúng ta thấm mệt và chiếc xe vẫn tiếp tục...không khởi động được.
Khi đó chúng ta bắt đầu giận dữ. “Trời ơi, tại sao lại xảy ra lúc này. 365 ngày không xảy ra mà xảy ra lúc này, lúc đang vào kỳ thi gay cấn mà mình đã chuẩn bị bao lâu nay. Không khéo thì mọi công sức trở thành công cốc...”. Lúc đó nếu có ai chen vào vài lời khuyên thì người đó có thể hứng ngay cơn giận dữ đó của chúng ta.
Sau đó chúng ta bắt đầu tự khẩn cầu, van nài: “ Trời ơi. Lạy Trời lạy Phật cho xe nổ dùm con đi. Cho con khỏi bị trễ giờ đến phòng thi. Sau khi đi thi về con sẽ cúng ông Địa nải chuối và ăn chay một tháng” 
Nhưng chắc là do sáng sớm, ông Địa còn ngủ chưa dậy, chưa nghe lời khẩn cầu của chúng ta. Chiếc xe vẫn không khởi động được. Lúc này, chúng ta bắt đầu cảm thấy trầm uất, và bắt đầu hiểu rằng chiếc xe đã thật sự không thể khởi động được. Chúng ta cảm thở dài,  thẫn thờ, lắc đầu chán nản.
Sau vài cái đạp , đẩy nữa, xe vẫn không nổ. Thời gian không còn nhiều. Chúng ta bắt đầu chấp nhận một sự thật là chiếc xe đã hư, và bắt đầu tìm một giải pháp khác (đi taxi, mươn xe khác...) để đi đến phòng thi cho kịp giờ.
Đây cũng là một diễn tiến tâm lý kinh điển của người bệnh và thân nhân khi chúng ta thông báo một tin buồn cho họ (breaking bad news). Tin buồn đó có thể là chẩn đoán xác định ung  thư giai đoạn cuối, cái chết hoặc hấp hối của người bệnh. Báo tin buồn là một kỹ thuật giao tiếp cần được đào tạo trong đó sự hiểu biết về diễn tiến tâm lý của người bệnh và thân nhân trước tin buồn có vai trò rât quan trọng.  Bài viết này nhằm mục đích phân tích các giai đoạn diễn tiến kinh điển của người bệnh và thân nhân khi nhận một tin buồn.

Năm giai đoạn của sự đau buồn 
Diễn tiến 5 giai đoạn  này (the five stages of grief) còn được gọi là mô hình Kübler-Ross. Mô hình này lần đầu tiên được bác sĩ tâm tâm thần học người Thụy Sĩ  Elisabeth Kübler-Ross mô tả  trong quyển “ On Death and Dying” nổi tiếng của bà năm 1969. 
Năm giai đoạn này có thể viết tắt bằng “DABDA”: Denial – Anger – Bargaining – Depression – Acceptance   
Phủ nhận (Denial) thường chỉ là một phản kháng tạm thời. “Không, tôi khỏe mà!”; “Chuyện đó không thể xảy ra với tôi được!”.  Sau đó, người bệnh nhanh chóng nhận ra rằng họ đang phải đối mặt với một sự việc rất trầm trọng. 
Trong giai đoạn thứ hai (Anger), người bệnh bắt đầu nhận ra rằng không thể tiếp tục phủ nhận mãi được. Họ có thể nổi cơn thịnh nô và đố kỵ làm cho việc giao tiếp với họ là một thách thức rất lớn. “Tại sao là tôi, không công bằng chút nào hết?”; “Sao mà nó có thể xảy ra cho tôi được? “; “Ai gây ra chuyện này?”. Những cá nhân nào càng mạnh mẽ trong cuộc sống thì càng có khuynh hướng bùng phát sự phẫn nộ và đố kỵ. 
Giai đoạn thứ ba (Bargaining) liên quan đến sự hy vọng  mà người bệnh mong rằng có thể  kéo dài hoặc trì hoãn cái chết. Thông thường, họ tìm mọi cách thương lượng để kéo dài cuộc sống. “Chỉ cần cho tôi sống đến ngày con tôi tốt nghiệp”; “Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được để sống thêm vài năm nữa”; “Tôi sẽ thưởng cho 2 cây vàng nếu ai cứu sống được chồng tôi”. “Tôi hiểu là tôi sẽ chết nhưng chỉ mong có thêm thời gian hơn nữa...”
Trong giai đoạn thứ tư (Depression), người hấp hối bắt đầu hiểu rằng cái chết là chắc chắn. Vì thế, họ có thể trở nên im lặng, từ chối gặp người viếng thăm, dành nhiều thời gian để khóc và đau buồn. Quá trình này giúp cho người hấp hối cắt đứt với những sự việc liên quan đến tình thương yêu và bệnh tật. Sự cắt đứt này có tác dụng làm nguôi ngoai nên trong giai đoạn này, không nên tìm cách  làm vui cho người bệnh cho mà để cho nỗi buồn được diễn tiến.
“Tôi buồn quá, tôi sắp chết rồi. Tại sao phải quan tâm đến mấy cái chuyện khác làm gì?”; “Tôi sắp mất người thân yêu nhất của mình rồi”.
Trong giai đoạn cuối (Acceptance), người bệnh  bắt đầu chấp nhận  cái chết  sẽ đến  của mình.
“Rồi cũng sẽ xong thôi”;  “Tội không thể chống lại được nó, tốt nhất là nên chuẩn bị đón nhận nó”

Bàn luận 
BS  Kübler-Ross đưa ra mô hình này sau khi phỏng vấn và khảo sát hơn 500 bệnh nhân hấp hối. Do đó, mô hình này lúc đầu được áp dụng cho những bệnh nhân giai đoan cuối. Về sau, bác sĩ  Kübler-Ross mở rộng mô hình lý thuyêt này cho bất kỳ dạng mất mát (loss) khác của một cá nhân. Những mất mát này có thể là cái chết của người thân, bị bỏ rơi, kết thúc một mối quan hệ, ly dị, khởi bệnh v.v.
Theo BS  Kübler-Ross, không phải tất cả các giai đoạn này đều xảy ra theo thứ tự cũng như không phải tất cả mọi người đều kinh qua tất cả các giai đọan này. Tuy nhiên, BS  Kübler-Ross nhấn mạnh rằng một người sẽ luôn luôn kinh qua ít nhất hai giai đoạn.
 Phản ứng của một người trước một tin buồn rất khác nhau và không ai giống ai. Thông thường, người ta sẽ dao động qua lại giữa hai (hay nhiều hơn) giai đoạn, lập lại một vài lần trước khi đi qua giai đoạn đó. Một số người có thể bị kẹt vào một giai đoạn mà thôi. Phụ nữ thường có khuynh hướng kinh qua 5 giai đoạn hơn đàn ông.
Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng mô hình  Kübler-Ross rất nổi tiếng và thường được trích dẫn trong các khóa học về giao tiếp y khoa, đặc biệt là về kỹ năng thông báo tin buồn.  
Trong thực hành, tôi  (người viết bài này)  cũng nhận thấy đây là một mô hình đúng đắn và có ích. Nó giúp cho người bác sĩ lường trước được những diễn tiến tâm lý có thể xảy ra khi thông báo tin buồn và khi an ủi người bệnh và thân nhân. Tôi cũng nhận thấy sau giai đoạn giận dữ, người bệnh và thân nhân thường bắt đầu vào giai đoạn bargaining, là lúc chúng ta có thể bắt đầu tiếp tục cuộc  nói chuyện để tìm một giải pháp. Do đó, kỹ năng giao tiếp với một người bệnh hoặc thân nhân đang giận dữ  cũng rất quan trọng đối với người bác sĩ lâm sàng.  

Tóm tắt
Về lý thuyết theo mô hình Kübler-Ross, phản ứng tâm lý của một người trước tin buồn hay mất mát sẽ  kinh qua 5 giai đoạn DABDA. Tuy nhiên, phản ứng tâm lý này thay đổi tùy cá nhân và thường kinh qua ít nhất hai giai đoạn.
Sự hiểu biết diễn tiến tâm lý này rất quan trọng cho người nhân viên y tế trong giao tiếp với người bệnh, đặc biệt là trong kỹ năng thông báo tin buồn.

Tài liệu tham khảo:
Allan M Cyna (2011).  Hand book of communication in Anaesthesia and Critical Care – A practical guide to exploring the art. New York, NY: Oxford University Press.
Kübler-Ross, E (1997). On death and dying. New York, NY: Scribner.
(xem thêm...)

Không có nhận xét nào: