Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Trưởng thành trong bão tố


Chiến tranh đã đi qua và hoà bình đã trở lại, biết bao người con gái lăn xả vào cuộc chiến mang lại tự do, cơm áo, hoà bình, để rồi có những người con gái hy sinh khi chưa một lần biết yêu và được yêu. Nhưng cũng có những người con gái họ sống cô đơn ở nông trường, làng quê hay ở một nơi hẻo lánh nào đó khi hoà bình lặp lại. Họ không có quyền làm vợ, không có quyền làm một người con dâu ngoan hiền và hiếu thảo nhưng họ có quyền làm mẹ. Ai cấm được họ.
Và…
Mẹ tôi là một người như thế!
Là mẹ ai cũng sợ con mình khổ đau như chính mình khổ đau. Có ai hiểu nỗi lòng của người con bằng mẹ? Khuôn mặt đời thường tuy vất vả nhưng đã có con trên đời thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mẹ. Dù rằng con là “họa” của “bố đánh rơi” nhưng lại là “hạnh phúc của mẹ quãng đời mai sau”.
Con người của con ẩn chứa nỗi niềm từ trong sâu thẳm của mẹ. Biển nào chẳng mặn, mẹ nào chẳng thương con. Biết bao lần tôi hỏi bố đâu thì lại là bấy nhiêu lần mẹ ôm tôi trong vòng tay ấm áp nhưng đầy chai sạn, bao nhiêu lần mẹ hát ru tôi là bấy nhiêu lần mẹ nghẹn ngào.
Hạnh phúc chợt đến rồi lại chợt đi, tuổi thơ chẳng êm đềm với tôi từ đó mà hạnh phúc quá xa vời. Những trận cười đùa của bạn bè quặn thể xác tâm hồn. Quãng thời thơ ấu gian khổ và cái khốn khó nhiều tâm trạng khó nói thành lời đã gây thêm nỗi thương lòng cho tôi.
Bị bạn bè xa lánh hắt hủi, bị xã hội chê cười nhưng tôi không bao giờ trách mẹ. Mà ngược lại tôi tự hào vì đã có một người mẹ tuyệt vời, một người mẹ đã chịu đựng bao đau khổ, bao tủi hờn, bao dằn vặt và bao lần nước mắt rơi để nuôi tôi khôn lớn.
Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi vào khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng thiếu 2 điểm. Tôi thoáng chút buồn. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên sau khi trượt đại học tôi đi học may rồi làm công nhân may để giúp đỡ gia đình. Trong thời gian này tôi gặp và rồi có cảm tình với một người con trai cùng làng. Mẹ tôi rất quý anh, nhưng mẹ anh thì lại chẳng ưa gì tôi.
Không trực tiếp nói với tôi nhưng bà đã đánh tiếng nói bóng nói gió với những người hàng xóm để đến tai tôi.
- Làng này thiếu gì con gái mà lại phải đi lấy đứa con hoang đó, học hành thì cũng bình thường. Hồi thi vào cấp 3 tưởng nó trượt, sau nhà trường hạ điểm nó mới vào được…
Những lời nói như xát muối vào trái tim còn non trẻ đã vô tình khiến tôi không chỉ buồn mà không còn dám tin vào tình yêu nữa. Và lòng tự trọng của một con người khiến tôi không thể yêu anh.
Ước mơ xóa tan những định kiến không chỉ về mẹ mà còn đối với bao người phụ nữ như mẹ khiến tôi không thể từ bỏ. Ban ngày làm việc tại xưởng may đầy vất vả và áp lực nhưng khi màn đêm buông xuống tôi lại hì hụi bỏ sách ra học, học và học. Chỉ có con đường học thì tôi mới có thể xoá tan được những định kiến của ngưòi đời đối với mẹ và tôi.
Năm 2002, tôi dự thi vào trường viết văn Nguyễn Du nhưng không đạt được nguyện vọng. Tôi lại tiếp tục làm công việc của mình là công nhân may. Cho tới năm 2005 nhà trường tổ chức kỳ thi tiếp theo. Lần này, may mắn đã đến với tôi sau 3 năm dài đằng đẵng chờ đợi.
Tạm biệt xưởng may 5 năm dài gắn bó, tạm biệt những đồng nghiệp luôn ủng hộ tôi. Tạm biệt những buổi đi làm mùa đông về khuya mẹ mong đỏ cả mắt. Và… tạm biệt những lời nói cay nghiệt ngày nào.
Niềm hạnh phúc được trở thành sinh viên không chỉ là của riêng tôi. Mà tôi còn nhìn thấy trong mắt mẹ ánh lên niềm hạnh phúc khôn tả. Nó đọng lại trong mắt mẹ chưa được nửa ngày. Khi màn đêm buông, ánh mắt mẹ trùng xuống buồn trĩu. Mẹ gọi tôi lại và bảo:
- Con biết hoàn cảnh gia đình nhà mình đấy. Đỗ đại học ai cũng mừng, mẹ cũng mừng cho con nhưng không biết mẹ có thể nuôi con trong bốn năm học không…
Rồi… Mẹ phải bán đổi ngôi nhà mình đang ở với diện tích 380m2 để lấy ngôi nhà 120m2 cũng với 30 triệu đồng nhưng người ta lại trả cho mẹ trong vòng bốn năm. Mẹ đồng ý. Vậy là tôi được trở thành sinh viên.
Bốn năm đại học đi qua với bao việc làm thuê tôi từng trải qua. Nào đi rửa bát, nhặt măng, ớt, tỏi, lau nhà mỗi khi Tết đến hay sau Tết, phát tờ rơi, rồi đi làm gia sư… Nghĩ lại những năm tháng đã qua, đôi khi tôi không thể kìm được lòng mình. Những ngày hết tiền, bạn bè rủ xuống canteen tôi phải giả vờ là ăn rồi, sau đó xuống lớp học ngồi với cái bụng rỗng không.
Vẫn biết rằng mặt trời luôn mọc nơi đằng Đông và lặn nơi đằng Tây, đó là một chân lý hiển nhiên và tôi một đứa con ngoài giá thú thì sẽ tồn tại mãi như chân lý ấy.
10 năm đã qua, tôi không còn trách người khiến trái tim non trẻ của tôi bị tổn thương, mà tôi thầm cảm ơn bác. Nếu không có những lời nói cay nghiệt của bác thì tôi đã không trưởng thành như ngày hôm nay. Và tôi cũng sẽ không bao giờ biết được rằng: Người nghèo khổ chưa phải đã nghèo khổ vì miếng cơm manh áo mà vì giữa con người với con người chưa thật sự thương nhau.
10 năm với một ước mơ thật giản dị của tôi ngày nào giờ đã thành hiện thực. Và giờ đây khi đã là một người mẹ, tôi mới hiểu hết những nỗi đau và khổ cực mà mẹ tôi đã phải chịu đựng hơn 60 năm qua.

Không có nhận xét nào: