Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Lời khuyên nam và nữ giới

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 
              

Đương nhiên là người đàn ông và đàn bà khác nhau trên phương diện thể xác, và sự khác biệt đó đưa đến một vài khác biệt khác về mặt xúc cảm. Tuy vậy cách suy nghĩ, giác cảm và tất cả các khía cạnh khác thuộc vào con người của nam và nữ giới trên căn bản đều giống nhau. Đàn ông thì thích nghi với các công việc đòi hỏi sức lực hơn ; phụ nữ thì lại tỏ ra hiệu quả hơn trong các công việc đòi hỏi cách lý luận cụ thể và sự khéo léo. Ngoài ra trong hầu hết các trường hợp khác, đàn ông và đàn bà hoàn toàn bình đẳng trên các lãnh vực mà sự suy nghĩ giữ một vai trò then chốt. Bởi vì không có sự khác biệt căn bản nào giữa họ với nhau nên đương nhiên họ phải có những quyền lợi giống nhau và mọi sự kỳ thị đều không thể chấp nhận được. Hơn nữa, người đàn ông cần có người đàn bà, và ngược lại nữ giới cũng cần có nam giới.
Bất cứ nơi nào mà quyền lợi của phụ nữ bị chà đạp thì họ phải đứng lên tranh đấu để tự bảo vệ, và nam giới phải tiếp tay để bênh vực họ. Chính tôi đã từng tranh đấu trên đất Ấn từ hai mươi năm nay để phụ nữ được đi học và giữ những chức vụ thuộc vào mọi cấp bậc, tương đương với nam giới trong xã hội.
Đối với Phật giáo thì người đàn ông hay đàn bà đều cùng hàm chứa những gì mà người ta gọi là bản thể phật hay khả năng của Giác ngộ mà không có một chút nào khác biệt. Họ nhất thiết bình đẳng với nhau. Quả thật, trong một vài truyền thống thường xuyên xảy ra một sự tách biệt nào đó. Chẳng qua thì sự tách biệt nam nữ như thế hầu hết đều bắt nguồn từ những nguyên nhân xã hội và văn hoá. Long thụ (Nagarjuna) (1) trong tập Bảo hành vương chính luận, và Tịch Thiên (Shantideva) (2) trong tập Nhập Bồ đề hành luận có nói đến những « khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ ». Tuy nhiên phải hiểu rằng các vị ấy không hề có ý xếp người phụ nữ thuộc vào một cấp bậc thấp hơn. Lý do là hầu hết những người xuất gia đều huộc nam giới, việc nêu lên những khiếm khuyết trên thân xác người phụ nữ chỉ nhắm vào mục đích duy nhất là giúp người xuất gia khắc phục những dục vọng của mình trước thân xác phụ nữ mà thôi. Ngược lại, một ni sư cũng thế, nhất định phải phân tích thân thể người đàn ông theo cùng một chiều hướng như thế.
Trong những cách tu tập thuộc vào các cấp bậc cao nhất của Kim cương thừa, chẳng những người ta không phân biệt giữa đàn ông và đàn bà, mà yếu tố nữ tính còn giữ một vai trò then chốt nữa, cho đến mức độ mà việc khinh miệt nữ giới sẽ bị ghép vào tội vi phạm giới luật.
Ghi Chú : 
 1- Long Thụ là một đại luận sư Phật giáo vào thế kỷ thứ II,  đã  sáng lập học phái Trung quán tông (Madhyamika). 
 2- Tịch Thiên, một đại luận sư Ấn độ thuộc thế kỷ thứ VIII.
 3- Kim cương thừa có thể xem như một đường hướng tu tập thứ ba của Phật giáo, hai thừa kia là Nam Tông và Bắc Tông. Tuy nhiên đúng ra thì Kim cương thừa chỉ là một thể dạng tu tập thật tích cực của Phật giáo Bắc tông (còn gọi là Đại thừa Phật giáo). Sở dĩ gọi là Kim cương thừa vì học phái này xem bản thể tối hậu của mọi sinh linh và mọi sự vật cứng chắc như kim cương, biểu tượng của bất hoại, của Tánh không, của Hiện thực... Các phương pháp tu tập của Kim cương thừa rất khéo léo, tinh vi và tích cực, đưa đến Giác ngộ một cách nhanh chóng. 
ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA  
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT

Không có nhận xét nào: