Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

TẠI SAO ĐỨC PHẬT LẠI NÓI:“KẺ THÙ LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH?”

trang 5


thyanh photo

BS. Nguyễn Quý Khoáng
(VN, tháng 10 năm 2010)
V. NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA TỪ CÂU “KẺ THÙ LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI”   
        Qua những gì chúng ta đã phân tích trên đây,đặc biệt là dựa vào Lý Vô Ngã của Đạo Phật,chúng ta có thể  rút ra được những bài học bổ ích sau đây:    
     1/ ĐỜI LÀ VÔ THƯỜNG,CHỈ NHƯ GIẤC MỘNG=Hiểu được lý Vô Ngã,chúng ta triển khai rộng ra là Pháp vô ngã. Vạn vật trên thế gian này chỉ do duyên hợp,chúng ta càng thấm thía được lẽ vô thường của trời đất.
         Đàn ông cũng như đàn bà có khác gì bông hoa.Lúc bông hồng mới là búp thì trông thật dễ thương ,rồi từ khi bắt đầu nở cho đến khi nở rộ thì trông thật kiêu sa,lộng lẫy với mùi hương thoang thoảng khiến người ta ngất ngây.Sau đó các cánh hoa thâm lại và nhăn nheo với  mùi chát chát để cuối cùng cành hoa rũ xuống,các cánh hoa rụng dần.Đây là luật thành ,trụ ,hoại ,diệt của tạo hoá; không ai tránh khỏi ! Hiểu được rõ ràng như vậy,ta mới không bị động tâm,không buồn khổ khi lẽ vô thường ứng dụng trên ta.Có đó và mất đó.Cuộc đời có khác gì một tấn tuồng gồm  có đủ hỉ, nộ, ái, ố mà ta vừa là diễn viên,vừa là khán giả. Chức vụ mà ta được giao có khác gì  một  màn kịch  mà  ta đóng vai giám đốc ,bộ trưởng, thủ tướng , tổng thống… trong năm ,mười năm.Khi hạ màn thì ta lại là thường dân.Nếu ta cố chấp vào cái vai đó,ta tưởng nó là thật,nó là vĩnh viễn thì khi mất nó,ta sẽ rất đau khổ.
    Hoà Thượng Tuyên Hoá có giảng: “Bỏ gốc chạy theo ngọn,lấy giả cho là thật, chính là nhận giặc làm con.Kẻ đó không thức tỉnh, vẫn còn sống trong mộng và tham luyến cảnh giới của chiêm bao”. Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình đang sống trong một giấc mộng lớn như giấc mộng Nam Kha trong chuyện ngụ ngôn Việt Nam hay không? Có bạn sẽ phản đối liền. Vô lý !Nếu tôi đang mộng,tại sao tôi véo vào thịt thì biết đau,tôi đập tay lên mặt bàn thì thấy cứng, tôi tiếp xúc với  mọi  người và có  những  cảm  xúc vui ,buồn, giận, ghét…Thậm chí khi tôi khóc thì nước mắt tôi chảy.Làm sao nói là giả được?Vậy tôi hỏi bạn,ban đêm bạn đang ngủ trên giường và mơ thấy một  ác mộng, bạn sợ hãi tột cùng và khóc,sáng dậy bạn thấy gối của bạn ướt.Như thế là trong giấc chiêm bao,bạn cũng thấy tất cả đều thật như cuộc đời bạn đang sống vậy.Nếu bạn biết đó là giả thì bạn đã tỉnh rồi !
         Chính vì thế mà,Kinh Kim Cang kết thúc bằng bốn câu kệ rất quan trọng:
        “ Nhất thiết hữu vi pháp          tạm dịch là      “Tất cả các pháp hữu vi
           như mộng ,huyễn ,bào,ảnh                             như mộng,giả,bọt, bóng
           như lộ diệc như điển                                       như sương cũng như điện chớp
           ứng tác như thị quán”                                     nên khởi quán như thế”
“Hữu vi” là tất cả những gì có tướng mạo nên đều vô thường và sanh diệt.
Tất cả các pháp hữu vi đều như giấc mộng,đều giả hợp như bọt nước trên đường khi mưa rơi,như bóng người và vật in trên tường trong ánh nắng mặt trời,như giọt sương trên hoa lá lúc ban mai cũng như luồng điện xẹt do sét đánh khi sắp mưa.
Ta hãy thường xuyên nên nghĩ cuộc đời là như vậy. Có đó mà cũng không đó , “sắc sắc không không ! Trên đời này,đâu có gì là bền vững,đâu có gì là bất biến.
Quán như vậy,ta mới hàng phục được Tâm,mới an trụ được Tâm.
         Thường khi chiêm bao thấy một giấc mộng đẹp,ta muốn nó dài ra.Ngược lại,khi gặp một ác mộng,ta muốn tỉnh giấc cho mau.Chính vì thế mà những người đang sống sung sướng với đầy đủ tiện nghi vật chất thường không nghĩ đến việc tu hành. Xét cho cùng, trên đời này,có gì là chắc chắn đâu?Ngay cả nền nhà,mặt đường mà chúng ta  tưởng là cứng chắc khi đi, đứng trên đó có thể nứt ra khi bị động đất,gần đây lại xuất hiện những hố địa ngục ở nhiều nơi,đặc biệt ở Trung Quốc.Trước các thiên tai như bão tố,sóng thần ,lũ lụt,núi lửa phun,cháy rừng,động đất,thiên thạch,dịch bệnh…ta thấy mình quá nhỏ bé.Khi có dịp ngồi trên máy bay và nhìn xuống đất,ta thấy nhà cửa,xe hơi chẳng khác đồ chơi trẻ em còn con người thì nhỏ như con kiến. Ngoài ra,trên trái đất này,có nơi nào thực sự là an toàn khi mà ngoài những thiên tai kể ở trên, loài người lại còn gây khủng bố,chiến tranh để sát hại nhau?
Tất cả những gì mình tưởng là của mình,là chắc chắn,là mãi mãi bền vững có thể sụp đổ,biến mất chỉ sau một đêm.Do đó,trong kinh Pháp Hoa,Đức Phật mới ví thế gian này như một căn nhà đang bốc cháy mà con người cứ vui đùa trong đó như những trẻ nít.Theo lịch Maya,ngày tận thế (Doomsday) là ngày 21/12/2012 khi một thiên thạch khổng lồ va mạnh vào trái đất của chúng ta.Nghe như vậy,chẳng lẽ chúng ta không có một phản ứng nào sao? Riêng tôi thì dù tin này đúng hay là sai thì đây cũng là lời cảnh báo cho loài người và khuyên mọi người hãy thương yêu nhau, “ăn hiền,ở lành” vì chỉ có phước đức mới giúp con người tai qua, nạn khỏi.Đứng trước thiên tai,dịch bệnh,chiến tranh,ta không làm gì được cả nhưng cái mà ta có thể làm,đó là trên chính bản thân ta.Ta có thể tu nhân ,tích đức để có thể làm nhẹ bớt nghiệp báo mà đáng lẽ chúng ta phải trả, như tổ tiên chúng ta thường nói “Đức năng thắng số”. Vô Ngã là vô ngã trên mặt tuyệt đối nhưng Giả Ngã là giả ngã trên mặt tương đối. Tương đối và Tuyệt đối là hai mặt của một thực tại. Sống trên đời, dù mê vọng, huyễn hoá, tương đối, chúng ta phải có bổn phận  tránh làm các điều ác,nên làm các điều lành vì “nhân giả nhưng cũng có quả giả” và  nghiệp báo sẽ theo ta như bóng với hình ngay trong giấc mộng . Để áp dụng trong việc sửa mình cho thật tốt, chúng ta nên nhớ lời một Bậc Thầy Mật Tông đã dạy:
     “Hãy  luôn luôn nhận thức rõ ràng tính mộng huyễn của cuộc đời để giảm bớt luyến ái và thù ghét.Hãy có tâm tốt đối với mọi loài,có tâm thương xót bất kể kẻ khác đối xử  với bạn ra sao.Những gì người khác làm đối với bạn không quan trọng khi bạn xem như mộng huyễn.Cái chính là bạn phải có những ý định tốt trong giấc mộng.
Đây là điểm cốt yếu. Đây đích thực là Tu Tâm”.
     2/ KHÔNG NÊN CHẤP NGÃ=Đức Phật khuyên chúng ta không nên xem cái “chính mình” là có thật vì nó gây mọi rắc rối như đã trình bày ở phần “nhược điểm của việc chấp Ngã”(III 2b); như vậy chẳng phải nó là kẻ thù của mình hay sao?
     3/ HÃY QUAY VỀ VỚI BẢN THỂ CHÂN THẬT,ĐÓ LÀ PHẬT TÁNH=Biết được cái “chính mình” chỉ là cái “ta giả”,ta sẽ quay về với cái ta “ta thật”để được hạnh phúc mãi mãi. Đó chính là Phật tánh sẵn có trong mỗi chúng ta.Chính Đức Thich Ca là người đã cho ta biết được giá trị đích thực của chúng ta bằng cách tuyên bố : “Ta là Phật đã thành,chúng sanh là Phật sẽ thành”.Tôi nhớ lại một câu chuyện ngụ ngôn về Chân Ngã trong triết học Ấn Độ: Có một sư tử cái mang bầu sắp sanh nhưng đói quá nên mon men về làng.Khi đến bờ suối,sư tử mẹ chuyển dạ và sanh ra một sư tử con.Nhưng vì kiệt sức nên sư tử mẹ đã chết ngay bên bờ suối.Một chú bé chăn dê đến nơi phát hiện sự việc bèn tri hô lên.Dân làng đến  đem sư tử mẹ đi và cho chú nuôi sư tử con.Sư tử con lớn lên trong bày dê và cứ tưởng mình là dê .Một hôm sư tử chúa đi tìm mồi,đến bên bờ suối uống nước.Thằng bé chăn dê và bày dê sợ quá trốn mất trong khi sư tử con ngơ ngác,kêu : “be,be”.Sư tử đực vừa ngạc nhiên vừa bực mình bèn đến gần sư tử con và nói : “Mày là sư tử chứ không phải là dê !” Sư tử con luôn miệng kêu: “be,be”.Sư tử chúa giận quá ngoạm vào gáy sư tử con rồi lôi sềnh sệch đến bên bờ suối ,dí mặt nó sát dòng nước và nói: “Hãy nhìn kỹ lại xem mày là ai?”Sư tử con soi mặt mình và gầm lên một tiếng.Chúa sơn lâm đã hiện hình!
     Câu chuyện trên đây muốn nói là mỗi chúng ta  thuộc dòng dõi Phật nhưng chúng ta cứ tưởng mình là chúng sanh.Chúng ta không hề biết hoặc không dám tin điều này giống như sư tử con cứ tưởng mình là dê cho đến ngày được sư tử chúa cho biết điều đó cũng như Đức Phật chỉ cho chúng ta biết chân giá trị của mỗi chúng ta vậy.
     Có người thắc mắc bảo rằng tại sao tôi lại không thấy được Phật Tánh? Đây là một điều rất khó vì Phật Tánh vô tướng và tuyệt đối nên ngay cả Đức Phật cũng không thể dùng ngôn từ để diễn tả được,mà chỉ có thể dùng cách  gián tiếp như “ngón tay chỉ mặt trăng”.Bạn có bao giờ nhìn  trực tiếp được khuôn mặt của bạn không? Bạn phải dùng tấm gương soi thì mới thấy được bóng của nó,phải không? Soyal Rinpoche,một bậc Thầy Tây Tạng của thế kỷ XX nêu ra 4 “lỗi” khiến ta khó thấy Phật Tánh mà ngài gọi là “Tự tánh Tâm”:
    “Tự tánh quá gần gũi đến nổi ta khó nhận ra,
      Nó quá sâu xa nên ta khó dò cho thấu,
      Nó luôn luôn có mặt hiện tiền nên quá dễ khiến ta không tin nổi,
      Nó quá bao la nên ta không dung chứa  nổi”.
Những phân tích này của Soyal Rinpoche khiến chúng ta nhớ đến Lục Tổ Huệ Năng (638-713).Khi được Ngũ tổ khai thị,ngài hân hoan thốt lên những lời nói về Tự tánh Tâm: “ Đâu ngờ Tự tánh vốn tự thanh tịnh,
            Đâu ngờ Tự tánh vốn không sinh diệt,
            Đâu ngờ Tự tánh vốn tự đầy đủ,
            Đâu ngờ Tự tánh vốn không dao động,
            Đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp”.
Nói như trên,chắc các bạn vẫn còn thấy mơ hồ; vậy tôi dẫn thêm lời thiền sư Bankei (1622-1693).Trong quyển Tâm bất sinh,Ngài đã chỉ một cách rõ ràng hơn để chúng ta có thể nhận ra Tâm Phật nơi chính mình:
“Cái Tâm Phật mà quý vị có từ lúc mới sanh thật sự là bất sinh và chiếu sáng một cách kỳ diệu.Bằng chứng về điều này là trong lúc tất cả quý vị đang lắng nghe tôi nói mà ngoài kia có tiếng quạ kêu,tiếng chim se sẻ chíp chíp,tiếng gió xào xạc…mặc dù không cố tình phân biệt những âm thanh ấy nhưng quý vị vẫn nhận ra và phân biệt được từng tiếng,đây gọi là nghe với Tâm bất sinh…
  Cái bất sinh đó là suối nguồn của mọi sự,là khởi điểm của mọi sự.Ở đây không có vấn đề diệt vì cái gì không được tạo tác thì cũng không bị huỷ hoại,do đó khi nói bất sinh thì đương nhiên cũng bất diệt…
   Cái mà chư Phật quá khứ chứng được chính là Tâm bất sinh và cái mà chư Phật vị lai chứng cũng là Tâm bất sinh.Ngày nay chúng ta đang ở thời mạt pháp, nhưng chỉ  cần một người an trú trong Tâm bất sinh thì Chánh pháp cũng được phục hưng rồi…
  Hãy nhận ra  một cách dứt khoát rằng Cái không sinh và đang chiếu sáng kỳ diệu ấy đích thực là Tâm Phật.An trú ngay trong Tâm ấy thì từ đây  cho mãi mãi về sau,quý vị là một bậc Như Lai sống…”
  Soyal Rinpoche phân biệt hai phương diện nổi bật của Tâm:
-Cái tâm “thông thường” (Sem) có khả năng phân biệt,có ý thức nhị nguyên(tốt-xấu, yêu-ghét, lấy-bỏ v…v).Cái tâm này chấp vào cái Ngã  nên sinh ra ham muốn,sân hận do đó tạo ra nghiệp báo,đưa đến sinh tử-luân hồi và đau khổ.
-Cái tâm “bản nhiên” (Rigpa) là cái tuyệt đối ,không dính dáng đến đổi thay và chết chóc (thường còn và không sinh diệt) “Tâm bản nhiên”không chỉ có trong tâm ta mà thôi,kỳ thực nó là bản chất của mọi sự vật,mọi hiện tượng trong vũ trụ.Soyal Rinpoche còn nói rằng tâm bản nhiên này được gọi là “Thượng Đế”với người Ky Tô và Do Thái giáo, “Đại Ngã”với người Ấn Độ giáo  và “Phật Tánh” với Phật Tử.
   Vậy làm sao chúng ta có thể trở về với Phật Tánh?
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta rất nhiều cách thức(pháp môn)để tuỳ căn cơ của mỗi cá nhân mà ứng dụng.Người có căn cơ cao thì tu theo Đốn giáo còn người có căn cơ trung bình hoặc thấp thì tu theo Tiệm giáo.Vấn đề quan trọng trong Đạo Phật là phải thực hành chứ không phải chỉ lý thuyết suông vì chúng ta không thể dùng Trí phân biệt để “thấy”Tánh được mà phải “thấy-biết” bằng Trí Tuệ(còn gọi là Trí Bát Nhã).Cách thức căn bản trong Phật giáo nguyên thuỷ là dựa trên Giới,Định,Tuệ.
-Giữ giới là để không gây thêm nghiệp ác,để cho cuộc sống không bị xáo trộn,do đó ta sẽ yên ổn,dễ tu hành.
-Định là tâm không bị dính mắc bởi những cảnh bên ngoài và không bị vọng động bởi những tạp niệm bên trong.Muốn có chánh định phải có chánh niệm,mà muốn có chánh niệm thì phải thực hành Tứ niệm xứ.
-Tuệ là sự thấu suốt lẽ thật của mọi sự vật trong con người chúng ta cũng như trong vũ trụ, như tấm gương trong sáng phản ánh trung thực mọi sự “như nó là”(as it is) không thêm,không bớt.Vậy Tuệ là sự Tỉnh giác.
    Chúng ta có thể lấy ví dụ một ly chứa đầy nước đục lấy từ một ổ gà sau cơn mưa.Nếu để một mảnh giấy có ghi một dòng chữ ở một bên thành ly thì ta không thể nào thấy được gì xuyên qua nước đục từ thành ly đối diện.Chúng ta không nên lắc cái ly hoặc lấy que quậy trong ly ,như vậy ví như “không giữ giới”; như thế chúng ta càng  không thể thấy được gì xuyên qua nước đục ngầu.Trái lại,ta nên để ly nước ở yên một chỗ trong nhiều giờ thì đất cát sẽ lắng xuống đáy ly tượng trưng cho“Định”.Cuối cùng,khi nước trong ly đã trở nên trong suốt thì ta sẽ thấy dòng chữ rõ mồn một xuyên qua thành ly,điều này ví cho “Tuệ”.  Đây chính là nguyên lý cơ bản của Thiền định và là cách thức đã giúp Đức Thích Ca  giác ngộ dưới cây Bồ Đề,thấu rõ mọi lẽ huyền vi của Trời đất,giải thoát vĩnh viễn khỏi sinh tử-luân hồi.                            Phật khác chúng ta ở chỗ Ngài tỉnh  24/24 còn chúng ta là người đang còn mê ngủ, “mở mắt mà chiêm bao”.
 
    4/TA LÀ NGƯỜI QUYẾT ĐỊNH VẬN MỆNH CỦA CHÍNH TA.
      Cuộc đời như tấm gương phản chiếu vì khi mình giơ nắm đấm lên thì trong gương cũng giơ nắm đấm lại, còn nếu mình cười thì trong gương cũng cười lại.Luật nhân quả trong Đạo Phật thì quá rõ ràng nhưng ta phải hiểu định luật này theo 3 thời:quá khứ,hiện tại,vị lai vì nhân gieo xuống thì phải đủ duyên thì quả mới trổ.Chúng ta đừng thấy những gì diễn ra trước mắt mà vội kết luận là luật nhân quả không đúng,là “Trời không có mắt”.Teilhard de Chardin, nhà thần học nổi tiếng của Pháp, đã nói là tại sao chúng ta đều công nhận có những định luật về vật lý trong vũ trụ trong khi chúng ta lại không tin có những định luật về luân lý ,về đạo đức trong thế giới tinh thần.Trong Đạo Phật có một câu rất hay:
“Muốn biết kiếp trước người đó như thế nào thì hãy xem kiếp này của họ,
  Muốn biết kiếp sau người  đó  thế nào thì cũng xem họ sống ra sao trong kiếp này”.
Vậy ta là chủ vận mệnh của mình, hạnh phúc hay đau khổ là do chính ta quyết định, chứ không  do bất cứ một ai khác,một đấng nào khác.
        Đạo Phật là một Đạo khó nghe.Không phải ai cũng có đủ duyên phước,đủ căn cơ để chấp thuận.Làm sao một người bình thường lại có thể chấp nhận ý tưởng:Ta là giả,đời chỉ là giấc mộng?Người xưa nói:“Thuốc đắng thì giã tật,lời thật thì mất lòng”.
Làm thiện là điều tốt rồi nhưng đừng có chấp vào cái Thiện đó mà phải vượt lên trên cái Thiện,phải tu Huệ chứ không phải chỉ tu phước. Đa số người theo Đạo Phật bây giờ là tu phước,chỉ có ít người tu Huệ.
Tu phước là không làm việc ác,thường làm việc thiện với mục đích  hưởng được những quả báo nhân thiên.Có phước đức, hưởng được bao nhiêu quả tốt nhưng người đó vẫn còn trong vòng sinh tử luân hồi như học giả Nguyễn Duy Cần đã nói :Dây xích dù bằng vàng cũng vẫn là xich để trói buộc con người tựa như lồng vàng cũng vẫn là ngục tù của chim.Vấn đề là phá bỏ dây xích hoặc lồng vàng để thoát khỏi ngục tù.Chính vì thế mà Đức Phật khuyên chúng ta  nên tu Huệ để thoát khỏi ngục tù “Tam giới”.Có như vậy,ta mới làm chủ được Tham,Sân,Si trong chính mình,làm chủ được Sinh Tử-Luân hồi và nếu ta có tái sinh thì đó là do nguyện chứ không phải do nghiệp.
Đức Phật có nói một câu bất hủ: “Thắng vạn quân thù ngoài sa trường không bằng thắng chính mình.Thắng được chính mình mới là chiến  công oanh liệt nhất”.
5/ TRUNG ĐẠO “ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG”
       Đây là bài học quan trọng nhất nhưng lại cao nhất và khó hiểu nhất.
Đa số chúng ta chấp vào Ngã nhưng có một số ít lại chấp vào Vô Ngã.Họ nghĩ rằng Phật nói vạn pháp do duyên hợp nên không có gì là thật cả ,chết là hết mà thì dại gì mình không hưởng thụ bằng mọi cách,kể cả việc giết hại người khác .Đời chỉ như giấc chiêm bao,không có linh hồn,không có nghiệp báo,có gì mà phải sợ.Nhưng họ phải hiểu rằng mỗi người đều có thần thức như đã trình bày trong phần trên(III-3). Nếu có nhân “ giả” thì cũng có quả “giả” và trong mộng họ vẫn phải trả những quả báo này,họ vẫn phải nếm mùi đau khổ trong cảnh mộng,không chạy đi đâu được cả.
Khi thuyết về lý Vô Ngã,Đức Phật không muốn chúng ta chấp vào Không vì như vậy,còn tệ hơn chấp vào Có, mà ngài chỉ muốn chúng ta thấy đúng  bản chất của Ngã để đừng bị dính mắc.Khi thấy được bản chất của sự vật là duyên khởi thì ta thấy nó không có tánh chân thật, là có hay là không.Do đó,chúng ta không chấp vào có Ngã và cũng không chấp vào Vô Ngã,sự không chấp này được gọi là Trung Đạo,còn gọi là “Đệ nhất nghĩa Không”.Trung Đạo nghĩa là “không Có cũng không Không”.
     Trung Đạo không có nghĩa là tổng hợp giữa cái Có và cái Không,mà là sự siêu việt khỏi thế giới khái niệm. Trung Đạo không có nghĩa là trung gian giữa sự Có – Không,Thường-Đoạn,Sanh-Diệt,Khổ-Vui mà có nghĩa là vượt lên khỏi các cực đoan ấy, ra ngoài vòng tương đối sai biệt để hiển lộ thể Chân Không Diệu hữu,dứt bặt sự suy nghĩ và lời nói.Thực tại vượt thoát bốn ý niệm:Có,Không,Thường,Đoạn.Đây là lý Bất nhị trong kinh Duy Ma Cật. Ý nghĩa siêu việt trong Trung Đạo  là thái độ vô chấp,vô trụ,tức là không bị lệ thuộc vào một định kiến nào,không bị đóng khung trong một phạm trù tư tưởng nào.Trung Đạo là làm mà không bị dính mắc vào Có và Không: Cần dùng Ngã để phấn đấu,để cạnh tranh cho khoa học được tiến bộ hơn,cho đời sống được ấm no hơn nhưng không nên bị kẹt vào cái Ngã đó để chỉ nghĩ đến bản thân mình mà nên ứng dụng Vô Ngã để xoá bỏ ranh giới giữa ta và người,để thêm bạn bớt thù,để đem lại hạnh phúc cho mọi người trên thế gian này.
     Đạo Phật có câu “Tuỳ duyên mà bất biến” nghĩa là tuỳ trường hợp mà ta xử trí nhưng vẫn giữ vững lập trường giải thoát sinh tử và cứu độ chúng sanh.Do đó, có khi người đó làm chuyện như phạm giới vậy nhưng thật ra mục đích để hoá độ,để cứu giúp người khác.Tế Công Hoà Thượng ra đời để phá cái chấp tướng của con người. Tuy nhiên,có những kẻ dựa vào chuyện đó để làm những việc bất chính rồi nói là mình phá chấp.Đạo Phật rất dễ bị kẻ ác lợi dụng để nguỵ biện cho những hành vi xấu xa của họ.Do đó,chúng ta phải cảnh giác đừng để bị mắc lừa.

Không có nhận xét nào: