Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

TẾT QUÊ

Rain March


Đã hết những tờ lịch đỏ đặc biệt nhất của năm, bữa giờ mải rong chơi nay ghé blog thầy vừa đọc bài "món đặc biệt ngày tết của mẹ tôi" của tác gỉa Thanh Tuyền xong, tôi la toáng lên, mừng hơn cha chết sống lại :" Oa, 18 tháng 1, nhằm ngày 25 tháng Chạp, he he",rồi tủm tỉm : nào rồng Mậu Thìn  "xông đất muộn" blog của rồng Nhâm Thìn thôi. Viết về xuân, về quê thì nhiều lắm, nhưng trong lòng lại đau đáu về tiếng còi tàu ngoài ga vọng lại.
   Ga Trảng Bom những ngày giáp Tết, từng hồi còi réo rắt rồi nhỏ dần, nhỏ dần, rồi tắt ngấm nối đuôi nhau đi về phương Bắc. Tôi trầm ngâm, đã mấy mùa Tết rồi mình không về quê. Thỉnh thỏang mấy đứa bạn lại gọi điện, gửi SMS, rồi thì lên facebook loáng toáng lên "Tết ni mi có về quê không rứa?", "Ê, về đi, lớp mình về nhiều lắm?" , lòng  lại nao nao, nhất là mỗi lần nghe hồi còi tàu đổ. Từ 20 Tết, lẳng lặng đếm từng ngày, nếu ở quê, lúc này mình sẽ..., cả nhà sẽ...để rồi từng trang ký ức xuân về miền quê nghèo lạnh giá hiện về mồn một, nhẹ nhàng, da diết.
   Thật ra, quê tôi chẳng có gì nổi bật, cũng chẳng có lễ hội hay danh lam nào nổi tiếng để níu bước chân khách viễn phương. Nhưng cũng như những miền quê khác, Tết quê tôi cũng  "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" và rộn ràng bước chân của những người con xa xứ ( nói thật lòng là còn thiếu cây nêu, hi hi).
   Từ giữa tháng chạp,ngoài những công việc cuối năm như thu hoạch ngô, cấy lúa vụ xuân hè, rồi thì chuẩn bị lạc giống để ra năm gieo hạt thì mọi người còn bận chân rộn tay hơn với những gì xoay quanh cái gọi là Tết. Người lớn lo việc lớn, đám con nít lóc cha lóc chóc cũng có khối việc để làm, cứ "tùy theo sức của mình" là người lớn tha hồ sai bảo ( làm người lớn sướng thế chứ lị, hi hi).
   Tháng Chạp, thôi thì là lạnh, có năm lạnh xuống 10 độ, khi những cây mạ đủ cứng cáp để bắt đầu cuộc sống mới nơi ruộng sâu thì bà con cũng rộn rịp gánh nồi niêu, xoong chảo ra sông cọ rửa, mấy cô nàng lọ lem này mà không mang ra bến sông thì nước giếng khơi nào cho đủ. Cái bến sông cạnh trường học của tụi trẻ con đấy, suốt ngày vắng hoe, ngày hè mới có lũ trâu chân lấm lưng bùn ra đó hội họp, trâu nói chuyện với trâu, mấy đứa chăn trâu rù rì với nhau, lâu lâu một bầy vịt ngoảy đít bơi vào một tẹo rồi ngoảy đít đi mất. Mấy ngày này, nó như được thổi thêm một luồng không khí mới, xua tan đi cái lạnh lẽo, ảm đạm của tháng chạp già nua. Có thể tạm gọi là "cái chợ thu nhỏ". Những đôi gánh quàng của các bà, các chị, lần lượt nối đuôi nhau xuống bến. Lấp ló trong những chiếc nồi đen đúa nhọ là màu trắng ngà của những chiếc bát cũ hay những chồng bát mới. Lúc la lúc lắc trên cùng là những báp lá dong xanh mơn mởn,  mới nhìn là đã tưởng tượng ra bánh tròn bánh vuông thế nào rồi. Thường thì mỗi quang gánh vậy sẽ có một đến hai trợ tá, lăng xa lăng xăng xách đồ lặt vặt, trẻ con thôi, nhưng sai vặt được khối việc. Mấy đứa này được đi ra bến thì thích lắm, mặt hớn ha hớn hở như được quà, dù bị sai như chong chóng, ấy thế chứ có đứa không được đi theo thì mặt xị ra, nói như cách của dân quê thì là "mặt dài như cái chày", hi hi. Ra tới bến, cả đám răm rắp ngồi nghe "chỉ thị", rồi nhanh chóng thực thi nhiệm vụ, đứa thì chùi lá dong, đứa thì cạo nhọ nồi, lá dong bát ngát, nồi niêu đủ loại tha hồ mà làm. Thực ra chả phải ngoan hiền gì, đứa nào cũng sợ rét, nhìn dòng nước lạnh lẽo là ngán ngẩm, hết muốn nghịch nước, tốt nhất là chăm chỉ làm mai mốt còn có cớ xin đi chợ Tết xem này nọ, rồi thì chăm chỉ hóng chuyện. Này thì con tui thế ni, con tui như rứa, rồi thì chuyện nhà sắm được cái gì, mổ con lợn mấy cân, bánh trái ra sao, loạn xì ngầu lên cả. Lâu lâu có người lại ré lên :"Mi mần bể cái nồi của tau rồi, khổ chưa nà, cái nồi bù (1) tau mới mua". Tiếp sau đó là một tràng "bài ca không quên", thủ phạm mặt mày tái mét, xanh hơn mấy tàu lá dong. Có những phụ tá chạy hơn ngựa, về nhà ra bến, ra bến về nhà, chạy xoành xoạch vì mẹ nó hoặc chị nó đoảng quá, hay quên đồ. Mấy bà xung quanh được nước lại nhao lên: "làm ăn chi lạ rứa?","xời, chỉ làm tội con thôi", có người nhỏ to" con mẹ ni là xoàng (2) lắm",... phụ tá thì mặt đỏ hây hây, thở hồng hộc nhưng miệng vẫn cười toe như "mùa thu tỏa nắng", hi hi.
   Đấy là màn chính của quý bà quý chị, còn quý ông, quý anh hoành tráng hơn với màn mổ lợn, mổ gà, hay gói bánh. Ngày làm thịt lợn có thể coi như là ăn tất niên. Đây là ngày trọng đại nhất trước Tết, không trọng đại sao được, đâu phải nhà nào cũng làm thịt lợn. Muốn làm thịt lợn phải tìm mua lợn từ mấy tháng trước, lợn con hay lợn choai tùy theo nhu cầu, nhà nào sang thì làm trọn gói một con, không thì mấy nhà chung nhau một con, không nữa thì xách làn ra chợ. Trước khi làm thịt lợn, ai nấy trong nhà đều được phân công việc rõ ràng, nào là chuẩn bị nước, nào là mài dao, rồi củi lửa, nồi mười luộc thịt, nào là chặt lá chuối,...đó là mấy việc lớn lao dành cho người lớn, cón trẻ con thì hái rau thơm, lon ton đi gọi cậu , gọi chú , gọi dượng qua phụ cha một tay. Nhà đứa nào làm thịt lợn biết liền, mỗi khi đi xin lá hẹ, rau mùi tàu ( ngò gai) cái mặt hất hất, con mắt hay háy, lấp la lấp lánh , khấp khởi như được áo mới, thấy ghét ( thật ra mình cũng vậy, hi hi). Những ngày này, tiếng lợn éc chói lọi, hầu như đi đâu cũng nghe tiếng lợn éc, ông bà mình nói chẳng sai "kêu như lợn chọc tiết". Ngoài việc bị sai vặt nơi nọ nơi kia thì lũ trẻ dành hết thời gian theo dõi giải phẫu con lợn, nhìn mê mẩn, say sưa, háo hức. Đám con gái hiền lành, ngôi im, còn mấy thằng con trai quậy hơn, được phát cho cái bọng đái (bàng quang ) của con lợn, tụi nó đổ đầy nước vào, chơi đá banh (bẩn kinh khủng ). Vậy mà chú với cậu tôi cứ nhìn tụi nó cười hề hề, nói "can chi mô, nhớp ( bẩn ) rứa mới khỏe". Kinh. Tới khi người lớn nấu nướng xong xuôi, mấy đứa nhỏ được ưu tiên ăn trước ( cho rảnh ấy mà), khoái nhất vẫn là món lòng sốt chấm muối tiêu, hoặc nước mắm gừng. Oa, cái rổ lòng nghi ngút khói, thơm ngào ngạt, đứa nào đứa nấy uống nước miếng ừng ực, quên béng luôn cái câu" thương hè, tội chưa tề", lúc con lợn rống lên vì bị chọc tiết . Cả đám thi nhau chỉ trỏ:"con ăn cấy ni", "con ăn miếng tê",...Nhưng nói gì thì nói, khoái khẩu nhất vẫn là cái đuôi, giành nhau chí chóe, dận nhau vì cái đuôi lợn là chuyện  thường.. Tay lia lịa bốc bốc, chấm chấm ( hồi đó có thằng nào đá banh mà quên rửa tay không nhỉ?) Ngày hôm sau, ra đường thể nào cũng khoe bạn "bữa qua tau được ăn lòng sốt, nhà choa (3) mần thịt lợn". Mấy đứa kia phản pháo liền:"choa cũng được ăn, nhà choa cũng mần thịt lợn", hoặc "nhà choa chiều ni mần,anh tau mới ở Hà Nội về". Tóm lại hầu như nhà nào cũng làm thịt lợn, nhà đứa nào không làm thì nó được ăn ké ở nhà khác, thế là đứa nào cũng ăn lòng sốt, he he
   Nói đến Tết không thể nào không nhắc đến chợ. Ở miền quê nghèo chợ ba phiên một tuần, lèo tà lèo lèo, 7 giờ sáng họp, 9 rưỡi tan chợ rồi. Nhưng Tết thì khác. Tết mà. Ngày nào cũng họp chợ, đi từ sáng tinh mơ, trưa trề trưa trật mới lót tót về. Khi đi tay xách nách mang đem hàng đi bán. Trưa về nách mang tay xách lỉnh ca lỉnh kỉnh mấy thứ mua được. Với người lớn, phiên chợ cuối năm là để bán bán mua mua ( đương nhiên rồi ), đó còn là dịp để thu hồi vốn thất thoát trong năm (đòi nợ ). Hàng hóa la liệt, muôn hình vạn trạng, kiểu gì cũng có. Quần áo, giầy dép, tranh ảnh, câu đối,bóng bay, hoa nhựa, cay cảnh nhựa,...nhiều lắm lắm. Người lớn tha hồ chọn lựa, trả giá, trẻ con tha hồ ngắm. Với trẻ con đi chợ Tết cũng như đi hội vậy, cũng phải xách đồ, trông hàng, thậm chí đứng bán hàng nhưng vẫn thích, lòng rạo rực như đi ra bến chùi nồi. Được đi thì mặt hớn mày hở, không được thì mặt lại xị như cái chày giã gạo, hi hi. Đứa nào được áo mới thì khỏi nói, cười nói suốt như nông dân được mùa, ăn cơm dưa cải muối chua tới tết cũng cười phơi phới, i như lúc nhà làm thịt lợn vậy, he he. Trẻ con ở quê hồi đó dễ dãi, mẹ mua áo nào mặc áo đó, mang tiếng theo mẹ đi chợ mua đồ chứ thật ra là thử đồ có vừa không, mẹ nói bộ này được, rộng một tí  mặc mới được lâu, thế là gật. Hiếm thấy đứa nào lèo nhèo ỏng eo, nếu có chỉ cần mẹ liếc một cái, hừ một cái, nói "dừ mi muốn răng?" là im re liền. Phiên chợ ngày Tết, người lớn quan tâm đủ thứ. Một trong những thứ quan trong góp phần làm nên cái bánh chưng là cây giang dùng làm lạt buộc bánh, "nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang" ( Tố Hữu ) ấy mà, cây giang đó đó. Chậc, nhà nào chặt được cây giang bánh tẻ ngon ngon thì đắt hàng hết chỗ nói, người mua bu đen bu đỏ. Rồi thì lá dong, nếp, những dãy hàng thịt lợn cũng đông không kém. Người mua thường nói "răng đắt ri? tui mua chỗ khác rẻ hơn", người bán là đàn bà con gái không sao, gặp phải mấy ông nóng tính, nhất là mấy ông hàng thịt, quát ầm lên " rứa thì qua bên nớ mà mua", hi hi. Khi nhắc đến chợ Tết người ta thường nói đến chợ hoa, hay khu vực bán hoa, thường thì hoa đào hoặc quất. Ở quê tôi tuyệt nhiên không có hai thứ này, có chăng mấy bông hồng đỏ hoặc toàn là hoa nhựa không thôi. Đơn giản là ai muốn chưng hoa đào cứ xách dao qua nhà hàng xóm xin, tha hồ, mua chi tốn tiền. Quất cũng vậy, muốn chưng thì mua một chùm hai mươi mấy quả đặt lên bàn thời, hiếm nhà nào chưng nguyên cây, đơn giản vì "mần răng mà ăn cho hết?" hay " tiền mô mà mua?". Thế đấy. 
   A, gói bánh, bánh chưng bánh tét nhà nào cũng tự gói. Có một món bánh đặc biệt chỉ có ở quê gọi là bánh ong. Nó được làm từ mật mía, bột nếp rang, cốm, đậu phộng, ăn cảm giác ngọt như mật ong, nhìn nó cũng hoa hoa, rỗ rỗ như những tầng ong,phải chăng vì thế mà tên nó là bánh ong. Ngày tết, ngoài mấy món bánh tây, kẹo tây, đến nhà nào cũng bày ra một đĩa bánh ong mời khách. Cái vị ngọt của mật mía, mùi thơm thơm cốm nếp, bùi bùi của lạc rang tạo nên hương vị riêng biệt cho món bánh này. Mấy hôm trước gọi về cho bà, nói chuyện ngược xuôi một hồi, bà nói "để bà gửi cho miếng bánh ong". Dẫu không phải là thứ mình thích nhất nhưng đó vẫn là hương vị quê nhà. Sực nhớ Tết năm ngoái, cô em họ về quê, nó mang vào 2 kg bánh ong, chắc bằng viên gạch táp lô, hớn hở nói bà gửi cho chị đó, ăn cho hết nhé. Nó mang tới quận 9, bảo chị ghé mà lấy không bà buồn, bận học hành thi cử này kia, nó cắt ra mời bạn nó ăn hết. Hú vía.
   Sáng 29 Tết, trên bàn thờ mỗi nhà đã bày biện đủ bánh chưng, bánh tét, hoa quả, hai bên là câu đối đỏ, gần đó có cành đào lá lơ thơ, nụ chúm chím, đu đưa những quả bóng bay xanh đỏ, đẹp mê tơi. Ngày 30 bắt đầu là ngày sung sướng, hết bị sai vặt. Thường thì các nhà sẽ dọn cỗ, gọi là mâm xam hay mâm sam gì đó, bày mấy món, mang đến nhà con trai trưởng để cúng ông bà tổ tiên bên nội, ngày mùng một làm một cỗ tương tự cúng bên ngoại. Đêm giao thừa, ngày xưa đốt pháo rình rang, mấy ông anh trai bày đặt mua thuốc nổ về tự làm pháo. Giao thừa đến, đốt pháo đì đùng, thích nhất là những cây pháo lủi, đốt cứ cháy xì xì, lủi lên cao một nhát như tên lửa, vẫn cháy xì xì, rồi sáng một cái, nổ cái đùng, ấy thế mà đứa nào cũng la như sấm pháo nhà tau cao hơn, rõ khổ. Ngày đó mỗi lần nghe pháo nổ, tôi cũng dụi mắt dậy xem, xong lại đi ngủ, ít khi thức cùng cả nhà phá cỗ, nếu có chăng cũng vừa nhai thịt gà luộc vừa ngủ, năm nào mẹ nấu cháo thì vừa húp cháo vừa gà gật. Sau này khi pháo bị cấm, giao thừa hình như bớt náo nhiệt hơn.
   Sáng mùng một, mẹ dặn đi dặn lại đủ điều, này thì đi nhẹ nói khẽ, không được cãi cọ nhau, không được làm đổ bể, nếu không sẽ dông cả năm. Ấy thế ,mà có năm Rain March cũng làm bể cái bát ăn cơm ngay sáng mùng một, bị la quá trời, nói năm nay làm gì cũng dông, ấy thế mà năm đó cũng đậu học sinh giỏi, he he. Trẻ con thích nhất được diện đồ mới nhận tiền mừng tuổi, tiền mừng không nhiều, thường 5 trăm hoặc một ngàn, 2 trăm đồng cũng phổ biến, nhưng mà khoái, có khi chả được tiền, phát cho mấy cái kẹo xanh đỏ cũng mừng hí húm. Tết là trời đổ mưa phùn, đường loét nhoét, người lớn không sao, trẻ con đi chúc Tết cứ thế là dép xách tay, quần xắn tận bẹn, hùng dũng như "tiến về Sài Gòn", chả sợ ướt, sợ rét. Đến nhà người ta kêu đập chó trước, kế đến là ra giếng rửa chân, khi đó mới vào nhà chúc Tết...
   Ra Tết, những cơn mưa phùn ngớt đi, những tia nắng nhẹ nhàng chiếu xuống, nhẹ nhàng hong khô vạn vật, những chồi non ủ mình trước Tết được dịp vươn lên, tươi non mơn mởn. Mấy đứa trẻ chúng tôi háo hức:"cha tau nói 365 ngày nữa là Tết, mau rứa a, mau thật".
Chú thích: (1): nồi đất hình trái bí ngô   (2): đoảng   (3):tụi tao, chúng tao

                     chúng ta đang hạnh phúc

3 nhận xét:

Haibara Kudo nói...

thật là tuyệt, một bài viết mang đậm chất Bắc, mặc dù có rất nhiều từ miền trung nhưng khi đọc những từ như "thể nào cũng..." "tha hồ", "lợn con hay lợn choai", "không nữa thì xách làn ra chợ", "kinh"...có cái gì đó chạy chạy ở sống lưng. em là người con gốc bắc nhưng lại sinh ra ở miền nam, từ bé đến lớn bố mẹ nói rặt những câu như thế này, nhưng khi đi học ở Sài Gòn, hiếm khi gặp một người nói toàn những từ miền bắc như vậy. khi đọc bài viết này, những gì trong đó giống y như ở nhà em mỗi lần tết đến nhưng sao cứ thấy cảm giác thật lạ. dường như càng đọc những bài viết như thế này, em càng thấy yêu quê hương, đất nước mình, càng thấy yêu bố mẹ hơn. Cảm ơn thầy rất nhiều!

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

Em phải cảm ơn tác giả mới đúng, tác giả Hà Phạm quê ở Nghệ An

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

mục đích cuả blog là làm cho mọi người yêu đời yêu người hơn, thế thôi!